Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG CÓ CƠ HỘI LỚN



              Tôi có một tuổi thơ sống bên bờ sông Mã, cũng có nhiều trò nghịch dại với nước mà giờ mỗi lần nhớ lại vẫn sởn da gà. Nhưng rồi chúng tôi đều biết bơi nhờ... tự học bơi, đứa này truyền cho đứa kia, thậm chí xui nhau bắt chuồn chuồn, loại to kềnh càng ấy, cho cắn rốn rồi lôi nhau ùm xuống, rồi lóp ngóp bơi, hì hục uống nước, hì hục sặc sụa, nhiều phen tưởng chết đến nơi... và rồi biết bơi. Có những đứa con gái bơi giỏi đến mức, để tiết kiệm mấy xu đi đò, nó quấn  quần áo lên đầu, ngày 2 buổi bơi qua sông, sách vở nhờ bạn đi đò cầm. Cứ như con rái cá thế, mà mới học lớp 2, lớp 3, hồi ấy còn bé lắm, cởi truồng còn chưa biết ngượng...

          Năm nào cũng thế, vào hè là ta thường xuyên đón nhận những tin hết sức đau lòng, ấy là rất nhiều các cháu bị chết vì đuối nước. Đủ kiểu đuối. Sông, đã đành, ao hồ, cũng đành, hồ bơi, cũng đã đành, những cái hố người lớn đào rồi không lấp như lấy đất làm gạch, hố cột điện... nhưng có cháu lại chết ngay khi... học bơi, mà học bơi ngay buổi đầu tiên. Bố mẹ chở con đến học bơi, lúc sau quay lại đón, không thấy con đâu, nháo nhào nhìn xuống hồ thì thấy con nổi lềnh bềnh. Còn nỗi đau nào kinh khủng hơn không? Ít nhất trong tháng vừa qua đã có 2 vụ như thế này.

          Nước ta là nước nhiều sông hồ ao và biển, lẽ ra phải nhiều người biết bơi, nhiều người biết cách chế ngự các tình huống xảy ra với nước, thế nhưng càng ngày tỉ lệ trẻ em đuối nước càng nhiều. Trẻ em thành phố đuối đã đành, trẻ em nông thôn cũng đuối. Sở dĩ nói trẻ em thành phố đã đành vì ở thành phố ít có điều kiện tiếp cận với nước, với việc bơi lội và học bơi lội, còn nông thôn, bước ra khỏi nhà là ao, là kênh mương, là sông, biển... thế mà các cháu cũng vẫn liên tục đuối nước...

          Tôi có một tuổi thơ sống bên bờ sông Mã, cũng có nhiều trò nghịch dại với nước mà giờ mỗi lần nhớ lại vẫn sởn da gà. Nhưng rồi chúng tôi đều biết bơi nhờ... tự học bơi, đứa này truyền cho đứa kia, thậm chí xui nhau bắt chuồn chuồn, loại to kềnh càng ấy, cho cắn rốn rồi lôi nhau ùm xuống, rồi lóp ngóp bơi, hì hục uống nước, hì hục sặc sụa, nhiều phen tưởng chết đến nơi... và rồi biết bơi. Có những đứa con gái bơi giỏi đến mức, để tiết kiệm mấy xu đi đò, nó quấn  quần áo lên đầu, ngày 2 buổi bơi qua sông, sách vở nhờ bạn đi đò cầm. Cứ như con rái cá thế, mà mới học lớp 2, lớp 3, hồi ấy còn bé lắm, cởi truồng còn chưa biết ngượng... Nhờ thế mà có lần xuống Nha Trang, mấy người bạn tưởng tôi ở Cao nguyên không biết bơi, bèn rủ bơi thi. Tôi lặng lẽ làm một hơi ra tít xa quay lại thấy mọi người còn lóp ngóp tận đâu... sau đó tôi huếnh lên tuyên bố: Một người quê nội ở sông Hương, quê ngoại sông Đáy, đẻ ra và lớn lên ở sông Mã... thì đừng đùa nhé. Tất nhiên nói thật, lâu ngày không bơi, dẫu bơi rất giỏi, thì xuống nước cũng... liệu hồn. Không thể đùa với nước được, dù nó vô cùng thân thiện, là nguồn sống chủ yếu của con người...


          Mới nhất, ngày 4/7 vừa qua, là 5 cháu học sinh cùng 12 tuổi ở Bắc Giang đi chăn trâu. 2 cháu trai nhảy xuống cái hồ ngay trong ruộng tắm, chới với vì nước sâu, 3 cháu gái tìm cách cứu, kết quả cả 5 cháu đều chết. Làng trắng khăn tang. Những đứa trẻ con chết đuối ngay trong làng, đau xót nào hơn. Trước đó một chút là 9 học sinh lớp 6B, Trường THCS xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi chết đuối thương tâm chiều 15/4. 9 đứa trẻ con, những linh hồn trong trắng, những ước mơ trong trẻo, những phơi phới tương lai phía trước, tất cả đã dừng lại. Chỉ còn người lớn với những nỗi ân hận giằng xé, để rồi... có thể những việc tương tự thế lại tiếp diễn... Và cũng rất mới là 3 nữ sinh viên đại học Ngoại thương bị nước suối cuốn trôi khi đi tham gia chương trình sinh viên tình nguyện ở Quảng Ninh. Các năm trước cũng có nhiều trường hợp sinh viên tình nguyện bị chết đuối do thiếu kỹ năng khi tiếp xúc với nước...

          Shop tin của nhà văn Nguyễn Quang Vinh trên infonet dẫn nguồn tin của VTV cho biết mỗi năm nước ta có 4000 trẻ em chết đuối. Tôi đọc, không tin, nhưng rồi đọc đi đọc lại, vẫn con số ấy, và đến khi biết đấy là con số thực thì kinh hoàng. Trời ạ 4000 đứa trẻ không kịp lớn chỉ vì không biết bơi và không biết xử lý tình huống với nước, ở một đất nước dày đặc ao hồ sông ngòi và biển.

          Lỗi không phải ở những đứa trẻ đáng thương kia, hoặc nếu có, ở phía chúng, là vô cùng nhỏ.

          Lỗi là ở phía người lớn, những người có trách nhiệm với trẻ em, luôn nói trẻ em là những gì tinh túy tốt đẹp nhất, là tương lai, là ngày mai của đất nước..., nhưng lại không quan tâm đến chúng, để cho, chỉ nguyên đuối nước thôi, mỗi năm đã có 4000 cháu không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa, các cháu chết trong nỗi kinh hoàng tột độ, chết mà chưa kịp hiểu vì sao mình chết, tại sao mình phải chết, tại sao mình không được sống nữa?...

          Và hôm nọ tôi đọc một cái tin rất ngộ mà không thể buồn hơn: Một người đàn ông tên Cường ở Hà Nội tự thiết kế một thiết bị dạy trẻ em bơi trên... cạn.

          Trong các trường học, có rất nhiều môn thể dụ vô bổ các cháu phải học, nhưng lại không có môn bơi. Giờ nghe nói một số trường đưa học bơi vào dạy, nhưng chưa phải đại trà. Các cháu phải học đều nhau, không kể thể trạng từng người, năng khiếu từng người những môn như nhảy cao, nhảy xa, bóng chuyền, chạy, thậm chí cả bóng đá, bóng rổ... những thứ không làm tăng thể trạng, sức khỏe các cháu, ngược lại khiến nhiều cháu khiếp sợ và ốm bẹp giường sau đó... Và khi thi thì cháu mét hai vẫn phải ngang hàng cháu mét bảy, cháu bốn chục cân sánh vai cháu sáu chục, cháu ục ịch so với cháu cò hương... điểm thi này nhiều khi kéo tụt hoặc nâng bổng thứ bậc các cháu khi tính điểm trung bình. Trong khi môn bơi, nó thiết thân với từng cháu, nó không cần phân chia thể trạng, gầy béo cao thấp gì đều có thể biết bơi nếu được học bơi. Tất nhiên, có một lý do rất chính đáng, là môn bơi nó phụ thuộc vào cơ sở vật chất, là hồ bơi. Mỗi cái hồ bơi giờ cũng phải tiền tỉ, vượt quá khả năng của các trường.

          Vào Google gõ 2 từ “Trẻ em đuối nước”, chỉ trong 0,68 giây cho ra 408.000 kết quả. Tất nhiên không ai lấy đây là tư liệu xác thực, nhưng rõ ràng cũng không ai phủ nhận những cái tin đuối nước luôn dày đặc trên các phương tiện truyền thông mạng như thế nào. Ngày qua ngày, các cháu tiếp tục “tự bơi” trên hành trình sống của mình, và những đứa không may chết đuối cũng vẫn liên tục được cập nhật, trong khi người lớn, đặc biệt những người có trách nhiệm, chúng ta đã làm gì để ngăn chặn những cái chết đau lòng ấy. Mà những việc ấy, nó không quá tầm tay của chúng ta, nó chỉ cần chúng ta nhận chân được nỗi đau, coi nỗi đau của gia đình các cháu chính là nỗi đau cuả mình. 4000 nỗi đau trong một năm kia là nỗi đau của chính chúng ta, thì chúng ta sẽ phải hành động rốt ráo.

          Có những cái chết không thể ngăn được, không thể tránh được, chúng ta đành chịu. Đằng này, dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng cứu người đuối nước cho trẻ... nó trong tầm tay chúng ta, tầm tay của những người có trách nhiệm, của cả xã hội, nhưng cụ thể nhất là ngành giáo dục, ngành thể dục thể thao...

          Không thể coi đây là chuyện nhỏ nữa rồi, nó phải là việc làm ngay, việc thiết thực của cả bộ máy, của toàn xã hội...

          Tất nhiên, cần một chỉ thị  cụ thể, một kế hoạch rõ ràng, khoa học và thiết thân, chứ không phải mạnh ai nấy làm như lâu nay, để rồi đến tận hồ bơi tập bơi mà vẫn chết, để rồi 3 đứa cứu 2 đứa ở một cái hồ nhỏ trên ruộng rồi cả 5 đứa chết...

          Những thiên thần non tơ ấy không đáng bị chết, và không được chết. Các cháu chết, người lớn phải chịu trách nhiệm...
                                                                



Không có nhận xét nào: