Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

VÕ THỊ HẢO, ĐẰNG SAU NHỮNG TUYÊN NGÔN

Mình cũng có một bài viết về Võ Thị Hảo đã in ở Sài Gòn doanh nhân cuối tuần, cứ lưỡng lự chưa đưa lên đây, thì hôm kia nhận điện thoại và mail của bác Đỗ Ngọc Yên: "Văn Công Hùng thân mến! Lâu rồi, mà chưa bao giờ thì phải công tác với em điều gì về văn chương. Hôm nay sau Ngày thơ Việt Nam, lại thấy ngứa nghề, lần tìm được địa chỉ Blog của em, bèn post tới em mấy trò để mọi người đọc cho vui. Năm sớm chúc em và gia đình sức khỏe và một năm an khang thịnh vượng. Hẹn sớm gặp em ngoài Hà Nội. Thân Anh Yên".
Mình cũng vừa xong món thơ, cũng đang bải hoải, sáng nay hạ cuộc, tháo dỡ cái công trình mà mình và các cộng sự tất bật suốt trong cả tuần qua, thấy cứ rông rỗng. Thôi post bài bác Yên, và mình nói luôn, đây là ý kiến của bác Yên nhé, mình sẽ post bài về Hảo của mình ở số ngày mai...

Võ Thị Hảo- Đằng sau những “tuyên ngôn

Đỗ Ngọc Yên

Võ Thị Hảo thuộc thế hệ nhà văn hậu đánh Mỹ. Vốn được sinh ra từ một làng quê nghèo xứ Nghệ, tuổi thơ của Hảo gắn liền với những con đường đầy rơm rạ, nắng và gió Lào cùng những chú mèo mướp nằm bếp tro của mẹ, hay dậy muộn. Một thế giới hiện hữu mà tựa hồ như cổ tích của cô gái với thân hình bé nhỏ này. Chạy nhảy, chơi trốn tìm, chui vào rơm rạ, trồng cây chuối và làm bạn với những chú mèo là sở thích của phần đông các cô bé sống ở những vùng quê, Võ Thị Hảo cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Cô gái quê ra tỉnh

Năm 1973, Võ Thị Hảo ra Hà Nội học Đại học Tổng hợp Văn, chuyên ngành Hán- Nôm (khóa 18). Tốt nghiệp ra trường chị về làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc. Trong quãng thời gian làm việc tại đây, chị đã đi rất nhiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mà thời đó mọi người trong cơ quan và bạn bè cứ gọi vui với nhau là Hảo hay được đi... Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ). Rồi chị cũng lấy chồng, một “tuyển thủ” bóng chuyền có cái đập như trời giáng, học cùng lớp có tên là Quả, sau đó anh ta về công tác ở viện Hán- Nôm. Võ Thị Hảo có hai con gái. Kể ra cuộc đời một cô gái từ quê ra tỉnh học, vừa lấy chồng lại một nách hai con, vừa thấp thỏm đi... Tây như Hảo cũng là lạ. Mặc. Chị cứ đi, đi miết, đi hoài...
Thế rồi Võ Thị Hảo chọn văn chương làm nơi “ẩn náu”. Cô từng thổ lộ: “Tôi có văn chương để ẩn náu”. Vâng có thể đúng là như vậy. Vì không “ẩn náu” sao được giữa đường đời đầy cạm bẫy này. Và khi người ta không còn trẻ, chắc chắn một người như chị phải tìm cho mình một chốn nương thân, một nơi ẩn náu chứ. Không giống với nhiều cô gái thế hệ @, chọn một nhà đại gia, trọc phú hay một chính trị gia có hạng, một nghệ sĩ nổi tiếng để ẩn náu, còn Võ Thị Hảo lại chọn văn chương. Theo cụ đồ Nguyễn Bỉnh Khiêm thì “Khôn ham cờ bạc là khôn dại/ Dại chốn văn chương ấy dại khôn”, thế thì không biết Võ Thị Hảo là người khôn hãy kẻ dại đây!?
Năm 1993, lần đầu tiên Võ Thị Hảo xuất hiện với tập truyện ngắn “Biển cứu rỗi” do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Tác phẩm là sự đoạn tuyệt cuộc chiến súng đạn, đầu rơi máu chảy, chết chóc hy sinh, anh hùng và chiến thắng, nhưng tất cả đã qua. Chị quyết định khai chiến với hòa bình, một thứ hòa bình bắt đầu bằng con số không, ngoài sự chói lóa của những hào quang quá khứ còn ánh xạ lại, ru cho không ít người cam chịu ngủ yên trong nghèo đói. Một số người khác thì quẫy cựa tìm lối thoát, nhưng không dễ tìm ra ngay một sớm một chiều. Số còn lại quay lưng chửi đổng, cạnh khóe những điều mà một thời chính họ đã tôn thờ, theo đuổi. Nhưng hôm nay họ cảm thấy hình như mình bị một ai đó lừa dẫn độ vào chốn đói nghèo, lạc hậu.
Vậy là cuộc chiến dưới bầu trời xanh hòa bình giữa “quân ta” và “quân mình” xem ra cũng cam go không kém. Các giá trị về lối sống, nhân cách và đạo đức bị đảo lộn, quan niệm về chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng dần bị đổi thay. Lúc này lớp người như Võ Thị Hảo mới tập tọng bước vào đường đời lắm chông gai, cam bẫy này. Họ vấp ngã, nhưng chẳng ai có thể cứu được, vì mỗi người tự cứu lấy bản thân còn không xong, hơi đâu mà đi cứu thiên hạ, vì đã hòa bình rồi, có phải thời chiến đâu mà đồng đội cứu nhau, quân dân đồng lòng chung sức theo kiểu “hòa nước sông chén rượu ngọt” (Nguyễn Trãi). Lúc này cũng là lúc không ai còn phải “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), nếu có lo chạy chợ, lần hồi bươn chải sinh nhai. Hòa bình rồi ai có thân người ấy lo. Những điều được cha mẹ dạy bảo, thầy cô truyền thụ bấy lâu nay, mà không ít người thời ấy nhầm tưởng rằng đấy là chân lý vĩnh hằng, nhưng thực ra nó đã hết thời, “lỗi mốt” sất, so với những gì đang diễn ra trước mắt họ. Một câu nói khá phổ biến lúc bấy giờ là đói thì đầu gối phải bò, để có cơm, khát thì phải có nước, chứ chẳng ai mài mãi cái anh hùng hay lòng tốt ra mà ăn, mà uống được.
Tuy nhiên cũng phải chờ khoảng hơn 15 năm sau (1977- 1993) kể từ ngày ra trường thì “cuộc chiến” mới thật sự được phát lộ ra dưới ngòi bút của cô gái xứ Nghệ này.  

Nợ văn chương phải trả...

Một đặc điểm chung dễ nhận thấy ở những người Nghệ- Tĩnh, bất luận trai hay gái, đều có lòng quyết tâm rất cao, đã quyết là làm đến cùng, làm bằng được. Các anh hùng nghĩa liệt xứ Nghệ không hiếm. Trong Á tế- Á ca, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã viết: “Lợi quyền ta cố ta đòi/ Dần xương đế quốc xẻo môi quan trường” quả chẳng có sai. Đánh giặc cứu nước, viết văn hay dạy học,... xét về một khía cạnh nào đó cũng là “lợi quyền” đấy chứ, mà đã là “lợi quyền” thì phải cố đòi cho bằng được. Thời thân gái dặm trường đã qua, sức vóc nữ nhi không mấy, Võ Thị Hảo chọn cho mình con đường đòi “lợi quyền” bằng văn chương. Nguyễn Trãi tiên sinh đã dạy: “Thời loạn dụng võ, thời bình dụng văn”. Âu đấy cũng là thuận duyên, hợp số với tính cách của một cô gái như Hảo.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê tỏ ra rất tâm đắc khi phát hiện: Khó thấy tác giả nào "cười" nhiều như thế, mô tả cái cười kỹ càng như thế. Từ nụ cười hoá đá của người đàn ông tên Tiếu: "Ðôi mắt biểu lộ một nỗi đau khổ bất thường như đã đông cứng. Còn cái miệng thì trớ trêu làm sao, luôn mỉm một nụ cười bất biến [....] Nụ cười ấy giữa khuôn mặt ấy, thật là một nghịch lý, như là đang khóc với nỗi đau xé ruột mà có kẻ tàn ác nào đó cứ nhất định cù vào nách cho ta phải cười rũ ra mới thôi" (Người gánh nước thuê, tr 89). Ðến nụ cười lạnh như thép của người chinh phu không biết cười: "Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Ðã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười, người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hai hàm răng chắc khỏe.Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên, cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói". (Hồn trinh nữ, tr 35). Tội nghiệp cho anh, chiến tranh không chết, nhưng chính những năm hòa bình, phục vụ triều đình, sơn hào hải vị và thủ đoạn hãm hại nhau, đã giết anh, đã biến người thanh niên nhút nhát năm xưa thành gã đàn ông có "cái nhìn lóe thép" và cái miệng "không biết cười".
Võ Thị Hảo bước lên văn đàn là thế đấy. Lên văn đàn để cười, cười đến rũ người ra, cười xé gan, nát ruột, cười để cho thiên hạ thấy rằng thế hệ cô không còn muốn khóc nữa, vì còn đâu nước mắt. Nước mắt đã bị các thế hệ đi trước vắt kiệt cho bom đạn chiến tranh, những cuộc chia ly và những lần đoàn tụ,...rồi. Đến khi hòa bình lấy đâu nước mắt mà khóc nữa, phải cười vậy thôi. Nhưng ô hay, cười mà có khi còn chảy nhiều nước mắt hơn là khóc mới lạ chứ. Cái cười của các nhân vật trong truyện của Võ Thị Hảo hoàn toàn khác với cái cười của anh lính lái xe trong “Tiểu đội xe không kính”, hay của các cô gái thành niên xung phong Thạch Hà, Hà Tĩnh trong “Gủi em cô thanh niên xung phong”. Đấy là những cái cười “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” tếu táo của anh lính lái xe Trường Sơn năm xưa, hay cái cười bông lơn, hô hố, ngoa ngoắt “Cái miệng em ngoa cho chúng bạn cười giòn của các cô gái thanh niên xung phong Hà Tĩnh ngay cả khi cận kề cái chết mà vẫn cười. Thật vô duyên hết chỗ nói. Cái cười của Võ Thị Hảo có vị đắng chát, ngặt nghèo pha lẫn sự uất nghẹn của một thời giả dối.
Trong truyện ngắn “Rừng cười”, Võ Thị Hảo mô tả những cái cười méo mó man dại của chiến tranh, của những cô gái Trường Sơn mà "những dòng nước khe màu đen xanh thớ lợ đã dần dà vặt trụi tóc họ". Ở đây không có liệt oanh, anh hùng và chiến thắng, chỉ có rừng với người vượn khỏa thân, vừa cười vừa khóc, tay dứt tóc xé quần xé áo. Ở đây chỉ có những nụ cười sằng sặc quánh đặc lá cây của "những người đàn bà vác cày, cầm súng, đi lấp hố bom", "bị buộc phải trở thành đàn ông". Và người con gái duy nhất may mắn sót lại của rừng cười sẽ mãn kiếp bị loại khỏi vòng tình ái, chỉ sống với những giấc mơ triền miên về mái tóc đã bị rừng già cướp giật: "từ trong đám tóc rối ấy lẩy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thủy tinh, đập mãi không vỡ". (tr 77).
Cái cười của Võ Thị Hảo dường như đoạn tuyệt toàn phần với những cái cười giả dối một thời mà văn chương chống Mỹ và văn chương xây dựng chủ nghĩa xã trước đây đã cố tình nặn ra và đặt cho nó một cái tên thật sự mỹ miều: “sự lãng mạn của chủ nghĩa yêu nước và chiến tranh cách mạng”. Lạ thay đến mãi tận hom nay và mai sau dài dài hơn thế nó vẫn còn tung tóe trên lỗ mồm của một số vị giáo sư và cán bộ tuyên truyền nói dối thành thần và lừa gạt “đám quần chúng nông nỗi”, cố nối dài cái đuôi trong bản kê khai hồ sơ lý lịch, để thăng quan tiến chức đục khoét dân đen, nhét cho đầy hầu bao túi tham của mình. Quá tởm! 

Và những “tuyên ngôn

Nợ văn chương là vậy, nhưng Võ Thị Hảo có lẽ là một trong số những người có nhiều “tuyên ngôn” nhất. Nào là: “Tôi có văn chương để ẩn náu”, “Nhà văn mà nhẵn nhụi thì mất duyên”, “Tôi biết mình không được phép quay đầu”, “Đề phòng quá thành hèn”, “Tài năng không phải tiếp thị mà có được”, “Viết như nguyện cầu”, “Trong tôi có một cô bé 13 tuổi luôn nhảy nhót”, “Tôi nhẹ dạ nhưng nửa vời”, “Tôi lạc quan về tiểu thuyết Việt Nam”, “Tôi không thích lối mòn”,...
Có thể nói, tất cả những “tuyên ngôn” vừa kể ra đây đều hay và đúng cả, nhưng quan trọng nhất là rất Võ Thị Hảo. Bởi lẽ xét cho cùng “tuyên ngôn” như vậy vừa đủ ngộ nghĩnh, ngây thơ, vừa đủ kín kẽ, vừa đủ rõ ràng, vừa đủ thông minh, vừa đủ khiêm nhường và vừa đu...đủ toàn phần, mọi thứ, hoàn toàn hợp với tính cách của một cô gái xứ Nghệ. Điều đáng nói là liệu đây có phải là một cách “tiếp thị”, cái thứ xem ra rất đố kỵ với tài năng. Các cụ ta dạy rằng: Hữu xạ tự nhiên hương, chứ đâu phải là do PR. Thế nhưng, nếu xạ chưa đủ độ, hoặc có lúc thơm có lúc không, nếu không có “tuyên ngôn”, PR cao cấp, thì lấy đâu mà “tự nhiên hương” được.
Võ Thị Hảo không chỉ là một nữ văn sĩ có những thành công nhất định về văn chương, mà còn là một người làm PR có duyên. Nhờ đó, tên tuổi và tác phẩm của chị không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn bay sang tận các nước Âu, Mỹ và một số nước khác trong khu vực. Trong các “tuyên ngôn” của chị, mọi người ít thấy được đích cần đến của chúng là đâu. Tài dấu mục tiêu trong “tuyên ngôn” của Võ Thị Hảo, theo tôi là đầu bảng. Qua những “tuyên ngôn” trên của chị, không ai thấy sự huênh hoang, tự cao tự đại, xem người bằng nửa con mắt hay tự ti đến mức đánh mất mình như một số người khác. Độc giả khám phá những “tuyên ngôn” của chị giống như được thưởng thức một nồi lẩu thập cẩm hay món nộm, với đầy đủ các dư vị của cuộc đời, từ mặn, ngọt, đắng, cay, chua, chát,...nhưng không có vị nào quá mức, vì theo cách nói của Hảo, như thế mất ngon: “Nhà văn mà nhẵn nhụi thì mất duyên”, “Đề phòng quá thành hèn” hay “Tôi nhẹ dạ nhưng nửa vời”. Bạo liệt, tàn nhẫn đến mức phũ phàng, hư thực quện lẫn, lãng mạn, bay bổng lên tít tận trời xanh rồi bỗng dưng rơi đánh bịch xuống mặt đất là chất văn, còn đu...đủ mọi thứ
lại là chất “tuyên ngôn” của Võ Thị Hảo.  
Đằng sau những trang văn có trách nhiệm đối với công chúng và những câu “tuyên ngôn” đu...đủ mọi thứ, phía sau những cái cười ngặt nghẽo, người ta có thể dễ dàng nhận ra một Võ Thị Hảo, lúc thì gồng mình lên, xuống tấn, như chực đánh nhau với... đời, lúc thì thả lỏng người ra uốn lượn như con rắn rình mồi. Đến khi cảm thấy “cuộc chiến” nào trên thế gian này cũng đều vô nghĩa như nhau, chị tự nhận ra mình chẳng khác nào chàng Don Quixote thưở nào, thì lúc ấy chính là cơ hội bằng vàng cho sự xuất hiện những chuỗi cười bất tận nhằm mô tả những trớ trêu, cái bi kịch của cuộc đời. Đấy chính là sự thành công đáng ghi nhận nhất của nữ văn sĩ xứ Nghệ- Võ Thị Hảo chăng? ./.

2594 chữ, 5 trang

Không có nhận xét nào: