Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

KHÔNG THỂ VÔ CAN




Có một hiện tượng thế này, ấy là càng ngày khi mà xã hội càng văn minh, hiện đại, nhiều phương tiện kỹ thuật phổ cập trong đời sống thì các hiện tượng tự nhiên cũng càng hung dữ theo cấp số nhân. Cụ thể ở đây là bão lũ và lụt. Mấy ngày này cả nước lo lắng theo dõi tình hình mưa lũ ở miền Bắc và miền Trung. Hàng trăm người đã bị chết và mất tích. Cả bản bị chôn vùi, sĩ quan biên phòng đi cứu nạn cũng gặp nạn, nhà báo cũng bị. Và, cái hình ảnh 4000 con lợn ở một trại lợn Thanh Hóa bị chết đuối nổi lềnh phềnh trong chuồng cũng khiến rất nhiều người khủng khiếp.

Trời là thủ phạm, tất nhiên. 

Nhưng con người không thể vô can.

Sống ở đất nước thường xuyên có bão lũ mà chúng ta lại lấy sự chống (bão lũ lụt) làm phương châm hành động để tồn tại thì hình như có điều gì đấy chưa hợp lý. Khuất phục tự nhiên là việc làm không tưởng nếu không muốn nói là điên rồ. Các cụ xưa hay dùng kế “Thuận thiên” để hành xử, tức là muốn làm gì phải hợp ý trời. Hay nói cách khác, phải lựa theo tự nhiên mà tồn tại.

Nước ta, tràn lan các “công trình vĩ đại” chống lại tự nhiên.

Rừng, cả phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên về cơ bản đã “xử lý” xong. Mà vai trò của rừng đối với đất đai và cuộc sống con người như thế nào thì ai cũng thuộc làu làu rồi. Nhưng rồi cái lợi trước mắt to quá, người ta đã quên tất cả. Ở Tây Nguyên, vụ 50 nghìn héc ta rừng để lại hậu quả vô cùng to lớn, về người (nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật), về môi trường, về đời sống xã hội... Người Tây Nguyên coi rừng là mẹ, là Yang, là một phần đời sống của họ. Họ tồn tại hòa thuận với rừng, tôn trọng rừng, nương theo rừng, có hẳn cả một văn hóa rừng, tức là rừng cũng như con người, có đời sống, có tâm hồn... Nay, rừng chỉ còn là những vùng đồi trơ khấc, hoặc là bao la nương rẫy ruộng vườn, cây công nghiệp... cuộc đánh đổi vô cùng đắt, đến không tưởng tượng nổi. 

Thủy điện tràn lan cũng là một kiểu chống tự nhiên khác. Ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu quốc hội 2 khóa XI và XII có lần phát biểu: “Thủy điện đã vượt tầm kiểm soát. Phong trào làm thủy điện rầm rộ 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, chúng ta không phủ nhận những mặt có lợi của nó. Tuy nhiên tác hại của nó, đặc biệt là mất rừng ở thượng nguồn làm gia tăng lũ lụt, hạn hán bất thường ở hạ nguồn đã diễn ra nhiều hơn. Hiện nay, các công trình thủy điện đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nhiều công trình kém chất lượng, hồ đập không an toàn. Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại xem phải làm gì để bớt đi những rủi ro đối với những đập thủy điện đã làm rồi. Vì một công trình thủy điện chỉ có tuổi thọ nhất định, thường là 50 năm. Trên thế giới có những công trình thủy điện đã phải tháo dỡ trước hạn để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông... Vừa rồi xảy ra việc thủy điện chỉ có ôtô đâm vào mà đã nứt vỡ, chứng tỏ thiết kế và thi công rất kém. Cũng may là đã được phát hiện kịp thời, chứ nếu không có thể sẽ là một quả bom nước. Rõ ràng tính rủi ro rất lớn và điều này cần phải tính trong đánh giá chi phí lợi ích của quốc gia khi thực hiện các công trình thủy điện. Vừa qua, một số thủy điện đã gây tác động xấu như mùa khô thì không xả nước khiến đồng bằng thiếu nước, ngược lại mùa lũ thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp đối phó... Lưu ý là có nhiều công trình thủy điện lẽ ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là của các cơ quan khác. Tuy nhiên bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã lách luật để dự án của họ không đưa ra Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần lắng nghe ý kiến cử tri, các nhà khoa học đối với những sự việc như vậy.”. Ông Huỳnh Thành, nguyên phó đoàn đại biểu quốc hội Gia Lai thì phát biểu trước diễn đàn quốc hội được truyền hình trực tiếp rằng thủy điện An Khê Ka Nak là “sai lầm thế kỷ”. Cái oái oăm của thủy điện này là, nó không trả lại nước cho sông Ba mà lại làm một con sông nhân tạo để đổ nước về sông Côn, Bình Định, báo hại toàn bộ hạ lưu sông Ba từ thị xã An Khê (Sông Ba chảy qua thị xã An Khê) đến Krông Pa thành con sông chết. Nếu như đoạn qua thị xã An Khê sông trơ đáy khiến hàng vạn người trong khu vực khốn khổ, không chỉ vì không có nước, mà còn bởi bị ô nhiễm trầm trọng, thì đoạn phía dưới, Ayun Pa và Krông Pa có hiện tượng nước, dù còn rất ít, đổi màu thành màu xanh và bốc mùi hôi thối. Theo ông Thành thì trước khi phát biểu ông đã nghiên cứu và thấy trên thế giới chưa có ai làm cái việc là ngăn sông làm thủy điện rồi lấy nước ở con sông bị ngăn đó đổ vào con sông khác, kệ cho hạ lưu con sông bị ngăn ra sao thì ra? Không cần đến tận nơi chúng ta cũng có thể dễ dàng hình dung hàng triệu người sống dọc theo hạ lưu sông Ba ra sao rồi? Vấn đến là nó không chỉ gây hạn, không chỉ hạn mà là khô kiệt, biến một con sông rất lớn thành con sông chết. 

Rồi đồng bằng sông Cửu Long. Các chuyên gia cho rằng việc chúng ta bằng mọi giá ngăn mặn và lũ để trồng lúa đã làm biến đổi sinh thái vùng. Giờ nhiều nông dân kỳ cựu đã “tự phát” phá đê ngăn để nuôi tôm thay vì trồng lúa. Và mới nhất, thủ tướng chính phủ đã tổ chức một cuộc họp lớn, như là một “Hội nghị Diên Hồng” về vùng đất rất nhiều tiềm năng và đang đứng trước những thách thức rất lớn do cả biến đổi khí hậu và cả do con người tác động trái tự nhiên này.

Những ngày này, cả nước đang dồn sức cho vùng đồng bào bị lũ lụt, các cuộc quyên góp, như mọi khi, lại được phát động rầm rộ, báo chí lại đưa tin những hình ảnh thương tâm, và thiệt hại hàng ngàn tỉ bay vèo trong chốc lát. Com cóp cả đời, vèo phát, mọi tài sản trở thành số không. Mà không chỉ tài sản, mạng người cũng chả giữ được.

Cái giá quá đắt.

Phải có một chính sách cụ thể, chiến lược rõ ràng để tồn tại cùng bão lũ. Trước hết là ở thái độ tôn trọng tự nhiên, trả lại tự nhiên những gì tự nhiên có. Đã xuất hiện những căn hầm tránh bão ở Miền Trung, những ngôi nhà sống với lũ ở miền Tây vân vân...
Làm sao để không phải năm nào chúng ta cũng chứng kiến những mất mát những thiệt hại khủng khiếp mà không làm gì được, ngoài việc lại hô nhau... quyên góp...




1 nhận xét:

Nặc danh nói...

nguoi vn bay gio phai noi la khong con dao duc -vi khong con dao duc thi cai gi cung xay ra