Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

NHỚ MỘT LẦN PHONG NHA




Tôi quê ở Huế, ngày xưa đã từng chung "Bình Trị Thiên" khói lửa, hồi học đại học Tổng hợp Huế đã từng đi thực tế ở Lệ Ninh cả nửa tháng vào khoảng năm 79, nhưng phải đến cuối những năm 2005 này mới ghé ngủ đêm ở Đồng Hới, và đi thăm động Phong Nha...

          Phong Nha Kẻ Bàng có hơn 20 hang động với tổng chiều dài 64.385m. Trong đó động Phong Nha dài 7.829m, hang Vòm dài hơn 15.050m. Thực ra thì hiện nay du khách đến Phong Nha mua vé, được mời lên thuyền và mới chui vào được 800m trong hang. Các nhà khoa học đã vào sâu được thêm đến 7829m, và phía sau ấy vẫn còn vô cùng u u minh minh, vẫn còn chưa biết nó dài đến đâu, chui vào tận đâu, vẫn thăm thẳm và bí ẩn. Con sông chui vào dãy núi ấy là sông Son. Cái tên cũng là một huyền tích. Nó kể về mối tình của một đôi trai gái, yêu nhau tha thiết nhưng không lấy được nhau, bèn nhảy xuống con sông này tự vận, và từ đó con sông đổi màu, nước đỏ như son nên gọi sông Son. Trên con sông này, thời chiến tranh chống Mỹ còn nhiều huyền tích hơn thế. Ngay sát cửa hang là dấu tích một con phà của đường Trường Sơn xưa. Cách đấy một đoạn là hang tám cô, nơi tám liệt nữ đến giờ vẫn còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, và vẫn còn tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Và mới đây, một tin khá nóng sốt nữa lại đến với dân Quảng Bình – và cả nước nữa: Một “tập đoàn” hang động nữa lại vừa được phát hiện, nghe nói đến hai trăm cái. Và theo thông tin bước đầu, thì nó còn hoành tráng hơn, vĩ đại hơn động Phong Nha nhiều. Có một cái động mới được đặt tên là “thiên đường” đủ nói lên độ... thiên đường của nó. Thế là Quảng Bình trở thành tỉnh có một “món" đặc sản vô cùng quý giá là Hang Động, có khai khác cả đời cũng không hết. Bên cạnh bờ biển dài và đẹp với món đẻn được truyền tai nhau là món... bổ và khoẻ mà chả biết thực hư thế nào, Đồng Hới thành phố hoa hồng giờ là hoa sữa, một cô văn công xinh đẹp cười rất tươi dưới vành nón được ngành du lịch chọn ảnh làm biểu tượng... giờ Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng thêm cho món hang động. Tất nhiên cái “món” này cũng khó tính lắm, không phải cứ quây lại bán vé là xong. Nhưng đã có Phong Nha Kẻ Bàng lĩnh ấn tiên phong, chắc là Quảng Bình có thừa kinh nghiệm để biến tập đoàn hang động kia vừa làm mãn nguyện du khách, vừa mãn túi ngân sách của mình.  Té ra trên mảnh đất chúng ta sống hàng ngày, thành quen, thành nhàm rồi vẫn chứa bao điều bí ẩn mang tầm nhân loại, làm sửng sốt kinh ngạc bao người. Thì ngay cái động Phong Nha ấy, hàng nghìn năm nay, bao nhiêu đứa trẻ của cái xã Sơn Trạch này đã nồng nỗng bơi lặn, ì uồm tắm, đã sinh ra trưởng thành rồi chết đi... trên con sông này, trong cái hang này, đến lúc vụt cái nó thành di sản thế giới, và đến giờ vẫn chưa biết hết bí mật bên trong...

          Ở con sông Son này có loài cá Chình nặng đến 35 ki lô gam, giá bán tại chỗ là 150.000đ, nghe nói là một loài thuốc rất quý, quý và đắt hơn cả con đẻn, đặc biệt là bổ cho... đàn ông (bây giờ đang có cái mốt là cái gì bổ cho... đàn ông thì là thuốc quý, và vì thế mà thú rừng bị tuyệt diệt, bởi con người cứ đồn nhau rằng, thịt thú rừng bổ và... khoẻ). Toàn bộ dân của xã Sơn Trạch này bây giờ có thêm một nghề mới là nghề phục vụ du lịch, và họ đổi đời thật sự từ ngày Động Phong Nha được UNESCO "nâng cấp". Ngoài việc chính là làm ruộng và nuôi cá lồng, giờ dân làng làm thêm hai việc là... chụp ảnh và chèo thuyền đưa khách tham quan. Tôi sửng sốt với con số: cả xã có... 300 tay máy đã đăng ký. Con số này bằng khoảng gần một phần ba hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Những người nông dân chân lấm tay bùn, có khi chưa bao giờ được ai chụp cho một kiểu ảnh, giờ lăm lăm máy ảnh, ngắm ngắm nghía nghía, khẩu độ tốc độ, ánh sáng cự ly... chụp toanh toách. Tất nhiên thú thật là tôi có nhìn một vài kiểu ảnh họ chụp, đại loại là nó có thể dùng để chứng minh, để khoe với bạn bè rằng mình đã có đến Phong Nha, dẫu có khi phải chú thích, phải đỏ mặt tía tai cãi một hồi rằng cái kẻ đang đứng toe toét cười kia chính là... mình. Cũng như thế, xã có khoảng 300 con thuyền đã đăng ký chở khách. Cứ mỗi lần chở, mỗi chiếc thuyền được công ty du lịch trích lại cho từ 100 đến 120.000đ từ tiền vé. Nhiều thuyền thế nên khoảng 3, 4 ngày mới đến lượt. Thứ 7 chủ nhật thì dày hơn. Mùa hè thì thu nhập đều, còn mùa mưa thì đứt bóng, ta lại về ta tắm ao ta, làm lúa và nuôi cá. Và cũng nhờ thế mà đời sống người dân ở đây so với trước bây giờ khá cao, nếu không muốn nói là một trời một vực. Tôi thấy rất nhiều nhà mới xây và đang xây trên đường đi vào động. Bà lái thuyền cho chúng tôi có... 9 đứa con, cười rạng rỡ: trời thương, mấy năm nay các cháu không phải ăn độn, mua được xe máy, sửa được nhà. Trước khi đổi đời nhờ động Phong Nha, dân ở đây đẻ chín mười đứa con là chuyện thường.

          Lên động Phong Nha có 2 kỳ tích. Một là té ra ta khỏe thế, leo lên được đến tận hang mặc mồ hôi ròng ròng và chân chùn gối mỏi, mặc tai mũi mồm miệng tranh nhau thở. Và trong hoàn cảnh ấy thì ba nghìn đồng một cái khăn giấy mát lạnh trở nên vô cùng rẻ và trở thành cứu tinh cho những kẻ... mặt đỏ, bụng to chân nhỏ vừa đi vừa nghỉ, đi ít nghỉ nhiều. Mà chả cứ những kẻ bàn giấy như tôi. Hôm chúng tôi vào, đi cùng một đoàn nông dân Thanh Hoá, và họ cũng la oai oái, cũng nhễ nhại hổn hển như ai. Có một đôi vợ chồng và một đứa con lên đến nửa đường thì nửa khóc nửa cười đứng lại, bởi dẫu rất khoẻ thì cả hai vợ chồng cũng không ai cõng nổi thêm đứa bé ba tuổi trên lưng để tiếp tục ngược dốc. Và hai thì đây chính là kỳ tích mà thiên nhiên bí ẩn và vĩ đại ban tặng cho con người. Nó bù đắp cho nỗi khó nhọc mà con người đã bỏ ra để leo lên. Càng vào sâu trong hang càng như lạc vào mê cung lộng lẫy mê hoặc và kỳ lạ. Chả giấy mực nào có thể tả hết được sự hoành tráng vĩ đại mà thiên nhiên tích tụ từ hàng triệu triệu năm và ngày nay con người phát hiện ra mà thụ hưởng. So với nhiều hang động khác, toàn là loại đã “bất tử” như Tam Thanh, Nhị Thanh, Nhất Thanh ở Lạng Sơn, Tam Cốc Bích Động ở Ninh Bình, thì quả Phong Nha là “anh cả” thật. Ngắm hang động với dấu tích hàng triệu năm, thấy con người thật là phù du, thật là mỏng manh và vô nghĩa. Nhưng mặt khác lại vô cùng tự hào, vô cùng hãnh diện khi mình ít nhất trong đời có một lần được chiêm ngưỡng kỳ tích của tự nhiên. Thiên nhiên vô cùng vĩ đại, như một bà mẹ khoan dung và nghiêm khắc. Thiên nhiên như một câu hỏi thách thức và treo trước loài người như một sự đơn độc khổng lồ. Thế mà càng ngày con người càng ngược ngạo với thiên nhiên. Ngay ở cửa động Phong Nha, dấu tích của một quả tên lửa máy bay Mỹ phóng vào vẫn còn, tươi rói, dù chiến tranh phá hoại đã qua gần bốn chục năm. Quả tên lửa này chắc là khá lớn, phóng thẳng vào vách đá trên miệng hang, bóc đi một lớp đá rơi xuống chặn một phần dòng chảy của sông ngầm. Biết bao huyền tích và dấu tích lịch sử. Ngay trong hang hội trường, ngày xưa bộ tư lệnh 559 đã ở, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã ở đây chỉ huy việc mở đường. Còn bao nhiêu thế hệ người nữa, hàng triệu năm qua, đã sinh sống, đã yêu nhau, đã tồn tại, đã yên nghỉ… Câu trả lời vẫn còn thăm thẳm như lòng hang sâu hoắm và đen ngòm kia. Chúng tôi hoa chân hoa tay, hét hú lên khi những chiếc thuyền lững đững trôi vào lòng hang tối om đã được một họa sĩ thiết kế một hệ thống ánh sáng rất đẹp và kỳ ảo. Tiếng hú mất hút trong vòm hang bí ẩn...
                                                                         

Không có nhận xét nào: