Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

CUỐI NĂM BỜ LÓC BỜ LEO

Bài ni của bọ văn Nguyễn Quang Lập, mình đọc thấy khoái, rinh về đây phát tán thêm. Và nhờ đọc mình mới biết anh Nguyễn Khoa Điềm rất giỏi mạng, trước cả Nguyễn Quang Lập, còn thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thì đương nhiên rồi, ông học báo chí ở Nga.
Nhưng không phải vị lãnh đạo nào cũng biết vi tính, cũng biết mạng meo, blóc bleo lại càng...
----------------------
Bữa trước đồng chí cu Nhất khuyên lãnh đạo nước nhà nên lập blog, tui rất nhất trí. Muốn gần dân hiểu dân không cách gì hay hơn tự mình lập nên một blog. Tui ít khi khuyên ai, với quí vị lãnh đạo lại càng không dám. Nhưng lần này tui mạo muội khuyên quí vị, một lời khuyên rất chân thành, rằng quí ví hãy gia nhập thế giới mạng và làm quen với blog đi. Sẽ có người cười khẩy, hoặc cười phì khi nghe lời khuyên này. Cười khẩy như mấy ông bạn văn khi nghe tui khuyên, nhưng rồi sau đó tiếc ngẩn ngơ là tại sao mình không gia nhập thế giới mạng sớm hơn. Cười phì như tui khi nghe học trò khuyên tui nên lập blog, thậm chí tui còn khuyên lại họ đừng đánh đu với mấy thứ đó mất thời gian, nhưng rồi sau đó tui đã trở thành một con nghiện. Một nữ hoạ sĩ ở Úc chưa bao giờ biết blog là gì, chị còn chưa biết cả việc sử dụng máy tính. Nghe tui khuyên và có đôi chút hướng dẫn ( vì món này tui cũng dốt) chị đã lân la vào thế giới mạng, sau một năm chị đã sung sướng nói trời ơi tôi sẽ chết héo nếu không có các blog. Tết này chị về nước, mở một bữa rượu đãi tui, cảm ơn tui ” đã cứu sống” chị. Chị nói rất nghiêm túc:” Tôi rất cô đơn, cô đơn cả trong tri thức cả trong hạnh phúc, nhờ anh hướng dẫn vào thế giới mạng mà các nỗi cô đơn ấy đã dần dần tan biến, tôi trở thành một kẻ lạc quan, điều mà trước đó dù có đánh chết tôi cũng không thể tin”.
Bữa ni tui bật mí người khuyên tui tham gia thế giới mạng đó là một lãnh đạo  cấp to, anh Nguyễn Khoa Điềm. Một hôm Phạm Thị Hoài  về nước, tới nhà thăm tui và đề nghị tui liên lạc để cho Hoài nói chuyện với anh Điềm về talawas. Hai người nói chuyện thế nào tui không biết, và cũng không hỏi, chỉ biết sau đó thấy Hoài xuýt xoa khen anh Điềm đọc nhiều, đọc rất kĩ talawas và các trang mạng khác, Hoài nói đi nói lại:” Không ngờ anh Điềm tài lướt mạng như vậy, em quá ngạc nhiên”.
Tui không tin lắm, sau đó chạy lên nhà anh hỏi thật không. Khi đó mới ngồi nghe anh khuyên vào thế  giới mạng, anh nói đi nói lại: “Thế giới mạng sẽ tiết kiệm thời gian sống cho mọi người, đó là điều kì diệu nhất của thế giới mạng”. Từ đó tui nghe anh mày mò vào thế giới mạng, cho đến bây giờ đã trở thành một con sâu mạng. Không biết anh Điềm có khuyên mấy vị BCT như khuyên tui không, nếu không thì quá tiếc.
Kể vậy để nói quan chức nước nhà cũng có nhiều người thạo mạng méo, ham đọc blog lắm. Một ôm tui ngồi nhậu với bồ ( bây giờ là chồng) con gái anh Quý Doãn, anh này nhắn tin nói đang ngồi nhậu với chú Lập, cô này reply, nói ba em cũng đang nhậu chú Lập, cụ vừa đọc blog chú Lập vừa cười híc híc.
Tuy vậy còn rất nhiều quí vị lãnh đạo còn không biết mạng méo là cái gì. Cứ hỏi trong 200 Uỷ viên TW khoá XI có bao nhiêu ông biết mạng méo, ít lắm, vô cùng ít. Thậm chí có người còn không hề sờ đến máy vi tính. Đã không biết thì thường có lý lẽ của sự không biết. Nhiều người cho mạng méo là trò chơi vớ vẩn, mất thời giờ. Có người còn cho đó là trò chơi vô chính phủ, rất nguy hiểm. Nhưng nếu tìm đến nó với một ý thức nó là công cụ hữu ích, là cứu cánh cho cuộc sống quan trường  vốn dĩ tẻ nhạt, thì chỉ sau một thời gian ngắn thôi, quí vị sẽ ân hận rằng tại sao mình lại không đến với thế giới mạng sớm hơn, đặc biệt quí ví sẽ không còn coi giới bờ lóc bờ leo là ” lực lượng thù địch” nữa, tui  thề  đúng như rứa đó.
Gia nhập thế giới mạng, quí vị sẽ không cần phải cải trang vi hành như Càn Long vẫn có thế biết tâm trạng thật , cuộc sống thật của dân. Nếu ngày xưa có mạng méo và Tần Thuỷ Hoàng chịu khó gia nhập thế giới mạng thì ông sẽ không bị mấy ông trợ lý kiểu như Lý Tư lừa cho hết chuyện này sang chuyện khác, để cuối cùng chết trong sầu thảm. Tin tui đi, đó là một sự thật.

Không có nhận xét nào: