Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

VẪN CHUYỆN PHONG TỤC TÂY NGUYÊN



          Giờ có vẻ như Tây Nguyên đang lạm phát, cứ nhắc đến Tây Nguyên là phải... đại ngàn, không thì huyền thoại, hùng vĩ, hoang sơ, nhắc đến rừng cũng vậy, kỳ thú, vang vọng, ngút ngàn, mênh mang... Có tờ tạp chí tôi đọc trên máy bay thì cả Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột cũng... đại ngàn, cũng hùng vĩ cũng hoang sơ, bạt ngàn... dù có chạy mỏi chân cũng chả thấy đại ngàn, hùng vĩ ở đâu.

          Rồi "phố núi", phàm cứ là đô thị của Cao nguyên thì gọi phố núi, phố núi Kon Tum, phố núi Pleiku, phố núi Buôn Ma Thuột, phố núi Đà Lạt, phố núi Gia Nghĩa vân vân. Cũng được thôi nếu như nó sẽ không làm nhạt nhòa bản sắc của từng thành phố, thêm nữa, giờ còn núi đâu nữa. Chỗ nào cao người ta đã bạt thấp và chỗ nào thấp người ta đã đổ đất cho bằng lên rồi, khác gì đô thị đồng bằng đâu. Đại ngàn chỉ còn trong ký ức, hùng vĩ chỉ còn trong những cảm thán của các cây bút... lười tìm chữ.

          Rồi cái gì người ta cũng quy về... văn hóa. Văn hóa rượu cần, văn hóa cồng chiêng, văn hóa tượng mồ, văn hóa nhà rông, văn hóa nhà sàn, văn hóa voi, văn hóa thổ cẩm... vân vân...

          À đấy, lại nhắc đến tượng mồ. Nó là một tín ngưỡng. Trên hết nó là tài năng tuyệt vời của nghệ nhân dân gian không tuổi không tên, nhưng bằng sự dấn thân đến tận cùng số phận, tận cùng cõi sống, anh  cho ra đời một tuyệt tác mà anh không hề biết rằng nó là tuyệt tác, bởi, pho tượng ấy, sau khi dựng quanh nhà mồ, mọi người sẽ quên ngay, tác giả của nó cũng sẽ quên ngay, coi như đã chính thức lìa xa nhau, mặc nắng mặc mưa, mặc gió mặc bão, người sống lại về với công việc hàng ngày với tất cả những bề bộn lo toan, người chết đã có bức tượng bầu bạn, cùng dìu nhau lên một cõi vô cùng khác, ở đó, lộng lẫy và trong veo, tinh khiết và công bằng, ở đó, có thể lại bắt đầu một tình yêu mới…

Với người Tây Nguyên, chết chưa phải là hết, mà chết là một trạng thái nghỉ, chuyển từ trạng huống sống này sang trạng huống sống khác, đấy là thế giới của A Tâu, của một tầng trời vĩnh hằng khác. Ở đó, con người luôn mơ về, dù không ai hình dung ra hình hài nó thế nào, và vì thế mà nó luôn lung linh, luôn luôn đẹp…

          Trong thời gian ấy, người sống vẫn thường xuyên ra thăm người chết trong mồ. Cái mồ ấy khi chôn người ta vẫn để hở một lỗ phía trên, và người sống mang cơm nước thức ăn ra bón cho người chết qua lỗ thông hơi ấy. Người ta còn chia của cho người chết. Trong nhà có gì đều được chia đều cho người ngoài mồ, nhưng để phân biệt thì người ta đục thủng hoặc làm hỏng đồ vật ấy đi, rồi mang ra chất xung quanh nhà mồ.

          Cho đến khi đã đủ điều kiện, cả về kinh tế và thời gian thì người ta làm một cái lễ bỏ mả (Pơ Thi).

          Các điều kiện tiên quyết để có lễ bỏ mả là: kinh tế, phải có bò gà dê lợn, ít nhất mỗi thứ một con. Có rượu, ít thôi, vì bà con dân làng sẽ mang đến…

          Nhưng cái quan trọng là nhà mồ và tượng mồ.

          Tượng mồ là những cây gỗ tươi nguyên trong rừng, được những trai tráng khỏe mạnh trong làng đi hàng tháng trời trong rừng, đốn và khiêng về.

Còn lại là việc của nghệ nhân.

          Không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, mà mỗi làng chỉ có vài ba người làm được việc này.

          Không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mà phải chọn (và biết cách làm cho) cảm xúc thăng hoa nhất, nói nôm na là… Giàng nhập.

          Và, chỉ một con rựa, một cái rìu, người nghệ nhân tài hoa ấy “Đẽo đi những phần thừa” để còn lại là một pho tượng mồ sống động, cô đọng tinh hoa của con người. Chưa hết, chưa đủ, không chỉ tinh hoa, mà nó là cảm xúc, là toàn bộ tình yêu của người sống đối với người đã mất.

          Nhìn thế, nhưng vẫn có những quy định rất chặt chẽ về tượng mồ chứ không phải bạ đâu đẽo đấy, tiện đâu để đấy như hiện nay một số nơi đang làm (thi tạc tượng, mang tượng về nhà rông văn hóa đặt...)...

Ví dụ như, cây dùng làm tượng mồ không được mang/ đi qua làng, mà đi thẳng từ rừng vào khu nhà mồ luôn. Nếu không có đường đi phải xin làng nộp heo cúng để được đi qua! Thế tức là tượng mồ lại càng không được phép mang vào làng.

Những người làm tượng không mang bất cứ thứ gì từ khu làm tượng vào làng, ngoại trừ đồ nghề là rìu và rựa. Chỉ được đem đến nơi làm chứ không được đem thứ gì từ nơi làm về nhà. Sau Pơ thi thì được phép.

Năm nào đó, nhân Festival cồng chiêng, ban tổ chức định... đâm một con trâu, nhưng rồi có một vị rất to không cho, nói ác quá, nên không mần nữa. Nhưng thực tế, dân làng vẫn mang về làng bí mật mần, vì "không được thất hứa với Yang". Còn về đâm trâu, ăn trâu, tế trâu... vẫn còn nhiếu ý kiến, tôi đã có dăm bài bàn về việc này...

Và các quy định khác nữa, ví như không được đánh chiêng trong làng khi mà không có việc của làng. Giờ rất nhiều người xuống làng, thích là xui dân mang chiêng ra oánh. Nhà nước, cụ thể là huyện, muốn mời đội chiêng của làng tham gia lễ hội gì đó thì ra huyện mới cho đánh chứ không được đánh trong làng.

Khi chủ vắng nhà, cầu thang sẽ úp vào bên trong. Khách tự ý trèo lên sẽ bị phạt. Khi có cành lá để ở cổng làng thì người lạ không được vào làng, dắt ở cửa nhà thì người nhà khác không được vào nhà.

Khi cúng cầu mưa, làng sẽ cấm nội bất xuất ngoại bất nhập trong 3 ngày.

Giờ thấy rất nhiều người viết/nói/ nghiên cứu về Tây Nguyên mà chả hiểu Tây Nguyên gì cả, nói theo suy luận của mình, viết theo kinh nghiệm của mình, làm theo ý thích của mình... và gán cho Tây Nguyên những điều nó chưa từng có, khiến cho Tây Nguyên bị méo mó, suốt ngày hiện lên sừng sững cứ đại ngàn hùng vĩ, nắng gió mênh mông, dã quỳ thì vàng rực, sơn nữ thì ngực trần... và đau đớn nhất là biến tộc người thành... đồng bào. "Người đồng bào" trở thành danh từ, thay vì cô ấy là người Jrai/ Bahnar thì lại là: Cô ấy là người "đồng bào". Rồi các biển hiệu bán: Heo đồng bào, rau đồng bào, gạo đồng bào, gà đồng bào...

Vậy mà chả thấy ai có ý kiến gì, các nhà chuyên môn cũng như quản lý văn hóa hình như lo những việc lớn hơn...








                                                              




Không có nhận xét nào: