Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

TRỞ LẠI PLEI BÔNG



Kỳ 1.
           Ngày xưa, là cách đây chừng... 2 chục năm về trước, quãng đường từ Pleiku xuống Plei Bông rất quen thuộc với chúng tôi. Ban đầu là xe đạp, sau đấy là xe máy, thi thoảng có nhát ô tô nếu là có lý do công vụ. Đấy là cái làng Bahnar rất đẹp, rất điển hình, dẫu nó không dựa vào núi, mà nó thoải giữa một triền sông, thế đất thì như là của nền văn minh lúa nước, nhưng nó thực sự là một vùng nương rẫy Tây Nguyên. Sâu phía trong một chút là dãy Kon Ka King, giờ là rừng đặc dụng quốc gia, quanh năm mây phủ.

           Đây là ngôi làng của ông họa sĩ Xu Man. Trong số những nhân sĩ trí thức người dân tộc Bahnar, Jrai của tỉnh Gia Lai - Kon Tum thời ấy không thể không nhắc tới ông họa sĩ này, bên cạnh những là Nay Đer, Núp, Ksor Krơn, Ksor Ní vân vân...

           Ông họa sĩ hiếm hoi người Bahnar này tên thật là Siu Yơng, sinh năm 1925 tại làng này. Rồi sau đấy đi kháng Pháp. Thấy những lúc rỗi rãi cứ hí hoáy lấy than vẽ, cấp trên bèn cho đi học hội họa. Ra tận Hà Nội học trung cấp, rồi lại về quê... oánh nhau. Sau năm 1975 lại ra Hà Nội học tiếp đại học Mỹ thuật, tham gia đến 2 khóa Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hồi tôi lên nhận công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum, trong cái dãy nhà tập thể vốn là khu gia binh của quân đội chế độ trước, ban đầu chỉ có 2 chú cháu. Ông ở 2 phòng, một phòng chứa tranh và họa cụ, ngổn ngang và tối om. Một phòng ông ở, có cái bếp giữa phòng, mồ hóng đen nhà, quần áo chăng ngổn ngang, đâu như chỉ có... 2 cái nồi đều méo mó. Một cái giường đơn của cơ quan và cái xe đạp có cột thêm mấy thanh gỗ ở đèo hàng và cả khung.

           Ban đầu tôi rất ngán ông, bởi cứ lầm lì cả ngày chả thấy nói gì. Mùa khô, lạnh cắt ruột. Ông cứ thu lu ngồi bên bếp, cái tẩu ngậm lệch. Nắng lên thì lôi toan ra vẽ. Những vết bệt bay tỉ mẩn, những bức tranh đông người, ngùn ngụt màu đỏ. Xung quanh ông đầy màu sắc, xanh đỏ tím vàng bám đầy người, tóc tai bàn ghế, cả vạt cỏ chỗ ông ngả toan, cả mấy cái thùng cái chậu ông rửa bút rửa bay... Sau rồi quen, tối ông rủ tôi... uống rượu. Mồi là “xí quách”, tức món xương bò trong cặn nồi phở tôi đi mua về. Rồi ông cũng say, nói líu lô, ngã dúi dụi, thấy ông cũng... là người như mình.

           Ông có một “đặc ân” mà cơ quan, cụ thể là trưởng ty dành cho là, lúc nào muốn lên thì lên, không thì ở làng. Mà lên (cơ quan) thì muốn họp thì họp không thì... ở phòng, miễn là ông vẽ, muốn vẽ gì thì vẽ, nhiệm vụ chính là đào tạo họa sĩ trẻ cho tỉnh. Ông thường xuyên được giao mở các trại sáng tác cho anh em có năng khiếu vẽ của tỉnh. Và địa điểm mà ông hay chọn, và anh em cũng rất thích chính là... làng ông, Plei Bông của ông.

           Một hôm tôi nhớ, cũng gần tết, lạnh. Ngồi họp, bỗng ông vùng chạy như bị ai đuổi. Lao ra sân, cái sân cơ quan đầy sỏi, ông chộp được một chú... tắc kè. Cứ thế ông cầm con tắc kè về thẳng phòng, không quay lên nữa. Và tối ấy ông bảo Hùng ơi sang uống rượu với tui. Té  ra ngoài chú tắc kè này, ông đã “trữ” thêm từ hồi nào mấy con nữa. Ông nướng và chúng tôi chấm muối uống rượu.

           Đã bảo cái làng ông đẹp kinh khủng. Có mấy cây đa cổ thụ rất to, có cái giọt nước mà cứ buổi chiều và buổi sáng lại như hội. Buổi sáng là các bà các chị xuống gùi nước. Hứng nước vào các quả bầu rồi cho vào gùi gùi về. Buổi chiều thì đây thành bến tắm. Tắm xong cũng gùi nước về để dùng cho cơm chiều và đêm. Chúng tôi xuống làng ông ở lại hàng tuần. Rất nhiều văn nhân tài tử cũng từng về đây. Ông họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, hồi ấy râu tóc bạc phơ, đâu như cũng phải bảy chục tuổi rồi, mà cứ mùa khô là lại xuất hiện. Hồi ấy bay bằng AN 24, sắm được cái vé bằng lên trời, thế mà sao bác họa sĩ già này cứ đúng hẹn như... lĩnh lương. Ông đến Pleiku ở vài ngày rồi đạp xe về nhà ông Xu Man, có khi ở đấy cả tháng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh lần nào vào Tây Nguyên cũng phải xuống đấy, cũng ở lại cả tuần, chưa hết, còn rủ rê đùm túm rất nhiều người theo. Đông nhất là anh em họa sĩ trẻ, anh em nhiếp ảnh, nhà báo vân vân...

           Chúng tôi thì mỗi lần xuống làng là một lần vui, trại cái khẩu hiệu giáo dục của bác Đại bây giờ. Có lần tôi lôi cả ông đại tá nhà văn Đỗ Văn Nhâm, khi ấy là trưởng phòng tuyên huấn quân đoàn 3, mấy cặp vợ chồng họa sĩ nhạc sĩ... mua vịt sống, thịt heo... xuống nhà ông. Trên đường còn vớ được mấy mớ ốc đồng bà con bán bên đường.

           Đến nơi cử người đi gùi nước, người lục lọi được một cái chậu, 2 cái nồi. Tôi nổi lửa làm tiết canh hẳn hoi. Cái chậu nước luộc vịt tôi để nguội để làm nước hòa tiết canh, vợ một ông họa sĩ không biết, tưởng là nước gì bèn... nhúng chân vào rửa. Tôi chỉ kịp hét lên lao tới giằng lại rồi ra hiệu im lặng không nói gì. Và tức là tôi vẫn dùng chậu nước ấy, bởi nếu không thì lấy gì mà thay. Ở làng Bahnar chứ có phải nhà mình đâu. Và, tiết đông cứng, ai cũng ăn, kể cả tôi, trừ 2 vợ chồng nhà ấy.

           Tất nhiên mỗi lần về nhà Xu Man thì... cả làng vui. Tục lệ làng là thế, khách của một nhà tức là của cả làng. Bà con gùi rượu sang (sau này thì... phải mua), mang cơm sang. Thức ăn thì chỉ có muối giã cá chuồn khô, hoặc cà nấu muối. Thức ăn chúng tôi làm là đặc sản. Biết thế nên bao giờ chúng tôi cũng mua về làm rất nhiều để mời bà con.

           Hồi ông Xu Man về hưu, Ty Văn hóa xin tỉnh làm cho ông một ngôi nhà, để ông sống ở đấy mà sáng tác, và coi như một món quà tỉnh tặng ông. Sau này ông Núp cũng được tặng một ngôi nhà như thế khi ông về hưu, tất nhiên nó to và bề thế hơn nhà ông Xu Man. Hối ấy cả vùng ấy chưa có cái nhà xây nào. Và chở vật liệu, mang thợ xuống xây cũng là một vấn đề lớn. Cái nhà làm xong ai cũng hân hoan. Giờ thì thấy nó rất xập xệ, nhưng cái hồi tất cả ở nhà tập thể thì đấy là một ao ước. Nhưng lạ, ông cười rất tươi, uống rượu vào rồi nói líu ríu (ông nói rất khó nghe, cái kiểu nói của người dân tộc lớn tuổi mới học tiếng Kinh), nhưng sau đấy thì ông... khóa cửa. Khách về hết, ông lại lên cái nhà sàn của ông phía sau đấy ở, dù trên ấy đã có 2 gia đình 2 người con trai ông, mỗi đứa có... 7 và 9 đứa con lít nhít gà vịt.

           Cái nhà xây thành cái kho chứa lúa, bắp, họa cụ của ông (thi thoảng hội Mỹ thuật gửi cho ông, hồi ấy còn tiêu chuẩn họa cụ cho hội viên hoặc Ủy viên BCH chi đấy, rồi của Ty văn hóa cấp cho ông), và thành nhà khách cho anh em họa sĩ về ở sáng tác, mở trại như đã nói ở trên.

           Làng đẹp, ngoài địa thế đẹp, giọt nước đẹp, mấy cây đa đẹp, còn cái nhà rông rất dễ thương. Và những đêm trăng mùa khô, làng bồng bềnh trong cái ánh vàng bất tử như cổ tích. Từ nhà rông, tiếng ting ning, goong thủ thỉ thù thì mơn man ảo giác. Lửa lập lòe trong các ngôi nhà sàn, nhìn ánh lửa biết ngôi nhà ấy đông hay neo người. Nhà neo người thì lửa lụi dụi qua liếp, nhà đông thì ngọn lửa phập phù reo vui vân vân...

           Chúng tôi lại mới trở lại ngôi làng này.

           3 anh em nhà báo trên một chiếc ô tô. Đường 19 BOT, veo veo, và chúng tôi đã chạy lố gần... 30 cây, quay lại thành 60 cây, phải trả 2 lần phí BOT vì chưa đến trạm thu đã rẽ trái để vào làng nhưng chúng tôi đã... tự nguyện chui qua trạm, đi và về, tất nhiên.

           Và rồi tiếp tục chạy... luột qua nhà ông khi đã vào làng dù tôi nhớ như in nhà ông, phải qua một cái nhà rông “nhà nước” là cái nhà rông văn hóa được nhà nước đầu tư 200 triệu từ hồi tiền còn như... vàng, tức như giờ cũng phải nhiều tỉ, làm xong để không đấy bởi chả có ai quản lý và cũng chả có ai để sử dụng nó. Rồi tới một ngôi trường, chính thức là điểm trường thì rẽ trái, bên phải có cái nhà rông nhân dân, tức nhà rông của làng, do bà con làm, hoàn toàn đúng là nhà rông, nhà rông truyền thống, thứ bây giờ đang trở thành của hiếm. Nhà ông ngay đấy. Và lần này chúng tôi cũng... luột qua, phải dừng lại hỏi mấy lần.

           Làng buồn quá, dù nhà xây rất nhiều. Hay tại nhà xây nhiều mà buồn. Có cái nhà to oành như nhà mấy đại gia người Kinh ngoài phố. Hỏi bảo của người làng mình đấy. Cũng có mấy cái chóp nhọn như nhà Lào nhà Thái.

           Làng nhiều bò nhiều lợn. Bằng chứng là rất nhiều... phân. Hôi nồng nặc, dù đường làng giờ là đường bê tông. Và vì thế mà dấu ấn phân súc vật càng đậm. Trời mùa mưa vừa hửng, cái mùi “vĩ đại” ấy nó càng nồng nặc.

           Buồn hơn là, rất ít người làng biết ông Xu Man.

           Ông mất lâu rồi, tất nhiên. 2 con trai ông, những gã trai lộc ngộc đẻ rất nhiều con của ông, mà ông từng tự hào cũng như phiền lòng về chúng, cũng mất lâu rồi. Ông đầu tên là Trái, có 9 đứa con. Ông sau 7 đứa. Chủ yếu sống bằng... lương của ông. Hồi ông sắp mất, có một đợt tranh của ông được mua hết, người ta trả rất nhiều tiền cho ông. Tôi là người thi thoảng lại cùng anh em mang tiền xuống cho ông. Lần nào xuống cũng bàn giao rất cẩn thận, rồi “tiện thể” kiểm tra xem ông còn nhiều không. Ông cuộn tiền thành bó để ở 2 nơi, một là sau cái Radio mà ông mở suốt 24/24, cứ oang oang suốt ngày đêm thế. Và 2 là trong cái gối đen sì chung thân của mình. Cứ lần sau lại hao hụt so với lần trước. Ông giải thích, thằng Trái lấy mua xe Hon Da, mua xe máy cày. Thằng sau làm nhà, mua rẫy. Ông cũng mua mấy con bò, tự đi chăn. Chúng tôi đếm đâu năm chục triệu, hồi ấy to lắm, cột riêng thành một bó, nói ông cất kỹ, không được đụng đến chỗ này, đấy là mệnh lệnh của cơ quan, là yêu cầu của... Đảng. Ông líu ríu biết rồi biết rồi. Là lường tới cái ngày ông hết tiền. Và rồi ngày ấy cũng tới. Ông ốm, chúng tôi xuống rồi... rước ông lên bệnh viện tỉnh. Ông không chịu nhưng rồi vừa năn nỉ vừa dọa nạt các kiểu, chúng tôi “thỉnh” được ông lên. Ông được ăn ở chữa bệnh miễn phí, vợ ông phải báo cơm (tức nộp tiền, ít thôi), và ở 10 ngày thì cả 2 vợ chồng ông... béo trắng ra. Bác sĩ bảo ông... thiếu chất, suy dinh dưỡng. Giờ ăn uống đủ chất, chả cần thuốc men gì cũng khỏe lên. Mà cơm bệnh viện so với cơm nhà của chúng tôi hồi ấy cũng đã chả ra gì rồi, thế mà với vợ chồng ông nó thành thuốc tiên. Nhưng ông đòi về, dù chúng tôi nài nỉ ông ở thêm, và bệnh viện cũng bảo ông muốn ở bao nhiêu thì ở. Sau này ông Núp cũng lấy một phòng của khoa nội 4 bệnh viện này làm phòng ở của mình cả... chục năm cho tới khi mất...

           Gặp một cô giáo dạy ở điểm trường phía trước nhà ông. Cô đi gần 2 chục cây vào dạy, sáng đi tối về. Hỏi cô biết ông Xu Man không, cô bảo chưa nghe bao giờ?

                                                               Kỳ sau đăng tiếp.





                                                               

Không có nhận xét nào: