Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

PHẬN NGƯỜI



          Mới đây, thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai có một phát hiện chấn động, ấy là gần 1 triệu năm trước, nơi đây đã phát hiện loài người tối cổ. Mà không phải là kiểu "tự sướng" như lâu nay là mình tự phát hiện rồi tự công bố, mà nó là mấy ông khảo cổ ở tận một viện khoa học ở Nga, ngồi mày mò phân tích các kiểu rồi đùng đùng kéo quân sang đào, rồi... ngẩn ngơ reo lên vì phát hiện, dù với phát hiện này họ sẽ phải mệt thêm, vì phải gần như vẽ lại sơ đồ xuất hiện và phát triển loài người.

          Lịch sử loài người là những cuộc di dân vĩ đại. Do cả khách quan và chủ quan. Về đơn giản, đấy là cách con người lần mò kiếm sống, chỗ nào sống dễ hơn, tốt hơn, điều kiện thuận lợi hơn, là họ đến.

          Người Việt ta thì đa phần là "hành phương Nam", là cái phương mà so với phía Bắc, được ưu đãi hơn về mọi mặt, vì nó là vùng đất mới. Rất ít người ngược ra phía Bắc mưu sinh.

          Nhưng gần đây, thì không chỉ hành phương Nam nữa, người Việt ta đã... hành tứ phương.

          Thế giới mở ra, thông tin thông suốt. Sau 1975, một dòng người ra nước ngoài, trở về, mang theo những thôn tin về một cuộc sống khác, có vẻ như mới hơn, thuận lợi hơn...

          Rồi sau đấy là những đợt xuất khẩu lao động, từ khi còn khối Đông Âu, cho đến sau đấy, dẫu khối ấy tan vỡ nhưng những gì những người di cư có được vẫn hiện hữu trong đời sống.

          Và phải nói thật, nó hơn ở nhà rất nhiều.

          Vậy nên chính nhà nước ta cũng có những chỉ trương lớn để xuất khẩu lao động, một mặt giải quyết nạn thất nghiệp ở nhà, mặt khác, có thu nhập cho cả người lao động và cho đất nước.

          Thế nên lũ lượt đi.

          Nhưng bao giờ cũng thế, bên cạnh những mạch chủ đạo vẫn có những mạch ngầm.

          Hai mạch này nhiều khi song song tồn tại. Tùy từng lúc mà có thể tương hỗ hay phá nhau. Đa phần là... phá nhau.

          Vậy nên đã từng có chuyện một số nước nhập khẩu lao động tuyên bố không nhận lao động nhập cư từ một số địa phương ở Việt Nam.

          Mới nhất là vụ 39 nạn nhân bị chết trong thùng Contarner ở Anh.

          Nó bùng lên một đợt sóng dư luận khủng khiếp, chia đôi chiến tuyến của người Việt, những người có truyền thống là luôn yêu thương nhau, giúp đỡ nhau khi có hoạn nạn khó khăn. 

          Một số bày tỏ sự thương xót cao độ, đòi hỏi chính phủ phải có động thái ngay, kể cả là... quốc tang.

          Số phản đối thì tất nhiên cũng đầy lý lẽ. Họ cho rằng đây là những người vi phạm pháp luật, những người làm xấu hình ảnh đất nước, và bản thân họ, những người xấu số ấy, khi bỏ ra cả tỉ bạc để đi làm thuê như thế đều không phải là nghèo, chẳng qua là họ muốn... giàu thêm thôi.

          Sẽ chẳng bao giờ có thể kết thúc những tranh luận kiểu ấy khi hai bên đều nhìn sự việc ở hai phía khác nhau.

          Lại nghĩ đến sự di chuyển, di cư tự nhiên của con người.

          Bản thân sự hình thành nên con người cũng bắt đầu từ sự... di cư, là bơi.

          Rồi cái bào thai vươn ra phía sáng để ra với đời.

          Rồi khi ra khỏi lòng mẹ, cứ thế, con người vật lộn, di chuyển để tồn tại.

          Nhưng giới hạn là điều không thể chối bỏ, không thể lãng quên, không thể không có.

          Càng sống chặt chẽ, càng phải tuân thủ những giới hạn, bởi con người sống trong một xã hội được quản lý, chặt lỏng thì còn tùy từng thời kỳ, từng quốc gia, nhưng nó đều có những giới hạn được cả cộng đồng tuân thủ.

          Vượt qua, là anh làm hại chính anh và ảnh hưởng tới cộng đồng.

Nông thôn Việt nói riêng, người Việt nói chung, có một "ý thích" ganh đua không hề nhẹ. Trên bình diện cả nước, thì rất thích kỷ lục, thích hơn người, thích so sánh nước mình với nước ngoài, thậm chí rêu rao rõ to "Gần nửa dân số Mỹ nghèo đói và sống bấp bênh"- tít hân hoan của một tờ báo, còn tuyên bố là rau muống nước ngoài đắt hơn ở Việt vân vân. Ở bình diện làng xã dòng họ cũng thế. Họ kia có tướng, họ này chưa có tướng, bác trưởng họ "giao nhiệm vụ" không được thua kém họ nào, bằng mọi cách năm nay phải có tướng. Họ kia có phó giáo sư, họ ta có giáo sư rồi, thế là ta hơn họ nó rồi, thôi mổ con lợn mừng, tạ ơn trời đất ông bà phù hộ, tiện thể giao nhiệm vụ cho chú nó mần cái đại giáo sư để không họ nào mon men được.

Nhà cửa mồ mả cũng thế. Nhà làm sau dứt khoát phải to hơn, cao hơn nhà trước, dẫu chỉ một li. Nhà nó làm hết 500 nhà mình phải 550. Mồ mả còn kinh nữa, to hơn nhà ở, cứ là phải hoành, kiếm ăn lần hồi tính sau...

Nhớ có lần tôi chứng kiến ông bạn quê Nghệ An, nửa đêm đang ngủ ngon bỗng giật mình cảm thấy như có ai gọi tên mình thấp thoảng đâu đấy. Mở cửa ra thì không thấy gì. Đóng lại ngủ tiếp thì chừng tiếng sau lại nghe. Chả lẽ lại là ma, mà đang giữa phố. Mở cửa lại, cầm theo... cái gậy, thì thấy 3, 4 ông ba bốn cái xe đạp đang đạp xe dọc phố vừa đạp vừa gào lên vừa thảng thốt vừa hoang mang lại rất tự tin: Long... ơi thật. Ra hỏi các bác hỏi ai, bẩu chúng tôi hỏi anh Long con ông nớ ông nớ, bèn bảo tôi đây. Thế là mời vào nhà, lôi vợ dậy nấu cơm tráng trứng mời các bác. Té ra các bác ở quê, khổ quá, ngồi... uống rượu tính chuyện đi. Một ông à lên, có anh Long ở đấy ở đấy, thế là dắt ít bạc vụn vào người rồi vẫy xe nam tiến, mỗi ông mang theo một cái xe đạp, trên ấy có cái bao tải, trong bao tải là ít quần áo cũ để thay, mấy con dao, cái cuốc. Đến bến xe Pleiku là nửa đêm, các bác cứ thế đạp xe theo mấy con phố chính và... gọi. Ơ thế mà được đấy. Long kể kinh nhất là nhà tập thể, cả dãy người ta ngủ, các bác không chịu ngủ mà thuốc lào với chuyện oang oang đến sáng (trải chiếu dưới nền xi măng nhà tập thể loang lổ), cứ sợ hàng xóm sang chửi, mà nhắc thì lại sợ các bác tự ái về quê kể vào nhà thằng Long hắn cậy có nhà tập thể mà không cho bầy choa nói chuyện. Người quê vào phố làm ăn sợ nhất là khách quê vào thăm mà không đối đãi tử tế thì ngay lập tức cả làng biết ngay. Và cũng ngay lập tức bố mẹ ở quê lô phôn vào cho con hặc chuyện ngay, rằng chúng mày có muốn bố mẹ mở mắt mở mặt với bà con nữa không vân vân...

Vấn đề là, sáng sau, nghe lời khuyên của Long là Gia Lai đã... hết rừng rồi, sang Đăk Lak may ra, thế là các bác lại... tiếp tục. Long dẫn ra bến xe, biếu mỗi bác cái vé xe. 6 tháng sau được tin các bác đã đưa cả nhà vào rồi. Và không chỉ mấy bác ấy, cả làng đã đi theo. Và ở một cánh rừng heo hút nào đấy ở Đắc Lăk lại có một cái xóm nhỏ hiện lên, rồi mở rộng dần ra, thành làng, xã... Nhà nước, sau nhiều lần "đẩy đuổi" không được, bèn lại phải điện đường trường trạm cho nơi ấy...

Lại nhớ cái thằng cu câm một thời chuyên oánh giày ở Pleiku. Nó câm nhưng khỏe mạnh, thay vì đi ăn xin như rất đông "đồng hương" Thanh Hóa, nó đi đánh giày, đánh cẩn thận, và rẻ hơn một giá. Thế là thi thoảng nó bị đánh hội đồng vì phá giá, có lần bị cả một nhóm đồng hương, đồng nghiệp là con gái oánh hộc máu mồm ra. Rồi nó về quê, lấy vợ, một con bé nhỏ nhắn mỏng mày hay hạt, rồi đưa vào Pleiku cùng đánh giày. Thuê cái nhà trọ tí hin. Cứ thế, nó rất đông khách, vừa dễ thương vừa đánh kỹ thì hà cớ gì không đông khách. Tết, nó được hẹn địa chỉ nhà đến đánh lê lết từ nhà này sang nhà khác... Rồi vợ nó có bầu, không thấy nó đánh giày nữa, có thể có một số vốn, nó về quê làm gì đấy...

Chắc chỉ ngày nay hoặc mai thì danh tính cụ thể 39 nạn nhân sẽ được công bố. Họ đã đánh đổi cả tuổi trẻ tươi đẹp của họ cho khát vọng làm giàu, làm giàu cho mình và cho gia đình, trước mắt cứ thế đã. Thì đã nói, mỗi người có một cách kiếm sống và làm giàu. Vấn đề là, làm sao để đừng phải trả giá đắt quá. 39 nạn nhân là một sự trả giá quá đắt. Nó không chỉ là 39 mạng người, cao hơn thế, nó khiến hàng nhiều triệu người day dứt, vì nhiều nhẽ...

(Bài này đăng ở mục TÔI báo Khám phá, và khám phá trình bày khá đẹp ạ, nhà cháu chỉ lấy về để lưu thôi. Link gốc (Ở ĐÂY).

Ảnh: Nhà cháu trong một lần... di dân bằng tàu lửa chứ không phải thùng Contaner.

                                                             

Không có nhận xét nào: