Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

DU LỊCH TRÊN ĐƯỜNG, TẠI SAO KHÔNG?...



           Hình như dân du lịch chuyên nghiệp gọi đấy là “phượt”. Tôi vừa có một chuyến “phượt” trên mấy cung đường Gia Lai, và chợt nghĩ, tại sao lại không nhỉ, khi mà đi trên những con đường ngày, ngắm nghía, thăm thú, hiểu về nó, cũng là một cách du lịch vậy.

           Nhớ năm nào đó, xuống Đức Cơ, nghe nói nơi này có dấu tích con đường Trường Sơn một thuở chạy qua, tôi đã ước ao, giá có thể biến chỗ ấy thành một điểm du lịch. Rồi sau đấy, có lần gặp mấy đồng nghiệp ở một tờ báo phía Nam ra, nói đang cùng các anh ở huyện làm cái bia di tích ở đấy. Không hiểu công việc đã tiến hành ra sao, nhưng hãy hình dung, bây giờ bao nhiêu người không hình dung nổi con đường Trường Sơn, huyết mạch một thời nó như thế nào, cứ hình dung nó rất xa vời, ở đẩu đâu ấy, thế mà nơi đây lại có một đoạn con đường huyền thoại ấy chạy qua, được giới thiệu kỹ càng tỉ mỉ... thú vị quá đi chứ?

           Cũng con đường Trường Sơn ấy, có lần về Chư Prông giữa mùa khô, chạy giữa miên man rừng khộp, xe chúng tôi men theo đường mòn và... lạc sang đất CPC mấy trăm mét. Đấy chính là dấu tích của đường Trường Sơn xưa. Con đường chạy giữa rừng khộp, đẹp mê tơi nhưng mùa mưa cũng lầy mà mùa khô cũng lầy. Hôm ấy xe chúng tôi mắc lầy vì... bụi.

           Mới nhất, tôi cũng làm một cú giang hồ vặt. Chả chuẩn bị gì, dắt cái máy ảnh vào người, tôi phóng về K'Bang, một huyện phía đông của tỉnh Gia Lai. Ở đây đang tiến hành xây dựng khu di tích căn cứ địa cách mạng khu 10.

           Đây nguyên là chiến khu trong kháng chiến chống Mỹ. Cơn sốt rét rừng đầu tiên trong đời tôi diễn ra tại đây khi tôi tháp tùng nhà văn Nguyên Ngọc và ông Núp về xã Krong, nơi ngày xưa bộ đội và cán bộ đặt tên là thị trấn Dân Chủ, là đầu não của tỉnh ủy hai tỉnh Gia - Kon trong kháng chiến chống Mỹ. Hồi ấy đi từ Pleiku về đến Krong mất đúng một ngày. Tối nhọ nhẹ mặt người thì chúng tôi đến nơi, thấy rừng âm u, cây to lừng lững rêu phong chọc trời, nhà sàn ngơ ngác trong hoàng hôn. Tôi làm mồi cho lũ muỗi đói ở chính con suối này và mang mầm sốt rét về nhà, chỉ một tuần sau chuyến đi là tôi sầm sập sốt. Bây giờ hơn hai giờ đồng hồ tôi đã có mặt ở đây. Nơi xưa ấy, giờ cứ như lạ như quen. Nhà nhiều như nấm, nắng chan hòa, chả thấy rừng đâu. Nhưng bù lại thấy học trò đến lớp, thấy người đông đúc trên đường, thấy váy áo mới phơi đầy các cành cây. Tôi sà vào một quán cà phê. Đây là nhà của một cặp vợ chồng giáo viên trẻ. Họ dành ra cái chái có bóng mát của một cây pơ lang kê mấy cái bàn chục cái ghế bán đủ thứ. Thế mà thấy thanh niên Ba Na ngồi đông phết, có chàng còn rút điện thoại trong túi ra, mở nhạc, bỏ lên bàn, gác chân lên ghế mắt mơ màng nhả khói. Chắc chàng đang nghĩ uống cà phê nhạc như thế thua quái gì mấy quán ở phố, mà ở đây lại còn phong cảnh tự nhiên hữu tình...

           Ở đây có con đường Trường Sơn đông chạy qua 7 tỉnh bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng, trong đó đoạn chạy qua tỉnh Gia Lai là dài nhất với 239km… Tất nhiên là không ngon như đường Hồ Chí Minh cũng chạy qua tỉnh Gia Lai mà bây giờ phần lớn xe bắc nam toàn chọn nó để đi vì tốt và ngắn, nhưng đường Trường Sơn đông thực sự là một cuộc đổi đời đối với những cư dân vùng này. Những người dân ở đây đa phần là ở vùng căn cứ cũ của cách mạng, sau chiến tranh họ trở thành người ở vùng sâu vùng xa. Ở sâu đến mức mà gần ba mươi năm thống nhất đất nước vẫn còn một xã ở huyện K'bang này là xã Kon Pne chưa có đường vào, người dân ở cô lập như ốc đảo, cô lập đến mức cận huyết, người lùn tịt mét mốt mét hai. Cô lập đến mức, cả xã chỉ có một máy điện thoại khóa cứng ở nhà chủ tịch, khi nào khẩn cấp mới được gọi vì nó là điện thoại vệ tinh, mà nghe nói chỉ có vài nơi ở Việt Nam được dùng vì một cú gọi cực đắt. Muốn vào Kon Pne chỉ có duy nhất một con đường mòn, đi bộ một ngày thì tới, mà núi cao thăm thẳm, mà vực sâu hun hút, mà chênh vênh, mà hiểm trở. Tỉnh Gia Lai bỏ ra gần hai chục tỉ thời tiền còn có giá để làm con đường vào xã, tính trên đầu người thì nó là con đường đắt nhất thế giới vì cả xã này khi ấy chỉ có ba làng với tám mươi nóc nhà...

Tây Nguyên bây giờ đường ngang dọc như mắc cửi. Nhớ hồi 75, để tháo chạy xuống đồng bằng, quân đội Sài Gòn từ Kon Tum, Đăk Lăk, Gia Lai chỉ có con đường duy nhất là đường 7, tức đường 25 bây giờ, nối từ ngã ba Mỹ Thạch xuyên qua Ayun Pa, Krông Pa xuống Tuy Hòa. Bây giờ thì các đường xương cá, vừa nhiều vừa thuận tiện giúp nối ngắn các chuyến hành trình. Từ Pleiku lên xe khách giường nằm êm ru mát rượi lúc tám giờ tối, ngủ một giấc năm giờ sáng đã thấy mình ở thành phố Hồ Chí Minh. Sắp tới nghe nói sẽ còn đường sắt. Ban đầu chưa có Bô xít nghe đâu dự án đường sắt sẽ là Tuy Hòa- Krông Pa- Mỹ Thạch. Sau này thì lại Đăk Nông- Bình Thuận để phục vụ Bô xít. 

           Thế đấy, những con đường, song hành cùng đại lộ, như những sợi chỉ, chênh vênh một cách... chênh vênh. Mỗi một con đường mở ra, nó đều gắn với những con người, với những số phận. Có những con đường chỉ gắn với một người, nhưng có những con đường lại gắn với số phận cả dân tộc. Bây giờ, khái niệm con đường đã được mở ra rất nhiều. Thế giới phẳng, chỉ một tích tắc, thế giới quây tụ trên màn hình máy tính... nhưng vẫn cứ thấp thoáng trong tôi, những đôi vai trần mang gùi trên lắt lẻo sườn núi Tây Nguyên giữa rười rượi quỳ vàng.

           Đi trên những con đường như thế, chẳng phải là một cuộc du lịch thú vị sao? 


     
                                                                          


Không có nhận xét nào: