Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

TÔI LÀ NGƯỜI HAM CHƠI NGHIÊM TÚC

Hì hì là tôi tự nói về mình đấy ạ. Em Trần Hoàng Thiên Kim phỏng vấn cấp tốc ngày cuối cùng tôi ở Hà Nội, hôm qua đã thấy báo về rồi...


- Còn anh, anh đã đến với thi ca như thế nào, anh có thể chia sẻ?
+ Trái với một số nhà văn tự nhận là hồi học phổ thông thì học môn văn rất... kém, ngược lại tôi rất giỏi văn. Khoảng 3 tuổi là tôi đã đọc được tít báo, khi đi ngoài phố có thể đọc hết các khẩu hiệu trên tường. Hồi ấy truyền thông chưa như bây giờ chứ không có khi tôi cũng được phong thành... thần đồng ấy chứ...
Hihi đại loại thế.


Nhà thơ Văn Công Hùng:
Tôi là Người ham chơi… nghiêm túc
(Tôi thì đồ mình vẫn còn tuổi... hiếu động- VCH)

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM (thực hiện)

          Ồn ào, sôi nổi, luôn “mua vui” cho bàn tiệc bằng những câu chuyện cười vỡ bụng. Văn Công Hùng có cái duyên của dòng máu cha Thừa Thiên Huế, cái uy của dòng máu mẹ Ninh Bình, cái hài hước gân guốc của người làm thơ sống nơi miền nắng gió Tây Nguyên. Anh đã xuất bản 9 tập sách, 8 tập thơ và 1 văn xuôi. Hiện nay là phó chủ tịch Hội VHNT Gia lai, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, ủy viên BCH Hội Nhà Văn Việt Nam.

- Thưa nhà thơ Văn Công Hùng, trong Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ VIII tại Tuyên Quang, lực lượng các cây bút trẻ  Gia Lai có mặt tại Tây Nguyên khá đông (chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy rõ rằng, lực lượng trẻ ở đây phát triển không đều, tập trung ở Gia Lai và Đắc Lắc còn ở Đăk Nông đang là một… khoảng trắng. Với tư cách là một người “đầu chòm”, anh lý giải thế nào về điều này?

+ Điều này chỉ có thể lý giải bằng việc, ngoài khả năng bẩm sinh, trời cho mỗi người cầm bút, thì sự tiếp nối thế hệ là cần thiết. Ở Đăk Nông hiện nay không có một nhà văn nào, nên việc phát hiện người trẻ rất khó. Tôi có một kinh nghiệm là cần phải biết phát hiện và giới thiệu người trẻ đúng cách, thời buổi “gạo châu củi quế” này, không động viên khích lệ đúng cách, tài năng rất dễ thui chột, ngược lại, cứ “vống” lên lại càng thui chột nhanh.

+ Anh thử hệ thống một chút về các thế hệ người viết ở Tây Nguyên đi, vì chúng ta đang bàn về văn trẻ?

          Tạm chia thế này nhé, thời kỳ đầu với các nhà văn Nguyên Ngọc, Ngọc Anh, Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh... Các anh ấy đã làm cho Tây Nguyên và văn học Tây Nguyên chói sáng trên văn đàn, một Tây Nguyên trong sáng lạc quan, thấm đẫm tính nhân văn dù đấy là thời kỳ đói khổ vô cùng, nguy hiểm vô cùng, muôn ngàn kiểu chết bất đắc kỳ tử sẵn sàng ập đến. Bằng chứng là nhà văn Ngọc Anh đã hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên. Các nhà văn thời kỳ này trước hết là những người lính, và họ là những người lính thực thụ, họ cầm bút giữa hai trận đánh, giữa những cơn sốt rét quặn người, và cả những lúc "lạc rừng"... Thế hệ thứ hai là sau giải phóng. Các nhà văn hiện tại ở Tây Nguyên là thuộc lớp này, có tôi trong ấy. Họ lên Tây Nguyên từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đều trở thành nhà văn sau khi đã lên Tây Nguyên lập nghiệp. Từ Đắc Lắc có Nguyễn Hoàng Thu, Phạm Doanh, Văn Thảnh, hai nhà văn nữ người dân tộc là Linh Nga Niek Đăm, Kim Nhất, rồi Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy... Ở Gia Lai là Hương Đình, Phạm Đức Long, Chử Anh Đào... Kon Tum là Tạ Văn Sĩ, Hữu Kim... Thế hệ thứ ba là thế hệ mà họ vừa đi dự hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII vừa qua, rất trẻ, hiện đại và thích nghi. Họ vừa làm kinh tế vừa viết văn như Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, Miên Di, Lê Vi Thủy, Niê Thanh Mai…

- Còn anh, anh đã đến với thi ca như thế nào, anh có thể chia sẻ?

+ Trái với một số nhà văn tự nhận là hồi học phổ thông thì học môn văn rất... kém, ngược lại tôi rất giỏi văn. Khoảng 3 tuổi là tôi đã đọc được tít báo, khi đi ngoài phố có thể đọc hết các khẩu hiệu trên tường. Hồi ấy truyền thông chưa như bây giờ chứ không có khi tôi cũng được phong thành... thần đồng ấy chứ. Giỏi văn nhưng các cuộc thi quan trọng tôi đều... rớt, mà cụ thể là hồi thi vào khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội môn văn tôi được... 1 điểm, thi học sinh giỏi cũng chỉ đến tầm cấp tỉnh. Mới đây tôi kể với Giáo sư Phong Lê là hồi sinh viên tôi đã phản biện ông trong bài thi đấy, nhưng ông vẫn cho tôi 7 điểm với lời phê bên lề: Có ý kiến mới nhưng cũng cần... bám sát giáo trình. Lớp 7 tôi đã làm thơ, mò mẫm làm và không biết nơi đâu mà gửi mà nhờ vì nhà tôi sơ tán về huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Hồi ấy suốt ngày đọc thơ Tố Hữu, rồi Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Hoàng Hiếu Nhân... và nhờ may là không biết gửi đi đâu, chỉ âm thầm chép trong sổ nên hôm nay tôi là... tôi, chứ gửi đi đâu để ai đó bảo cái này mà là thơ à là có khi mình nhụt chí luôn. Cứ âm thầm tưởng đấy là thơ cho đến khi học đại học ở Huế, được gặp các nhà thơ thứ thiệt, một số bạn bè làm thơ nữa, thì mình thấy mình... ngu thật, thấy mình hoàn toàn không có khiếu làm thơ. Tuổi trẻ hồi ấy lãng mạn. Nhà tôi ở Huế, mình học đại học tổng hợp Huế khóa 1, thiếu gì thành phố ở đồng bằng nhận, và họ đã nhận rồi- hồi ấy ra trường là được phân công công tác, nhưng tôi đã xung phong lên Tây Nguyên. Cũng chưa biết Tây Nguyên là gì, mở bản đồ ra, thấy Gia Lai Kon tum gần Huế nhất, thế là viết đơn xung phong đi lên đấy, cũng chỉ định là đi 3 năm rồi về. Hồi ấy thất vọng về mình ghê gớm nên bảo đi thử xem có nên cơm cháo gì không, ba năm chứ mấy. Thế rồi đằng đẵng đến giờ... Bây giờ thì mình đã thành người Tây Nguyên thứ thiệt, đến đâu cũng nghe giới thiệu: Nhà thơ Tây Nguyên Văn Công Hùng.

- Tuy nhiên, nói gì thì nói, không thể phủ nhận mảnh đất Tây Nguyên đã làm nên một tính cách thơ và tính cách đời Văn Công Hùng rất riêng?

+ Nếu tính đằng thằng ra thì Tây Nguyên, cụ thể là Gia Lai đã giúp tôi trở thành nhà thơ, nhưng cũng có sự ảnh hưởng không nhỏ của quê nội tôi là Huế và nơi tôi sinh ra và sống suốt thời học phổ thông là Thanh Hóa, còn Ninh Bình thì ít ảnh hưởng vì tôi chỉ thi thoảng về thăm. Bạn bè đùa, ông là người mang trong mình nhiều yếu tố cố đô: Huế nhé, Thanh Hóa nhé, Ninh Bình nhé, và bây giờ Tây Nguyên cũng có vua... lửa đấy với "kinh đô" là cái làng Jrai ở chân đèo Chư Sê đấy...

- Trên hành trình đến với văn chương, nhà văn, nhà thơ nào có sự ảnh hưởng đối với anh?

+ Người ảnh hưởng nhiều đến đời thơ tôi lại là một... nhà văn, anh Trung Trung Đỉnh. Tôi lên Gia Lai thì ông Đỉnh đã ra Hà Nội, nhưng hầu như năm nào ông cũng vào thăm lại chiến trường xưa. Hồi ấy còn khổ lắm, ty văn hóa nơi tôi làm việc có một cái nhà khách xập xệ, ông Đỉnh vào thường nghỉ ở đấy. Tôi hay được giao nhiệm vụ chuẩn bị dọn dẹp phòng khách đón ông. Tôi chưa vợ cũng ở ngay trong phòng làm việc, các buổi chiều chúng tôi hay nhậu và tôi lặng lẽ học ông từ ấy. Hồi ấy tôi hăng hái viết truyện lắm, ông Đỉnh đọc xong bảo: Đóng góp lớn nhất của chú cho nền văn xuôi Việt Nam là... chú đừng viết nữa! Từ đấy tôi cạch truyện ngắn và chuyển sang viết... báo theo phong cách... truyện ngắn.

Nhà thơ đầu tiên mà tôi được đụng vào da thịt là nhà thơ Xuân Hoàng, đúng hơn là ông đụng vào tôi, đụng quyết liệt và đau điếng. Hồi ấy tôi còn là sinh viên, một hôm đi dự đám cưới 1 thầy giáo trong khoa thế nào mà lại ngồi cạnh ông Xuân Hoàng. Là bánh kẹo thôi, nhưng ông sang sảng đọc thơ, nụ cười thường trực, kính trắng lấp lóa, ông di chuyển từ bài này sang bài kia không ngừng nghỉ. tôi ngồi cạnh nên cứ sau mỗi bài ông lại vỗ tôi cái đốp hoặc xoắn đùi tôi một cái: Hay hí. Tất nhiên là tôi không kịp khép mồm và cứ gật như phản xạ có điều kiện. Sau đó tôi về đọc thêm nhiều thơ ông và đến giờ, dẫu rất ít thuộc thơ, nhưng tôi lại thuộc khá nhiều thơ Xuân Hoàng, ví dụ như: Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm/ Dạ lan hương trắng ngát những canh dài/ Em đi nhé bóng em lồng bóng biển/ Bài thơ lành anh đến đậu trên vai. Hoặc như: Chỉ một bước là chân kề mép sóng/ Biển và bờ ở giữa chúng ta đi/ Bờ có đất có cây có bóng chiều bảng lảng/ Biển có thuyền có bão có chia ly... Hôm ấy tôi nhớ tôi và ông là người rời phòng cưới cuối cùng, dẫu tê bầm vai và đùi nhưng tối ấy tôi nắn nót ghi vào nhật ký: Hôm nay được gặp và được nghe nhà thơ Xuân Hoàng đọc thơ.

- Anh kể về trường hợp ra đời của 1 bài thơ tâm đắc của anh đi.

+ Phần lớn các bài thơ khi viết ra thì bao giờ tác giả cũng tâm đắc, tâm đắc cho đến khi có... bài mới để lại tâm đắc. Tôi thuộc loại phổ cập vi tính khá sớm, chục năm nay tôi hoàn toàn viết trực tiếp trên máy tính. Hồi tôi sắm cái laptop đầu tiên thay cho cái máy bàn secon hand, mở ra cài word xong là tôi gõ ngay một bài thơ, sau này lấy tên nó làm 1 tập thơ của mình: "Gõ chiều vào bàn phím": Tôi gõ chiều vào bàn phím/ hiện lên em ngơ ngác xa xăm… /Em ở phía không thể nào tới được/ một con sông khóa những nhịp cầu/ giá có thể lấp sông bằng nỗi nhớ/ một phía bờ sẽ lại hóa dòng sông…. Sau này có nhiều người bình vui lắm, nhưng thực ra là tôi gõ nó trong... 30 phút. Nhanh hơn một cữ cà phê và hoàn toàn không định trước.

-Nhà thơ, nhà báo, nhà quản lý, đi đâu cũng sôi nổi, luôn là người làm trò cho các cuộc vui thêm hấp dẫn, nhưng thơ của anh lại trầm buồn và sâu lắng bởi nhiều chiêm nghiệm và ký ức… Dường như những điều này không mấy liên quan đến nhau nhưng anh đã và đang dung hòa chúng một cách rất… hòa thuận, thế nên điều mà tôi băn khoăn là, đâu mới đích thực là tính cách của Văn Công Hùng?

+ Đã nhiều người nói với tôi điều này, có người lý giải giúp là để che đi những gì ẩn bên trong. Tôi thì đồ là do mình vẫn còn tuổi... hiếu động. Tôi thấy các việc này trong tôi không bị loại trừ nhau, trái lại hỗ trợ nhau khá tốt. Báo giúp tôi kiếm tiền nuôi vợ con và nuôi thơ, nhưng quan trọng hơn nó giúp tôi được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, được mở rộng tầm mắt. Nó còn giúp tôi luôn phải động não. Nghề viết mà lơi tay là lười ngay. Việc gì mà mình hết mình thì cũng đều lớn thành nhỏ, nhỏ thành bình thường. Trắng phớ ra, tôi là một người ham chơi nghiêm túc. Rất thích đi và hết mình trong các cuộc vui, để sau đó khi mở laptop ra thì mình đối diện với nỗi cô đơn của mình, đắm chìm vào cảm xúc, và viết. Nói ham chơi nghiêm túc vì tôi rất sợ các bác ham chơi... bê tha. Tôi rất đông bạn ở khắp nơi nhưng đi đâu rất ít làm phiền họ, họ vui thì mình ngồi, họ không thích là dứt khoát không ép. Nhà tôi một thời cũng là "câu lạc bộ văn nghệ sĩ khắp nước" nên tôi hiểu sự không vui khi bị làm phiền.

- Mảnh đất Tây Nguyên đã hun đúc nên một thế hệ những người cầm bút mang tâm hồn của đá, của cây rừng, nhưng dường như gần đây, khi bập vào đời sống thị trường, các cây bút trẻ ở đây chưa thực sự phá cách để có một tiếng nói mạnh mẽ như thời của cha anh. Với tư cách là một Phó chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật, anh nghĩ thế nào về điều này cũng như thực trạng phát triển văn học ở tỉnh nhà?

+ Thì nó cũng như tình trạng chung thôi, có điều ở Tây Nguyên thì khó hơn. Phần lớn các nhà thơ ở Tây nguyên hiện nay đều là công chức nhà nước, phải có một chỗ để họ làm việc, lĩnh lương, còn viết văn chỉ là phụ. Tôi kể nhé, tập "Đêm không màu" của tôi in xong, ngoài bán trực tiếp thì tôi có mang gửi ở mấy hiệu sách ở thành phố Pleiku. Nửa năm sau quay lại lấy thì... sách vẫn nguyên đai nguyên kiện nằm trong tủ, tức là từ lúc tôi gửi đến khi tôi đến thanh toán thì sách chưa một lần được mở ra và bày lên quầy. Trong hoàn cảnh ấy mà vẫn viết vẫn đam mê được thì tôi phục các đồng nghiệp của tôi quá. 

- Xin cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng!

 Báo Văn Nghệ Công An số 160 ngày 19/9 đến 3/10, trong bài còn có cái ảnh tươi lắm nhưng chả dám đưa lên đây, sợ mọi người... choáng.
-----------
Lucbat.com đưa lên ở đây nữa, kèm ảnh đẹp giai

9 nhận xét:

buncuoiwa nói...

Vậy thì Hữu Thỉnh và Vũ Quần Phương khá nghiêm túc khi phát hiện ra nhà thơ "trẻ" Tổng chi đó ở Hà lội a???

Nặc danh nói...

Bai nay hay, doc suong. Ma bac di nhieu vay chac "tuu luong" cua b phai tinh bang lit. Neu co them sam Ngoc Linh nua thi... ??

bút nứa nói...

Càng đẻ thì càng dễ đẻ,càng viết thì viết càng dễ. Đẻ khi nào hết trứng thì thôi,viết khi nào hết chữ thì thôi.

tam.lengoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
tam.lengoc nói...

Bài viết hay, qua đó người đọc hiểu, biết thêm về một Văn Công Hùng đầy nhiệt huyết, say mê, trăn trở với văn chương trong thời buồi - tiên ơi là tiền!

TXB nói...

Anh tốt nghiệp Đại Học năm 1981, vậy vào trường năm 1977. Theo tuổi anh (1956) thì năm đó anh 21 tuổi.

Anh vào Đại Học Văn Khoa Huế, mà thời đó còn ưu tiên lý lịch hà rầm, con em "Mỹ-Ngụy" còn thi vào Y Khoa (điểm đâu gần gấp đôi) từ năm 18 tuổi, anh thi 3 năm mới đậu vào ngành chuyên "Văn" của mình, nên e anh khó làm thần đồng, dù là thần đồng môn Văn phổ thông.

Sent from my iP nói...

Tổng hợp văn học 5 năm,có lẽ anh Hùng vào ĐH khi 20 tuổi.Ở quê tôi thời đó hay đi học muộn 1-2 năm,hoặc hồi cấp II chậm lớp vì sơ tán tránh bom Mỹ lên phần lớn tốt nghiệp cấp III ở tuổi 19-20.
Thời ấy thi khối C chỉ giỏi văn chưa chắc đã đỗ.Nếu anh có tâm hồn thi sĩ ,không chịu học chính trị mà năm đó gặp cái đề thi về nghị luận xã hội (con người mới XHCN, lý tưởng thanh niên…) thì thôi nhé , tha hồ mà "treo ngược cành cây". Văn thì chúng tôi học về tính cách mạng của bài thơ xyz,tính thời đại của thơ Tố Hữu , tính phản động của dòng văn học lãng mạn ... Môn địa nếu anh không thuộc nghị quyết IV với 21 triệu tấn lương thực và 3 cuộc cách mạng thì cũng toi. Môn sử hồi đó hả , thực ra đó là lịch sử Đảng .
Năm 1978 tôi cũng đoạt giải thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh ( xin lỗi các bác, cho nhà iem khoe 1 tí ).Thi khối C vào TH Văn Hà nội được 13,5 điểm , trượt dài vì tổng hợp năm đó lấy 14,5 điểm (nếu nhớ không lầm) và được gọi vào ĐHSP , cũng chưa biết là sẽ học ngành gì).
May (?) lúc đó có lệnh nhập ngũ , vì giặc Tàu đang lăm le tấn công ta. Vậy là chia tay với mộng thẩn thơ từ đó…
Đọc bài này ,biết thêm về anh Hùng, mà cũng nhớ về thời trai trẻ quá.

Nặc danh nói...

Anh VCH ra trường cũng muốn ở lại Huế lắm mà, nhà em nhớ là vậy, chẳng qua Huế nó đếch thích thằng gốc Huế mà nói giọng Thanh, nặng như quen ăn cà bát muối nguyên quả...hí hí. May vậy mà thành người hùng Tây Nguyên, cũng khoái

Dong nói...

Đóng góp lớn nhất của chú cho nền văn xuôi Việt Nam là... chú đừng viết nữa!
Hay hè. Mà đúng?