Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

BA TRĂM NĂM MƯƠI NGÀN TỈ LÀ BAO NHIÊU?

 


Khi tôi viết bài này (10/9/2023) thì chưa có vụ cháy khiến 56 người chết ở chung cư mini Hà Nội và chưa có đêm diễn điềm nhiên ngay tối sau đấy của bộ Văn Hóa khen thưởng các nhà báo viết hay về bộ văn hóa, và cũng như chưa có cái công văn của bộ này gửi bộ 4T bị tuồn ra ngoài...

Vậy, ba trăm năm mươi ngàn tỉ là bao nhiêu?

Tôi không biết, nhiều bạn bè tôi cũng không biết khi lương của họ trên dưới mười triệu đồng một tháng. Mà học vấn của họ thuộc loại bậc trung trong xã hội, tức đã tốt nghiệp đại học, và thu nhập cũng thuộc loại khá, chứ người thu nhập bình thường, lao động bình thường, lương chỉ khoảng trên dưới năm triệu.

Nhắc con số khủng này là bởi mấy hôm nay cả báo chí và cộng đồng mạng đều... hân hoan tranh cãi.

Ấy là việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất để thực thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 bằng số tiền như trên.

Hôm qua tôi dự một chương trình cồng chiêng cuối tuần ở thành phố Pleiku. Một nhóm anh chị em yêu văn hóa dân tộc ở Gia Lai bèn nghĩ ra cách vừa bảo tồn và giới thiệu nó bằng cách mỗi thứ 7 hàng tuần rước một tốp bà con dân tộc Jrai, Bahnar ở làng lên, biến một góc cái quảng trường có cây có cỏ thành không gian văn hóa làng, và bà con chơi chiêng, sinh hoạt cộng đồng ở đấy. Và tối qua, có 3 cháu trai rất nhỏ, nhỏ nhất khoảng 5 tuổi, các cháu chơi trong đội hình chiêng với tư cách brem bram, rất nhuyễn.

Trong các lễ hội của người Tây Nguyên hay có các nhân vật Brem Bram. Những người đàn ông bôi mình, dùng bùn trát lên người, lấy củ chuối đẽo mặt nạ, đeo lá lên người... biến thành một giống khác lạ, không phải người. Mục đích vừa là làm hề, tạo niềm vui, nhưng cũng có thể là quỷ, là ma để... xua đuổi chính ma quỷ...

3 cháu này hóa trang thành khỉ, ít nhất là động tác như khỉ. Không đi sâu nội dung các cháu thể hiện, mà tôi chú ý chi tiết này: Việc các cháu làm, nó như là từ trong máu, nó là sự trao truyền đời này sang đời khác, nó là sự tiếp nối hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn. Từ làng lên phố, các cháu không hề bỡ ngỡ, không hề lạ lẫm, say sưa thể hiện như ở chính làng mình, ở không gian văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những đứa trẻ cùng trang lứa ở phố, vừa xem vừa ăn cá viên chiên, hoặc được... mẹ dỗ đừng khóc.

Thế các cháu có cần tiền không?

Có, rất cần, để sống, để học.

Việc các cháu làm có phải là văn hóa không?

Rất phải, rất đúng, đấy chính là văn hóa, là cái đích mà những người làm văn hóa hướng tới.

Thế thì các cháu chính là mục tiêu để đầu tư. Đương nhiên là thế.

Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho con người, nhất là những người trẻ, những thế hệ học sinh.

Tất nhiên là văn minh nào văn hóa nấy. Bây giờ không thể và cũng không nhiều chỗ cho các cháu chơi những trò xưa như thế hệ chúng tôi đã từng. Nhưng không phải là bỏ bẵng đi, là sống như robot.

Nên việc của văn hóa chính là cố níu giữ những giá trị tốt đẹp đã có, trân trọng những giá trị văn hóa mới mang tính nhân văn, tính thẩm mỹ cao.

Nhưng nó hoàn toàn không phải là hệ thống tượng đài đa phần là giống nhau từ Bắc tới Nam. Là những pano, khẩu hiệu, băng rôn dày đặc... dù nó cần nhưng không phải là tất cả, và chung nhau độ... xấu, độ rối mắt.

“Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình sẽ hướng tới nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có việc đảm bảo đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện. Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa...”. Những đề xuất này mới tính tới phần vật chất, trong khi đó, những giá trị tinh thần thì không, chưa được nhắc đến.

Làm ra văn hóa thì rất khó mà phá nó thì dễ vô cùng. Văn hóa vì thế thường được gắn với sự mỏng manh, yếu đuối, kể cả khi nó được lặn vào tâm thức, vào bản lĩnh đám đông, tưởng như trường tồn nhưng vẫn mong manh dễ vỡ, và vì thế mới thấy cần phải ứng xử với văn hóa gượng nhẹ và cẩn trọng đến mức nào.

Ở Tây Nguyên chẳng hạn, đang có một hiện tượng là có một số tác giả và tác phẩm văn học, báo chí nhìn Tây Nguyên tương đối hời hợt và sai lệch. Họ khai thác Tây Nguyên ở khía cạnh lạ và lạc hậu. Họ không sống đời sống của Tây Nguyên mà cưỡi ngựa xem hoa và “nghe kể”. Và như thế, những đánh giá và nhận xét, những miêu tả và cảm xúc của họ là chưa tương thích với những gì đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mảnh đất này. Người ta hô hào nhiều về việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng thực sự bản sắc dân tộc là gì và bảo vệ giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng trả lời được một cách thấu đáo và có sức thuyết phục. Rồi cái gì bảo vệ, cái gì giữ gìn, cái gì phát huy, cái gì loại bỏ... hiện nay các ý kiến cũng rất vênh nhau. Sự can thiệp có khi máy móc, phản quy luật của một bộ phận nhiều khi làm cho nền văn hoá truyền thống biến dạng. Vai trò ít ỏi còn lại của truyền thống, của tập tục, của các tác nhân tốt đẹp đã không đủ ngăn được sự mù quáng của hàng chục ngàn người tham gia vào các cuộc gây rối năm 2001, 2004, và mới nhất là ở Cư Kuin. Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng phê phán gay gắt lối làm nhà tái định cư cho bà con Tây Nguyên theo kiểu nhà hộp, vô cảm, vô hồn, vô bản sắc khi ông lên thăm khu tái định cư thuỷ điện Plei Krông ở Kon Tum nhiều năm trước. Truyền thống văn hoá buôn làng với tất cả tập tục tốt đẹp ngàn đời, nếu chúng ta biết bảo tồn và phát huy nó, sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giữ ổn định và khơi dậy tiềm năng to lớn của nhân dân.

Tóm lại, tiền với văn hóa là rất cần, nhưng nó không thể là tất cả, và bản thân nó không phải là văn hóa, bởi có rất nhiều người giàu nhưng chưa có văn hóa, từ những việc nhỏ nhất là khi ăn đừng để phát ra tiếng kêu, tới cái cách xỉa răng, cách bắt tay như vồ lấy đối tác, cách cầm cái ly sao cho sang, cách bước đi thế nào để không loẹt quẹt, cách ngồi, cách đứng, cách... không nhổ bậy, cách phân biệt chủ khách... tới lớn hơn là thấy cuốn sách hay thì vồ lấy chứ không dùng sách làm... thuốc ngủ, lật vài trang để dỗ giấc ngủ?

Mà những thứ ấy, không cứ đổ tiền, rất nhiều tiền, là có được.

Báo Người Đưa tin

Ảnh by nhà cháu






2 nhận xét:

Đào Đình Cường- ĐCGL nói...

Bài 19: TÂM SỰ VỚI NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG NHÂN ĐỌC BÀI: “350 NGÀN TỶ LÀ BAO NHIÊU” TRƯA 21/9/2023...

Mấy ngày qua tôi cũng nghe xôn xao dư luận bàn về số tiền 350 ngàn tỷ xin nhà nước đầu tư. So với đô la thì nó chỉ mua được 25 triệu tấn gạo thôi có gì lớn đâu. Dân ta còn nghèo nàn, lạc hậu, đói ăn nên việc đầu tư cho con em đến trường là quan trọng nhất. Nhìn những con đường, ngôi trường, cơ sở hạ tầng người dân miền núi mà đau xót trăm năm. Dân không có ăn thì lấy gì để học, dân không có cầu đường thì xe cộ lấy gì để đi cho nhanh.
Trong khi đó từ Thành phố, Thị xã, Thị trấn xuống thôn làng ở đồng bằng sầm uất như Tây. Một lượng lớn kinh phí đầu tư làm đèn nháy, cổng chào đỏ rực tốn biết bao nhiêu điện năng, sáng chói cả khu vực thấy xót ruột. Tôi không thấy cái đẹp mà chỉ thấy cái hô hào băng rôn khẩu hiệu chứ làm thì chả ra hệ thống gì. Các xã thì xây dựng Đình, Chùa vô tội vạ. Các Thôn với xóm thì đắp đất vào chòm ao hồ rồi trồng cây đa, cây si, xây Đền thờ như linh thiêng lắm. Nhìn cô chú, con cháu ta văn minh đấy nhưng cúng lễ còn tốn kém hơn các cụ xưa kia nhiều lần. Đó chính là văn hóa mà càng ngày càng mê tín dị đoan.
Tôi nhớ 40 năm về trước, cán bộ bắt thầy cúng sao cho đổ cây đa. Thế rồi sau này con cháu nhà cán bộ còn cúng bái mạnh hơn xưa nhiều. Dân nghèo thấy họ bỏ tiền ra làm công đức thì cũng móc túi đóng lấy 1 vài trăm cho đẹp mặt. Ngày rằm, đầu tháng hay tết là họ rủ nhau đi lễ lạt rất chân thành. Trong khi đó tình cảm anh chị em, cha mẹ, ông bà nội ngoại thì coi chả ra gì. Văn hóa ở đâu khi ngay chính trong ngôi nhà của mình không có đoàn kết, vui vẻ, sạch sẽ, nhân nghĩa hơn? Văn hóa ở đâu khi đất thì càng ngày càng thu hẹp lại và con người thì tăng đến chóng mặt. 20 năm nữa, số đất xây lăng mộ còn nhiều gấp 2 lần bây giờ. Toàn tiền đấy cả nhưng đua nhau xây dựng cho hoành tráng, đẹp tựa công viên.
Hôm nay là ngày đặc biệt sau vụ cháy kinh hoàng 12- 13/9/2023 ở Thanh Xuân- Hà Nội. Ngồi xem lại những video, những nạn nhân còn sống sót mà đau buồn. Nay cũng là ngày xét xử doanh nhân Nguyễn Phương Hằng mà tôi luôn tin tưởng, ngưỡng mộ việc làm thiện nguyện của cô ấy. Pháp luật của Việt Nam ta có công minh hay không là ở vụ việc phân xử này. Không ai tự nhiên đem tiền ra chia cho người nghèo khổ cả. Họ có tiền, có lương tâm mà bị mất vào tay những ông lừa đảo thì ai chả đau buồn. Chửi nhau bên ngoài còn ác liệt hơn trên mạng, tức lên thì con người ta trở thành trái tính cũng thường tình.
Suy cho cùng thì văn hóa dân tộc cần thiết lắm, cần những con người biết đối nhân xử thế tốt đẹp từ trong nhà ra ngoài xã hội. Người tốt như Nguyễn Phương Hằng hiếm lắm, vậy mà để gia đình người ta cách xa nhau gần 2 năm trời trong tủi hận. Văn hóa ta, văn hóa của người Việt duy nhất có Đại thi hào Nguyễn Du viết 3.254 câu thơ Kiều mà gìn giữ tới bây giờ. Bác Hồ viết thơ thì ai cũng biết, Nguyễn Trãi viết thơ bị chu di tam tộc thì lịch sử đã ghi. Chúng ta còn có Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và một người nữa được hành tinh tôn vinh bậc Danh nhân Văn hóa thế giới. Họ không có nhận được 1 ngàn đồng tiền giấy bút, nhưng họ đã để lại tiếng danh thơm.
350 ngàn tỷ đồng nó tương đương với hơn chục tỷ USD, đổi ra gạo mua rẻ ở Việt Nam ta cũng được 25 triệu tấn. Nếu nuôi cho 1- 2 vạn đứa trẻ trở thành tài năng thực thụ cho đất nước thì giá trị vô cùng. Chúng ta đang có kho tài năng là “Siêu Trí tuệ Việt Nam” mà ai xem cũng phải cúi đầu ngưỡng mộ lớp trẻ. Tiền đầu tư vào đào tạo nhân tài tốt hơn vào xây dựng những băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ lung linh mà người đi qua mấy ai dừng đọc.
Xin cảm ơn nhà văn, nhà báo, nhà thơ Văn Công Hùng- Gia Lai đã viết bài trước khi xảy ra đám cháy ở Thủ đô còn đúng mãi. Gõ vài lời tâm sự chứ thật ra tôi chỉ nghĩ sao nói vậy. Mong rằng mọi người có đọc nó thì coi như lời của kẻ ít học chỉ được vậy thôi. Chúc mọi người vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống làm giàu nhé!

Sài Gòn lúc 13h 33’ Thu 21/9/2023- 7/8/Quý Mão.
TG: Đào Đình Cường


Francis Ta nói...

Khong nho ba Ng. P. Hang thi lang bam Yen va mot so lon Nghe Si (Sic) con lua tien Tu-Thien lu-lut hang tram ty. Toi chi mong va cau xin Chua/Phat gia-ho cho ba Ng. P. Hang va gia quyen... Loai nguoi thuong co long tham nen khong dem xia den Toi loi va nhan qua.... O My T.T. va gia dinh con ban Nuoc cho Tau Cong, tham-nhung Ukraine, Romania, Cypress, Aljabezan...