Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

CẦN TRUY TÌM ÔNG CAO KHƯƠNG

Ông này ăn cắp nguyên một bài của nhà cháu, tất nhiên có cắt bớt đi, nhưng những chữ còn lại vẫn 100% nguyên dzin là nhà cháu. Tất nhiên bài này ông ấy ăn cắp từ hồi 2011, hồi ấy các báo chưa nhạy như bây giờ, hỏi cụ Gúc phát là ra ngay. Tất nhiên loại như nhà cháu thì xài máy tính từ những năm 1990 thế kỷ trước nên quét phát ra ngay, nhưng nhiều báo, nhất là báo miền bắc, thậm chí cho đến giờ, vài ông TBT vẫn chưa dùng internet. Đừng bắt nhà cháu phải kể ra đây, tội lắm, huhu...




  Nhà cháu đang viết một bài về thổ cẩm Tây Nguyên, được nửa bài rồi, cần tìm tư liệu về một nghệ nhân mà mình đã từng viết. Search một phát trên gúc, ra ngay bài của... mình, nhưng lại ký tên Cao Khương in trên báo Nhân Dân. Ôi trời cao đất dày ơi, bài có mấy trăm chữ mà gã này cop nguyên văn của mình từ đầu đến cuối.

Nói luôn thế này. Để viết 1 bài 1.500 chữ một tờ báo đặt, sáng nay nhà cháu phải đánh ô tô xuống làng, tọc mọc cả một buổi cộng với cái vốn hơn 30 năm ở Tây Nguyên, gõ đến... hói trán đi mới xong, mà cái gã này, chỉ ngồi một chỗ, cop phát, lấy nguyên bài của người ta, nhuận bút mình hưởng, rồi cứt trâu hóa bùn, sau này có ai đụng đến vấn đề này, gã ấy lại la làng lên: Vấn đề này tôi đã viết rồi, nó như thế này thế này kia. Chưa kể, có ai đấy cần trích dẫn, thế là... Cao Khương lên mâm nhé.

Và cũng phải vạch mặt cái thói ăn cắp này đi, không để cho nó tồn tại. Đói quá thì đi xếp hàng nhận xuất ăn từ thieejnj ở bệnh viện hoặc ở cái chỗ nhà hàng nào đấy đang phát đấy, chứ đã đụng đến chữ, nó hèn và nhục. Rồi cũng chả ngẩng mặt lên với đời được đâu, vợ con nó mà biết thì làm sao mà sống hả ông CAO KHƯƠNG...

Bà con lùng giúp xem cái ông (bà) đại tặc này là ai, ở đâu nhé, nhà cháu cop nguyên bài trên báo Nhân dân từ năm 2011 đây ạ:

Thổ cẩm Tây Nguyên
Thứ ba, 02/08/2011 - 10:29 AM (GMT+7

Dệt thổ cẩm ở Gia Lai.
Tây Nguyên là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống rất lâu đời. Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa, bản sắc riêng. Trang phục của người Tây Nguyên là một thành tố góp phần làm nên bản sắc ấy. Mỗi dân tộc có họa tiết riêng, hoa văn, cách phối mầu, vị trí khác nhau. Chất liệu vải dệt thủ công từ sợi bông nhuộm đen chắc chắn, thô ráp, hoa văn sử dụng các mầu nguyên cơ bản, nóng, rực rỡ đều được bố trí theo chiều ngang khổ vải.
Các loại vải dệt này được dùng để làm váy, khố, một số dân tộc dùng làm áo (sở dĩ phải tách ra vì có một số cư dân Tây Nguyên không có thói quen mặc áo). Váy của phụ nữ Tây Nguyên là những tấm vải dài sát gót, được quấn về một bên hông, có hoa văn ở  cạp váy, gấu váy và phía sau tương ứng với phần mông. Ở cạp váy của các cô gái Tây Nguyên còn đeo thêm các vòng cườm, lục lạc bằng đồng để khi di chuyển tạo ra các âm thanh vui tai, ngoài ra còn có các đồ trang sức bạc, đồng, ngà voi, răng thú vật (loại quý hiếm và dữ như cọp, gấu, lợn rừng...) được đeo ở tai, cổ tay, cổ chân. Tấm đồ là những tấm vải lớn có hoa văn ở hai đầu, có thể có tua hay không có tua dùng để đàn ông khoác ngang người, hoặc đắp khi ngủ, đàn bà dùng để địu con... Khố là những tấm hoa văn tinh xảo có tua sặc sỡ ở hai đầu thả dài quá đầu gối để mỗi bước đi khố tung lên như những áng mây ngũ sắc. Trước khi có loại vải dệt, đồng bào Tây Nguyên dùng vỏ cây làm trang phục. Chỉ có một số vỏ cây làm trang phục, đó là loại vỏ cây có một lớp lụa bền chắc bên trong. Sau khi lấy về mang luộc chín rồi lột lấy lớp lụa, giặt sạch vò cho mềm, sau đó mang phơi khô rồi tước vỏ lụa ra như sợi chỉ rồi đưa vào khung dệt. Nhìn chung trang phục lâu đời của người Tây Nguyên rất độc đáo và có bản sắc đậm đà. Giờ đây với nhiều lý do mà nét bản sắc, nét độc đáo ấy đang phai nhạt dần trong trang phục Tây Nguyên.
Những trang phục truyền thống, ngoài giá trị thẩm mỹ, nó còn tiện dụng ở chỗ không lộ bẩn, không cần là ủi, giặt không cần xà phòng, bền chắc phù hợp với trình độ và điều kiện tự nhiên, xã hội Tây Nguyên mà những hàng chợ không thể có được. Ðiều thực tế hiện nay những sắc mầu thổ cẩm rực rỡ kia đang mất dần trên những buôn làng Tây Nguyên.
Siu Khang, người đàn bà Ba Na dệt vải đẹp nhất từ trước đến nay mà tôi đã gặp. Chị sống ở Plây Bông, xã A yun, Mang Yang bên cạnh nhà họa sĩ Xu Man. Ngày ngày chị lặng lẽ dệt tấm thổ cẩm, bề ngang 0,8 m, dài từ 2 đến 4 m, phối mầu và hoa văn rất khéo, đẹp. Ðược khoảng chục tấm chị đi xe đò lên Plây Cu bán. Có lần chị mang ra tận Huế hay vào TP Hồ Chí Minh. Chính chị là người phụ nữ Ba Na đầu tiên tham gia vào đời sống kinh tế thị trường. Nhưng người tiêu thụ ít, dệt một tấm thổ cẩm công phu tốn rất nhiều thời gian công sức mà bán lại thấp, không đủ chi phí. Con gái trước khi lấy chồng thường bỏ ra cả năm để dệt một bộ áo váy  mang về nhà chồng mặc trong những dịp lễ hội. Phong tục này được giữ thì việc bảo tồn nghề dệt ở Tây Nguyên mới có cơ tồn tại.
Mỗi một cộng đồng đều có những đặc trưng trang phục riêng của mình. Khi nói tới đồng bằng Bắc Bộ người ta nghĩ đến chiếc áo tứ thân, chiếc khăn mỏ quạ, nói tới Huế là áo dài tím se sắt thủy chung, nói tới Nam Bộ là chiếc khăn rằn và bộ bà ba... Còn Tây Nguyên rực rỡ sắc mầu thổ cẩm. Những sắc mầu ấy, những hoa văn kỷ hà ấy rất đặc trưng Tây Nguyên mà lại rất hiện đại và trên hết nó góp vào việc làm đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
CAO KHƯƠNG

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

có tý chữ mà kêu om cả lên. Nhà cháu đi hội nghị với bác cả tuần, các người, các báo xin ảnh để chơi, lưu giữ, cả đăng báo có cho cháu xu nào đâu. Gần hết các báo ở ta đều ăn cắp ảnh đăng báo, người ăn cắp đút tiền vào túi, ko sao cả, chả nhẽ cả dân tộc ta ko có biện pháp nào ah? ban tuyên giáo, bộ TT-TT, hội nhà báo, các tổng biên tập,... nhiều năm nay ko đưa ra bàn ở các hội nghị, đại hội, hội thảo, họ đồng lõa, khuyến khích,... chăng

Nặc danh nói...

Cậu Biết Cao Khương là ai mà dám vớ vẩn nhỉ?

Nặc danh nói...

Ai đạo chữ của Cao Khương thì có. Nhưng, đối với Cao Khương này thì không đâu nhé. Liệu chừng!

Nguyễn Thanh Hà nói...

Anh Hùng Kính mến! Đọc bài nay bức xúc nên viết đôi dòng. Năm 1980 khi còn ở chiến trường K, tôi mới tập viết...viết được bài " Ngọn lửa giữa trưa " được Báo Quân khu 7 và tập san Sư đoàn 317 in với bút danh Nguyễn Hà. Một thời gian sau Báo Sài Gòn giải phóng đăng lại với cái tên Thanh Hà, mừng lắm anh ah...tôi viết thư về cho Cha tôi khi đó là Nhà giáo (giảng viên Đại học) đến tòa soan nhận thay tiền nhuận bút. Cha tôi đến và được nhân viên trả lời: Đó là bài của Phóng viên Thanh Hà con bác nhận của mình. Hậu quả như thế nào anh biết đó Cha tôi mất lòng tin đối với tôi và bản thân tôi ở chiến trường cũng chảng nghĩ tới, chỉ biết rằng từ đó tôi mất lòng tin và không dấn sâu vào con đường viết lách nữa. Gần đây Sư đoàn 317 có in lại các bài viết của tôi nhân các dịp kỷ niệm ngày thành lập và tôi coi đây là kỷ niệm buồn khi còn trai trẻ.

Nặc danh nói...

"Cậu Biết Cao Khương là ai mà dám vớ vẩn nhỉ?"
Eo ơi , "xợ" ông CK này quá .
Thật đúng là : Kẻ cắp mà còn già mồm.

Đi tìm sự thật nói...

Nà quân ăn cắp văn chương
Cướp cắp cùng noại cương cương chiện thưòng
Gặp đường tớ múc xuống mương
Biết chắc quân nớ cũng phường tanh hoi