Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

GẶP TỈ PHÚ Ở LÀNG TỈ PHÚ




He he, bài này vừa gặp nhân vật vừa viết trong vòng một... buổi sáng. 100 cây số lái xe đi về, gặp nhân vật rồi về phát ngồi gõ ngay. Rồi mail vì TKTS báo Nông thôn ngày nay bảo bác gửi ngay để khóa sổ, bài này sẽ in cuối cùng rồi... chấm thi.

Hôm nay ngồi sân bay Tân Sơn Nhất, lướt "báo mới" thấy tin báo NTNN công bố giải, liếc xuống phía dưới thấy có tên mình, he he khoe với đứa cháu đang ngồi cùng: bác có xèng dự đám cưới cháu rồi nếu cháu cưới ngay, còn nếu lâu thì bác tiêu hết đừng thắc mắc. Tóm lại bài này cả nhuận bút cả giải thưởng được 6 củ, lời to...

           Chư Sê là mảnh đất khá lạ. Nó rất gần Pleiku để khiến khách không ngủ qua đêm ở đấy mà chạy thẳng về Pleiku, nhưng nó lại đủ xa để người Chư Sê không hú người Pleiku xuống nhậu nhẹt chơi bời như những vùng ngoại ô khác. Phải thế chăng mà nó từng là nơi chậm phát triển, đến mức người ta phải điều về đấy một... dây chuyền sản xuất xi măng dù không có nước, không có nguyên liệu, mục đích là có tí công nghiệp để vực khu vực này phát triển. Tất nhiên cái nhà máy sản xuất xi măng ngang ngược ấy cũng chết ngay tắp lự trước khi nền sản xuất chỉ huy phá sản, nhường chỗ cho quy luật thị trường.

           Tất nhiên đến giờ, cái sự trồng cao su tràn lan đang còn nhiều câu hỏi lợi hại, nhưng với Chư Sê, sự thay đổi rõ rệt, đến mức thần kỳ đến từ hồi cao su đổ bộ vào. Rồi sau đấy là tiêu, cà phê, khiến cho nơi đây trở thành thủ phủ tiêu, có phần còn nổi tiếng hơn nơi tiêu từ đấy phát tán về Chư Sê là Phú Quốc và Vĩnh Linh.

           Tôi nhớ, chừng năm 1982, 83 chi đó của thế kỷ trước, xuống xã Ia Blang của huyện Chư Sê như xuống... u tì quốc. Toàn là người Huế đi kinh tế mới, nheo nhóc khổ sở. Gió cuồn cuộn và bụi mù mịt, nhà cửa tuềnh toàng nên tất cả đỏ bụi, kể cả mâm cơm. Nước sinh hoạt không có mà lại sốt rét và fulro. Rất nhiều người đã chết vì sốt rét, vì rắn cắn, vì rất nhiều lý do lãng xẹt bây giờ kể không ai tin. Rất nhiều gia đình đã mếu máo hồi hương. Hồi ấy nhà vách gỗ, mái tôn, nền xi măng đã là sang lắm. Ngay trung tâm thị trấn mà ngồi ăn bữa cơm phải đội... nón. Cái đầu thì có nón che, nhưng mâm cơm thì không có gì che được, thế là bụi cứ thản nhiên sà vào mâm cơm. Mà nào có ít. Cứ như ai bốc bụi đỏ mà phả vào. Ăn miếng cơm mà xào xạo bụi. Người ngợm quần áo tóc tai ngầu bụi. Mâm bát ngầu bụi. Xe cộ nhà cửa giường chiếu ngầu bụi. Đến móng tay vành tai lỗ mũi cũng ngầu bụi. Mà cũng chả lâu la gì, mới cách đây chục năm, trụ sở huyện ủy Chư Sê cũng không dám mở cửa quay ra đường, dù nó ở ngay mặt đường nhựa. Thế mà mặt bàn làm việc lúc nào cũng phủ một lớp bụi, một ngày lau không biết bao nhiêu lần... Nhưng mà rồi cũng quen. Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người... đã sống ở đất này, sinh ra ở đất này... Hồi ấy chúng tôi đi viết về các gương làm ăn giỏi. Chư Sê đang là vương quốc của lạc và đậu xanh. Các gia đình người Huế đi kinh tế mới vào trồng lạc, đậu xanh rồi... lén mang trộm về Huế bán, qua bao nhiêu trạm gác, bao nhiêu chặng xe, dăm chục kí đậu thấm đẫm nước mắt và cả mồ hôi. Ngoài đậu xanh và lạc, hồi ấy Chư Sê còn hai điểm sáng là công ty nông sản thực phẩm và nhà máy xi măng. Bây giờ tất cả những "điểm sáng" hồi ấy đã trở thành... dĩ vãng. 

Chỉ chừng hơn chục năm sau thì cái tên Chư Sê bắt đầu xuất hiện nhiều với sản phẩm là cao su và tiêu. Và những người Huế đầu tiên lên lập nghiệp ở đấy được gọi vui là... Huế kiều đã có thể thuê ô tô về thăm nhà.

           Và giờ, đấy là một khu sầm uất bậc nhất của Chư Sê, huyện cách thành phố Pleiku có 40 cây, đang trong tư thế trở thành thị xã, và nó hoàn toàn xứng đáng trở thành thị xã. Chỉ nguyên chi tiết này đã kinh rồi, ấy là, Chư Sê là đơn vị đứng thứ 2 sau thành phố Pleiku về thu ngân sách, hơn cả 2 thị xã của tỉnh là An Khê và Ayun Pa.

           Sáng nay tôi về đấy, đi cùng ông Phạm Đức Long, chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn Gia Lai. Ông Long lại vời thêm ông Hoàng Phước Bính, nguyên chủ tịch xã Ia Blang, giờ là phó chủ tịch hiệp hội tiêu Gia Lai, một người Huế đi kinh tế mới cái thời đầu tiên gian khổ ấy, giờ vừa là đại gia vừa là một ông cán bộ mẫn cán.

           Ghé một cơ ngơi cực kỳ sang trọng ngay bên đường 14, cách trung tâm thị trấn Chư Sê... 1 cây số. Nhà của ông nông dân Tào Văn Lang.

           Gặp chủ nhà tôi nói ngay, chú là hình mẫu của nông dân thời mới. Nông dân có xe ô tô đậu trong sân, Smartphone kè kè trong tay và laptop liên tục mở trên bàn, quần áo toàn hàng hiệu.

           Bốn mươi tám tuổi, đã từng khổ, rất khổ. Quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định, ba đứa con trai nheo nhóc, bèn tìm đường... kiếm sống. Đầu tiên là vượt 2 cái đèo, qua Gia Lai tiến sang Đắk Lắk. Ở đấy 3 năm, chịu không nổi vì khổ hơn ở nhà nên lại về quê nhờ mẹ. Nhưng ở quê thì lại thấy... ngoài kia có vẻ sướng hơn, thế là lại ngọ nguậy, lại muốn đi. Tôi nói với Lang, anh hình dung ra tình cảnh em khi ấy, nhất là cái cảnh cả nhà dồn đống trong mấy cái bao tải lếch nhếch lên xe xuống tàu mà chưa biết phía trước là cái gì, mà trong túi tiền rất ít, dân Bình Định thì chắc chắn sẽ có vài chỉ vàng dắt lưng, nhưng cũng sẽ chẳng thấm tháp gì nếu có việc gì xảy ra.

           Năm 1992, lúc này đời sống xã hội nói chung đã đỡ rồi, nghe lời rủ của một người bà con xa, vợ chồng con cái lại bìu díu đi. Lần này đích là xã Ia Blang, huyện Chư Sê. Mới chỉ nghe nói chứ chưa biết nó mặt ngang mũi dọc ra làm sao, nhưng bí bách quá rồi, cảm thấy ra đường là sướng hơn ở nhà rồi, thế là bìu díu đi...

           Ở nhờ nhà bà con và đi làm thuê, việc gì cũng làm. Rồi tiến tới mua mấy đám rẫy, hồi ấy cũng rẻ, vừa làm thuê vừa làm rẫy nhà mình. Rồi mua miếng đất mặt đường làm nhà. Gần chục năm thì mở kinh doanh, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

           Tôi nghiệm ra, những người làm ăn giỏi, ngoài sự có năng khiếu bẩm sinh, có sự may mắn, họ phải có sự liều nữa. Chả liều mà anh thanh niên tên Tào Văn Lang này, sau cú đưa cả gia đình đi như kiểu cầu may sang Đắk Lắk không thành, lại tiếp tục cú liều thứ 2, là lại tiếp tục đi đến một nơi mà mình chưa biết bao giờ. Lang kể, hồi ấy lên đây dã quỳ còn phủ kín, đất thưa người ít, hoang mang đến rợn người. Nhưng bằng con mắt của con nhà nông và khát khao kiếm sống, anh phát hiện đất ở đây cực tốt, cây gì cắm xuống cũng sống, chỉ sợ mình lười thôi. Mà lười thì soi kính hiển vi cả hai vợ chồng anh đều không... tìm ra.

           Giờ anh có 3 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu, 6000 gốc tiêu, 3 héc ta cà phê và 10 héc ta cao su. Tôi kêu, khiếp trẻ mà giàu thế, Lang cười: Giàu gì đâu anh, nhiều người hơn em nhiều lắm. Đã bảo Chư Sê giờ là huyện tỉ phú mà. Và xã nhiều tỉ phú nhất của Chư Sê là Ia Blang này. Có điều, em tự hào rằng, em có mấy đứa con rất ngoan, học giỏi, và bản thân thì... thương người. Em toàn nhìn... xuống chứ ít nhìn lên. Nhìn xuống thấy ai khổ thì mình giúp, còn nhìn lên thì em chả nhìn, ví nó... đau mắt và mỏi cổ.

           Ba đứa con trai đẻ ở Tây Sơn, Bình Định lếch nhếch theo bố mẹ ngày nào giờ một đứa học dầu khí bên Mỹ đã ra trường và làm việc bên ấy luôn. Một đứa đã tốt nghiệp đại học trong nước giờ giúp ba mẹ quản trị việc nhà, một đứa chuẩn bị tốt nghiệp chắc sẽ làm việc ở Sài Gòn, và cô út, sản phẩm sinh ra từ đất Ia Blang này, vừa đậu vào học viện tòa án. Tôi nói với Lang, nguyên việc năm nay có cháu học sinh 30 điểm vẫn rớt đại học thì con bé nhà em là rất giỏi.

           Ngồi nghe ông Bính và ông nông dân Tào Văn Lang nói chuyện, tôi mới hiểu họ... nông dân đến mức nào. Tức là sự thấu hiểu đất, thấu hiểu cây một cách hết sức thực tiễn và khoa học. Ví dụ họ nói về... vi sinh cho cây. Con người, ăn uống nhiều quá, tạp quá, quá mức quá, thường bị hiện tượng tuột men, hệ tiêu hóa có vấn đề, ăn vào cái gì đều biến thành... nước và thoát qua đường bài tiết, phải bổ sung men vi sinh liên tục để chất bài tiết ra có hình có thù. Cây cũng thế. Bón nhiều phân hóa học, phân chuồng nhưng không tiêu hóa kịp, bộ rễ có vấn đề ngay. Vậy nên dẫu là phân chuồng, phân hữu cơ, vẫn phải ủ. Phân có trách nhiệm biến thành men vi sinh cung cấp cho rễ cây tiêu hóa. Ngồi nghe các ông nói mới tường mới thủng là, trồng cây, ở đây cụ thể là tiêu, đâu có phải cứ cắm xuống rồi phân rồi nước cho nhiều.

           Hiện nay đang đến thời kỳ “thoái trào” của mấy cây thế mạnh của Chư Sê. Tiêu thì chết, phần lớn là thối rễ chết, và hạ giá kinh khủng. Như tiêu từ 200 ngàn một ký lô giờ còn có 80 ngàn mà không bán được. Vườn cao su nhà anh Lang, thuê  2 vợ chồng ở trông vườn và cạo mủ hết 130 triệu một năm mà giá cao su thì mỗi sáng mở mắt ra lại hạ một giá, cứ tuồn tuột hạ như tuột men. Cây thoái trào kéo theo kinh doanh trì trệ. Lang nói, chả ai quỵt mình đâu vì mình sống tốt với người ta, nhưng người ta mua phân mua thuốc chịu, giờ không bán được sản phẩm, người ta nợ, biết làm sao? Hỏi nợ khó đòi nhiều không? Phải đến chục tỉ anh ạ. Mất chắc chắn thì vài chục triệu thôi, còn lại thì... cứ để lai rai thế.

           Ngồi tí mà điện thoại réo liên tục, tôi ý tứ rút sớm để không phí thời giờ của ông chủ vừa sản xuất vừa kinh doanh này. Trong những cú điện thoại ấy có cú hẹn lấy vở tặng các cháu học sinh nhân năm học mới. Tại xã này, phía sau nhà Lang, có một cái giọt nước anh tặng dân làng. Đã bảo, dân Tây Nguyên quý nhất là giọt nước. Nó như cái cầu ao hoặc giếng làng người Kinh. Thấy dân khổ vì nước, anh ủng hộ. Rồi ủng hộ dê cho các gia đình nghèo. Nhưng anh cũng rạch ròi, chỉ ủng hộ những người nghèo nhưng có chí làm ăn, chịu khó làm ăn, chứ không ủng hộ những anh nghèo do lười. Đất Tây Nguyên này không nghèo vình viễn được, Lang nói, chỉ có anh không chịu làm, có đồng nào uống rượu hết mới nghèo thôi, mà mấy anh nghèo “chuyên nghiệp” này thì... khó chữa nghèo cho các anh ấy lắm. Ông Bính kể, các phong trào xã hội, các đợt quyên góp giúp đỡ vân vân gia đình Lang đều tham gia, và không chỉ tham gia, còn đi đầu. Thế nên tôi thấy cái phong thái tự tin khi Lang nói, bà con đang khó khăn họ nợ mình, chứ chả mất đâu mà sợ, giá lên, có tiền là họ lại trả mình thôi. Đây là giai đoạn khó khăn chung của dân trồng cao su, tiêu và cà phê Tây Nguyên mà. Mình sống tốt với bà con thì chắc chắn bà con sẽ tốt lại với mình...

           Bắt tay, Lang khoe, tháng 9 này em ra Hà Nội dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi toàn quốc đấy...


                                                             

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Đọc mà thấy bụi, mồ hôi và tiền. Hay thật. Chúc mừng VCH.