Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

CHUYỆN QUAN TÀI BAY




Hôm nọ tôi có việc đi Huế, một mình. Vợ bảo: Lên xe giường nằm, ngủ một giấc tới Huế, khỏe re. Tôi viện cớ dạo này bụng dạ kém, hai tiếng một lần đi nhẹ, bốn tiếng một lần đi nặng, xe khách Việt Nam phần lớn là chưa có toilet trên xe, nguyên cái đoạn cứ hồi hộp cố nhịn cho nó thật căng rồi rụt rè kêu tài xế dừng là đã mất hết nhuệ khí rồi. Rồi khi có mỗi mình mình xuống giải quyết, cả xe nhìn mình như thằng... yếu thận (mà dân ta quan niệm đã yếu thận thì vài thứ loanh quanh đấy cũng yếu) cũng hỏng hết chí khí đàn ông rồi. Thế nên tôi tự lái xe của mình chạy về, để tự do giải quyết chuyện “nặng”, “nhẹ” trên đường.


Và trên đường mới thấy, quyết định của mình là sáng suốt.

Tôi chạy sau một cái xe giường nằm tuyến Pleiku - Hà Nội trên đường Hồ Chí Minh, và, không thể nào vượt được nó. Không chỉ thế, bám đuôi được chừng non 2 tiếng đồng hồ thì nó... mất hút dù tôi cũng cố vượt nó vài lần. Kinh nhất là ở những đoạn cua, có biển báo xe giường nằm không được chạy quá 40 cây số giờ (loại biển này mới xuất hiện từ hồi xe khách giường nằm phát triển), nhưng nó cứ phon phon không nhấp phanh, trong khi tôi xe 5 chỗ lại phải nhấp phanh. 

Ba hôm sau tôi quay vào, ban ngày, thì 1h 45 phút đêm ấy, một cái xe giường nằm chạy tuyến Đăk Lăk - Huế lật tại cung đường địa phận tỉnh Quảng Nam, 2 người chết tại chỗ là 2 Việt Kiều Hà Lan đang về quê thăm nhà, mười mấy người bị thương, có người bị rất nặng.

Đã có rất nhiều tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra hàng ngày trên mọi cung đường của nước ta. Những cái chết đến từ những sự cố rất bất ngờ, người chết hoàn toàn không được... báo trước.

Dân gian gọi những chuyến xe chở đầy khách phóng như bay trên đường là những quan tài bay chả sai chút nào.

Trước hết là xe. Xe rất mới, rất tốt, nhưng chỉ duy nhất có một cửa lên xuống chỉ một người đi lọt ở phía đầu xe. Các búa phá kính trang bị theo xe phần lớn đã được nhà xe... cất đi đâu không rõ, hoặc nếu có thì cũng để ở một chỗ rất kín để... không bị mất. Và khi lên xe, khách hoàn toàn không được thông báo cách thoát hiểm nếu xe bị sự cố. Bình thường, mỗi khi xe dừng nghỉ ngơi, khách xuống cho được hết cũng phải mất 15 phút.

Rồi đến đường. Đường cũng càng ngày càng tốt (Đường Hồ Chí Minh thì đang hỏng rất nặng), nhưng dân ta có thói quen coi đường là... vỉa hè nhà mình. Vậy nên mặc ô tô phóng veo véo, có đoạn lên đến 90 cây số giờ nếu có dải phân cách, nhưng dân vẫn hồn nhiên xe đạp xe máy nghênh ngang lấn sang làn ô tô. Chuyện leo qua dải phân cách cứng là... cơm bữa. Nhiều nơi còn có sáng kiến cứ cách một đoạn lại tháo một khúc tấm chắn để dễ qua lại. Vậy nên chỉ ông tài nào có máu liều như cái ông tôi kể phía trên mới dám phóng đúng tốc độ cho phép, chứ còn lại là vừa phóng vừa... láo liên canh chừng người đi bộ, xe đạp xe máy...

Và tài xế, đây mới là tác nhân quan trọng. Những năm trước, tôi hay về quê ăn tết. Và chứng kiến những kiểu chạy xe có một không hai. Hầu như tài xế không được nghỉ. 7 giờ tối xuất phát từ Pleiku, chừng 3 giờ sáng đến Huế, thả khách xong là quay đầu, chạy xe không về, tất nhiên nếu có khách lẻ thì rước. Nhưng cái đích là Pleiku với thời gian biểu lặp lại như hôm trước. Cứ thế nửa tháng trước tết và nửa tháng sau tết, xe chạy như rô bốt lập trình thế. Các xe vào Sài Gòn cũng vậy, quay đầu liên tục đón khách về tết, nhưng là xe to và đường dài hơn nên có 2 tài thay nhau. Sau này tuyến Huế cũng có xe giường nằm, nhiều xe nữa, nên cũng có 2 tài, chứ hồi chỉ có xe 15 chỗ, nhõn một ông vừa chạy vừa vi vu huýt sáo...

Cũng hôm từ Huế về lại Pleiku vừa rồi, lúc xuống đèo Lò Xo, tôi chứng kiến một ông xe chạy phía trước liên tục rà phanh, đít đỏ rừng rực, xe đổ đèo rất... lụa. Đây chính là nguyên nhân khiến xe mất thắng nhưng lại không mất. Cái vụ xe chở đoàn Cựu chiến binh Hà Nội thăm chiến trường xưa, bị “mất phanh” ở đèo Lò Xo năm nào cũng là từ nguyên nhân này. Nguyên tắc cơ bản là khi xuống dốc, đèo thì phải chủ động đi bằng số, lúc nào cần mới thắng, chứ cứ nguyên số vừa chạy vừa đạp thắng thì đến lúc cần thắng thật nó lại không thắng, nhưng đến lúc cẩu xe lên khám nghiệm thì thắng lại tốt nguyên (vì nó đã nguội). Lỗi này hoàn toàn thuộc về tài xế.

Và phần lớn, nếu không nói là tất cả, ai đã đi đường Hồ Chí Minh đều biết “sự tích” đèo Lò Xo, đến mức có ai đó đã làm hẳn một bức tượng đức mẹ ở phía đầu đèo để cầu mong sự bình an khi xuống đèo, và ở chỗ xảy ra tai nạn thì có cái miếu thờ khá to suốt ngày nghi ngút hương, thế mà, hôm tôi đi vừa rồi, vẫn thấy một cú đâm mới rợi, bay một đoạn tường hộ lan.

Hồi mới lái xe, tôi được các “đàn anh” đi trước dạy rằng, đi đường chỉ lo căn mà tránh người bên phải thôi, lấn trái tí sang phía ô tô đối diện cũng được, bởi người lái ô tô phần nhiều là giỏi hơn mình, họ sẽ tránh mình. Sau khi chạy vài năm, tôi phát hiện, lời khuyên này... sai bét. Bởi nhiều ông chạy vừa ẩu vừa... non tay, nhưng cậy là xe lớn, cứ nghênh ngang thế, ngán gì bố con ông nào.

Đường 14 từ Pleiku sang Đăk Lắc cực tốt, và rộng, xe chạy tốc độ 80 cây số giờ ngọt lừ, chỉ sợ 2 điều. Một là dân bên đường phóng ra. Đường thường cao hơn nhà, dân ta phóng xe máy từ sân lao ra quá nửa đường mới bẻ lái. Và 2 là lúc xe khách bến xe Đức Long xuất bến. Những cái xe kềnh càng này chạy lúc nhá nhem tối cứ lấn trái liên tục, loại vừa non vừa nhỏ như tôi có lần phải dừng hẳn lại lễ phép nhường.

Giờ dân chơi ven đường lại đang có thú vui mới, ấy là... ném đá xe khách. Sau khi tàu lửa bị ném đá dữ dội thì nhà tàu Việt Nam đã phải làm một việc mà hình như chưa đâu trên thế giới làm, là bịt các cửa sổ trên tàu bằng lưới sắt, khách ngồi trên tàu nhiều lúc hình dung mình là... tù nhân đang được chuyển trại. Giờ ném tàu không ăn thua thì ném xe khách. Thực ra cái thú vui bệnh hoạn này cũng có lý do của nó, mà một trong những lý do, theo tôi có thể những người trẻ tuổi ven đường thấy những chiếc xe khách chạy qua nhấp nháy đèn xanh đỏ thấy sang trọng quá, thấy đấy như một thế giới khác. Sao cùng kiếp người mà có người sướng thế, vi vu trên đường với lộng lẫy nhường kia mà mình thì tù túng ở đây. Có biết đâu, những người trên xe kia cũng đủ đầy thân phận.

Cứ mỗi lần có tai nạn, thủ tướng, phó thủ tướng lại có công điện. Tôi thấy thương các bác lãnh đạo nước ta quá. Họ phải trăm công nghìn việc rồi, thế mà vẫn phải “công điện của thủ tướng về việc điều tra, xử lý nghiêm vụ tai nạn...”.

Hai ngày nghỉ vừa rồi, có đến mấy vụ tai nạn kinh hoàng, hơn chục người chết, trong đó 2 vụ lớn là 2 xe máy chở 6 người tự tông nhau 5 người chết, và chiếc xe tải tông xe 7 chỗ chở 11 người trên đường cao tốc chết tại chỗ 4 người... Còn mấy vụ "lẻ tẻ"- là so với 2 vụ kia, chứ còn nó cũng rất kinh... 
Đăng hoa lên cho nó đỡ u ám...


Không có nhận xét nào: