Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

NHỊN THỞ MÀ SỐNG?



           Tôi vừa chạy qua một con đường mới mở, nối xuyên 2 huyện của tỉnh Gia Lai để xuống Quy Nhơn, ngày xưa muốn đi phải vòng vèo từ Ayun Pa ra Pleiku rồi từ đấy xuống Quy Nhơn, rất xa, mất gần ngày trời, giờ xuyên một phát từ Ayun Pa tới An Khê, tầm hơn một tiếng, được nửa đường, đích đến đã ở trước mặt. Nhưng điều kinh hoàng nhất mà tôi nhận thấy, bên cạnh sự tiện lợi rút ngắn được mấy tiếng đồng hồ, ấy là, con đường ấy chạy trơ trọi giữa loi thoi những ngôi nhà sàn của người Jai và Bahnar. Xưa, đây là rừng mà?

           Thứ nhiều nhất mà tôi thấy trên con đường này là... bao nilon. Lại nhớ lần sang Lào, đường rất đẹp và vắng. Những bản Lào rải rác cách đường rất xa, dưới những căn nhà sàn trông có vẻ cu cũ thường là 2 vật dụng rất văn minh: Một cái ô tô bán tải và một cái chảo thu tivi. Đi miết, đường vắng, nhấn ga tối đa, đến lúc gặp những khu dân cư có đầy bao nilon chất đống có, bay tứ tung có, mọi người ồ lên: Chắc chắn đây là khu người... Việt. Xuống xe và quả là thế.

           Người sáng tạo ra bao nilon chắc không thể ngờ là mấy chục năm sau, nó trở thành một thứ... đại họa. Quả là, thời gian đầu, con người đã hết sức hân hoan với bao nilon. Nó hết sức tiện lợi, hết sức rẻ, hết sức văn minh. Ngay giờ, vào các nhà hàng ăn cưới, người ta bê ra con gà nguyên đầu mình tứ chi như thế, phía dưới ý tứ để một cái bao tay bằng nilon. Một người trong bàn xỏ bao vào, vặn vặn xé một tí, con gà thành từng miếng. Cái bao ấy tất nhiên nằm trong đống rác hàng ngày...

           Người ta cứ bảo về nông thôn cho thoáng mát sạch sẽ, môi trường trong veo..., té ra là nhầm. Nông thôn bây giờ cũng ô nhiễm kinh khủng. Xưa ít người, rộng rãi, rác sinh hoạt vất bừa ra đấy, rồi thì chó tha gà mổ, nó tự biến mất. Nhà có việc, làm hàng trăm con vịt gà, mấy con lợn... xả hết xuống ao, xong béng. Giờ khác. Người đông đất ít, rác chất đống. Mà công ty vệ sinh như ở thành phố chưa có, bà con tự lập ra những nhóm thu gom rác, cũng trả tiền hàng tháng, nhưng hết sức nghiệp dư, và rác cũng được thu gom về đâu đấy rồi đốt hoặc chôn.

           Bao nilon thì có mà chôn.

           Mà đấy là mới nói đến bao nilon. Còn bao nhiêu thứ ngoài nilon nữa, do con người vô tình hay chủ ý xả ra.

           Phải có đến vài ba chục phần trăm dân Việt ta có thói quen... nhổ. Đang đi ngoài đường, ô tô thì hạ kính xuống, xe máy thì nghiêng sang một bên, đi bộ thì càng tiện, khạc phát, nhổ ra. Ai mạnh thì một phát ăn ngay, ai yếu thì lòng thòng một sợi tơ vương trong gió. Chết khiếp. Tôi hay đi bộ ở một cái quảng trường mới làm rất đẹp, nhưng quả là ít dám nhìn xuống. Dấu vết của những cuộc nhổ, nước bọt hoặc kẹo cao su khiến bước chân cứ nhờn nhợn.

           Chưa hết, còn nạn hút thuốc. Mù mịt. Đã đành khó bỏ, hoặc từ từ bỏ. Nhưng cái ý thức thì không chấp nhận được. Nghênh ngang như cái thời mấy chục năm trước chúng tôi kiếm được điếu thuốc nguyên hút cho thiên hạ lác mắt bất cứ đấy là đâu. Rồi tàn thuốc, trời ạ. Tôi không hút thuốc, chính xác là đã bỏ thuốc khá lâu, thế mà thi thoảng trong phòng lăn lóc mấy cái đầu thuốc.

           Đi xe khách đường dài thì khoản kinh nhất vẫn là... vệ sinh. Trừ một số xe dừng ở trạm đỗ, còn đa phần là bạ đâu dừng đấy, và dừng ở đâu thì đấy là... nhà vệ sinh. Mấy chục con người chứ ít đâu, là chỉ nói một xe ấy, đêm này qua đêm khác. Đất bạc phếch, cỏ chết và các thứ con người thải ra chồng chất.

           Một thời tôi có thử lý giải rằng tại sao dân hai bên đường tàu lại hay ném đá lên tàu thế. Có nhiều nguyên nhân, thì việc các đoàn tàu của chúng ta không có nhà vệ sinh, khách thải thẳng xuống đường là một trong những điều tôi được lý giải. Ngày ngày tháng tháng năm năm, cả hàng ngàn ki lô mét đường tàu biến thành nhà vệ sinh khổng lồ, chạy qua những khu dân cư thì ai mà chịu nổi? Trời ạ, tôi cũng từng là khách đi trên những đoàn tàu, nhưng quả là không ngờ, mình lại tham gia vào việc biến những con đường tàu song song hút mắt, biểu hiện của xã hội văn minh một thời, biết bao mơ ước về những chân trời xa, về những nơi chưa biết, về một tương lai hồng hào trước mắt... thành bãi thải khổng lồ thế. Thế hệ chúng tôi, từng lớn lên bên đường tàu, lấy lúc tàu chạy qua làm thước đo thời gian, nhìn những con tàu vút qua lấp ló những mái tóc dài bên cửa sổ mà mộng mơ, mà thổn thức, mà lâng lâng, và thi thoảng làm thơ ca ngợi những chuyến tàu ấy nữa, chở cái đẹp đi, chở ước mơ đi, thắp lên bao hoài vọng... có biết đâu những sự thật trần trụi đến khủng khiếp dưới gầm toa, trên cái đường ray khốn khổ kia...

           Cách bảo vệ mình trước “vấn nạn” môi trường bây giờ là gì? Tôi thấy vui nhất là xuất hiện rất nhiều bà... buôn chuyến trên mạng. Ai cũng lên facebook thông báo: Có gà chuồng rau vườn cá ao sữa vắt từ... vú..., mẹ/ bà em nuôi/ trồng, em lấy lên ăn không hết, các mẹ có chia thì inbox. Và thế là sinh ra một loại chợ trên mạng. Sinh ra những bà những cô làm thêm nghề shiper. Thi thoảng cũng thấy cãi nhau việc này việc kia, nhưng cơ bản thấy dân thành phố giờ hay “đi chợ” kiểu này. Chưa biết được cái gì, trước mắt được cái an tâm...

           An tâm. Trước tình hình môi trường mà cứ thở ra là thấy lo này, an tâm sống là một thước đo, một định mức để an ủi nhau.

           Nhưng làm sao mà an tâm được, khi hàng ngày nghe tin bạn bè phát hiện ung thư. Bạn bè tôi bị ung thư nhiều lắm. Và nói chung ở Việt Nam, tỉ lệ người bị ung thư khá là... xum xuê so với các loại bệnh khác.

           Thì lại tự mình giữ mồm giữ miệng thôi. Nhưng có những thứ không giữ được. Giữ mồm nhịn ăn nhịn uống có thể được, nhưng còn thở. Có ai nhịn thở để sống được không nhỉ?


                                                                          

Không có nhận xét nào: