Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

ĐẦU RA HÍ... HỌA



           Chả biết do trình phân biệt của tôi kém hay mắt mũi kèm nhèm mà mỗi lần vào nơi công cộng, nhất là các nhà hàng, sau khi đã có mấy ly sương sương rồi, rất hay nhìn nhầm cái váy thành cái... quần, cái mái tóc nữ với mái tóc nam. Ấy là mấy cái ký hiệu ở các phòng vệ sinh ấy ạ. Nên luôn bụng bảo dạ, dạ bảo lòng là phải đứng ngắm cho kỹ, định thần rất rõ rồi hẵng bước vào, không thì có ngày mang nợ.

           Mà quả là, chả biết sao các ông bà hay vẽ cái biểu tượng ấy lại vẽ khiến người ta, trong cái cơn cần... rất nhanh ấy lại cứ phải tần ngần định thần phân biệt để rồi rất dễ... nhầm một cách oan uống thế.

           Và mới thấy, té ra cái sự đầu ra ấy nó khẩn thiết đến như thế nào, khi cần, thế mà còn phải đứng để... luận thì quả là ban căng thật.

           Các bệnh viện, trung tâm y tế của chúng ta đang có những cải cách rất lớn để phục vụ người bệnh, mà chả cứ người bệnh, bất cứ ai có mặt ở đấy.

           Chắc chắn không ai trong chúng ta chưa từng một lần đau đớn khổ sở tay bịt mũi tay che mắt khi chui vào các khu vệ sinh của bệnh viện. Bệnh viện càng nhỏ thì sự khủng khiếp này càng lớn. Càng vùng sâu thì độ kinh khủng của nó càng xa.

           Có rất nhiều nguyên nhân. Tôi từng vào một cái trạm xá của một xã vùng sâu nhưng được xây rất hiện đại. Hết sức tốt, nhưng có một điều là, nhà vệ sinh tự hoại nhưng không có... nước. Mà bà con thì có thói quen dùng... lá thay giấy chứ đừng nói rửa bằng nước. Nước không có mà xả thì nó ra làm sao sau chỉ khoảng... 2 người dùng. Khủng khiếp chưa ạ?

           Giờ đỡ hơn rồi. Các khu vệ sinh đa phần bây giờ... khoán. Có người ngồi thu tiền, vào ra nhịp nhàng, mua cái vé, vào nặng nề ra nhẹ nhõm, quên giật nước có người nhắc, nửa tiếng đến một tiếng nhân viên vào lau dọn. Nhưng lại có chuyện này, bà con ở quê lên lên kêu ầm: Xứ gì đi... tè cũng phải mua vé. Ở quê, tao muốn đứng đâu thì đứng, ngồi đâu thì ngồi, trăng thanh gió mát nữa...

           Nhưng đi ngoài đường thì vẫn... nguy. Chả cứ nông thôn, ngay các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM chẳng hạn, nếu bí mà lơ ngơ vẫn... chết như thường. Anh Đoàn Ngọc Hải phó chủ tịch quận 1 mới đây còn dẫn quân đi bắt bọn tè bậy. Hết sức ủng hộ anh, nhưng quả là, nếu không quen, đang phon phon quận 1, nhỡ gì đấy, tìm cho ra cái ông Wiliam Cường giữa nghìn nghịt phố ấy cũng chả dễ dàng gì. Chưa kể là... kẹt xe. Ôi giời tôi đã dăm bảy bận nhấp nhổm trên ô tô, mà ô tô thì nhích từng nửa bánh xe một, mà con đường thì dằng dặc, mà người thì như kiến bâu xung quanh... Thế nên, nghe nói ở đâu kẹt xe thì cái mà tôi nghĩ tới đầu tiên là thương những người thận... nhạy cảm, thương những người... xấu bụng, hôm ấy ăn phải cái gì đấy, thức ăn không chịu vón lại, mà cứ... tóe loe ra.

           Lại có chuyện, lâu rồi, một bác ở quê lên phố, bí quá, úp mặt vào... công viên. Trật tự phạt 20 ngàn. Bác bảo thôi tôi đưa luôn 40 ngàn để cho nó xong đã chứ dở dở ương ương thế này ai mà chịu nổi. Lại có chuyện hồi nào 2 tờ báo mạng ăn đòn của dư luận. Một tờ thì quay clip một cô gái trẻ đi trên xe khách, chịu không nổi, kêu xe dừng, và xe vừa dừng thì... lao xuống ngay sát xe, trước hàng trăm con mắt. Biết làm sao, bí quá rồi mà. Vấn đề anh phóng viên đi cùng đã... tác nghiệp clip và đưa lên báo phê phán cô này. Thế là cơn mưa gạch đá nổi lên. Vụ nữa, cũng cô gái, kêu xe dừng mãi không được, bèn... trùm chăn hành sự ngay trên xe. Cũng một phóng viên “tác nghiệp” ngay. Và cũng ăn đủ. Nó là sự chẳng đặng đừng, là “thất cơ lỡ vận” chứ ai muốn thế mà nỡ lòng nào bêu riếu. Ai dám bảo trong đời mình chả một vài lần như thế, trong tình hình “an ninh bảo đảm” còn chưa chắc chứ huống gì xe đường dài chạy mấy chục tiếng đồng hồ.

           Tất nhiên, nước ta, vì thế cũng vẫn còn... du di. Trên đường chả có toilet công cộng, xe khách thích đâu là dừng, khách kêu là đỗ, bất cứ chỗ nào cũng có thể là toilet công cộng, mần chi nhau. Ra nước ngoài nhé, chết ngay. Hồi đầu còn Liên Xô, nhiều bác cán bộ nhà ta đi tham quan về kể chuyện cứ cười bò. Là các bác ấy quen kiểu... đi vặt ở Việt Nam, thích lúc nào đi lúc ấy, sang đấy, cứ chói lòa, chả biết đâu vào đâu, nhiều bác bảo, cứ ước ra ngoài mà để được... bộ phận ấy ở nhà. Có bác bảo, tao bị lừa một lần thôi, sau này các vàng cũng chả thèm, cái xứ gì mà suốt ngày cứ lo... đái. Mà quả thật, đang sống phong cách tiểu nông, bập pháp vào văn minh, vào hiện đại, đâu dễ dàng gì. Có bác sang Thái, đi trên đường dừng ăn trưa, làm lon bia như thói quen “sang trọng” ở nhà, lên xe một đoạn thì... bí. Cái giống bia, thà uống cho đẫy rồi ngủ luôn, chứ một vài lon nó hay bắt xả vặt. Bác vỗ xe đòi xuống vì thấy 2 bên đường toàn cỏ với mấy con bò nhởn nhơ, chả có nhà cửa gì cả, địa điểm tuyệt vời chứ gì nữa. Nhưng bác tài người Thái cương quyết không chịu. Ông thông báo chính xác: quý khách chịu khó, kiên nhẫn, hết sức kiềm chế, còn 30 cây số nữa chúng ta có toilet công cộng. Khách, mặt mũi thất thần, chân xoắn quẩy, chực bên cửa, lẩm bẩm mình không bằng... con bò kia, xe vừa dừng là ào như một cơn lốc...

           Mà thực ra, giờ dân ta cũng chưa thoát khỏi tình trạng tiểu nông, thích đâu... chầu đấy. Đang chạy xe ngoài đường, thích, dừng lại, úp mặt vào tường, vào gốc cây... xong. Chưa kinh, món... nhổ nữa. Xe máy, nghiêng đầu, toẹt. Ô tô, hạ kính xuống, choẹt. Mà nó lại yếu lực, nó lại gặp gió, nên cái sợi nó cứ cong cong lòng thòng trong gió...

           Nhưng quả là, chả phải xứ nào trên thế giới cũng oai hùng khoản Wiliam Cường đâu. Tôi từng ngồi xe thuê riêng ngang dọc Ấn Độ, sang Nepal nữa, thì cũng... thích đâu thì dừng thôi. Và mỗi lần dừng xe thì... nơm nớp dẫm mìn. Việt Nam ta, khoản mìn bên vệ đường đã ít đi rất nhiều hơn chục năm nay, dù nạn ăn trộm cho diễn ra rất sôi nổi. Ngay Trung Quốc, mấy tỉnh giáp biên, vào nhà hàng của họ thì tốt nhất là... cố nhịn, đừng vào cái món WC ấy mà rồi ra ăn hết ngon. Trong khi, Việt Nam ta, giờ nhiều nhà hàng, quán cà phê, khi thiết kế, cái họ quan tâm đầu tiên là... toilet. Sạch bưng, thơm lừng, tranh ảnh rộn rã. Trước khi cuộc triển lãm tranh nuy đầu tiên ở Việt Nam được tưng bừng khai trương công khai vừa rồi thì nhiều toilet của các nhà hàng khách sạn từ lớn đến nhỏ đã hân hoan lấy ảnh của các nhiếp ảnh gia, nhiều nhất là của ông Thái Phiên, phóng to oành trong ấy rồi. Vừa hành sự, vừa nghe nhạc, vừa ngắm tranh... sự khoan khoái hết điểm dừng là cái chắc. Nhiều nơi còn đề thơ, còn căn dặn, còn cám ơn... thì vua chúa cũng đến thế là cùng chứ gì...

           Nhưng, cái chính của bài báo này là, ban đầu tôi bày tỏ sự băn khoăn cái sự cứ phải... băn khoăn khi đứng trước cái cửa quan trọng hơn cả... thiên đường lúc hữu sự kia. Mặt mũi căng thẳng, bước thụt bước thò, người vẹo vọ... mà còn phân biệt quần với váy, tóc dài tóc ngắn, mũ quý tộc nữ với mũ lưỡi trai... nó vất vả vô cùng. Thà cứ đề một cách chân phương: Nữ, Nam...

           Nhưng, ngồi lục ảnh các chuyến đi, mới phát hiện là, té ra tôi có tính... tò mò, đi đâu thấy gì hay hay là chụp lại. Trong ấy đã chụp hàng trăm cái ký hiệu... toilet. Thế là cuối cùng, mục đích bài báo vui này lộ diện: Giới thiệu với các bạn những biểu tượng vui của cái thú vui muôn thuở. Không phải, không chỉ là thú vui, mà là nhu cầu sống còn của con người, nó quan trọng ngang đầu vào. Con người, chỉ có thể sống một cách bình thường nếu đầu vào đầu ra nhịp nhàng. Cha ông ta từng sai lầm khi gọi nhà vệ sinh là khu phụ. Không bao giờ là phụ nếu không muốn nói nó là chính, hết sức chính, không có nó là... chết...

           Tôi có hàng trăm ảnh sưu tập, nhưng hôm nay xin giới thiệu một ít...











                                                                          

Không có nhận xét nào: