Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

CHẾT NO…




Nhà văn Nam Cao có một cái truyện ngắn rất xót mà cánh sinh viên thời đói chúng tôi lâu lâu được chén chùa ở đâu đấy một bữa thì đều nhắc nhau: Hôm nay được... “Một bữa no”. Hoặc thấy đứa nào phởn phơ vì vừa ăn no chúng tôi lại nháy nhau: Thằng kia rất... bà cái Tí.

Tưởng nó chỉ với người, và ở cái thời xửa xưa rồi, nhưng nay nó lại xuất hiện, không phải với người, mà với... gia súc.

Và chúng không phải đói quá được một bữa no, mà là sẽ phải... chết vì no.

Ấy là việc, chả biết kẻ nào là người nghĩ ra đầu tiên, mà giờ có cái trò là bơm nước, hoặc nhồi thức ăn vào cho các con vật sắp vào lò mổ, những là bò, lợn, gà, vịt... cho kỳ là căng cứng bụng ra, cho là liêu xiêu đi không nổi, cho là trông thấy đã khiếp đảm và thương... thế mà những người lạnh lùng như đao phủ ấy, thản nhiên làm, thản nhiên coi đấy là chuyện bình thường.

Thực ra thì thế hệ công chức như tuổi tôi, từng có một thời tất cả nuôi lợn trong bếp, mỗi khi đủ cân bán thì thường... lừa người mua, là các thương lái. Ấy là hẹn họ 3 giờ chiều tới bắt thì tầm 2 giờ nấu một bữa cháo cực ngon, có cá, thịt, bột ngọt, hoặc là xác mắm, rồi đổ cho chúng ăn trước khi lái tới cân. Mục đích nhân văn là... chia tay lợn, nhưng mục đích sâu xa, thực dụng hơn là thêm được vài cân hơi. Nhưng thường thì các lái heo... khôn hơn, nên họ đến sớm hẳn lên 2 tiếng, vậy nên cái nồi cháo heo rất ngon ấy chả mấy khi con heo bị bán được ăn mà là con heo ở lại. Hoặc một số bà buôn gà xưa cũng có cho gà ăn bánh đúc trước khi cân. Con gà mua về mổ thịt cắt tiết không khéo thì... phòi bánh đúc ra.

Nhưng đấy chỉ là thảng hoặc, và yếu tố ác độc chưa có, nếu có ở một vài bà buôn gà vịt chuyên nghiệp thời ấy thì cái độ ác nó chưa xi nhê gì với bây giờ. Ngày xưa là dụ cho nó ăn, no thì thôi. Giờ thì nhồi. Sáng chế ra cả công cụ để nhồi. Như bò, lợn là bơm nước, bằng vòi đút vào đến dạ dày, rồi xả máy bơm, vặn romine. Như chó là nhồi cơm nhão qua ống xông cũng cắm thẳng đến dạ dày. Gà vịt giờ cũng “xơi” ống xông như thế...

Một cô bạn là quân nhân một hôm phải gọi điện thoại cho tôi thổn thức: Anh hay viết cho “Tôi của Khám phá, anh phải viết về việc người ta nhồi cơm hay bơm nước cho động vật trước khi bán đi. Tàn nhẫn không chịu nổi, ác không chịu nổi, và thương không chịu nổi. Có con gà con vịt mua về đến nhà là chết, thịt tím bầm. Còn bọn heo, bò, chó thì không thể tả nổi. Em đã đi sau một cái xe chở lồng chó. Con nào con ấy bụng to như cái trống, mà cái lồng nhỏ, bẹp dí vào nhau, thở không nổi chứ đừng nói sủa...

Nghe xong cú điện thoại ấy tôi cứ lơ lơ lửng lửng như người... nghén. Bởi tôi cũng đã chứng kiến, cũng đã nghe, và rồi, cũng như nhiều người, tôi đã chỉ phẫn nộ trong... im lặng.

Thi thoảng cũng thấy tivi đưa tin người ta bơm nước vào bụng heo bò... nhưng phần lớn là nói ở khía cạnh vệ sinh thực phẩm, mà chưa nhắc tới yếu tố độc ác của sự việc. Nếu ở một đất nước nghiêm minh, có luật bảo vệ gia súc, những việc làm tàn độc mất nhân tính ấy có thể bị nghiêm trị, bị pháp luật điều chỉnh. Nước ta, những kẻ độc ác một cách hồn nhiên kia coi đấy là một hành vi kiếm sống, là cách để khỏi... hao thịt, để có thể kiếm thêm vài ngàn đến vài chục ngàn trên một con gia súc, gia cầm.

Cũng chả biết tự bao giờ những hành vi ngang trái ấy lại cứ tồn tại như một... tất nhiên. Ví như cái việc dùng cả kí lô dây để buộc chân con cua 5 lạng. Ai cũng thấy buồn (cười nữa) nhưng mà rồi nó vẫn cứ tồn tại như một mặc nhiên. Việc bơm nước và thức ăn vào bụng gia súc cũng thế, nếu chúng ta cứ yên lặng, nó sẽ trở thành một hiển nhiên. Và con cái chúng ta sẽ nghĩ gì khi, một hôm nào đấy, chúng thấy, chúng biết, những hành vi tàn độc ấy của con người...

Dẫu là gia súc, là động vật, chúng cũng có đời sống, chúng cũng cần được chết một cách êm ái, nhân đạo, được “phục vụ” con người một cách minh bạch tử tế chứ không thể tức tưởi như chúng đang bị, và như cái cách mà những kẻ nhẫn tâm, độc ác và tham lam đang làm với chúng hàng ngày.

Người ta nói, chả có gì không trả giá đâu. Oan hồn của những con vật bị đày đọa trước khi chết ấy sẽ không để yên cho những kẻ tàn ác kia, dẫu là sự tàn ác hồn nhiên, nhưng nó vô cùng mông muội giữa xã hội văn minh hiện nay...

Không có nhận xét nào: