Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

HOA SỮA THÔI RƠI...



          Không biết từ khi nào, hoa sữa gắn với Hà Nội, trở thành niềm tự hào Hà Nội, bản sắc Hà Nội, hương vị Hà Nội, thậm chí cả hào hoa Hà Nội.

          Sau mới té ra, nó là thứ cây ngoại nhập, và nổi lên từ bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng, bài hát bồi hồi nức nở về hoa sữa, nhưng chính là về tình yêu dưới vòm hoa sữa. Và thực ra, cả bài hát da diết ấy chỉ có một lần nhạc sĩ Hồng Đăng nhắc tới hoa sữa "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm", nhưng nó lại được cái câu tiếp theo là "có lẽ nào anh lại quên em" làm cho điên đảo, hoa sữa điên đảo, con người điên đảo, hoa sữa trở thành biểu tượng của cái đẹp, của sự thanh cao, của tinh tế, tinh túy, tinh khôi, tinh vi... các loại. Và, ôi tình yêu, có món hoa sữa vào nó mới thơ mộng làm sao...

          Rồi chả hiểu sao ông nhạc sĩ Trương Quý Hải lại phổ bài thơ về hoa sữa cũng rất hay, có câu "hoa sữa thôi rơi". Và, nó bắt đầu thôi rơi thật.

          Đầu tiên là một loạt tỉnh, thành phố, vì quá yêu bài hát "hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng mà... tha/ lôi hoa sữa về quê mình trồng. Thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình là địa phương đầu tiên công khai... sai lầm bằng việc quyết định cưa bỏ hàng loạt cây hoa sữa trên đường phố. Đây là thành phố được mệnh danh là thành phố hoa hồng, ngay khi thấy hoa sữa hay quá (trên nhạc) bèn mang hoa sữa về. Đến khi nở hoa, cả thành phố này ngập ngụa hoa sữa. Té ra nó như thế này, không khí Hà Nội nó khác, lãng đãng thu khi hoa sữa nở, vả nữa, hoa sữa Hà Nội nó cao lắm rồi, nên đa phần vị nồng nặc nó bay lên, hương dịu dàng thoang thoảng nó võng nhẹ xuống, nên mùi nó dễ chịu. Còn Đồng Hới, nắng lửa thế, gió Lào thế... thêm hoa sữa mới trồng, cây ngang cửa sổ tầng 2 là ra hoa, nó hắt vào con người tất cả những gì dồn ứ của nắng, lửa, mùi (nặng), nên dân la làng là phải. Sau Đồng Hới, nhiều thành phố "yêu hoa sữa" khác, nhất là ở phía Nam, cũng loại bỏ hoa sữa trong quy hoạch cây xanh thành phố của mình, dù nhiều nơi hoa cũng đã nở tưng bừng, cũng kịp đã có thơ và bài hát về nó, gắn với địa phương ấy, tất nhiên.

          Tôi lan man thế bởi mới nghe 2 tin về Hà Nội và hoa sữa. Như đã nói, Hà Nội là "cái nôi" của hoa sữa ở Việt Nam, thế mà hôm qua một tờ báo đưa tin "nắng vỡ đầu trên con đường hàng trăm cây hoa sữa bị chặt". Thôi thì có thể Hà Nội cũng đã... thức tỉnh với hoa sữa, nên họ chủ động chặt bỏ, để trồng vào cây gì đấy thần thánh hơn, biết đâu lại có những bài hát hay về nó để cả nước say sưa hát như từng hát về hoa sữa. Nhưng chặt kiểu gì mà đồng loạt khiến dân tình la làng như thế thì cũng... quyết tâm lắm.

          Nhưng cái tin thứ 2 mới "nồng nàn" hơn, ấy là Hà Nội "điều" số cây hoa sữa này lên khu bãi rác Nam Sơn, mục đích là để... khử mùi.

          Rất nhiều người đã ồ lên cười khi nghe tin này. Có người hài hước còn ví việc này giống như anh thối chân ở với nàng... hôi nách.

          Tôi thì chưa thử thưởng thức 2 cái mùi này mà nó trộn với nhau thì sẽ như thế nào, nhưng chắc những người quyết định làm việc này thì đã, chỉ nghĩ rằng, kể cả nếu có khử được mùi bãi rác thật thì, cái biểu tượng hoa sữa một thời nó có còn rạo rực bâng khuâng, thăng hoa lãng đãng mơ hồ thi vị nữa không, tình yêu dưới vòm hoa sữa nó có còn đắm đuối nữa không, những nụ hôn có còn xao xác, nỗi nhớ có còn day dứt, lâng lâng?...

          Chỉ nghĩ tới mà đã xót xa. Thảo nào mà "hoa sữa thôi rơi". Ai đấy nói nghệ thuật có chức năng tiên tri, tài thật?



       
            
Ở ĐÂY Ạ                                         

Không có nhận xét nào: