Tự nhiên lại cứ ám ảnh mãi một câu hỏi trên blog của tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện: Tại sao ẩm thực người Huế cái gì cũng nhỏ, trong một mâm cơm, mâm cỗ, đĩa nhỏ bát nhỏ tô nhỏ và các món ăn cũng rất nhỏ, rất ít mà cái khoanh giò trong tô bún bò nổi tiếng lại... to thế?
Vân vi nghĩ rồi lại bật ra tiếp một câu hỏi: Tại sao người Hà Nội lại hay... ngậm tăm đi ngoài đường làm vậy. Và tự đấy bật ra câu tiếp theo: Tại sao người Hà Nội lại hay hành hạ nhau bằng lối ăn sáng rất vất vả, ngồi xổm, chen chúc, quát mắng, xếp hàng...
Nhớ cái thời đói kém bao cấp ở Huế, chúng tôi hay đi ăn bún sinh viên ở quán cầu Kho Rèn. Ấy là một cái quán lụp xụp, bàn nhỏ, ghế nhỏ, tô nhỏ, cái gì cũng nhỏ... nhưng cái mà chúng tôi mong là ước gì chị chủ quán... lỡ tay bỏ vào tô bún cho chúng tôi khoanh giò to nhất. Thực ra hồi ấy cũng chả có giò nhiều đâu, phần nhiều là một lát thịt mỡ bèo nhèo, thường là thịt bụng, dài khoảng ngón tay, mỏng như lưỡi dao bài, thế mà trời ơi, cắn vào một cái, như là gặp thiên đường, răng lợi lưỡi họng run rẩy hết. Hồi ấy tô bún Huế nhỏ đến mức, phần lớn sinh viên chúng tôi, kể cả nữ, ăn một lần hai tô, mà đã hai tô thế rồi mà vẫn thòm thèm, có chàng còn chơi thêm một ổ mì (cũng nhỏ xíu) nữa. Thời bao cấp đói kém nhiều thứ biến đổi theo hướng lấy lượng bù chất, lấy no làm đầu, hương hoa tinh tế trở nên phù phiếm.
Sau này đi xa, lâu lâu về Huế, lạ cái là mọi thứ trở về như cũ, trừ... tô bún. Thực ra thì không phải tất cả các tô bún Huế bây giờ đều kèm theo một tảng thịt mỡ hoặc khoanh giò tổ bố như thế giữa cái thời buổi mà người người ăn kiêng bây giờ, người Huế sở tại vẫn có những quán nhẹ nhõm thanh cảnh của mình, trừ mấy quán chuyên bán cho khách du lịch đi trên xe nhiều chỗ trên đường Lý Thường Kiệt. Ở đây tô bún vẫn vạm vỡ như dành cho thợ cày hồi cuối thế kỷ trước, đã thế phục vụ lại rất kém, gần như thời bao cấp ở... Hà Nội vậy. Tôi vào một lần rồi cũng chạy mất dép. Anh Nguyễn Xuân Diện bây giờ mà có đến Huế nữa thì cạch mặt cái quán bún ấy ra, đến các quán khác sẽ gặp đúng bún Huế thanh cảnh với những viên giò cua như viên kẹo bi lập lờ trong nồi nước dùng, những lát bò tái mềm đến không thể mềm hơn, hồng đến không thể hồng hơn và khoanh giò của con lợn tháu mang đúng chất Huế, dịu dàng và nhẹ nhõm, như cái tiếng dạ nao lòng của chị chủ quán: Dạ chú dùng chi?
Hôm ngồi nhậu với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và đạo diễn Hoàng Lâm ở Pleiku, tôi tả cái cảnh người Hà Nội, có cả rất nhiều nhan sắc váy áo thướt tha, đẹp ngẩn ngơ như mùa thu Hà Nội, nhiều công tử xe hơi đồ hộp, mà hồn nhiên ngậm tăm nghênh ngang giữa phố, Hoàng hô hố cười còn Lâm nhăn mặt như thể chính y đang... xỉa răng. Tôi nói với Hoàng, tôi là người sống ở nhiều nơi nên có thể trung gian giải thích việc này khả dĩ nhất. Đứng về mặt dịch vụ phục vụ con người thì miền Nam giỏi hơn miền Bắc. Nhớ cái hồi mới giải phóng, cái xe đạp mang từ Sài Gòn ra rất lạ mắt với người Bắc. Người miền Bắc lúc bấy giờ đi xe, chủ yếu là Thống Nhất Việt Nam, Phượng Hoàng Trung Quốc, Diaman Đức, Phavorit Tiệp thì đều nằm bò ra mà đạp, dáng rất khổ sở và lao công, đúng phương châm lao động là vinh quang. Còn cái xe từ Sài Gòn xuất hiện thì nó lại cho con người ngồi thẳng lưng, chả phải cúi gì cả, ghi đông rất cao và yên thấp, tạo ra cái dáng rất kiêu hãnh và đài các nhàn nhã của con người. Cũng như thế, người miền Nam bây giờ ra Hà Nội ăn sáng rất khó chịu vì phải sang hàng khác uống nước. Và đây là nguyên nhân chính của việc... tăm liền miệng ngoài đường. Nếu như các quán ăn phục vụ như ở phía Nam, ăn xong bao giờ cũng có bình trà miễn phí, dẫu là trà nhạt, thì khách sẽ thảnh thơi ngồi, xỉa răng, uống nước xong rồi gọn ghẽ đi. Đằng này quán thì lụp xụp và nhỏ, ăn chưa xong đã có người chực ngồi vào, thậm chí là giằng lấy cái tô vừa ăn, thì đúng là chỉ kịp ngậm tăm rồi nhao ra đường tìm quán nước trà. Quán trà không có tăm nên phải ngậm cái tăm ấy, lâu dần thành quen. Một số cơ quan ở gần thì chạy thẳng về cơ quan pha trà uống, cũng ngậm tăm phóng xe. Nếu để ý thì công chức phía bắc và phía nam cũng "chào buổi sáng" khác nhau. Phía bắc xơi quà sáng hay kèm ly rượu rồi về cơ quan pha trà vừa uống vừa... "báo cáo tình hình" từ gia đình cho tới thế giới trước khi ngồi vào bàn làm việc. Phía Nam thì ăn sáng xong uống trà nhạt tại chỗ, sau đó vào quán cà phê và cũng... "kiểm điểm tình hình", đến nỗi đã có mấy chủ tịch tỉnh thành phải ra những cái lệnh nghiêm cấm công chức ngồi cà phê trong giờ hành chính, mấy anh đài truyền hình vác máy đi quay làm công chức giấu thẻ chạy ràn rạt...
Nghĩ mãi nữa thì thấy có vẻ cả chuyện khoanh giò ở Huế và cái tăm Hà Nội nó liên quan đến thời bao cấp. Thời bao cấp ấy nó khiến con người cù đày đi, con người tự hành hạ nhau và con người khốn nạn khốn khổ vì nhu cầu vật chất, lấy cái sự to nhiều làm trọng. Một thời phong kiến đói kém có ông đồ chỉ ăn khoai luộc trừ bữa, nhưng bao giờ sau bữa ăn cũng ngậm cây tăm đi khắp làng ung dung xỉa để "báo cáo" rằng ta mới ăn, không phải khoai, khoai không cần xỉa răng, chỉ chiêu ngụm nước là nó chuội hết, phải ăn thịt thì mới xỉa răng. Cũng như thế, tôi tin chắc chắn là mấy cái quán gọi là bún Huế trên đường Lý Thường Kiệt khi dọn bát đũa của khách đều thấy những tảng giò khoanh tổ bố kia bị bỏ lại, nhưng họ vẫn làm, vì... oai, giải quyết khâu oai, một thói quen của thời đói kém.
Ôi cái thói quen khốn khổ của một thời...
--------------
Sau khi đọc bài này thì nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ có thư cho tác giả như sau:
Bác lý giải thói quen ngậm tăm của người Hà Nội đúng kiểu... nhà thơ thời bao cấp. Các nhà nghiên cứu văn hóa mà đọc họ kiện cho bác mất chức... nhà thơ đó. Sự thực thì thói quen ngậm tăm không phải bắt đầu từ thời bao cấp hay cách thức bán hàng của người Hà Nội, mà nó là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp. Người Việt ta hàng ngàn năm chỉ ăn toàn rau củ quả (chất sơ) nên hay bị thức ăn dắt răng, cần phải dùng tăm để xỉa. Vì thế hiện nay ở nông thôn vẫn còn rất nhiều người ăn xong ngậm tăm (chắc chắn không phải vì để "khoe" vừa ăn xong hay chưa tìm thấy quán bán nước); nhiều người còn có thói quen xỉa xong thì gài tăm lên tai để tái sử dụng. Hiện tượng "người Hà Nội" ngậm tăm ra đường nhiều nhất nước đơn giản bởi Hà Nội là "Trung tâm nhà quê của nhà quê" - lời của giáo sư tiến sĩ triết học Nguyễn Tĩnh Gia. Những công dân Hà Nội ngậm tăm là những người giữ được đậm đà bản sắc dân tộc đó bác.
Văn minh bàn chải thực sự mới có ở Việt Nam ta từ khi có người Pháp nhảy vào. Người Việt cấp tiến ở đô thị háo hức tiếp nhận, nhưng số đông vẫn chung thủy với phương thức làm sạch răng miệng theo cách truyền thống. Hình ảnh những ông nghị, hào lý, giáo làng... trong các tác phẩm văn học thời 30 - 45 ngậm tăm rất phổ biến. Thậm chí chiếc tăm còn là một hình tượng (tăm bông) văn học cơ đấy!
Chuyện cái tăm với thói quen người Việt không chỉ là chuyện văn hoá, mà còn mang ý nghĩa... chính trị nữa đấy. Cua nhớ năm 85 - 86 gì đó, Anh Cả CCCP có viện trợ cho ta một lô hàng toàn bàn chải đánh răng, phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ, học sinh giỏi... nhưng người Việt ta không mấy mặn mà. Là bởi bàn chải mềm oặt (nghe nói làm bằng lông lợn đại bạch), sao mà làm sạch răng bằng tăm tre Việt Nam! Sau được giải thích, người Tây ăn uống toàn chất tinh nên răng họ rất khít và phẳng, bàn chải chỉ để "lau răng" thôi nên nó cần mềm. Thế là mấy bác ở quê nhảy thách lên, ô, hóa ra CCCP họ xỏ mình à? Họ chê dân ta ăn uống kém khoa học, mất vệ sinh à? v.v... Rút kinh nghiệm từ vụ này, các nhà sản xuất bàn chải đã nghiên cứu thực tiễn để tung vào thị trường Việt Nam những loại bàn chải cứng như... tăm! Tất nhiên cũng chỉ đáp ứng được việc vệ sinh răng miệng cho những cư dân mới với chế độ ăn uống nhiều tinh ít thô, chứ còn người lấy rau sắn làm món khoái khẩu như... bác và em thì tăm vẫn là muôn năm! Tuy nhiên em chưa "được" chụp ảnh khi đang ngậm tăm để đưa lên mạng như bác, kha kha!
Văn minh bàn chải thực sự mới có ở Việt Nam ta từ khi có người Pháp nhảy vào. Người Việt cấp tiến ở đô thị háo hức tiếp nhận, nhưng số đông vẫn chung thủy với phương thức làm sạch răng miệng theo cách truyền thống. Hình ảnh những ông nghị, hào lý, giáo làng... trong các tác phẩm văn học thời 30 - 45 ngậm tăm rất phổ biến. Thậm chí chiếc tăm còn là một hình tượng (tăm bông) văn học cơ đấy!
Chuyện cái tăm với thói quen người Việt không chỉ là chuyện văn hoá, mà còn mang ý nghĩa... chính trị nữa đấy. Cua nhớ năm 85 - 86 gì đó, Anh Cả CCCP có viện trợ cho ta một lô hàng toàn bàn chải đánh răng, phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ, học sinh giỏi... nhưng người Việt ta không mấy mặn mà. Là bởi bàn chải mềm oặt (nghe nói làm bằng lông lợn đại bạch), sao mà làm sạch răng bằng tăm tre Việt Nam! Sau được giải thích, người Tây ăn uống toàn chất tinh nên răng họ rất khít và phẳng, bàn chải chỉ để "lau răng" thôi nên nó cần mềm. Thế là mấy bác ở quê nhảy thách lên, ô, hóa ra CCCP họ xỏ mình à? Họ chê dân ta ăn uống kém khoa học, mất vệ sinh à? v.v... Rút kinh nghiệm từ vụ này, các nhà sản xuất bàn chải đã nghiên cứu thực tiễn để tung vào thị trường Việt Nam những loại bàn chải cứng như... tăm! Tất nhiên cũng chỉ đáp ứng được việc vệ sinh răng miệng cho những cư dân mới với chế độ ăn uống nhiều tinh ít thô, chứ còn người lấy rau sắn làm món khoái khẩu như... bác và em thì tăm vẫn là muôn năm! Tuy nhiên em chưa "được" chụp ảnh khi đang ngậm tăm để đưa lên mạng như bác, kha kha!
Còn đây là tôi trả lời Thuỵ:
Đúng là một luận văn hàng tiến sĩ về... tăm. Tớ thấy một bác nọ có cái tăm rất lạ, to kềnh càng, bác này đang ăn rút ra xỉa xong lại... đút vào túi ngực sau khi cẩn thận... ngửi một phát. Nhìn chung, về bản sắc nông thôn thì anh không dám cãi với chú, anh chỉ học chú thôi, vì thế những điều chú viết là chân lý.
Hồi xưa tớ sống với một thằng, thi thoảng ông già lại vót tăm gửi vào cho nó. Tăm nước hai, tức là không phải cật, không phải ruột, vót đều tăm tắp, xong hấp nước sôi, để vào lọ... không xỉa cũng muốn... ngậm đi ra ngoài đường.
Hồi xưa tớ sống với một thằng, thi thoảng ông già lại vót tăm gửi vào cho nó. Tăm nước hai, tức là không phải cật, không phải ruột, vót đều tăm tắp, xong hấp nước sôi, để vào lọ... không xỉa cũng muốn... ngậm đi ra ngoài đường.
16 nhận xét:
Lại tuyệt nữa bác ạ. Bái phục! Bái phục! Đúng là chỉ có con mắt của người chịu khó quan sát, tìm tòi, chịu đi và thẩm thấu mới phát hiện ra những điều thú vị đến thế mặc dù nó là rất nhỏ, tưởng chừng như rất bình thường nhưng hóa ra đó lại là bản sắc của cả một vùng miền.
@ Nguyễn Minh Tuấn:
Thank chú.
Ngày trước em thích vợ em chỉ vì nó đút vào túi đít quần bò của nó một vốc tăm lấy ở quán phở, đi quay buổi trưa ăn cơm bụi ở Chèm xong đàng hoàng lấy ra "khều", mà em cũng ko thích mấy cái bàn chải mềm oặt tí nào, vừa vô tích sự lại vừa cóc ... ngửi được. Hehehe
@ Hoàng Lâm:
Hôm qua hay kia gì đấy vừa "phải" xem một cái phim về rắn của các chú làm, thế nên cũng bắt chước đưa 1 sơ ri ảnh rắn lên blog vnweblogs cho bà con khiếp chơi.
Lịch sử tình yêu nhân loại sẽ ghi thêm một hình thức yêu mới: Yêu vì... tăm. Mà tăm lại đút vào túi đít quần nữa, hehe, nghiện là đúng. Sau này vợ chồng chú lập bàn thờ... tăm nhé.
Hehe, thế thì nhà em còn phải thờ chân gà TQ, sườn nướng kiểu Nga, rắn Lệ Mật... nữa vì bọn em toàn thích ăn chứ chả thích đi chơi. Hôm kia em vừa gửi thêm Giả cổ lam để bác tiếp khách Tết. Hehe
@ Hoàng Lâm:
Ui, lại gửi nữa à, áy náy quá. Dưng mà phải nói thật với chú là nhờ cái món Giảo cổ lam ấy mà anh còn dám mạnh miệng uống éo với bạn bè. Nó rất tốt khi ta yếu mà vẫn phải nhậu, hehe. Lại cứ phải khách sáo mà cám ơn chú thôi.
Vợ chồng chú toàn thích những thứ dân dã nhể...
Tôi là người HN gốc, đọc bài này thây rất xác đáng.Có tính châm biếm hài hước nhưng không mất lòng người đọc Tôi ko biết bác Hùng, nhưng như vậy theo tôi bác Hùng là người có cái nhìn sâu sắc, đi nhiều, thẩm thấu nhiều để có sự chọn lọc đúc kết tinh tế khi nhìn nhận một vấn đề. Tôi có đọc bài viết của TS Diện về bún bò Huế. Vì tôi công tác ở Huế lâu năm nên Tôi không thích bài của TS Diện, theo tôi TS Diện mới chỉ nhìn thấy bề ngoài, chưa thấy dc sự tinh tế, chưa phân biệt được cái mới cái cũ, đọc bài của bác Diện cứ có cảm giác bác ấy cay cú cái gì đó về Huế.
TS Diện nên đọc sách dạy nấu ăn của bà Hoàng Thị Kim Cúc, người trong thơ của HMT. Để thấy được sự tinh túy của bún bò Huế. Theo bà Cúc thịt nấu bún bò là thịt con heo cỏ, mỗi miếng chặt để nấu nước dùng kích thước 2-3 lóng ngón tay, đây là ngón tay của bà Cúc????. Miếng thịt mà TS Diện xơi là miếng thịt đã bị biến tướng để tiếp đón các quý khách du lịch từ xa tới và biến tướng sau bao năm XHXN đúng như nhà thơ Hùng nói. "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn".TS Diện cần thời gian để "cảm" và "nhận" nhiều hơn.Cũng như đọc bài này thấy đẳng cấp NT VCH khác với đẳng cấp cảm thụ của TS Diện.Thân.
ỐI bác Nặc danh ơi, yêu nhau như thế bằng mười hại nhau bác ơi. Tôi rất kính trọng sở học và cả tính cách của TS Diện dù tôi với anh ấy mới chỉ gặp nhau vài lần và cũng mới chỉ kịp bắt tay nhau. Còn cái vụ bún Huế, thì cũng là mỗi người mỗi cách tiếp cận, mỗi cách cảm giác. Đang giữa trưa hè mà chui vào quán Lý Thường Kiệt đúng lúc dăm cái xe ca đang đỗ ngùn ngụt khách xuống thì miếng ngon mấy cũng thành hành hạ nhau, huống gì ở đấy đúng là nó bảo thủ thật. Ở Huế tôi hay bún mụ Vàng ở trước cửa báo TTH, nhưng nay mụ Vàng đã sang lại chỗ ấy rồi. Không phải quán nhé, nó chỉ là một cái gánh, mỗi buổi sáng bán một gánh, thế mà xao động cả một góc Huế vì ta sẽ gặp ở đấy gần như hết thành phần dân Huế. Cái quán gì bên sông Như Ý, phía bên này, chưa qua đập đá cũng rất Huế.
Thì phải là thổ công mới biết được chứ anh Diện lâu lâu vào Huế làm sao mà biết. Cũng như rất nhiều người phương Nam ra Hà Nội đi ăn sáng xong rồi bảo gớm phở HN có gì đâu mà cứ ca mãi.Khổ các vị ấy ra ngay cổng khách sạn, gặp hàng nào là sà vào, nhiều khi cái quán nó bán đủ thứ, có kèm phở, mỗi sáng mua năm lạng thịt bò, hai cân bành phở, nước dùng từ phích pha bột ngọt vào, rồi cũng chan chan húp húp. Loại đấy thì nó phải khác hẳn với những là Nam Ngư, Thìn, Hai Bà Trưng, Lý Quốc Sư... chứ ạ. Thế nên vấn đề là cách và lúc tiếp cận bác ạ. Đa tạ bác đã vào và còm.
Bác Hùng ạ tôi cũng thuộc diện thỉnh thoảng...ngậm tăm nghênh ngang giữa phố, đọc bài bác vẫn thấy thú vị không tự ái vì bài của bác có sự phân tích Swot kiểu ưu nhược điểm, nguyên do, cơ hội thách thức...hehehe rồi đưa ra kết luận. Cứ theo cảm nhận của tôi, tôi ngậm tăm là do ở Hà "Lội" có văn hóa ..ngậm tăm. Rất thuyết phục. hahaha , mấy cái vụ swot này đề tài luận văn các TS thường làm nhưng đôi khi các bác ấy không ứng dụng để hành văn, nay lại thấy có mô hình này trong ông nhà thơ. Tôi là dân kỹ thuật nên thích- không thích rõ ràng bác thông cảm. Bác Diện viết về Ca trù rất hay nhưng cái vụ này theo tôi chưa ổn.Nói thật với bác Hùng vì link một số bài qua blog bác Diện mới tình cờ vào trang của bác. Sau bài này tôi hứa với bác và tự nhủ với lòng sẽ không ngậm tăm tung tăng ngoài đường, nhưng khi về nhà rình mọi người đi vắng sẽ lại...ngậm tăm cho đỡ ghiền.hahaha. Chúc bác khỏe.
@ Bác Nặc Danh:
Vâng, đa tạ bác, bác cứ tranh thủ khi... chưa có luật cấm ngậm tăm thì ngậm cho nó đỡ ghiền, cả tôi cũng vậy, ăn xong bao giờ cũng phải với tay lấy lọ tăm. mấy lần sang nước ngoài đến là khổ với món quốc hồn quốc tuý này, sau rút kinh nghiệm, cử hẳn một người phong cho là phó đoàn chỉ chuyên phụ trách món... tăm.
Hì hì...Lâu lâu vào đọc bài này. Thấy các bác bình luận rất vui. Tôi chỉ biết dựa cột hóng chuyện, chứ thực là không biết ...góp nhời thế nào!
Nhưng tôi thấy ông chủ nhà rất niềm nở, hiếu khách!
Đa tạ chư vị!
@ Nguyễn Xuân Diện:
Cám ơn đã khen chủ nhà hiếu khách, nhiều lúc chỉ mong có khách mà... hiếu...
Lên non hái cụm mây ngàn - Xuống biển gom ngọn sóng tràn triều dâng - Đời ta phiêu bạt bao lần - Trời cao,đất rộng sông dài hả hê - Mấy lần ngộ hãy còn mê - Mấy lần say đắm để rồi lãng quên - Đường về chợt hóa không tên - Ngày qua tháng lại lênh đênh chốn này.........VĂN CÔNG SINH GỞI TẶNG VĂN CÔNG HÙNG . Mong một lần được gặp anh với tôi anh như ngọn đuốt đang thắp sáng để lớp trẻ chúng tôi tìm về căn nhà chung của dòng tộc Văn Công biết bao niềm tự hào. dt : 0938.979.579
@ Văn Công Sinh:
-------
Vinh dự vinh dự, bạn đang ở đâu? Gốc gác, quê quán...
Thơ bạn rất nhuyễn, hì, hay hơn thơ mình đấy.
Đăng nhận xét