Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

CÁI GÌ QUÝ NHẤT THÌ MANG RA ĐÃI KHÁCH


Giờ lên đảo gặp lại, cứ rưng rưng nhớ một thời. Nhớ có lần một thằng bạn nhăn nhó: nhà trồng rau cải và xà lách, lại gần một trường học, mà để hẳn một hệ thống chậu hứng rất đẹp vẫn chả có đứa học trò nào ỏ ê ngó đến, nó toàn… tiện đâu xả đấy. Tôi bảo ông cứ về viết mấy cái biển “Cấm đái” dựng vào đấy xem sao. Mấy hôm sau gặp nó cười toe toét, ông thánh thật. Tôi bảo cái tâm lý người Việt là hay thế mà, phản kháng vặt. Người ta bảo cấm đái thì cứ đái, nhưng làm toilet cho đái thì lại ứ thèm...
-------------

 



          Vào các đảo, ngay ở cầu tàu, hình ảnh đầu tiên là một chiến sĩ mặc quân phục Hải quân chỉ huy bằng cờ cho xuồng cập bờ ở một vị trí cao nhất. Hiệu lệnh thẳng băng và dứt khoát. Nó cũng như là lời chào đầu tiên từ đảo. Hình ảnh này làm xúc động rất nhiều người khi còn trên xuồng cách đảo vài chục mét. Đến cầu tàu thì hàng loạt sĩ quan, chiến sĩ ra tận mép nước đỡ từng người lên tàu. Rất chính xác, ân cần và dịu dàng, khác hẳn với bộ quân phục nghiêm túc đang khoác trên người. Nói luôn, lúc từ tàu lên và xuống xuồng đều có các sĩ quan của tàu, người trên tàu người dưới xuồng đỡ và nâng rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. Suốt cuộc hành trình tôi chưa thấy ai… rơi xuống biển là nhờ lực lượng này, dù có lúc sóng rất to, giữa xuồng và thân tàu có độ chênh rất lớn, sóng dạt xuồng ra khi mà chân thì đã xuồng mà tay còn ở thang tàu, hoặc bước lên thang hụt rất dễ bị thành xuồng kẹp vào thân tàu. Bước chân lên bờ thì thứ đầu tiên ta thấy chưa phải là cái cổng chào tên đảo rất đẹp, mà là một loạt… chậu nước để rất trang trọng trên mấy cái ghế có lưng dựa và trên cái dựa lưng ấy là khăn mặt. Lại nhớ hồi nhỏ đi học được phân công nhau mang nước và khăn đến lớp cho cô giáo rửa tay. Tôi nói với mọi người: cái gì quý nhất thì lính đảo mang ra đãi khách. Nước trên đảo là thứ rất quý, nó không đến nỗi là máu như một thời nhưng vẫn là thứ không thể phung phí như ở đất liền. Lại nhớ cái cảnh các thiếu nữ Nga xinh đẹp trên tay là bánh mì và muối đón khách, hay người nông dân Việt Nam chào nhau thường bằng… ăn: Bác xơi cơm chưa, dù lúc ấy có thể là… nửa đêm hoặc mờ sáng. Nên cái hình ảnh những chậu nước trong vắt đặt ngay ngắn trên hàng ghế ngay ở cầu cảng của đảo khiến những người chứng kiến cứ rưng rưng về lòng hiếu khách, về sự hy sinh của những người lính đảo. Họ đã chịu rất nhiều thiệt thòi, hy sinh, và thêm một lần này nữa, họ hy sinh cho khách thứ mà họ quý nhất.


          Nước ở trên đảo giờ có từ mấy nguồn: Nước mưa, các đảo đều có hệ thống bể chứa nước mưa rất lớn, để tất cả nước mưa trên đảo đều dồn về chứa ở đấy để dùng dần. Thứ hai là hệ thống nước ngầm. Qua thời gian thăm dò nhiều đảo phát hiện được có nước ngọt. Tất nhiên là khoan, là giếng. Ở đảo Sinh Tồn, ngay gần cột mốc chủ quyền có một cái giếng, trông như giếng làng, vì to, có thành giếng, và khá cạn, nước trong vắt trông thấy đáy. Một số đảo không có nước ngọt thì có nước lợ cũng đỡ, vì nước ngọt chỉ dùng nấu ăn, còn nước lợ dùng sinh hoạt như tắm rửa giặt giũ, tưới rau… Chỉ các đảo chìm thì phải chứa nước mưa để dùng hoặc có thiếu thì tiếp tế.


          Hôm chuẩn bị ra Trường Sa, trong mấy chục điều ghi nhớ mà bạn bè đã đi trước “di chiếu” lại, có chuyện… mang rất nhiều đồ để thay xong gói lại mang về nhà giặt, vì trên tàu và trên đảo không có nước. Điều này là sai nhất. Tôi đã chuẩn bị 7 cái áo thun, 2 sơ mi, 5 quần sooc đủ để thay xong gói lại mang về. Nhưng trên tàu ngày bạn tắm 5 lần cũng được, thích giặt thì giặt, nếu gói mang về là chỉ do mình lười, chứ tàu thiết kế cả một sân phơi đồ rất xịn trên boong, quần áo treo lên chỉ một lát là khô. Kết quả là toàn bộ áo mang đi không phải dùng tới vì khi lên tàu theo đoàn công tác của Trung ương Đoàn mỗi thành viên còn được phát 3 cái áo đồng phục, và hàng ngày ban chỉ huy hành quân đều phát loa quy định trang phục ngày ấy khi lên đảo hoặc sinh hoạt trên tàu nên áo mang theo gần như nằm nguyên trong va ly. Nước sôi pha trà cũng rất đầy đủ, ngoài ra mỗi phòng được phát nước lọc trong bình lớn hàng ngày, hết lại lấy. Điều sai thứ 2 mà một nhà văn hẹn tôi là phải chuẩn bị… mì tôm, anh còn dặn: vì ăn toàn đồ tủ lạnh nên những ngày cuối cùng thèm mì tôm kinh khủng, thấy người ta ăn là muốn… giật lấy ăn. Có lẽ tàu anh đi người ta tổ chức ăn cơm sáng. Còn chúng tôi thì tuyền mì tôm. Cứ hôm nay mì tôm thì mai phở gói. Đến hôm thứ 7 thứ 8 thì nhìn thấy nồi mì tôm là ớn. May mà không nghe lời anh mang theo chứ không thì chắc chắn là bị bạn cùng phòng giễu.





          Có một hệ thống nước nữa mà trên một số đảo có, ấy là hệ thống bể chứa nước thải. Hệ thống bể này xây và có đường dẫn sao đó mà tất cả nước thải sinh hoạt trên đảo đều dồn về đấy để tưới rau. Chưa hết, còn một loạt các can đựng nước tiểu. Lâu lắm rồi những người dân thành phố không còn thấy những chiếc nồi đất để trong một cái khung vuông vuông che lá chuối hoặc nilon để phục vụ nhu cầu tiểu của con người, nhưng cái chính là người ta hứng thứ nước rất tốt cho cây trồng ấy để tưới rau. Giờ lên đảo gặp lại, cứ rưng rưng nhớ một thời. Nhớ có lần một thằng bạn nhăn nhó: nhà trồng rau cải và xà lách, lại gần một trường học, mà để hẳn một hệ thống chậu hứng rất đẹp vẫn chả có đứa học trò nào ỏ ê ngó đến, nó toàn… tiện đâu xả đấy. Tôi bảo ông cứ về viết mấy cái biển “Cấm đái” dựng vào đấy xem sao. Mấy hôm sau gặp nó cười toe toét, ông thánh thật. Tôi bảo cái tâm lý người Việt là hay thế mà, phản kháng vặt. Người ta bảo cấm đái thì cứ đái, nhưng làm toilet cho đái thì lại ứ thèm.

          Trên đỉnh chót vót của các nhà giàn cao hơn hai chục mét trên mặt biển, ta vẫn gặp những chậu ra mướt xanh. Không dễ gì mà trồng được ở trên ấy bởi nó bì gió táp, bị hơi mặn bốc lên, và tất nhiên là thiếu nước. Lính ta đã trồng rau như chơi hoa, tiết kiệm từng giọt nước để tưới tắm hàng ngày, dùng nước ngọt và che chắn để khắc chế gió, hơi mặn và sự khô khát. Nhưng nơi thiếu nước nhất hiện nay lại chính là các tàu Hải quân tuần tiễu. Họ phải trực cả tháng trên biển, mỗi lần đi mang theo một cơ số nước ngọt nhất định. Cứ gần cuối đợt là thiếu nước. Cách xử lý thì… một đại úy rất đẹp trai nói với tôi: thật với bác, có khi 5 ngày em mới tắm một lần. Thế nhưng cũng chính các chiến sĩ trên tàu này, hôm chở chúng tôi từ tàu lớn vào nhà giàn lại cũng rất hào phóng bê những chậu nước bày ra boong tàu chật chội để các bác rửa tay. Có ai mà nỡ lòng thò tay vào những chậu nước, dù là trong vắt và mát lạnh ấy.

          Và trên cái nhà giàn DK 12 ấy tôi đã chụp được cái thông báo trên bảng: mỗi lần tắm 7 lít nước.


          Ở đất liền, 7 lít nước bạn làm được gì?

          Nên tôi cũng hơi nhoi nhói khi thấy một số bạn được lính chiều mà phung phí nước của họ. Nó như là một hành vi bất nhẫn, dù như đã nói, nước bây giờ không đến nỗi là máu như ngày xưa…
                                                         
 

1 nhận xét:

Ký ức tuổi thơ nói...

Những ông vô ý thức thế nhà cháu ủng hộ mang ra đấu tố ạ. Cháu thề hi.....