Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

VÀI KỶ NIỆM NHỎ

Hôm nay ở Hà Nội, báo Văn Hóa kỷ niệm 60 năm, già cmnr dù TBT là một nữ nhi trẻ và xinh đẹp. Nhà cháu có vài kỷ niệm với báo, bèn ngồi nhà vóng ra...

Tất nhiên, bài này là viết cho số báo kỷ niệm ngày lên lão ấy nên vẫn phải trịnh trọng chút không thì nó đếch dám in, he he...


Một ngày nào đó của thập niên 90 thế kỷ trước. Một cú điện thoại của anh Nguyễn Thế Khoa gọi, bảo bọn mình đang cần một đại diện tại Tây Nguyên, Hùng giúp nhé.

Anh Khoa khi ấy là trưởng văn phòng đại diện báo Văn Hóa tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, đóng ở 130 Trần Quý Cáp, Nha Trang. Tôi biết anh từ hồi anh còn làm phó giám đốc sở Văn hóa Thông tin Phú Khánh. Đang lưỡng lự thì anh Lê Bá Dương lại điện: Làm đi Hùng, cho vui.

Thì làm. Thực ra khi ấy tôi đã làm báo được gần 20 năm rồi, đã cộng tác với khá nhiều tờ báo, nhưng đang hưởng lương chính thức tại một cơ quan báo chí văn nghệ của Gia Lai, kể không nhận lời thì mình viết cho nhiều báo cũng thích, nhận lời thì như một cách cột chân mình lại, toàn tâm toàn ý với một tờ. Lúc này ở Huế có chị Nguyễn Hồng Hạnh cũng… 2 mang như tôi.

Ban đầu là làm… cho vui thật, tức là không lương, viết bài nào ăn (nhuận bút) bài ấy, mà nhuận bút thì… thấp. Nhưng kệ, vui là chính.

Nhớ năm ấy, sát tết thì văn phòng gọi xuống Nha Trang họp tổng kết cuối năm. 28 tết mới từ Nha Trang nhảy xe đò về nhà, trên tay là… mấy cân đường văn phòng “cải thiện” được để anh em phóng viên thường trú ăn tết.

Sau một hai năm gì đấy, anh Khoa nghỉ, anh Hà Bình lên trưởng đại diện, quyết liệt việc mở văn phòng thường trú tại Gia Lai. Tôi phải đi làm thủ tục, lấy ý kiến từ sở Văn hóa thông tin (khi ấy chưa tách) đến phó chủ tịch tỉnh, để đồng ý 2 việc: Một là đồng ý cho tôi làm phóng viên thường trú, và 2 là đồng ý cho mở văn phòng. Gửi hồ sơ ra, Tổng biên tập gửi quyết định vào.

Cùng với quyết định, anh Phí Văn Tường cử anh Văn Anh, phó Tổng biên tập và anh Lương Trung Hiếu, trưởng phòng trị sự phối hợp với văn phòng MTTN lên Pleiku làm lễ ra mắt.

Tôi mượn một phòng của Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, gắn biển hẳn hoi, cũng có lễ cắt… biển, lãnh đạo tỉnh đến dự phát biểu, anh Văn Anh trao quyết định, tôi… hứa. Và thế là có một văn phòng Gia Lai - Kon Tum do nhõn tôi làm 2 mang.

Cũng có quyết định phụ cấp hẳn hoi, không nhớ chính xác, nhưng hình như đâu mỗi tháng được 500.000đ. Thế là hàng tháng lại có thêm mục ngồi lẩm nhẩm đếm và kê khai sản phẩm. Mỗi tháng báo giao một cơ số tin bài, hoàn thành thì có khoản phụ cấp kia. Kinh phí đi công tác thì… tự thanh toán bằng nhuận bút. Thực ra thì lấy việc viết báo làm vui, chứ cả nhuận bút và phụ cấp chả đáng là bao. Hồi ấy toàn xài điện thoại và fax chứ chưa mail miếc như bây giờ, có tháng riêng tiền trả cho bưu điện đã cao hơn tiền phụ cấp rồi. 

Nhưng nó cũng có cái vướng nữa, ấy là tôi còn là người phụ trách tờ tạp chí văn nghệ địa phương và là người lãnh đạo cái hội văn nghệ địa phương ấy nữa, nên không phải lúc nào cũng có thể thích thì đi được.

Mà, đã làm phóng viên thường trú thì phải nghe lệnh tòa soạn. Thi thoảng một cú điện từ văn phòng MTTN hoặc từ báo mẹ Hà Nội là phải khởi động ngay, nhưng không phải lúc nào cũng… khởi động được. Như có lần nhấp nhé tối rồi, mưa như sắp sập trời, TBT gọi: Ông chạy ngay lên Sa Thầy, chỗ di chỉ Lung Leng ấy, xem tình hình mưa lũ ảnh hưởng thế nào, nghe nói sắp lút hết rồi, sắp xong hết di chỉ rồi. Lên ngay viết bài phản ánh, mai gửi.

Lung leng này là một di chỉ khảo cổ mới phát hiện, trước đấy tôi đã viết mấy bài “chiến đấu” để bên điện lực phải dừng khởi công cho khảo cổ vào làm trước, xác định đây là di chỉ quan trọng, không được cho ngập nước. Giờ thì nó ngập thật, nhưng không phải do thủy điện, mà do… trời.

Tôi trả lời là, nhà tôi cách di chỉ gần 100 cây, giờ là sập tối, trời mưa không thấy gì, không thể lên được, nhưng tôi sẽ điện nhờ chiến hữu của tôi trên ấy, có gì sẽ báo cáo.

Tức là làm thường trú thì phải luôn trong tư thế cơ động. Một là mình tự cơ động theo việc của mình, và 2 là lệnh cơ động của “trên” gồm cả báo mẹ Hà Nội và văn phòng MTTN.

Chưa hết, làm thường trú là phải Đa ri năng. Tôi nhớ, thời ấy tôi tả xung hữu đột viết từ kinh tế qua an ninh, từ nông nghiệp tới biên giới hải đảo, điều tra cả phá rừng, chiếm đất, tham gia cả phá án giết người, tới buôn Heroin, theo dõi cả đại hội Đảng tới chuyện nữ hộ sinh buôn làng, làm từ thiện, đến giáo dục, công đoàn…

Hồi 2001 Tây Nguyên có biến. Lệnh là báo chí nội bất xuất ngoại bất nhập. Ngay cái buổi sáng có biến ấy, giữa tâm sự kiện, tôi và anh Phí Văn Tường có đến mấy cuộc điện thoại, đến nỗi hôm sau một người có trách nhiệm với báo chí khi ấy nói với tôi: Hôm qua bác có tất cả XXX cuộc điện thoại. Anh Tường nói tôi, thôi không được viết bài và in thì Hùng cứ ghi nhận hết sự kiện, sau này có ích đấy.

Chưa hết, sau đấy anh Tường điều văn phòng MTTN lên chi viện cho tôi. Đoàn lên gồm anh Hà Bình, anh Lê Bá Dương và Khuê Việt Trường. Tôi ở thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi lệnh ban với báo chí vẫn còn, tôi là thần dân của tỉnh này, và sự dấn thân của TBT, của văn phòng. Tôi nói các anh cứ lặng lẽ lên, em đưa đi. Và tôi đón mấy anh em đưa vào Đắc Sơ Mây, là điểm nóng nhất khi ấy.

Chúng tôi được dân làng… mời rượu. Nói chuyện với dân làng thân thiện như… chưa từng có việc xảy ra mấy hôm trước.

Khi ra, chúng tôi ăn trưa ở thị trấn huyện, gặp ngay ông phó ban tuyên giáo tỉnh ủy cũng đang ăn trưa ở đấy. Ông này cũng xuống làng để… an dân.

Kết quả, ngay cuộc giao ban báo chí tuần sau do ban tuyên giáo tỉnh ủy chủ trì, tôi bị phê bình là đã không tuân thủ quy định, nhưng phê bình xong thì ông trưởng ban tuyên giáo nói luôn, nhưng cá nhân thì tôi cám ơn anh H và báo Văn Hóa đã xuống tận làng, sâu sát, nắm tình hình nắm tâm tư nguyện vọng của dân, đấy là hành động dũng cảm. Chừng nửa tháng sau, lệnh cấm được dỡ bỏ, các cơ quan chức năng lại hô hào báo chí vào cuộc vì lúc này, chả phải lúc này, mà ngay từ khi sự việc đang xảy ra, báo chí nước ngoài đã đồng loạt đưa tin, tất nhiên tin một phía, nhiều tin rất xa sự thực. Giờ cấp trên mới thấy cấm báo nhà là dại, nên bỏ lệnh. Chúng tôi đã có tư liệu nên ngay lập tức có tin bài nóng hổi và trung thực, dù nói thật, báo Văn hóa vào đến tay bạn đọc thì nóng mấy cũng thành… nguội vì đi đường xa quá. Chúng ta chỉ in báo ở một địa điểm duy nhất là Hà Nội và kênh phát hành cũng rất… từ từ…

Làm cho báo Văn hóa cũng hơn chục năm, và đấy là quãng thời gian tôi cũng trưởng thành nhiều. Giờ báo có rất nhiều thay đổi. Tôi vẫn viết báo. Hy vọng ngày nào đấy lại được là người nhà của báo.

Mấy tên báo Văn hóa chui vào làng Neh, điểm nóng, bà con mời rượu xong ra bị... phê bình, he he...



2 nhận xét:

Mạnh Thường nói...

Một thời hoa lửa nhưng quá nhiều kỷ niệm, thủ trưởng nhỉ!

Văn Công Hùng nói...

Hân hoan chào thủ trưởng Mạnh Thường