Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

XẾP GHẾ




Đang có một hiện tượng phát triển rất kỳ lạ mươi năm nay: Xếp ghế cho người nhà, người quen, (và cả người... không quen nhưng có phong bì) trong các cơ quan nhà nước.

Tất nhiên không phải ai cũng có thể, có quyền xếp. Phải “như thế nào” mới có thể làm điều ấy.

Đã có một thời, các vị lãnh đạo của chúng ta rất trong sáng. Con cháu họ phải tự thi thố với đời để làm việc, để cống hiến. Mà các vị lãnh đạo ấy là khai quốc công thần, là những người có công cực lớn với đất nước, với dân tộc. Không những không bố trí cho con cháu những cái ghế “thơm”, mà nhiều người con, người cháu của những vị lãnh đạo ấy còn trực tiếp cầm súng ra trận. Nhiều người đã hy sinh đầy dũng cảm.

Và cũng không nên mù quáng để thấy một điều hiển nhiên rằng, những gia đình có truyền thống, có điều kiện thì con cháu họ có điều kiện để học hành hơn, sự hiểu biết cũng có điều kiện hơn.

Thế mà suốt một thời gian dài, không thấy có sự phát triển “phi thường” nào của con cháu các vị tiền bối. Họ lặn vào cuộc đời, làm bổn phận công dân của mình như mọi công dân khác, lặng lẽ cống hiến, và thanh thản với vị trí của mình. Thậm chí khi có điều kiện thăng tiến, họ còn đấu tranh rất dữ để không bị “tình ngay lý gian”, rằng nhờ bố mẹ mà mình được như thế!

Thực ra thì, cái việc tài và xuất chúng được đặt vào đúng chỗ đúng nơi để giúp nước giúp đời là rất tốt. Lịch sử nước ta đã từng có những Tổng Bí thư dưới 30 tuổi như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, có những vị tướng rất trẻ như Trần Quốc Toản, Võ Nguyên Giáp... và họ đều để lại danh thơm truyền nhiều đời. Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, với rất nhiều chủ trương nghị quyết phát hiện bồi dưỡng và đề bạt người trẻ thì việc một người trẻ được đề bạt là điều rất quý.

Nhưng giờ thì khác.

Chưa nói những vụ việc còn đang nằm ở tư thế... xầm xì, mà nếu là người tử tế, có lòng tự trọng, họ sẽ phải soi lại mình ngay, để điều tiết, nhưng họ cứ thản nhiên như không, như đấy là việc đương nhiên phải thế, chỉ nói đến mấy vụ mà Ủy ban kiểm tra Trung ương đã chỉ ra, rồi Bộ chính trị, Ban bí thư đã vào cuộc như vụ Vũ Quang Hải, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo , Nguyễn Quỳnh Anh, Trần Thị Lý...

Những người kể tên trên, chắc chắn là có những người có năng lực, có khả năng làm việc, nhưng họ đã không tự quyết con đường con mình, mà để người thân, là cha, mẹ hoặc anh chị “kê ghế” sẵn. Ông Nguyễn Sự, nguyên ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam, người nổi tiếng là cương trực, đã phát biểu ngay sau khi Ủy ban kiểm tra trung ương xóa tên ông Lê Phước Hoài Bảo khỏi danh sách Đảng viên là nếu bầu lại, ông vẫn bỏ phiếu cho Hoài Bảo làm giám đốc sở, cái chức mà đương nhiên anh này phải rời khỏi sau khi không còn là Đảng viên. Thế tức là, chính ông Lê Phước Thanh, cựu bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, đã làm hại con mình.

Ở đây lại thấy thêm một điều là, hình như người ta coi việc “xếp ghế” là đương nhiên, là “nó phải thế”, người khác làm được thì ta cũng làm được, chả cần đắn đo suy nghĩ gì. Chứ nếu có chút băn khoăn, chả ai lại đẩy người nhà mình vào cái thế bây giờ “đi cũng dở ở không xong” thế.

Tức, việc xếp ghế, chạy ghế nó công nhiên, công khai đến... không ai nghĩ đấy là sai.

Đây mới chính là việc nguy hiểm. Nó làm suy yếu chế độ, nó khiến con người vô cảm trước những sự việc bất thường, nó bình thường hóa những việc bất thường, chặn đường những người tài, những người có khả năng cống hiến nhiều hơn, gây nên sự bất bình, cả công khai lẫn âm ỉ, và mầm mống của sự bất mãn, tiêu cực với chính quyền là từ đây.

Và khi mà lãnh đạo đã “xếp ghế” được cho người nhà của mình, thì những người khác cũng... tranh thủ.

Các loại “Ệ” xuất hiện, trong ấy có tiền tệ.

Không bà con thân thích, không quan hệ gần gũi, thì bỏ tiền ra chạy. Chạy ghế bằng tiền.

Nên nó xảy ra những nghịch lý, vào biên chế cũng phải chạy, dù tiền lương không thấm là bao so với tiền bố mẹ đã bỏ ra cho mình học. Và phải bỏ ra khá nhiều tiền để chạy một xuất biên chế lương vài ba triệu. Còn ghế thơm tho chút thì khác nữa.

Và đấy là kẽ hở để những người tài thật sự bèn đi... làm thuê cho nước ngoài, cho tư nhân. Ở các cơ quan nhà nước, không phải tất cả đều yếu kém, nhưng thời gian gần đây tự nhiên sinh ra rất nhiều “anh đánh máy” để đỡ lỗi cho sếp.

Một trong những lý do của bộ máy nhà nước trì trệ là có nguyên nhân từ những cán bộ yếu kém.

Quê tôi mỗi khi có giỗ lớn thường phải có một người thạo việc đứng xếp ghế. Đây là việc rất quan trọng, bởi nếu không sẽ rất lộn xộn. Ai bằng vai với ai, ai ngồi trong ai ngồi ngoài đều có những quy định bất thành văn. Đã từng có những đám giỗ suýt hỏng vì ông cháu bên này lại được xếp ngồi với người vai ông bên kia. Nhưng đấy là việc nhà, việc làng. Việc nước nó phải khác. Nó phải công tâm, rạch ròi, nó có luật, có quy định để ai cũng phải tuân theo.

Ngoài ra còn lòng tự trọng, với người thực thi công vụ thì đấy là lòng tự trọng công vụ. Có vẻ như, lòng tự trọng công vụ của một bộ phận cán bộ ta có vấn đề.

(Bài in báo Văn Nghệ Công An, ảnh không liên quan)




Không có nhận xét nào: