Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

PLEIKU, NHÁT CẮT MỘT THUỞ…




Có một buổi chiều cách đây gần bốn mươi năm, một trai trẻ, ngồi ngay ở cái phòng trực bảo vệ cơ quan, một mắt liếc đồng hồ, mắt kia nhìn ra đường Trần Hưng Đạo, lúc này đang mờ mịt lá thông, bụi và gió, dõng dạc từng câu: Bây giờ là 4 giờ ba mươi phút ngày tháng năm, tôi chứng kiến cơn mưa đầu mùa Pleiku. Mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu. Và sau đấy là mưa ào ạt trút nước. Cậu trai ấy không phải tôi, mà là một cựu sinh viên nhạc viện, tân công chức Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum vừa lên nhận việc, tôi chỉ là người chứng kiến. Và trụ hết một mùa mưa, bạn này về quê rồi không trở lên nữa.

Pleiku trong tôi song hành rất nhiều cảm xúc.

Ấy là những ngày vất vả khó khăn với thiếu nước thừa bụi mùa khô, lê thê mùa mưa với những con đường lầy lội bùn đỏ. Hồi ấy những con đường có phủ nhựa rất ít. Phố là những dãy nhà tôn lụp xụp với hàng rào kẽm gai xung quanh. Những chiếc xe đạp di chuyển trên đường với fooc ba ga là một cái bao tải, phía trên thường là cái cuốc. Chủ nhân của nó đi làm rẫy. Đỏ từ đầu đến chân.

Nhưng vẫn có những con đường đẹp lắm.

Trần Hưng Đạo chẳng hạn. Đấy là con đường rợp cây, cây cổ thụ đã giao tán. Chỗ phở Hồng bây giờ có một cây đa cổ thụ rất lớn, ôm trọn cái am, gọi là am Bà. Trong sân của trụ sở Ủy ban Mặt trận có một cây dạ lan hương. Buổi tối nhiều cặp tình nhân đã chậm bước khi đi qua đây.

Mưa nắng giờ như đã không còn quy luật, mà nó ngẫu hứng như… thời tiết. Cái quán cà phê Trang đường Phan Bội Châu ngày nào đã bao nhiêu gã trai ngồi đấy chỉ vì một cái băng nhạc. Cà phê Kim Liên thời còn ở Hùng Vương cũng thế,  nhiều gã ngồi xuyên… mùng một tết chỉ vì cô con gái bác Giáp, chủ quán.

Mới đây, gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp làm một chuyến xuyên Việt, đi đúng dấu chân mấy chục năm trước đại tướng từng đi. Tôi đưa các anh chị vào thăm nơi đại tướng, khi từ An Khê lên, đã ghé vào đấy nói chuyện với cán bộ và nhân dân Pleiku. Đấy là ngôi biệt thự từng rất đẹp, bằng gỗ. Sau năm 75 gia đình anh hùng Núp từng ở và giờ là trụ sở của một ngân hàng. Chị Hạnh Phúc, chị Hòa Bình, các con gái của đại tướng đã rất xúc động khi vào đấy. Các chị ôm từng gốc cây, bước từng bậc cầu thang. Tôi bảo hai chục năm trước, các chị vào đây còn đẹp hơn nhiều. Nhưng thời gian mà. Biết làm sao được.

Một thời, nỗi kinh hoàng nhất của dân Pleiku là… nước, nước sinh hoạt ấy.

Nhà có điều kiện thì khoan giếng, đào giếng. Hồi ấy nghề đào giếng rất đắt khách. Những cái giếng sâu hun hút năm sáu chục mét, phải quay bằng tời, người không quen rất dễ bị tay quay đập vào tay hoặc cái thùng múc vào thành giếng. Nhà không có điều kiện thì trữ rất nhiều thùng phuy, loại đã qua sử dụng, trát hắc ín đen xì. Nước máy chảy tuần một lần, phải trữ. Nhưng không phải lúc nào cũng đến lượt mình. Nửa đêm phải dậy hứng, ai cũng hứng nên nước chảy ri rỉ như nước đái nhện. Về cơ bản là đi gánh nước, đến những nhà có giếng xin hoặc mua rồi gánh về. Nên, có những người chuyên gánh nước thuê. Nhà tôi hay thuê hai người. Một là anh Nhân, một người đàn ông tính tình hơi bất bình thường nhưng rất khỏe, và hai là chị Hơ Blơng, nguyên là diễn viên đoàn văn công Tây Nguyên, về nghỉ mất sức nhưng lại… gánh nước thuê.

          Hồi ấy cả Pleiku có hai nhà tắm nước nóng, mà lũ chúng tôi tự quy định cho mình, chỉ khi nào lễ, tết, hoặc mùa đông đi công tác về mới dám xuất… ví ra đấy tắm. Một nhà tắm ở đường Phan Bội Châu và một ở đường Nguyễn Du, chúng tôi hay ra Nguyễn Du vì gần và chủ là chị Sâm, nhân viên xí nghiệp in trực thuộc ty Văn hóa, cùng ngành.

Cái tiệm tắm nước nóng của chị Sâm cũng… quay tay kéo nước lên  và nấu nước nóng bằng… củi. Có hệ thống điện nhưng điện rất yếu, chỉ lờ mờ như con đom đóm nên chủ yếu cứ có khách là chị lại kêu người nhà nấu nước. Tôi cũng không hiểu là chị thiết kế cái hệ thống nấu nước bằng củi thế nào mà nước nóng vẫn lên vòi sen, và lũ chúng tôi, khi đã trả tiền để tắm thì… xài cho đã, giặt cả đồ bằng nước nóng, kết quả là quần áo nhăn nhúm, về lại phải vật nài cánh con gái ủi giúp, và chúng vừa ủi vừa rên vì rất khó ủi.

Mùa khô là mùa lạnh, mà lại bụi mù nên người lúc nào cũng dính đất. Hình dung hồi ấy đường đất đỏ nhiều hơn đường nhựa bây giờ, mỗi khi gió nổi lên, mà mùa khô thì gió cuồn cuộn, là bụi đỏ từng cây như cái lưỡi quét trên đường. Thế mà nước hiếm, con trai độc thân lại lười, hay… quên tắm. Và mỗi khi tắm có khi chỉ cần 1 chậu nước. Thế mà rồi cũng khôn lớn lên thành người như hôm nay.

          Ấy thế nên mỗi lần tắm là một lần linh đình như có tiệc, phải có sự kiện gì mới… tắm. Tôi nhớ mỗi khi đến lễ 30/4, 1/5, 2/9, tết âm lịch là chúng tôi lại long trọng rủ nhau đi tắm nước nóng. Rất long trọng bởi trước đó phải bàn. Hoặc là góp, hoặc là ai có lộc gì đó thì bao. Hồi ấy chả có lộc gì, mấy ông con trai lộc ngộc có đồng nào là chén ngay nên có lần phải tắm… chịu, tức là ký nợ. Tắm xong mới nói Chị Sâm ơi cho em nợ, mấy hôm nữa lĩnh lương em trả. Chị Sâm nghẹn ngào bảo: Nhớ trả cho chị em nhé, để chị trả tiền điện, tiền củi… Giờ chị Sâm đã định cư ở nước ngoài. Cách đây hơn tháng, một cái tin nhắn trong inbox nằm ở chế độ “tin nhắn chọn lọc”, tức là có thể nó đã nằm đấy lâu rồi, hỏi Hùng ơi chị Sâm đây, nhớ chị không? Nhớ chứ sao không hả chị, người phụ nữ thuộc hàng thông minh, hiểu biết của Pleiku thời ấy dù chỉ là công nhân in.

Đến khi tôi có vợ con rồi, ở trong khu tập thể, thì cái chỗ quan trọng nhất là phải dành cho mấy cái thùng phuy đen thù lù. Ưu tiên số một là để nấu cơm, số hai là mấy ông lợn, mùa nóng phải tắm cho các ông ấy nhanh lớn. Rồi mới đến con, đến mình. Giặt đồ thì dứt khoát vợ phải bưng chậu xuống bể công cộng. Nước trong thùng phuy ấy là hoặc chồng đi gánh, hoặc thuê. Trong số các thùng phuy ấy thì bao giờ cũng dành một cái để chứa nước bẩn. Nước này dùng để tưới rau. Nuôi lợn bao giờ cũng phải kèm với rau lang. Tất cả những chỗ có thể nậy lên trồng khoai lang đều được nậy lên để trồng, và tưới chúng bằng nước bẩn trữ lại ấy…

Hồi ấy có hẳn những xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất cái cần quay tay kéo nước. Một cô bạn tôi từ đồng bằng lên, ra giếng giặt đồ, quay nước bị cái cần ấy quật lại, gãy tay phải bó bột lủng lẳng cả tháng trời, nhớ đời mùa khô Pleiku. Bây giờ tìm được cái cần quay nước ấy có khi còn khó hơn tìm người… lười tắm. Cái cần ấy bao giờ cũng gắn chặt với cái thùng gánh nước bằng tôn nối nhau bằng sợi cáp nhỏ nhưng dẻo, và miệng cái thùng ấy lại gắn với một quả gang, để khi thả xuống nó chìm xuống cho nước vào. Và điều này nữa, là khi thả thùng xuống khó hơn khi quay nước lên. Cái cô bạn đồng bằng kia gãy tay là khi thả thùng xuống giếng…

Tôi nghĩ thành phố Pleiku có khi nên có một khu bảo tồn lại những hiện vật một thời kẻo rồi sau này, hàng tấn chữ xuất ra cũng không diễn tả được những vật rất bình thường thời ấy…

Cái quán trà Cung Đình 20 Lê Hồng Phong bây giờ, thời ấy là trụ sở tỉnh ủy, ngày bác Núp mất được quàn ở đấy. Giờ thi thoảng ngồi ở đấy tôi hay chỉ cho mọi người cái phòng ngày xưa là phòng họp thường vụ, nơi quan trng nhất của một tỉnh, nơi mà từ đấy bao nhiêu quyết định quan trọng được đưa ra.

Pleiku giờ đã rất hiện đại, rất nguy nga, nhưng cây xanh cũng đang ít dần. Số trồng mới không tương xứng với số đã bị chặt và số chết tự nhiên. Có lẽ phải khá lâu nữa, Pleiku mới lại xanh được như ngày xưa…

Cầm đầu một trại sáng tác trẻ con, giờ bọn trong hình to oành hết cả còn gã cởi trần thành... ông già


Bác Nguyên Ngọc chộp 2 đứa nhà mình đang ngồi học ở hè, cái hè lở loét của khu tập thể sở Văn hóa ở đường Trần Hưng Đạo




3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hai đứa con bác thật xinh xắn và tất nhiên chúng rất giống...mẹ. He he

Em Hue nói...

Em thì không chơi Vây bút vì có lý do như bài Bác viết mà chỉ đọc bloger Bác, thấy bài nào Bác viết cũng thấm, chữ nghĩa thì dào dạt " này từ lớng tớng không có trong từ điển đó Bác nghe ! hi hi "; nói như mấy Anh tuyên giáo nó gợi ý và khuyên lơn rõ ràng, nhưng Bác ưu tiên cho Facebook nhiều quá nên trên trang thưa dần bài viết. Bác ưu tiên thêm cho mấy đứa em đọc Bác nhé !

Vũ Xuân Tửu nói...

Năm ngoái xin VCH số điên thoại của anh Thành, hôm vừa rồi mới xuống Xuân La-HN tìm gặp tìm hiểu thêm chuyến đi xuyên Việt của gia đình Đại tướng. Mình rất ngạc nhiên thấy chỗ này có đền thờ Thánh Gióng. Hỏi ra mới biết Ngài từng đi đánh trận qua đó...