Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

TẢN MẠN... VÁY ÁO.



Thực ra thì từ thời mẹ mình, các cụ không dùng áo ngực. Dụng cụ để thay thế cái áo ngực là cái yếm. Mẹ mình toàn mặc yếm, dù cụ là cán bộ lãnh đạo. Giờ các nhà “vú học” vẫn hay khuyên chị em nếu không cần thiết thì không nên mặc áo ngực, lúc ngủ thì thả rông cho... sướng. Ngày xưa các cụ đã biết sướng rồi.


Vốn dĩ nó là thứ lạc hậu dành cho đờn bà An Nam thời... An Nam mít. Váy ngày xưa rất nhiều công dụng. Ví dụ để... đo ruộng. Bước 1 bước hết cạp váy là 80 phân, 10 bước như chục, các ông đi đằng sau cầm cọc cắm. Váy còn dùng để... lau tay, lau... bát ăn. Có ông khách đến nhà được mời ăn cơm, bà chủ cầm bát lên, thấy đang ướt, ngó trước ngó sau không thấy ai, vén váy lên lau, khách vô tình nhìn thấy, phát khiếp... (Cái váy ngày xưa nhé, các cụ tưởng tượng đi. Bằng vải tám, nhấn bùn hoa và nước lá bàng đủ 8 lần, dày cộp, vả, các cụ nghèo, có khi tháng mới thay và giặt váy 1 lần, hehe).

Nhưng phải nói thế này, các bà các chị biết mình mặc váy nên rất ý tứ. Đi đứng rất là... váy, ngồi rất khép nép (hình như các cụ chỉ nhõn váy, không còn gì phía trong). Ngay cả tiểu, các cụ cũng rất giỏi. Đứng nhé, người hơi vươn về trước, hay tay nhón nhẹ cạp váy phía trước và phía sau, cho cái váy rộng ra ở trước và sau, là ổn. Nếu ở nhà, các cụ tiểu vào cái nồi gồm (vồm) hoặc rành tro. Tài là các cụ điều khiển y như... có vòi, rất chính xác. Tất nhiên không phải không có cụ để nó... chảy dọc theo đùi, dùng đùi làm... dây dẫn...

Rồi đến đời ta, âu hóa, toàn dân mặc quần, các chị đương nhiên, cũng tiên phong. Đủ loại quần, đứng, côn, loe, túm... cạp cao, trễ, xệch, xéo... cũng có nhiều cái lợi cái hại... nhưng rồi lại quay về... váy.

Ban đầu cũng bị phản đối. Xuất phát từ Hà Nội, lan vào Sài Gòn, rồi giờ khắp các tỉnh. Các bà các cô sồn sồn ban đầu phản đối váy dữ dội nhất, giờ lại cũng... hăng hái váy nhất. Mà đã mặc là... bất chấp. Tôi từng đi sau một tốp công chức đi ăn sáng. Chị thì chân cong như trái chuối, nhưng là 2 trái chuối... cãi nhau, nên mỗi chân cong sang 1 bên. Chị lại gân xanh nổi chằng chịt, như những sợi thừng quấn quanh cột đình. Chị lại sẹo, như là trưng bày các loại sẹo... Kệ, váy tất. Chị chân trần, chị tất đến gối, chị đến lưng, chị đến mắt cá... Lại có chị đi loại tất đến gối nhưng hiện nó tụt xuống mắt cá, vẫn hùng dũng đi, có hề chi.

Lại cũng từng thấy các chị... ngồi. Nhà Việt giờ chật, có khách đến ăn uống là trải chiếu ngồi. Các chị mặc váy nhưng lại nghĩ mình mặc quần, khổ thằng đối diện, mồm ăn mắt cũng... ăn. Nhưng mà nói thật nó lấp ló còn có vẻ tò mò, chứ tờ hơ ra thế, hãi bỏ xừ.

Sở dĩ ngồi trút bầu một mạch thế là vì nhà cháu vừa ngồi cà phê. Bàn bên có 2 cặp sồn sồn, cũng ngồi uống, cũng váy. Đến lúc đi, 2 ông nổ máy xe (máy), 2 bà đội mũ xong lạch bạch leo lên xe, thay vì ngồi 1 bên, đằng này lại, cả 2 bà, dạng háng ra, 2 chân 2 bên, cái váy trùm xuống yên xe. Cơ khổ, cái yên xe...

Và chạy, ngược gió...

Lại nói chuyện áo, chơi hẳn áo ngực, cho máu.

Thực ra thì từ thời mẹ mình, các cụ không dùng áo ngực. Dụng cụ để thay thế cái áo ngực là cái yếm. Mẹ mình toàn mặc yếm, dù cụ là cán bộ lãnh đạo. Giờ các nhà “vú học” vẫn hay khuyên chị em nếu không cần thiết thì không nên mặc áo ngực, lúc ngủ thì thả rông cho... sướng. Ngày xưa các cụ đã biết sướng rồi. Thời mình đi thỉnh giảng cho trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, mình tả cái yếm mãi mà học trò chả hiểu. Nhưng sau đấy một thời gian thì có mốt trở lại yếm, có mấy cô nhà văn mặc yếm, trông duyên hẳn lên. Tất nhiên sự tròn đầy căng thẳng vạm vỡ phì nhiêu nó không được như áo ngực, bù lại, nó tự nhiên nhi nhiên, hồn nhiên và... tất nhiên.

Là cái thời mình còn bé tí ấy, nhưng đã... hay để ý. Thấy các chị các cô hay tự may áo ngực bằng vải áo bộ đội hoặc bao đựng đường, trần đi trần lại bằng chỉ cho nó nhọn hoắt và cứng qoèo lên, áo mặc ngoài thường là áo nâu cổ tròn căng nứt người ra, nên cái chỗ nhọn hoắt ấy nó sờn rồi rách nhanh nhất. Mà nghèo, lấy đâu mà cứ rách lại vứt như bây giờ, thế là cái chỗ rách như đồng xu ấy lại tiếp tục được trần, bằng tay thôi, các chị trần rất khéo, trông cứ như cái lúm đồng tiền trên mặt, tức là có muốn lơ đi thì mắt vẫn cứ phải dán vào đấy. Có lần đi tắm ở sông Mã, có mấy chị nghĩ tôi còn con nít, chả thèm chấp, mặc áo ngực (hồi ấy gọi là xu chiêng hay cooc xê, áo ngực là sau này mới dùng) mà lồng đến 2 cái vào nhau, lại còn mách nhau cách mặc nhanh là xoay cái phần khuy (hồi ấy cài bằng khuy) ra đằng trước rồi cài xong thì xoay lại. Huhu lồng 2 cái vào nhau thì có mà vải giời cũng rách...

Mình sơ tán về nông thôn, các chị đi làm đồng, nhất là gánh lúa. Thứ tự áo như sau: Áo ngực trong cùng, áo đông xuân ở giữa rồi đến áo sơ mi màu nâu cổ tròn. Mùa hè, mồ hôi ướt hết áo, nhưng riêng cái đoạn có áo ngực thì không ướt được, nên nhìn các chị rất buồn cười. Cái màu gụ tự nhuộm nó theo mồ hôi thôi ra áo đông xuân màu trắng , và cả áo ngực nếu màu cũng trắng, nhìn cái dây phơi rất buồn cười...

Còn một thứ nữa cũng được các chị tự may bằng vải, bằng tay, buồn cười lắm, méo xềnh xệch... nhưng thôi tán nữa lại bảo đàn ông mà... lắm chuyện, hehe...


7 nhận xét:

thang vu nói...

Ông này đổi name là Hùng cooc xê thì hợp. Vì ổng mô tả nội thất loãng mạn thật

Vũ Xuân Tửu nói...

- Tôi đến làng Sán Dìu, dưới chân núi Tam Đảo, thấy các bà, các cô mặc váy lá. Váy lá là loại váy có nhiều mảnh, kết lại ở cạp như kiểu cái rèm. Bởi vậy, ra đường rất sợ gió to. Khi thái rau thường quỳ gối. Nhìn thấy khách nữ mặc quần bò, bó sát ống chân, khiến các bà, các cô Sán Dìu ái ngại thay...
- Một lần tôi viết câu văn có từ "áo xống", mấy ông bảo sai chính tả, phải viết là "áo sống" chứ. Nhưng thực ra, từ "xống" là chỉ cái váy.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Bác tả hay quá .

Binh nói...

Hay qua bac Hung, ta rat that va rat vui

Nặc danh nói...

Công nhận Nhà thơ VCH lắm chuyện thật. Hehe

Nặc danh nói...

Sao mà anh tài quân sát, tài nhớ đến vậy. Em là phụ nữ mà không nhớ nổi, cái thời áo ngực dây

hỏng hết vẫn còn hai quả cắt làm lót bắc nồi nấu bếp.

Nặc danh nói...

Quá xuất chúng