Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

“XE THƠ” SÀI GÒN LONG AN


Lần đầu tiên tôi xuống Long An cũng là xuất phát từ trại sáng tác Vũng Tàu. Phi xe đò lên Biên Hòa, ngủ ở nhà nhà văn Nguyễn Đức Thọ, khi ấy còn rất trẻ khỏe, chừng mươi năm sau anh mất vì ung thư. Từ Biên Hòa tôi và Thọ đi xe máy, 4 ngày qua 7 tỉnh. Các tỉnh miền Tây rất gần nhau, tỉnh này cách tỉnh kia chỉ vài chục cây số, nên chuyện 4 ngày qua 7 tỉnh cũng là bình thường. Cái không bình thường là chúng tôi đã... vượt qua những trận rượu hết mình của bạn bè chờ sẵn để... trở về an toàn.

Lần này, lại cũng là một cái trại sáng tác ở Vũng Tàu, là cái trại của Hội VHNT Gia Lai được phân bổ 15 ngày, tôi cũng cù rủ một số bạn bè ở Sài Gòn làm lại một chuyến miền Tây. Chỉ khác, giờ sức khỏe không như xưa nữa, nên kiếm xe riêng đi, nếu không thì đi xe đò chứ không xe máy nữa.

Và quả là, giờ kiếm một cái xe ô tô không phải là chuyện khó, chỉ khó là có bạn có ô tô riêng hay không? Thực ra thì cũng không khó lắm, bởi còn có thể thuê. Một anh bạn vừa là chủ doanh nghiệp vừa làm thơ xuất hiện. Thế là một chuyến xe thơ thẳng Long An.

Sở dĩ Long An là bởi, đây là nơi nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đang sinh sống, và chị luôn tha thiết mời, có dịp ghé nhà chơi cho biết, người thơ bài trí nhà như thế nào?...

Ngay sau ngày thống nhất, Đinh Thị Thu Vân đã nổi tiếng với bài thơ “Con tem quân đội” in và đạt giải Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, và sau đấy là một bài thơ cũng nổi tiếng nữa, bài “Nếu không có ngày ba mươi tháng tư”.

Rất nhiều bạn trẻ bây giờ hoàn toàn không thể biết rằng, đã từng có một thứ tem thư gọi là tem quân đội, xuất hiện trong đời sống bưu chính Việt Nam. Ngay cả những người cũng thời ấy, giờ không nhắc có khi cũng quên mất.

Ngay tem bưu chính bây giờ cũng rất ít được dùng so với ngày xưa, bởi bây giờ còn có tin nhắn điện thoại, có facebook, zalo, viber, Email... vân vân các loại chia sẻ chức năng của một phong thư. Nhiều người nhận xét con người bây giờ ít lãng mạn hơn, thực dụng hơn, chữ viết xấu hơn vân vân là có lý của nó. Cái lý ấy là, sự xuất hiện của... chat. Khi chát người ta không vòng vo, không “yêu anh chẳng dám vào nhà/ đi qua ngõ hỏi có gà bán không” nữa. Người ta không tả mây tả gió, tả sương rơi lộp bộp trên tàu lá chuối, tả rét cắt da cắt thịt nằm run lập bập nhớ nhau (dù lúc ấy có thể là đang giữa trưa nắng nhễ nhãi)... người ta không cần đến cả hàng trăm trang thư mực tím nắn nót vòng vo đủ kiểu để rồi mãi mới run rẩy thốt lên Anh yêu em nữa, mà rất nhanh cái câu I Love You được bật ra từ ngón tay trên bàn phím. Và câu nhận được cũng rất... hiện đại, OK hoặc Jes hoặc No.

Trở lại, thời chiến tranh ấy, mỗi anh lính khi nhập ngũ, trong số quân tư trang được cấp thì có mấy chục con tem, của quân đội in riêng. Tem này cấp không cho bộ đội để gửi thư, nôm na là tem miễn phí, bởi nó được gửi cả trong hệ thống quân bưu của quân đội lẫn hệ thống bưu chính quốc doanh. Tôi cho cái sự cấp tem cho bộ đội là việc làm hết sức nhân văn, lo đến tận một nhu cầu tưởng rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan thiết với con người. Tất nhiên cũng như quân phục hoặc lương khô cấp riêng cho bộ đội, tem quân đội cũng được khá nhiều dân thường dùng. Thời ấy khó khăn lắm, không phải ai cũng có tiền mua tem, thế là một số anh lính, trước khi vào chiến trường, sẻ bớt số tem tiêu chuẩn của mình cho gia đình. Ai ở gần những đường tàu hoặc quốc lộ thời ấy chắc còn nhớ những chuyến tàu, xe chở quân vào Nam đi qua là trắng xóa thư của lính thả xuống, cứ thả xuống đường thế, những người dân tốt bụng lại nhặt gửi tiếp cho họ về gia đình. Có thư dán tem, thư không, nhưng nhìn thấy số hòm thư trên phong bì thì biết ngay đấy là thư bộ đội, bưu điện chuyển hết.

Dòng dai để giới thiệu rằng, “Con tem quân đội” ra đời thời kỳ ấy.

Bây giờ thì người con gái rất trẻ và xinh thời “con tem quân đội” ấy đã về hưu sau một thời gian rất dài làm Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Long An.

Và kỳ lạ là, như được hồi sinh, thơ chị giờ rất hay. Chị cứ viết trên facebook, triền miên trên ấy, giãi bày trên ấy, rất nhiều, mê hoặc và đắm đuối. Và, đừng nói là cư dân mạng, cụ thể là dân facebook chỉ ồn ào tin hot, tin giật gân. Họ đọc thơ Đinh Thị Thu Vân rất nhiều. Và một số mạnh thường quân, có nhà văn Ngô Thảo, đề nghị chị tập hợp lại, in một tập.

Bởi, đã lâu lắm rồi, sau cái thời Con tem và Nếu không có ngày ba mươi tháng tư ấy, chị như chìm trong im lặng, không làm thơ nữa. Giờ lại làm ào ạt và rất hay.

Và tập thơ “Tình yêu mang phận cỏ” rất hay ra đời như thế…

Trở lại xe… thơ. Giữa thời buổi bây giờ mà huy động” một lúc được 7 ông bà nhà thơ ở Sài Gòn đi chơi không phương hướng chả mục đích kể cũng là kỳ công nhưng té ra lại cũng dễ, hú phát là gác hết công chuyện, đi chơi. Mà ai cũng hùng hục làm việc để sống, nuôi bản thân, gia đình và… làm thơ. Làm thơ nó không chỉ đơn giản là làm thơ, mà còn phải có tiền in thơ. In xong rồi… tặng, tốn tiền gửi bưu điện nữa. Mà giờ gửi thường thì không an toàn, hay thất lạc, nên toàn phải gửi chuyển phát nhanh (EMS), đắt gấp năm sáu lần, có khi tiền gửi ngang tiền tập thơ.

Chủ xe kiêm lái xe là nhà thơ Lê Quang Thắng, có mấy tập thơ rồi nhưng người ta nhớ nhiều đến ca từ bài hát “Điệu ví dặm là em” của ông. Thực ra cho đến lúc lên xe tôi mới biết ông là tác giả phần lời cùa bài hát này. Và cũng tất nhiên là trên xe của ông bài hát này được lặp đi lặp lại khá nhiều lần. Rồi các ông bà Trần Mai Hường, Tô Minh Yến, Lê Tuân,  Nguyên Hùng, 2 vợ chồng Kao Sơn và Hoàng Phương Nhâm. Chúng tôi 2 người từ Vũng Tàu lên, đủ chuyến xe 9 người.

2 nhà văn vợ chồng Kao Sơn và Hoàng Phương Nhâm nguyên là các quan chức văn chương ở Ninh Bình. Một hôm đẹp giời, bảo nhau Nam tiến thử, và thế là định cư Sài Gòn, ở một nơi khá gần Long An, từng khá thưa vắng nhưng giờ cũng đông đúc chen vai thích cánh lắm. Bán toàn bộ vốn liếng ở Ninh Bình, về đấy mua được miếng đất làm nhà, 2 đứa con đã dựng vợ gả chồng, trong đó có một đứa lấy con gái nhà thơ Trần Mai Hường cũng từ những cuộc du hí của bố mẹ. Tôi nhớ có lần tôi và nhà thơ Lê Quang Sinh kêu tắc xi từ quận 1 chạy đến nhà ông bà này rước 2 ông bà sang lại quận 1 nhậu, chỉ vì nghe trong điện thoại chị Nhâm than, buồn quá, mới vào chưa quen ai. Giờ thì họ lại trở lại làm hướng dẫn viên cho tôi. Lương hưu hai vợ chồng tháng được 10 triệu. Rỗi, bà giúp con bán quà cho học sinh vì nhà sát ngay cổng trường. Con gái cũng là sắp sảnh thôi, chứ hai vợ chồng đều có việc làm ổn định. Ông thì ôm thêm “nghề” chụp ảnh, rong ruổi khắp miền Tây, miền Đông để chụp, đã đen, đen thêm, đã gầy, gầy thêm.  Có dạo lại đi câu, bà Nhâm kể, hôm nào ổng về mà thấy thở dài, sau xe chả có gì là mừng hết lớn. Còn có cá, đặc biệt là cá to thì bà lại… thở dài, vì nhìn thấy cá là ớn, cái gì ăn mãi chả ớn. Sau này biết cách, câu xong thì bán lại ngay cho chủ ao. Nhưng chủ ao chỉ mua lại những con cá trên 5 cân, dưới đấy thì xin mời mang về bắt… vợ ăn.

Sau khi về hưu Đinh Thị Thu Vân mua một miếng đất ở huyện Thủ Thừa, cách thành phố Tân An nơi chị có ngôi nhà rất đẹp giờ để cho con trai ở hơn chục cây số. Chị làm một ngôi nhà giản dị với màu chủ đạo là… tím. Anh em thơ khắp nơi tìm về đều gọi đây là biệt thự màu tím. Chỉ qua ngôi nhà đã thấy sự tinh tế của chủ nhân. Phải nói là tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Trong nhà đầy hoa, rượu và… ly, các loại ly, như một bộ sưu tập. Gần 2 chục năm trước tôi và nhà văn Nguyễn Đức Thọ đã đến nhà chị, khi ấy là một căn phòng trong khu tập thể. Về cứ nắc nỏm mãi 2 điều về người đàn bà này, một là nấu ăn rất ngon, và hai là trong nhà có rất nhiều rượu tự ngâm, hàng mấy chục vò. Nhà thơ nữ mà đảm thế ít lắm. Cả hai điều chị có đều là thứ để… đốn tim đàn ông, từ báo chí hay dùng bây giờ. Ấy thế mà chị lại sống một mình, nuôi hai đứa con, như hai cục vàng. Giờ 2 đứa đã lớn, đã có vợ có chồng, chị lại một mình với ngôi nhà màu tím…

Tối ấy chúng tôi có một đêm thơ tự phát tại nhà chị sau khi đã ăn một bữa cơm chiều rất ngon do chị tự tay nấu và bày biện. Cái không khí này đã lâu lắm rồi không thấy có nữa. Chả bù cho ngày xưa, đói dài đói rạc, lê thê lếch thếch, thế mà gặp nhau là chỉ có 2 việc, một là rượu 2 là thơ. Có thơ mà không có rượu là không thể… thơ được. Và, có rượu mà không có thơ thì thà chết còn hơn. Rồi thơ cũng vào vòng xoáy thị trường, làm xong bài thơ cứ giấu như giấu của, anh nào đọc thơ ở chỗ đông người bị cho là hâm, tâm thần, vừa ở trại ra... Thậm chí có luật bất thành văn, anh nào mót quá, đọc thơ trong cuộc nhậu thì phải… trả tiền. Thi thoảng có dăm anh nhà thơ gặp nhau, lén lút đọc cho nhau nghe vài bài thì cứ phải dấm dấm dúi dúi, anh này chưa đọc anh kia đã đe: nhanh lên, ngắn thôi… Thế mà hôm ấy ở nhà Đinh Thị Thu Vân, mọi người đọc thơ như… tháo khoán. Đọc thơ mình, đọc thơ người, đọc tuốt, rồi hát nữa.

Nói thêm điều này, thành phố Hồ Chi Minh, tưởng là ồn ào náo nhiệt thế không có chỗ cho thơ, té ra không khí thơ có vẻ đang hừng hực nhất nước. Khi xuống tôi đi người không, khi về lặc lè một túi nặng toàn thơ tặng. Chưa hết, buổi sáng ngồi uống cà phê tít ở nhà ông Kao Sơn, từ quận 1 xuống phải đến mấy chục cây, thế mà các nhà thơ lần lượt có mặt khá đông và… nói chuyện thơ rất to, tự nhiên như thành phố này chỉ có mỗi việc là… thơ. Và những người ngồi xung quanh trong quán cà phê nhìn mấy ông bà nhà thơ này cũng… bình thường như ly cà phê, chứ không hốt hoảng ngạc nhiên như nhìn mấy người từ đâu rơi xuống!

Nhẽ ra tất cả ngủ lại ngôi biệt thự màu tím của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân như dự định, nhưng rồi ông chủ xe có việc, thế là nửa đêm, xe thơ về lại Sài Gòn. Trên xe vẫn những câu chuyện thơ…

Lê Quang Thắng,Nhà cháu, Tô Minh Yến, Trần Mai Hường, Đinh Thị Thu Vân

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân áo xanh cạnh nhà thơ Nguyên Hùng trán hói, nhà thơ Lê Quang Thắng kiêm chủ xe áo chim cò

Trái qua: Nhà cháu, nhà thơ Trần Mai Hường, nhà văn Hoàng Phương NHâm, Nguyễn Minh Tuấn

Một tết cách đây 3 năm, tại nhà nhà thơ Trương Nam Hương, các nhà thơ cự phách của Sài Gòn gặp nhau, và toàn đọc thơ, ngoài phố, Sài Gòn vẫn trôi như... Sài Gòn. NHà thơ Thanh Tùng đọc thơ và khóc, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đọc thơ và thi thoảng... quát thơ. Trong ảnh còn nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, nhà thơ Quang Chuyền, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, nhạc sĩ Hữu Xuân...


1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Tem quân đội có thời gọi là Tem binh sĩ. Loại tem này không ghi giá. Tem dân thì có giá 12 xu, chuyển bưu điện toàn quốc, nếu chuyển nội thành có giá 6 xu gì đó. Tem bây giờ có giá 3000 đồng, nếu tính cả kỳ đổi tiền 10 ăn một, thì có giá 30 000 đ. Nếu đổi ra sẽ là 3.000.000 xu. Bây giờ không thấy tiền xu, hào, đồng nữa. Thời xưa còn có cả tiền chinh. Tiền tem thư tăng giá làm hoa cả mắt.