Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

TRẦN TUẤN ĐỌC "GÕ CHIỀU VÀO BÀN PHÍM"

Hắn đọc thơ rất kỹ, kỹ như thơ hắn. Và kiệm chữ- kiệm chữ vừa do tính hắn, vừa do khuôn khổ tờ báo...


Lâu thì lại hâm lại "Gõ chiều vào bàn phím phát"...
---------------

Cảm thức chiều trong 
“Gõ chiều vào bàn phím”
 

           

          “Thế là em không trở về nơi ấy nữa/chỉ còn chiều thấp thoáng phía nắng rơi ...” (miền ký ức). “chiếc quai nón vướng vào ký ức/ sóng sánh mắt người buổi chiều như động đất” (Phần cuối của ngày). “những hòn bi lăn như chiều đổi gió/chiều ngập ngừng loang mắt cúi miền xa” (Muộn rồi dã quỳ ơi). Chiều trong “Gõ chiều vào bàn phím” (*) nhiều khi không phải là chiều; “em” cũng không phải là một em nào hết, mà là tiếng thở dài thật nhẹ, day dứt, tự sự, nuối tiếc. : “tôi gõ buổi chiều vào bàn phím/hiện lên em ngơ ngác xa xăm” (Gõ chiều vào bàn phím). Văn Công Hùng thường lọc thơ qua lăng kính mờ nhoè của ký ức, hồi ức. Về cái đã trôi, đang trôi, và cả sẽ trôi. Tiếc nuối cái đã mất và cả điều chưa kịp mất...

          Đôi khi cảm thức rất lạ, loé sáng, hoang vu : “Thấy hình hài rón rén cơn mơ/hát tiếng gù của ếch/con ếch xanh vụt về chớp mắt/thấy mình đi bên bờ ruộng mưa rào” (nhìn ra cửa sổ). Hoặc : “Thấy lạnh cái giật mình ngây dại”. “Không chạm đất bàn chân trần se sẽ/ mơ hồ thôi một tiếng thở giữa trời” (Đón mùa thu ở Pleiku).
 

          Tôi thích bài “Đêm Vinh”, cái chất thảng thốt chênh vênh ảo giác hiếm gặp trong thơ Văn Công Hùng : “nường nưỡng nõn nà đêm Vinh chấp chới/sen hạc hở vai dây mỏng gió thiêng/vời vợi bàng xanh lâu đài không cửa/cơn mưa phùn giấu bão ở bên trong ...

          Và những khi ấy, thơ anh thường chất chồng nhiều tầng lớp hơn. Mong anh có được nhiều bài thơ như vậy.


_________________

*(“Gõ chiều vào bàn phím”–Thơ Văn Công Hùng, NXB HộiNhà Văn 2007).
 

Trần Tuấn- Đã in ở Tiền phong cuối tuần số nào đấy, huhu...

Không có nhận xét nào: