Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

MÙA PƠ LANG




           Năm nay nhuận, Pơ lang nở sớm.

           Trong tết tôi chạy về Ayun Pa chúc tết, qua đoạn H’bông, Chư Sê, chợt sững lại bởi một cây Pơ lang đỏ rực bên đường.

           Ở Gia Lai có 2 cây Pơ lang nổi tiếng. Chả phải vì nó đẹp hơn các cây khác, cũng chả phải nó linh thiêng gì, đơn giản là bởi, nó đứng ngay bên đường. Cây Pơ lang thứ 2 to hơn cây ở H’bông, ngay đầu thành phố Pleiku hướng lên Kon Tum. Chỗ ấy, con đường 14 lượn một cú rất đẹp nên có người tán: Lẽ ra con đường chạy thẳng kia, và như thế thì hoặc là cây Pơ lang sẽ bị ủi đi, hoặc là con đường sẽ cách xa cây ấy khiến cho chả ai thấy được nó khi ngồi trên xe. Người thiết kế vì yêu cây đã vạch một cú lượn, và thế là ai đã đi qua con đường 14 nối Kon Tum với Pleiku đều có thể ngắm cây hoa sẽ nở rực vào tháng 3 này. Hôm qua tôi cũng chạy qua đây thì thấy hoa của cây này nở chưa đều bằng cây H’bông.

           Lại nhớ tôi đã mừng đến như thế nào khi một ngày đẹp trời cách đây hơn chục năm, đã gặp nhạc sĩ Đức Minh, tác giả bài hát nổi tiếng, một thời tôi toàn viết thư yêu cầu được nghe ở chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” của Đài tiếng nói Việt Nam, là bài “Em là hoa Pơ lang”.

           Cũng như Kơ nia, như Dã quỳ... hồi ấy nghe Pơ lang là luôn nghĩ đấy chính là thứ hoa đặc trưng Tây Nguyên, của Tây Nguyên, chỉ Tây Nguyên mới có.

           Nhưng té ra, không phải thế. Và dẫu không phải thế, thì Pơ lang vẫn là của Tây Nguyên, đậm bản sắc Tây Nguyên.

           Bởi Pơ lang chính là cây... Gạo, cây Mộc miên, hầu như nơi nào cũng có. Biên giới phía Bắc, đồng bằng Bắc bộ, các triền đê, các chợ ven sông... tháng ba nào cũng lập lòe hoa gạo, hoa mộc miên. Gạo thì dân dã, mộc mạc, ăm ắp tuổi thơ quê kiểng, mộc miên thì sang trọng, xa cách như mối tình đầu thoắt đấy lại đã đâu rồi, nhưng hết sức ấn tượng. Dẫu vậy, khi đến Tây Nguyên, Pơ lang vẫn là một thứ hoa vừa bí ẩn, vừa vùng miền, vừa thân thuộc gần gũi, vừa vời xa trang nghiêm. Nó dân dã mà cao sang, hòa đồng mà quý phái, rực rỡ mà nhã, đậm đặc mà lành...

           Hồi mới lên Pleiku, tôi nhớ, cữ tháng tư, khi mùa khô đang rực rỡ nhất, nắng vàng và gió, se lạnh và mênh mang, có một thứ sợi bông trắng muốt cứ là đà bay trong không khí, rắc lên tóc lên vai người như một cách... đánh dấu. Sau mới biết, đấy là bông gòn, một loại cây có họ với Pơ lang. Cũng sau này mới biết, ở Gia Lai có đến mấy loại Pơ lang, hay chính xác là có mấy loài na ná nhau. Loại có bông bay trắng xóa vào dịp tháng ba tháng tư, thân không có gai, và loại hoa đỏ rực như đốt cháy cả bầu trời cũng vào cữ tháng ấy thân có gai. Ngoài ra ở Tây Nguyên mùa này còn một loại cây nữa cũng giống pơ lang, nó là loại vông rừng, hoa cũng rất đỏ, rất rực rỡ. 

        Đồng bào Tây Nguyên hay dùng Pơ lang để làm cọc nêu hoặc buộc trâu mỗi khi làng có việc, và có tiệc hiến trâu, hoặc bỏ mả. Vì thế người có kinh nghiệm, khi vào làng, chỉ việc đếm các cây Pơ lang rải rác quanh làng, hoặc tập trung ở nhà rông, là có thể ước được số lễ mà dân làng đã làm thời gian qua. Có cây đã thành có thụ, có cây mới ra lá. Cây càng cổ thụ thì còn biết thêm một điều là làng đã định cư ở đấy khá lâu rồi, rằng đấy là vùng đất tốt.

           Pleiku còn một đoạn đường cây cổ thụ rất đẹp là đường Nguyễn Du. Ở đấy có một cây Pơ lang rất lớn nhưng cả chục năm nay chả thấy nó nở hoa. Về cái cây này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, của chính những người làm chuyên môn lâm nghiệp. Người bảo nó là Pơ lang, người bảo vông đồng, người bảo vông rừng, có người lại bảo nó chính là cây ngô đồng, thứ cây huyền thoại có mặt trong câu thơ: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” (Một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết mùa thu đã sang). Tôi thì, đã tận thấy cây ngô đồng ở Đại nội Huế, thứ cây đã được khắc cả vào cửu đỉnh như một thứ quốc bảo thì khẳng định nó không phải là thứ cây ấy. Thế lại còn cây ngô đồng này: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”... thì nó là loại nào nữa?

           Nhưng mà cần gì phải rạch ròi nhỉ. Mùa này, Tây Nguyên lập lòe sắc đỏ Pơ lang, nó báo hiệu một mùa khô bắt đầu, mùa ning nơng đang tới. Ở đấy, con người hòa với thiên nhiên, bất tận với thiên nhiên, thả mình vào thiên nhiên, sống một cách sảng khoái nhất, nhưng lại bình yên nhất.

           Và với người Tây Nguyên, Pơ lang còn là một loại cây thiêng. Nơi các vị thần trú ngụ để làm cầu nối giữa con người với Giàng.

           Tôi từng gọi đây là mùa “Pơ lang trôi”. Trôi trong thời gian, trôi trong tâm thức, trôi trong ước vọng, trong khát khao và sự mặc khải của con người về một miền thanh cao và thánh thiện. Mùa này, lên Tây Nguyên, về làng, ngắm Pơ lang trôi giữa thuần khiết dung dị, giữa trập trùng những nhịp xoang, nhịp chiêng và nồng ấm rượu cần, chẳng phải là cách du lịch vừa thú vị vừa hết sức độc đáo, hết sức hợp lý khi người ta đã “no nê” với những phố phường chen chúc, với những tiện nghi khiến con người có nguy cơ trở thành rô bốt sao?

           Mùa Pơ lang đang đợi bạn.

Bài gốc Ở ĐÂY, mục "Cửa sổ du lịch" báo Gia Lai.


                                                              
                   

Không có nhận xét nào: