Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

ĐẮNG NGỌT CÀ PHÊ

Bài ni in báo Nhân Dân hằng tháng số tết dương lịch.

Cái chuyện uống cà phê cũng bi hài nhiều kiểu. Mới đây tôi mời một đoàn nhà văn phía bắc uống cà phê. Đang còn loay hoay giới thiệu khách chủ thì đã có bác thò muỗng vào xới tung cả phin cà phê lên. Tồ tồ nước chảy xong bác hòa đường vào làm ực một phát. "Đằng nào nó chả vào bụng, mất thời gian",



             Đi nhiều nơi, cả ra nước ngoài, thú thật là khi về lại Pleiku, thấy không khí cà phê nó vẫn... cà phê hơn. Bây giờ hầu như bất cứ dãy phố nào cũng đều nhan nhản cà phê. Sang ra thì phòng ốc bàn ghế sang trọng, máy lạnh sân vườn, nhân viên phục vụ đồng phục thướt tha, thoăn thoắt bưng bê, mắt môi niềm nở, một điều dạ hai điều vâng, tính tiền bằng computer, giám sát nhau bằng camera, tiễn khách bằng những nụ cười tươi như hoa kèm card visite... còn bình dân thì bất cứ hè đường nào có thể rải ghế được là a lê, dọn ra cà phê và bán. Tất nhiên cà phê cóc vỉa hè thì khác hẳn các quán sang trọng kia. Điều mà khách thấy dễ nhất là khác nhau về... giá tiền, chứ còn chất lượng cà phê thì ít thấy người đề cập. Có người còn cả quyết uống cà phê vỉa hè ngon hơn, ngon hơn thật sự chứ không phải bởi nó chỉ có sáu ngàn so với mười mấy ngàn trong quán. Các vị ngồi trong nhà thì bĩu môi: Tiền nào của ấy, cứ cà phê vỉa hè mà uống rồi có ngày... ung thư. Ấy là cứ nói đại ra thế chứ nào có ai kiểm tra kiểm nghiệm gì đâu mà biết chất lượng với lại tiêu chuẩn vệ sinh. Với lại uống cà phê, người nghiện cà phê thì ít, mà nghiện không khí cà phê thì nhiều, bởi thế chả lạ khi có ai đó "chết" ở quán cà phê nào đó, "chết" ở cái góc nào đó, thậm chí là cái ghế nào đó, chỉ đúng nơi ấy, quán ấy, tư thế ấy, không đổi. Ví dụ tôi thấy ông Nguyễn Sơn với ông Nguyễn Hậu, hai ông nổi tiếng ở Pleiku vừa ở khả năng âm nhạc, vừa ở khả năng thưởng thức cà phê, chỉ cương quyết ngồi đúng cái ghế ấy ở cái sân của cà phê Thu Hà. Nhân viên quán này rất giỏi, ai vào uống một lần là thuộc gu luôn, từ gu cà phê đến gu thuốc, gu ghế, gu hướng ngồi, gu nước trà hay nước lọc... Cũng như thế, ông Hoàng Văn Thịnh, nguyên phó ban tuyên giáo giờ về hưu, thì nắng mưa gì buổi sáng cũng đến cái quán cà phê vỉa hè ở đường Nguyễn Du, bên hông hội Văn học Nghệ thuật, dựa lưng vào tường, ngắm phố, đọc báo và nhâm nhi cà phê. Quán này hơn các quán khác là có báo phục vụ miễn phí. Ai mua thì bán, không thì ngồi uống cà phê và đọc. Lại có mấy ông bộ đội, sáng thứ 7 chủ nhật nào cũng đúng 7 giờ kém 15 là đã có mặt ở quán cà phê Trung Nguyên 154 Lê Lợi, ngồi ở đấy đến đúng... 10 giờ là giải tán. Ngược lại mấy ông bà bác sĩ lại hay ngồi ở quán cà phê nửa cóc nửa phòng 140 Lê Lợi và bàn chuyện... thế giới, một số nhà báo trẻ vẫn hay ngồi ở cà phê Trăng Ngàn đường Trần Hưng Đạo, còn cánh văn nghệ sĩ lại chọn Nguyễn Du làm nơi thả tâm hồn qua vị cà phê...
          Bất cứ đường phố hẻm nhà nào cũng có quán cà phê là chính xác, nhưng những dãy phố mà dày đặc quán cà phê trông mới ngoạn mục, mới sướng con mắt. Ví dụ như Wừu toàn các quán sang trọng thì hè đường Lê Lợi đoạn trước quảng trường lại toàn cà phê ghế. Chỉ cần mấy cái ghế, vài cái bàn, thế là có một quán cà phê di động, phục vụ thượng đế hết mình. Cũng vắt vẻo ngồi, cũng bàn chuyện trên trời dưới bể, cũng trầm ngâm triết học, cũng tư lự cô đơn... mọi trạng huống cảm xúc của các môn đồ cà phê đều thể hiện được hết ở đấy.
          Mấy tháng trước đây, ở Pleiku đã có một sự kiện là "Đêm cà phê" tổ chức rất hoành tráng với hàng chục ngàn người tham dự. Sau sự kiện ấy đã có một câu lạc bộ cà phê ra đời, tập hợp những người coi cà phê không chỉ là cà phê, không chỉ kinh doanh đơn thuần, mà cao hơn, nó là văn hóa, như một cách tôn vinh cà phê, khẳng định phẩm chất văn hóa của cà phê, tìm ra những giá trị nhân văn, thẩm mỹ của cà phê, coi cà phê như đạo, như một giá trị tinh thần bồi bổ cho đời sống thượng tầng mà ở thế giới khác không thể có...

          Nhưng cà phê không chỉ là những màu hồng vui tươi như thế. Chú lái xe cơ quan tôi là một ví dụ. Lâu lâu đến cơ quan thấy mặt dài như cái bơm xe là biết có vấn đề về cà phê. Chú này có một cái rẫy ở cách nhà hơn ba chục cây số. Hôm thì bị hái trộm, hôm thì thuê người bơm nước không ra, hôm thì không chạy ra tiền mua phân, hôm thì cà phê xuống giá quá bán không được. Và cuối cùng chú này đã tổ chức một cuộc nhậu tưng bừng để mừng vì đã... bán được cái rẫy cà phê ấy, nghe nói lỗ cả trăm triệu mà vẫn mừng.
          Còn những người bán quán cà phê, trông nhàn nhã sang trọng thế chứ cũng đầy bi kịch. Vẫn biết bán cà phê là ăn một lời một, nhưng bây giờ chỗ nào cũng cà phê, ai cũng có thể pha và bán được cà phê, kể cả người cả đời chưa bao giờ uống một ngụm cà phê, chưa thấy quả cà phê tròn méo thế nào, thế nên đầu tư hàng mấy trăm triệu mở quán mà khách ít thì cũng méo mặt, mà ít vốn ra đường bán cà phê cóc thì nguyên cái chuyện canh cánh chạy trốn mấy ông trật tự là cũng đủ lên máu. Vài bữa các ông thu cho một trận cả bàn lẫn ghế, cả xe lẫn dù là coi như tay trắng...
          Buôn cà phê nhân thì rõ ràng là lời nhiều, nhưng rồi thi thoảng vẫn thấy vài vụ nháo nhào lên khi bên trong cái kho hoành tráng chả có gì, hay như cái vụ công ty xuất nhập khẩu Gia Lai dạo nào, bây giờ vẫn còn người ngồi kiên nhẫn bóc lịch.
          Cái chuyện uống cà phê cũng bi hài nhiều kiểu. Mới đây tôi mời một đoàn nhà văn phía bắc uống cà phê. Đang còn loay hoay giới thiệu khách chủ thì đã có bác thò muỗng vào xới tung cả phin cà phê lên. Tồ tồ nước chảy xong bác hòa đường vào làm ực một phát. "Đằng nào nó chả vào bụng, mất thời gian", bác ấy thản nhiên khi tôi bảo bác phải uống từ từ, vừa uống vừa nghe, vừa ngắm, vừa ngửi, vừa tưởng tượng, vừa ngẫm nghĩ... thì nó mới ra cà phê. Ở Hà Nội có rất nhiều quán cà phê nổi tiếng, tôi cũng từng ngồi qua, nhưng cái món cà phê trứng thì tôi không xơi nổi. Thế mà nó là thương hiệu của cái quán luôn đông nghìn nghịt ấy. Cà phê Sài Gòn lại một thái cực khác. Đá, rất nhiều đá, đổ cà phê đen vào nó thành một thứ nước lờ nhờ, lắc ly mấy cái, ực, thỏa cơn khát là xong ly cà phê. Nó phù hợp với một thành phố năng động và rất nóng. Xuống Miền Tây, Bến Tre chẳng hạn, thì lại cũng nhâm nhi cà phê phin như Pleiku, cũng gật gù ngồi nhìn trời nhìn nước và bàn đủ thứ chuyện. Xuống làng xa bản vắng bây giờ cũng có quán cà phê, chí ít là bên cạnh ủy ban xã thế nào cũng có một quán. Mới đây tôi uống cà phê ở tít tận xã Lơ Ku huyện Kbang. Đấy là nhà của một cặp vợ chồng giáo viên trẻ. Họ dành ra cái chái có bóng mát của một cây pơ lang kê mấy cái bàn chục cái ghế bán đủ thứ. Thế mà thấy thanh niên Ba Na ngồi đông phết, có chàng còn rút điện thoại trong túi ra, mở nhạc, bỏ lên bàn, gác chân lên ghế mắt mơ màng nhả khói. Chắc chàng đang nghĩ uống cà phê nhạc như thế thua quái gì mấy quán ở phố, mà ở đây lại còn phong cảnh tự nhiên hữu tình...

          Cà phê đương nhiên là đắng, cho thêm đường vào thì ngọt. Đắng ngọt luôn đi kèm trong một ly cà phê, nó làm cho hương vị cuộc đời này thêm nồng nã đắm say và thi vị...
                                                                   VĂN CÔNG HÙNG

6 nhận xét:

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Ông đầu trọc với gã đầu bạc đang ngồi họp bàn về giá cà phê, he he!

Unknown nói...

Em cũng đồng ý với bác là uống vỉa hè ko phải vì 6 hay 8 ngàn. Hôm trước vào đấy Huy Cường hẹn ra Wừu ngồi (chắc nghĩ tiếp mấy thằng HN thì chúng nó thích ngồi chỗ sang) nhưng thấy nó thế nào ấy, thiếu cái gì đấy của chính cà phê.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
Chúng tớ đang bàn apphe đấy

Văn Công Hùng nói...

@ Hoàng Lâm:
Nói gì thì nói, đi cà phê cứ là phải đi với VCH. Có lần mình đi cà phê với ông Nguyên Ngọc, mình hỏi ông bác thích cà phê ngon hay cà phê đẹp, ông bảo được cả hai thì tốt, thế mà tớ chiều được đấy.
Tớ có mấy quán cà phê ruột ở Pleiku, không phải vì nó chỉ sáu bảy ngàn, tất nhiên thêm lên năm ngàn nữa cũng sót ruột, mà cái chính là ngồi ở đấy tớ thấy cà phê ngon hơn, dễ chịu hơn, nghĩ được lắm thứ vu vơ hơn. Thì, mục đích cuối cùng của cà phê là vậy...

Nguyễn Thanh Lâm nói...

Chào bác! Tôi muốn làm bạn cà phê với bác. Nếu có lúc nào xuống Sài gòn xin bác gọi cho tôi 0977731219. Có khá nhiều người quen của bác là bạn của tôi đấy. Lâm

Văn Công Hùng nói...

@ Lam:
Rất quý mến bạn.thú thật với bạn là tôi đang ở SG, nhưng tiếc quá là giờ này mới đọc được CM của bạn mà mai phải trở về rồi. Thôi hẹn dịp sau vậy.