Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

HÀNH TRÌNH DỌC SÔNG BA




          Giữ lời hứa khi viết ở bài “Thị xã bên bờ sông Ba" là sẽ trở lại việc sông Ba đang… ngắc ngoải, hay chính xác là đang bị hủy diệt bởi chính con người trong một bài viết khác, tôi vừa làm một chuyến viền theo con sông Ba ấy, từ An Khê xuống Krông Pa.

          Phải nói là đường cực ngon. Con sông Ba chảy từ Kon Tum, vòng An Khê, qua Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, xuống Krông Pa rồi xuôi xuống Tuy Hòa để nhập vào sông Đà Rằng.  Từ Pleiku nếu đi đường bộ thì chạy theo đường 14, đến ngã ba Chư Sê rẽ trái theo đường 25, xưa là con đường 7 nổi tiếng trong những ngày tháng tư năm một chín bảy lăm mà nhà tình báo Sneep bỗng biến thành nhà văn khi viết được cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn” nổi tiếng.

          Vì lần trước tôi đã đi thượng nguồn sông Ba rồi nên lần này chọn đường bộ để tiếp cận hạ nguồn sông Ba, bằng cách chạy đường bộ, hơn tám chục cây số theo đường 14 và 25 thì sẽ gặp sông Ba ở thị xã Ayun Pa rồi song hành cùng nó xuống Krông Pa.


          Với thị xã Ayun Pa, sông Ba là một điểm nhấn. Đây là nơi con sông Ayun và sông Ba nhập làm một tạo nên một cái ngã ba sông khá thơ mộng. Cái tên huyện (giờ là thị xã) Ayun Pa cũng là từ tên 2 con sông này ghép lại mà thành. Thị xã này từng có các địa danh gắn với sông Ba là Bến Mộng, thung lũng Hồng, chân trời Tím… nghe nó sên sến tí nhưng quả là nó thơ mộng, nó đẹp, dẫu hoang dã và đơn sơ.

          Bến Mộng chính là nơi ngã ba sông, trước có một chiếc đò ngang chở khách sang bên kia gồm mấy làng rất trù phú của người Jrai, những làng sinh ra những người Jrai nổi tiếng ở cả 2 thời kỳ như các Ủy viên trung ương Đảng Ksor Krơn, Ksor Phước, như bộ trưởng sắc tộc chính quyền Sài Gòn Nay Loét, như trung tướng công an Ksor Nham vân vân…, những ngôi làng trù phú sinh ra con gái thì đẹp con trai thì tài, giờ có một chiếc cầu nên đò ngang hết việc. Trước cũng có một cái nhà rông khổng lồ, là tụ điểm vui chơi của thanh thiếu niên trong vùng, cũng là chỗ du khách đến Ayun Pa thì ra thăm. Sau một cơn bão nó sập mất. Ven bờ sông là những ruộng những nương xanh um tươi tốt… Mọi thi nhân khi đã đến đây thì đều có thơ về Bến Mộng để lại. Vì cái tên như thế nên phần lớn nó khiến thơ phải… nhớ nhung, bảng lảng, nhiều lúc đọc lên nghe cứ tưởng thơ từ thời thơ mới. Ví dụ nhà thơ Trần Chấn Uy sau khi thơ thẩn ngắm Bến Mộng một hồi thì có nguyên một bài lục bát “Con thuyền rời bến sang sông/ em sang Bến Mộng mãi không trở về”… không chính xác lắm, nhưng bài thơ ấy từng làm rất nhiều em Bến Mộng thổn thức.

          Thung lũng Hồng, chân trời Tím cũng thế, là những địa danh dọc sông Ba đoạn qua Ayun Pa, rất đẹp và trữ tĩnh. Chiều, mặt trời hắt lên đá gan gà thành một ánh tím hoặc hồng. Cheo leo bên bờ sông là những khu rừng, bám trên đá, trên đất xấu nên nó như bonsai, nhưng lâu năm nên nó vẫn là rừng rậm rịt…

          Giờ, đâu hết.

          Con sông Ba bị ngăn lại làm thủy điện, đến mấy cái, trong đó có thủy điện An Khê Ka Nác. Cái oái oăm của thủy điện này là, nó không trả lại nước cho sông Ba mà lại làm một con sông nhân tạo để đổ nước về sông Côn, Bình Định, báo hại toàn bộ hạ lưu sông Ba từ thị xã An Khê (Sông Ba chảy qua thị xã An Khê) đến Krông Pa thành con sông chết. Nếu như đoạn qua thị xã An Khê sông trơ đáy khiến hàng vạn người trong khu vực khốn khổ, không chỉ vì không có nước, mà còn bởi bị ô nhiễm trầm trọng, thì đoạn phía dưới, Ayun Pa và Krông Pa có hiện tượng nước, dù còn rất ít, đổi màu thành màu xanh và bốc mùi hôi thối.

          Ông Huỳnh Thành, phó đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai đã làm chấn động hội trường quốc hội bằng bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, cho rằng việc làm thủy điện An Khê Ka Nác là “sai lầm thế kỷ”. Theo ông Thành thì trước khi phát biểu ông đã nghiên cứu và thấy trên thế giới chưa có ai làm cái việc là ngăn sông làm thủy điện rồi lấy nước ở con sông bị ngăn đó đổ vào con sông khác, kệ cho hạ lưu con sông bị ngăn ra sao thì ra? Không cần đến tận nơi chúng ta cũng có thể dễ dàng hình dung hàng triệu người sống dọc theo hạ lưu sông Ba ra sao rồi? Vấn đến là nó không chỉ gây hạn, không chỉ hạn mà là khô kiệt, biến một con sông rất lớn thành con sông chết. Sông lớn bởi trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” ông Núp từng kể rằng trên sông Ba có cá sấu. Nhưng điều kinh nữa là, mùa mưa thủy điện xả lũ khiến dân vùng hạ lưu “chết không kịp ngáp”. Hai năm 2011 và 2013 thủy điện An Khê Ka Nác 2 lần xả lũ bất ngờ khiến thị xã An Khê giữa đêm chìm trong biển nước, hàng trăm tỉ đồng hòa vào dòng nước cuồn cuộn ra biển. Dân, và cả chính quyền, bất lực…

          Từ thị xã Ayun Pa xuống Krông Pa, đường 25 cặp song song với sông Ba, gần giống như ở miền Tây bao giờ kinh cũng cặp với lộ.

          Ngày xưa đi trên con đường này là một cực hình, từ Krông Pa lên Pleiku chỉ 140 cây số nhưng thường là phải đi tới 2 ngày. Ngày thứ nhất từ Krông Pa lên Ayun Pa chỉ chừng 40 cây, phải ngủ lại vạ vật ở bến xe, gần sáng dậy xếp hàng mua vé Ayun Pa – Pleiku. Rồi lại từ Pleiku muốn đi đâu mới đi tiếp. Giờ tôi phi một mạch từ Pleiku xuống Krông Pa, kể cả nghiêng ngó, hết 3 tiếng, quả là một sự đổi đời kinh khủng. Mấy người bạn của tôi công tác ở Krông Pa như họa sĩ Trần Quang Lực, cô giáo Cao Viễn Phương…, giờ có việc lên họp ở Pleiku chẳng hạn, chỉ cần dậy sớm, theo chuyến xe khách sớm nhất, lên Peiku vẫn kịp họp nếu cuộc họp khai mạc lúc 8 giờ, chiều họp xong bắt chuyến xe cuối cùng về lại…

          Địa giới giữa Ayun Pa và Krông Pa là đèo Tô Na, ngày xưa qua đây là một cuộc thử thách lòng can đảm của khách và sự “liều mạng” của lái xe. Có tài xế hài hước “Mỗi lần qua đèo là mất một lứa đẻ”, giờ tôi phon phon lên đèo chỉ cần lùi một số, con sông Ba như một sợi tóc ngoằn nghoèo phía dưới, màu đen xậm chứ không ánh bạc như mọi con sông khác…


          Và, đường quang quẻ đồng nghĩa với việc… rừng hết.

          Thực ra thì không thể đòi hỏi một sự tròn trịa ở đây. Không thể đòi vừa phát triển mà lại  vừa bảo tồn nguyên vẹn. Vấn đề là chúng ta chọn cách nào để phát triển mà tự nhiên ít bị tổn thương nhất, mà con người vẫn hài hòa với thiên nhiên, tựa vào nhau mà sống, mà tồn tại và phát triển.

Tôi đi cũng nhiều, nhưng chưa thấy ở đâu có khí hậu lạ như ở Krông Pa và cũng đã có đôi lần viết nó lên báo. Nóng thì đã đành nhẽ. Nhưng đây nó cứ hầm như một cái nồi rang. Cứ như trên đời này có bao nhiêu oi bức, bao nhiêu tức tưởi, bao nhiêu âm ủ, bao nhiêu tích tụ không tan, bao nhiêu cái thứ khó chịu nhất cứ nhè nơi này mà chiếu xuống, mà hắt mà trút mà đổ xuống. Nóng mấy thì nóng, nhưng nếu có chút gió, chỉ cần phe phẩy thôi cũng được, thì nó cũng sẽ dịu bớt đi bởi nó sẽ được luân chuyển. Đằng này nó cứ như xoáy như cuộn, như ủ như hầm, quyện cứng lại trong một cái đít chảo có tên là Krông Pa. Và con sông Ba trở thành cứu tinh cho vùng đất này, để nó tồn tại và phát triển thành một huyện như hôm nay (bây giờ ngoài dựa vào sông Ba người ta đã làm thêm nhiều cái hồ nhân tạo rất lớn để trữ nước, mà hồ Ia M’lá là ví dụ). Kể thế để thấy con sông Ba quan trong đến thế nào với huyện Krông Pa nói riêng, hạ du nói chung, thế mà giờ nó đã bị bức tử.

Xã Ia Rsươm cách thị trấn Phú Túc thủ phủ huyện Krông Pa hai chục cây số. Đây là một xã nghèo của huyện nghèo Krông Pa. Nghe nói còn đến 40 phần trăm hộ  nghèo. Tỉ lệ dân số Kinh và người Jrai sở tại là 50 – 50. Dân Kinh chủ yếu là người Thái Bình đi kinh tế mới vào cách đây hơn hai chục năm. Nghèo bởi đất ở đây rất xấu. Thống kê thì chỉ trồng được điều, nhưng giờ đang hạ giá, tiêu thụ rất khó. Cái mà các xã nghèo khác ở nước ta ít có là xã này có đến mấy nhà nghỉ, nhà nghỉ mà tương đương khách sạn ở một số huyện khác. Tôi đã dừng lại ngủ đêm ở một nhà nghỉ  của xã này, và cứ băn khoăn, một xã heo hút thế, lại nghèo, ai ghé đến mà nhà nghỉ phát triển thế. Cái nhà nghỉ tôi ở có đến mấy chục phòng, có máy lạnh, bàn ghế giường tủ gỗ khá xịn, có tivi chảo, có wifi... Lên lại Pleiku tôi kể chuyện này với mấy người bạn am hiểu, họ cười, nhà nghỉ dành cho dân làm gỗ đấy. Tôi cãi, rừng hết sạch rồi còn đâu dân làm gỗ bén mảng… là kể để nhớ rằng, Krông Pa từng là nơi có trữ lượng rừng già rất lớn, và giờ cũng đang nóng trên báo chí và các cuộc họp là việc rừng ở đây tiếp tục bị phá. Mới đây nhất chủ tịch tỉnh Gia Lai vừa kiểm điểm chủ tịch huyện Krông Pa và tập thể lãnh đạo Ủy ban huyện vì để xảy ra phá rừng liên tiếp với số lượng lớn, dù trước đó, cũng báo chí vừa khen ông chủ tịch này vi hành xuyên rừng bắt lâm tặc. “Khuyến  mãi kèm theo” vụ kỷ luật ủy ban huyện là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Ia Rsai, Chủ tịch xã Chư Rcăm và Chủ tịch xã Ia Dreh cũng bị kiểm điểm.

Giờ ngồi viết bài này, hệ thống lại, sông Ba chết là phải. Một mặt thủy điện An Khê Ka Nác ngăn sông nắn dòng rót nước sang sông khác (theo thống kê, trên sông Ba từ An Khê Ka Nác về Phú Yên có gần chục công trình thủy điện nữa, xẻ nát con sông này, biến sông Ba thành “dòng sông thủy điện” như mỹ từ một thời), một mặt rừng bị phá như thế… có khổng lồ đến mấy thì  cũng phải thành sông chết mà thôi… Cứ bảo khôn ngoan chẳng lại với giời, nhưng giờ thì, giời cũng chịu thua người thôi…

Mùa này, và không cứ mùa này, xuống Krông Pa, khỏi cần xông hơi nhé, và vì thế nên, theo tôi biết, ở Krông Pa không có tiệm xông hơi nào…
                                                

2 nhận xét:

Nguyễn Hoàng Sơn nói...

Tiếp tục theo dõi bài viết về sông Ba của Văn Công Hùng. Thẳng thắn, hiểu biết kĩ lưỡng về sông Ba. Vẫn hi vọng sẽ có thay đổi sau khi các vị có trách nhiệm...đọc được bài này? Tất nhiên hi vọng vẫn chỉ là ...hi vọng thôi? Nguyễn Hoàng Sơn.

Unknown nói...

Chào Anh Văn Công Hùng
Lâu rồi mới vào lại Blog của Anh. Tôi có nhiều kỷ niệm với Gia Lai, đặc biệt là thung lũng Cheo Reo-Phu Bổn, tôi đã đến đây từ tháng 6 năm 1981 và đã ở lại đây trong 6 tháng. Và gần 20 năm sau tôi đã trở lại nơi này, trong gần 10 năm (1999-2008) làm việc tại GiaLai, do yêu cầu công việc tôi đẫ đi gần như tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Vì vậy khi đọc các bài viết của anh về mãnh đất và con người ở đây, tôi thấy có sự đồng cảm, thấy xót xa khi chúng ta phải trả giá quá đắt cho sự phát triển. Tôi đã nhiều lần đi từ K'Bang, ra An Khê, Kong Chro, IaPa, Ayn Pa, Prong Pa theo tỉnh lộ 662, bây giờ gọi là đương Đông Trường Sơn nên hiểu được Sông Ba đã chết như thế nào, đây thực sự là một tội ác phải không anh. Tôi cũng đã đến Krong Pa nhiều lần, cũng đã vào tận các xã Ia Mla, Đất Bằng, đã vượt Sông Ba sang các xã Ia Rmok, Ia Dheh... nói chung đã đi hầu như các xã của huyện này từ ngày Anh Rcom Bơm làm BT, a Huỳnh Thành làm CT... nên hiểu được cái nghèo của huyện này, cảm nhận được cái nóng như rang trong mùa khô ở đây.
Tôi đã về lại BMT từ đầu năm 2008. Bây giờ chỉ có hai vợ chồng sắp già ở với nhau, các con chúng ở SG như con cái của anh vây. Mỗi lần nhớ GL, thèm phở khô Ngọc Linh, cà phê vĩa hè Nguyễn Thái Học, nhớ những lần uống rượu ghè của đồng bào Jrai... tôi lại vào Blog của anh.
Tôi có nhiều bạn bè, đồng nhiệp cũ ở GL, có dịp sang Peiku sẽ rất hân hạnh nếu được gặp anh.
Chào Anh
Trương Công Duyệt
(Trước làm việc tại Chi nhánh Công ty bông VN tại GL)
P/s: Anh xem lại quê hai anh em Ông Ksor Phước, Kror Nham, họ không phải bên xã Ia Boái, từ Bến Mộng nhìn sang đâu, mà ở xã Ia Trok, tức ngã 3 Cây xoài qua cầu là đến.