Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

CÔN ĐẢO MỘT LẦN ĐẾN

Chồng ở Côn Đảo, vợ ở Cần Thơ, gia đình và khách mời cưới thì ở ngoài bắc, Vũng Tàu, Đồng Nai và Côn Đảo... Cưới đúng lệ bộ xong đưa vợ ra Côn Đảo dạy học. Rồi ngay cái anh chủ quán "Dê lang thang" người Thái Bình thấy chúng tôi ngồi bàn chuyện thuê xe để đi làm, liền đưa xe của mình cho chúng tôi đi, còn cẩn thận đổ đầy xăng. Ở Côn Đảo xe không cần... đưa vào nhà. Sáng tôi dậy đi dạo thấy xe máy vất đầy đường và bãi biển. Thủ bảo: Ở đây không mất xe máy, nhưng xe đạp thì... mất...
----------


CÔN ĐẢO MỘT LẦN ĐẾN...
Ghi chép của VĂN CÔNG HÙNG


* XUYÊN ĐÊM BIỂN ĐÔNG

          Do một dịp may cộng với nỗ lực cá nhân, tôi đã thỏa nguyện một nỗi ước ao ấp ủ bấy lâu nay: ra Côn Đảo.

          Hồi bé tí, tôi được mẹ cho xem một cuốn sách mà hình như hồi ấy các chi bộ lấy nó để học tập, cuốn "Bất khuất" của nhà cộng sản Nguyễn Đức Thuận, sau này là chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, và trong tôi ấn tượng về Côn Đảo có từ ấy. Nói đến Côn Đảo tôi tin chắc rằng ai cũng bồi hồi, ai cũng hăm hở, ai cũng sôi sục muốn ra, muốn đến, muốn chiêm ngưỡng... Bởi nó không chỉ là cái thú khám phá, thú mạo hiểm, mà nó là một ẩn ức tâm linh được giải tỏa. Côn Đảo từng là địa ngục trần gian, là nơi giam giữ hàng chục ngàn tù chính trị với nghĩa trang Hàng Dương nổi tiếng, với cầu tàu 914, các xà lim, chuồng cọp kiểu Pháp và Mỹ và đặc biệt nổi tiếng là nơi an nghỉ của người liệt nữ anh hùng nổi tiếng Võ Thị Sáu, người mà bây giờ dân Đảo và dân cả nước cho rằng đã hiển linh, nên ngày rằm mùng một, mà chả cứ rằm mùng một, mà bất kỳ lúc nào trên mộ chị cũng nghi ngút khói hương hoa quả, người được người dân cho rằng, nếu thành tâm cầu thì sẽ được chị cho những điều mình cầu, người mà cho đến bây giờ, xung quanh chị có hàng trăm câu chuyện nhuốm màu tâm linh nửa hư nửa thực không lý giải nổi và cũng không ai lý giải...

          Chuyến tàu xuất phát từ Vũng Tàu đèo đẽo suốt đêm nhẫn nại xuyên màn đêm, xuyên sóng và gió. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huy Tịnh cao một mét bảy, nặng tám  mươi cân mà nằm đứ đừ vì say sóng. Ra Đảo từ Vũng Tàu thường xuyên có hai tàu khách, Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10, mỗi tàu chở khoảng 300 khách chưa kể hàng. Tàu thiết kế khá sang với các buồng nhỏ, trong kê 250 giường có nệm chăn gối, có một phòng khách chung kê 40 ghế tựa, có tivi. Số khách khỏe, thường là dân đi biển thì mua loại vé này vì chịu được say sóng. Kinh nghiệm của dân hay đi tàu này là lên tàu thì vào giường và... nằm ngay thì không bị say sóng. Huy Tịnh và tôi bị say vì khoảng 2 giờ sáng thì rủ nhau lên boong ngắm... đêm. Chả thấy gì ngoài đêm và sóng. Nhưng cái cảm giác lúc ấy nó vừa hùng tráng vừa mong manh. Biển thăm thẳm như thế, đêm đông đặc như thế, con tàu tưởng to té ra chỉ như cái lá tre giữa biển. Còn con người mới thấy  nhỏ bé mong manh nữa. Thường thì người ta mua vé khứ hồi, ra tàu nào về tàu ấy. Năm giờ chiều xuất phát, sáng sau tới đảo, ở lại đêm ấy, 5 giờ chiều hôm sau nữa lại lên tàu vào "đất". Cái từ "Đất" ngoài đảo thiêng liêng lắm, họ gọi nó lên đầy trìu mến và thiêng liêng. Người đảo ngóng vào đất liền như con ngóng về đất mẹ. Bây giờ còn thế, huống hồ hàng trăm năm trước, dằng dặc hoang vu, cô đơn lạc hậu, mà lại mang thân phận tù...

Cầu tàu 419
          Nhưng lại cũng có người ngong ngóng đảo không khác gì người đảo ngóng đất. Tức là nỗi ngóng ấy nó không giống của tôi, của bạn, nỗi ngóng vu vơ, ngóng trong tưởng tượng, ngóng để thỏa chí tò mò, thỏa lòng mong mỏi... còn cái người mà tôi đang nhắc đây ngóng đảo là ngóng về ký ức, về một vùng tuổi thơ với mình gắn với đảo. Người ấy là họa sĩ Trần Quang Lực, hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, cán bộ ban tuyên giáo huyện ủy Krông Pa, Gia Lai. Khi bàn với nhau chuyến đi này, Lực không háo hức phổi bò như chúng tôi, mà anh trầm ngâm xa vắng hẳn. Công việc hàng ngày là... xem dự báo thời tiết. Mấy ngày ấy biển động, thậm chí có bão ngoài biển đông, vì thế cái sự có đi hay không nó phập phù lắm... Ba người lẫn vào ba trăm người xuống tàu đúng cái buổi chiều mùng năm tháng tám ấy, riêng Lực là khó lẫn nhất. Anh lăng xăng nhìn ngó tìm kiếm, nhưng mà nào có thấy cái gì quen thuộc. Ba mươi lăm năm rồi. Thì ra trước năm 1975, cha anh phụ trách bưu điện Côn Đảo. Tất nhiên là vợ và lũ con ông có mặt. Khi ra đảo Lực mới 11 tuổi nhưng đã khá tháo vát, thường xuyên vào hợp tác xã tiêu thụ Côn Sơn- trước giải phóng Côn Đảo là thị xã Côn Sơn (cái tên này đậm chất miền Bắc XHCN) ăn cơm với... các chú phạm (anh nhắc tôi thời ấy người ta gọi bằng phạm chứ không gọi tù như bây giờ). Và chính ở đấy anh đã học được nghề làm gậy đầu rồng của phạm chính trị. Anh nói sau này trở thành họa sĩ cũng là nhờ từ những ngày học làm gậy đầu rồng ấy. Từ chỗ học việc, anh cũng có sản phẩm được tính và có tiền. Lần này ra Côn Đảo, anh tìm được một số bạn cũ, nhưng vẫn đau đáu là chưa biết được tin tức các chú Chính trị phạm đã từng coi anh như con, dạy dỗ, truyền nghề xưa kia. Đó là Chú Tư Bửu, chú Ba Hiển, chú Thái Dũng, Chú Sơn... Chị Thanh Vân, phó giám đốc bảo tàng Côn Đảo hứa sẽ cố gắng giúp anh việc này. Gần chục năm ở Côn Đảo, năm 74 bố anh được đổi về đất và vì thế anh không được chứng kiến ngày giải phóng đảo năm 75. Sau này khi làm lý lịch vào Đảng, tổ chức cũng gửi lý lịch của anh ra tận đảo để xin xác thực. Và đảo đã xác thực rất đúng, rất tốt về ông cụ nhà anh. Cũng đã từng thấy nhiều người hồi hộp khi về với ký ức, nhưng ở anh nó lạ lắm. Sau khi ngồi không nổi trên boong ngắm đêm, anh vào giường nằm... trằn trọc...

Trên giường tàu Côn Đảo 09, Trần Quang Lực và các cháu Sinh viên người Côn Đảo đang học đại học tại TP HCM về thăm nhà-  
       
          Sáu giờ sáng, Côn Đảo đã ở trước mặt.

          Trước đấy, vô cùng đột ngột, giữa mênh mông nước và trời đột ngột nhô ra, mọc lên, sừng sững một dãy núi y như dãy Trường Sơn giữa biển. Có người nói với tôi rằng đúng nó là dãy Trường Sơn đấy, hay nói cách khác nó chính là một khúc đứt gãy của Trường Sơn trôi ra đây. Chả biết thực hư thế nào nhưng tôi thấy nó chả khác gì dãy Trường Sơn mà tôi hàng ngày vẫn thấy. Phải mất hai tiếng nữa lượn giữa các dãy núi trùng điệp ấy thì tàu mới cập cảng, và Côn Đảo mở ra...

*NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG






Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo cho đến bây giờ phải nói là rất đẹp, ấm cúng, tôn nghiêm, sạch sẽ được chia làm bốn khu liên thông với nhau bằng những con đường lát đá rợp bóng cây xanh. Khu một là các tiền bối như TBT Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, khu hai có mộ chị Sáu... Các liệt sĩ được tìm thấy ở đâu được để nguyên ở đấy, dựng bia tại chỗ, không di chuyển, không tạo mộ giả, vì thế bia mộ không thẳng hàng ngay lối, không cùng hướng tăm tắp như các nghĩa trang liệt sĩ khác, trừ khu D được quy tập từ các đảo khác về. 709 ngôi mộ có danh tính là do đồng đội bạn tù khi đi lao động khổ sai biết, thấy, họ lặng lẽ bí mật đánh dấu bằng cách chôn thật sâu viên đá viên gạch viên ngói được viết, được khắc tên ấy xuống cát. Bởi nếu cai ngục thấy thì chúng sẽ phá. Ngay mộ chị Sáu nổi tiếng đến thế, nhưng hai tấm bia đầu, một tấm do bạn tù dựng bí mật, một tấm do chúa đảo dựng công khai đều ghi sai ngày mất. Sau này, trong quá trình nghiên cứu, bảo tàng Côn Đảo lục trong tàng thư, thấy có biên bản hành quyết chị thì thấy chị bị xử bắn và mất năm 19 tuổi chứ không phải 16 như lâu nay chúng ta tưởng nhầm. Thực ra chị tham gia cách mạng năm 16 tuổi. Khi bị bắt bị xử tử hình và tịch thu tài sản, chị chưa đủ tuổi nên đã bị giam cho đến đủ tuổi mới hành quyết. Việc chị Sáu được dựng bia công khai cũng là một việc không cắt nghĩa nổi. Tất cả những tên chúa đảo, cai ngục, cho đến lính tham gia phá bia chị đều bị bất đắc kỳ tử một cách rất bí ẩn. Nên tấm bia do bạn tù dựng bí mật sau rất nhiều lần bị phá được để công khai, sau đó một chúa đảo cùng vợ lập nên một tấm bia khác tạ tội với chị. Sau này khi tôn tạo, người ta dựng một tấm bia thứ ba ghi đúng ngày mất của chị và vẫn để ba tấm bia cùng tồn tại. Dân Côn Đảo kể rằng, sau khi lập xong tấm bia thứ 3 thì cây dương bên mộ chị chết hẳn. Người ta bảo do chị đã mãn nguyện. Bây giờ thế chỗ nó là một cây lê ki ma xanh tốt, tức cây trứng gà, loại cây đã hiện diện trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ  Nguyễn Đức Toàn "Mùa hoa lê ki ma nở..." dù khi viết nó ông chưa biết cái cây này ra làm sao. Tôi có trao đổi với chị Thanh Vân, phó giám đốc bảo tàng Côn Đảo rằng, nên bắt chước mộ mười cô gái Đồng Lộc, trồng bên mộ chị Sáu một cây bồ kết. Tôi kể cho Vân nghe xuất xứ của hai cây bồ kết ở đấy là từ bài thơ của nhà thơ Vương Trọng có một câu ước có cây bồ kết cho các cô gội đầu, thế là vị đại tá giám đốc Công an Hà Tĩnh mang đến hai cây trồng và giờ nó vô cùng tốt, cho rất nhiều quả. Chị Vân rất thích nhưng bảo Côn Đảo không có giống này, mà lại đất cát có chịu được không. Tôi hứa sẽ về viết báo nói chuyện này và nhân đây mong mọi người quan tâm, hãy tỏ lòng thành với chị Sáu, bằng cách gì đấy trồng một cây bồ kết bên mộ chị, thế nào chị cũng rất vui và phù hộ. Hôm tôi đến, mộ chị ngập hoa tươi và rất nhiều gương lược, trâm cài đầu... Ở đảo có hai người con gái hiển linh, được dân coi như thành hoàng, là bà Phi Yến và cô Sáu. Chỉ khách đất liền ra mới gọi chị Sáu, còn dân đảo đều gọi Cô Sáu, Bà Sáu...



          

Bảo tàng Côn Đảo hiện nay có ba chục CBCNV và họ phải làm đủ thứ việc, từ nghiên cứu sắp xếp phân loại hiện vật đến dẫn khách tham quan, từ tiếp thân nhân liệt sĩ đến trực tiếp tôn tạo nghĩa trang, từ trực phòng trưng bày đến hàng ngày lên thắp hương trên từng ngôi mộ. Họ thuộc vanh vách từng ngôi mộ, từng phòng giam, từng sự kiện, họ yêu nghề, say nghề như một sự thôi thúc tâm thức nào đó chứ không phải nghĩa vụ hay là công việc hưởng lương thì phải làm.

*NGƯỜI CÔN ĐẢO HÔM NAY


                                                          Đêm Côn Đảo
 
          Trước năm 1984, cả Côn Đảo chỉ có chưa đầy một nghìn dân. Năm 1984 thành phố Cần Thơ bàn với Côn Đảo đưa 500 thanh niên tình nguyện ra xây dựng đảo. Nguyễn Thanh Vân ở trong số này. Chỉ khác khi ra đảo chị đã có 2 con với một ông chồng, giờ ông đang làm phó khu dân cư. Côn Đảo hiện nay chưa có đơn vị hành chính phường xã mà chỉ có khu dân cư trực thuộc huyện, cả huyện có 9 khu. Vân bảo hồi ấy tiếng là năm trăm nhưng thực tế chỉ khoảng ba trăm chi đó ra đảo. Lại nhớ cái đêm nằm trên tàu ra đảo, có ba cháu sinh viên về thăm nhà sau khi đi Mùa hè xanh ở Cà Mau. Các cháu bảo cha mẹ ra đảo năm 1984 và sinh các cháu ra ở đấy. Một cô bé bảo bố bây giờ làm thợ mộc. Tôi kể cho Vân và chị nói ngay chóc tên tuổi số điện thoại người này. Đảo bây giờ có gần 6 nghìn dân, nhưng mọi người vẫn biết nhau hết, thế nên anh bạn Trần Quang Lực chỉ một lúc buổi sáng là đã tập hợp được hết bạn "truổng cời" ba lăm năm trước. Nguyễn Thanh Vân bây giờ là phó trưởng ban ban quản lý di tích Côn Đảo mà dân hay gọi là Bảo tàng Côn Đảo. Tất cả mọi người ở Côn Đảo đều rất hiếu khách. Vân cũng thế. Chỉ một cú điện thoại của ông "cai ngục" Đỗ Mão - chúng tôi hay gọi giám đốc các nhà sáng tác văn học nghệ thuật như thế- mà Vân đã ngồi chờ cả buổi sáng. Chúng tôi thì ngại, tính chỉ nhờ chị giúp đỡ về tư liệu, thế mà chị bố trí cho chúng tôi ở ngay trong nhà khách của bảo tàng, nguyên là cái nhà ăn của chúa đảo, có đầy đủ nóng lạnh điều hòa tủ lạnh... trước khi chúng tôi lên tàu về lại "đất" còn chiêu đãi một bữa rất trọng thể. Rồi Nguyễn Minh Thủ, trưởng đài truyền thanh truyền hình Côn Đảo, vợ người Cần Thơ mà anh kể chuyện cưới vợ cứ như tư lệnh mặt trận chỉ huy hợp đồng binh chủng. Chồng ở Côn Đảo, vợ ở Cần Thơ, gia đình và khách mời cưới thì ở ngoài bắc, Vũng Tàu, Đồng Nai và Côn Đảo... Cưới đúng lệ bộ xong đưa vợ ra Côn Đảo dạy học. Rồi ngay cái anh chủ quán "Dê lang thang" người Thái Bình thấy chúng tôi ngồi bàn chuyện thuê xe để đi làm, liền đưa xe của mình cho chúng tôi đi, còn cẩn thận đổ đầy xăng. Ở Côn Đảo xe không cần... đưa vào nhà. Sáng tôi dậy đi dạo thấy xe máy vất đầy đường và bãi biển. Thủ bảo: Ở đây không mất xe máy, nhưng xe đạp thì... mất. Mấy người say đi bộ thấy xe đạp thì đạp về nhà rồi cũng vất ở đấy, chủ xe đạp mất công đi tìm. Dân Côn Đảo nghệ sĩ nhất thế giới. Sáng sớm vác cần câu ra bờ biển, chả mang theo đồ đựng cá vì họ câu chỉ để cho vui. Đúng 7 giờ thì lại ngất nghểu vác cần về đi làm. Tôi theo một anh công nhân câu mực, từ 5 giờ đến 7 giờ được đúng một chú bằng ngón tay cái. Anh bảo mực câu lên rồi thả xuống sẽ chết nên phải mang về, giao cho vợ làm gì thì làm...


Chim Côn Đảo vô cùng thân thiện với người. Tôi đang uống bia thì con chim này sà xuống, đậu vào tay, sau đấy bay sang đậu lên đầu NSNA Huy Tịnh, chắc nó tưởng đấy là... tổ của nó

Thanh Vân, giám đốc bảo tàng Côn Đảo
 
          Thủ tướng chính phủ đã có quyết định số 264 với mục đích đến năm 2020 phát triển Côn Đảo thành khu du lịch dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Cũng đã mấy năm rồi nhưng khởi động chưa là bao, dù hiện nay Côn Đảo đang sở hữu một hạ tầng rất đẹp, một phong cảnh tuyệt vời, một địa thế lý tưởng... Phố ở Côn Đảo rất đẹp, đường nhựa vào tận chợ, từng con hẻm, môi trường rất trong lành và con người thì đầy nhiệt huyết. Tuy thế có hai vấn đề cần giải quyết, một là giao thông từ đất liền ra đảo và hai là giải quyết vấn đề tâm linh bên những khu vui chơi. Chắc là các nhà hoạch định và thiết kế đều đã tính. Còn bây giờ, muốn ra Côn Đảo thì bạn hãy đi tàu như tôi hoặc bay từ Thành phố Hồ Chí Minh....
                                                Côn Đảo- Pleiku tháng 8/2008.
                                                          V.C.H

2 nhận xét:

Nguyengdcd nói...

cảm ơn Bác đã cho tôi những cảm nhận về Côn Đảo.

My iP nói...

Đối với tôi thì Cồn cỏ và Côn đảo là 2 địa chỉ thiêng liêng.
Cồn cỏ chống Mỹ oai hùng qua Thái Văn A và Nguyễn Khải.
Côn đảo thì biết qua chị Võ Thị Sáu và "Bất khuất "của NĐ Thuận - các tác phẩm kinh điển của văn học miền Bắc XHCN hồi đó.
Nhưng thú thật đọc " Bất khuất " xong tôi phát sợ, hồi ấy là chú bé học cấp 2 mà đã nghĩ nếu đi bộ đội mà bị Mỹ nguỵ bắt sống thì thà giật bộc phá chết tan xác còn hơn bị bắt làm tù binh và bị đày ra Côn đảo...
Quả thật giáo dục nhân văn và tuyên truyền quá quan trọng với thế hệ trẻ .