Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

HUẾ GẦY




           Lần đầu tiên tôi, gã trai Bắc đi dép nhựa Tiền Phong đội mũ cối quần gabadin bộ đội, lạc vào giữa sân ngôi trường Văn khoa Huế ở Morin là năm 1977, hôm ấy lơ ngơ vào nhận lớp, cái phòng ở tầng 2 có cửa sổ mở ra đường Lê Lợi với những hàng long não xanh mướt, chếch sang tí là dòng Hương dùng dằng dưới 6 vài Trường Tiền. Đập vào mắt là mấy cô gái cao, tóc dài ngang lưng, gầy, có cảm giác “phẳng” nữa, đeo kính thời trang mắt to màu hồng, quần tây trắng áo thun đỏ, dép sapo cao nửa gang tay, ngồi trên xe mini dưới mấy tán phượng.

           Dáng người đã khiến gã trai tơ là tôi mê tơi nhưng cái cách ngồi trên xe mới điệu đàng và giết người đối diện ngay tắp lự. Nó nhẹ thàng, thanh thoát, ngổ ngáo nhưng lại rất hiền từ, thoải mái nhưng lại e dè, sẵn sàng nhưng lại rất bị động. Thời ấy tôi đi cái xe đạp Phượng Hoàng, cũng là loại “khủng”, nhưng nó khác hẳn cái xe mini về sự tôn trọng con người. Nếu cái Phượng Hoàng yên cao ngang bằng ghi đông để khi con người sử dụng phải gần như bò trên khung để hạn chế sức cản của gió, tóm lại nó chú ý đến công năng sử dụng, đến mục đích của phương tiện, thì đằng này, cái yên xe mini thấp tịt mà cái ghi đông lại vổng cao khiến tư thế ngồi của con người nó sang trọng hẳn, nó nhã, nhàn hạ, nhẩn nha... dẫu, đấy là tư thế không thể đạp xa được, vì bị gió cản, sẽ gây mệt mỏi. Đấy là dáng tiểu thư, đài các, nhàn hạ, còn cái xe tôi đi là của dân lao động, của cơ bắp.

           Con gái Huế ăn người ở cái dáng gầy ấy. Chứ lẳn chắc như Sài Gòn, đầy đặn như Hà Nội, vâm váp như Hải Phòng... thì nó lại không Huế nữa. Là tôi đã có lần xác quyết thế để bảo vệ vẻ đẹp Huế trong một cú tranh cãi với các đồng nghiệp rằng tại sao gái Huế đẹp nổi tiếng nhưng lại ít có mặt trong các cuộc thi hoa hậu.

           Chả thế mà nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đã rất nhiều lần ca ngợi hết vai đến tay đến cả ngón tay... gầy của các cô gái Huế. Nhiều người mê nhạc Trình không thể không thích cái nhẹ nhàng thanh tịnh, cái thư thái nhàn tản, cái thưa vắng, cái tĩnh lặng... của Huế thông qua nhạc và ca từ tuyệt vời của ông.

           Những hàng cây cũng gầy, dù là rợp đến xum xuê ở Lê Lợi, ở một góc Bạch Hổ, nhưng vẫn phảng phất gì đấy cái dáng liêu phiêu, miên du, cái xốn xao cái trỗi hoặc của sự khiêm nhún và nhịn nhường. Thì ngay đến mấy cây ngô đồng nổi tiếng trong đại nội, loài cây được khắc lên cả cửu đỉnh, cũng chả gầy chả mong manh là gì.

           Những con đường rất gầy gắn với bao thế hệ sinh viên như Đội Cung, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, giờ dẫu mở rộng, dẫu hiện đại, vẫn rất gầy trong ký ức, và nó đẹp, đẹp như sợi mong manh vắt từ ký ức về... ngày xưa, để hàng năm bao nhiêu lứa sinh viên ra trường, và cũng biết bao lượt cựu sinh viên trở về, thăm, ngắm, suýt xoa, hồi tưởng, những ký ức gầy nhưng mỡ màng, sâu thẳm, trĩu nặng nhân tình và cả... Huế tình.

           Hôm qua mấy cựu sinh viên Đại học Huế chúng tôi ngồi với nhau ở một thành phố Cao nguyên, câu chuyện loanh quanh lại nhắc về Huế. Những “mỹ nhân” một thuở được xướng tên, và tất cả đều nhất trí với tôi là, cái làm nên đặc trưng của mỹ nhân Huế là... gầy. Tất nhiên không thể và không phải như cái cô gì vừa trên truyền hình khiến khán giả xôn xao, ở đây gầy gắn với dịu dàng, với đài các, với sự chừng mực của vóc dáng để cái gầy như một đặc trưng, một nét đáng yêu, của sự mong manh dễ vỡ để chỉ ngắm thôi cũng thấy như mình có phần... hoang phí, để ai đó, có muốn hoang phí cũng phải dè chừng, có định thô bạo cũng phải dừng lại. Ôi cái mong manh mà lại bừng bừng sức mạnh, mà lại khiến bao đen tối phải trở thành vô nghĩa, để chỉ sự thanh cao trong trắng lên ngôi...

           Tôi cứ nhớ mãi những ngọn đèn gầy trên dốc Nam Giao một thuở. Tiếng guốc cũng gầy, hơi thở cũng gầy, con ngõ cũng gầy. Tuy thế, cái chạm tay như vô tình lúc dựng xe để lên đài Nam Giao lại vỡ tung như động đất. Hơn cả động đất, dư ba của nó âm ủ đến bây giờ...
                                                                        
          

3 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Thời ấy mà VCH đã quan sát kỹ càng đến vậy. Phục lăn, thật đáng học tập và bắt chước...

Văn Công Hùng nói...

Hì hì bác Vũ Xuân Tửu, lớp 7 em đã phát hiện bạn gái nào mặc áo ngực bạn nào chưa nữa kìa. Hồi ấy các bạn ấy may tay, dầy và nhọn hoắt, em lại có xe đạp, thi thoảng chở các bạn ấy, phanh lại rất ăn, he he...

Vũ Xuân Tửu nói...

Ở xóm mình cũng có một chị mang ngực nhọn hoắt. Lâu ngày ngực áo bị xuyên thủng. Thời đó hiếm chỉ, nên phải vá áo bằng chỉ đỏ. Nom chị như đeo huy chương vậy. Khi bọn mình nhầng nhầng đi học xa. Chị chủ nhà trọ cho 2 mảnh xu chiêng cũ để bắc nồi. Nhưng không thằng nào dám cầm, phải bắc nồi bằng cặp bếp.