Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2025

HỎI CÂY K’NIA

 

Bài này báo Thanh Niên đặt cho số đặc biệt 21/6, cu em Trần Hiếu bảo báo đang ở nhà em rồi nhưng lúc em ở nhà thì anh đi, giờ anh về thì em đi. Thì bèn. Cái quan trọng nhất là... ting ting thì chưa thấy he he chứ báo có thì có không thì thôi chứ có chi mô nơ? À nếu có thì chụp cái bìa với trang có bài mình đăng lên cho nó...mít tơ oai, không thì cũng chả sao. 

thồi cứ post lên trang nhà cho nó... k'nia vậy.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có một vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, mới được nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ 178, vừa gặp tôi và than: em đang tìm làm một vệt clip về cây K’nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết.

Ấy là về được hưu sớm mà lại... có tiền, nhiều tiền nữa, ông này quyết định làm Youtuber, với cái tên “Tuệ Pleiku đi và kể”, trong đó chủ yếu phổ biến những kiến thức phổ thông về văn hóa dân gian Tây Nguyên mà ông từng trải và nghiên cứu suốt thời gian dài.

Tôi ngẩn ra, ừ nhỉ, lâu lắm rồi, không thấy K’nia.

Nhớ, hồi mới lên Tây Nguyên, đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, có mấy thứ mà bọn sinh viên văn khoa vừa ra trường chúng tôi đều cố công đi tìm để tường tận là ông Núp, tức anh hùng Núp, khi ấy là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai- Kon Tum, hai là xà nu, vì hầu như thế hệ ấy không ai là không học “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, học “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, và ba là cây... K’nia.

Tới khi tôi công bố trên báo, cây xà nu ấy, đơn giản là cây... thông, hầu như nơi nào nước ta cũng có, nhưng giờ ở cái nơi sinh ra tác phẩm “Rừng xà nu” ấy lại rất hiếm, còn cái làng Xô Man trong tác phẩm dạo nào ấy, giờ nó ở một chỗ khác, và... nắng chang chang, chả có một gốc xà nu nào thì khá nhiều người... sốc. Có cô giáo dạy văn được đánh giá là giỏi nhắn với tôi: trước cửa lớp em dạy là một cây thông to, hôm nào ra chơi em cũng ngồi ghế đá dưới gốc nó nghỉ, mà đâu có biết nó là... xà nu. Đọc anh xong thấy xà nu... bớt thiêng đi.

Thì biết làm sao được, nó cũng như thông tin tiếp theo đây về cây K’nia mà tôi đang đề cập, nó chả phải là “đặc sản” mà chỉ Tây Nguyên mới có đâu, dưới đồng bằng rất nhiều, nó chính là cây cầy hoặc cây cậy tùy từng nơi gọi.

Thế tại sao nó lại trở thành biểu tượng Tây Nguyên, như cây xà nu, như... ông Núp.

Vì nó là nhân vật của tác phẩm văn học nghệ thuật.

Xà Nu là của ông Nguyễn Trung Thành, Núp là của ông Nguyên Ngọc, còn K’nia là của ông Ngọc Anh và Phan Huỳnh Điểu. Cặp đôi nhà thơ nhạc sĩ này đã cùng nhau thổi hồn để cây K'nia trở nên bất tử với thời gian, trở thành đặc sản Tây Nguyên, qua bài hát "Bóng cây K'nia".

Ngọc Anh là cán bộ hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên thời trước 1975. Hồi ấy trong số các tác phẩm “từ miền nam gửi ra” có bài “Bóng cây K’nia” được ghi là: “dân ca, Ngọc Anh sưu tầm và dịch”. Sau này các bạn chiến đấu của ông thời ấy mới “chiêu tuyết” cho ông, đều khẳng định là do ông sáng tác, nhưng ông đề thế để cho nó... đại chúng. Tôi nhớ hồi nhà thơ Thanh Quế chủ biên một cuốn sách về nhà thơ Ngọc Anh, tôi được nhờ hỏi và viết chuyện ông Ksor Krơn, khi ấy là bí thư tỉnh ủy Gia Lai, trước đấy là người trực tiếp cứu chữa cho Ngọc Anh khi ông bị bỏng đèn măng xông ở chiến khu Kon Tum lúc chuẩn bị cho một đêm văn nghệ. Ông Ksor Krơn kể tường tận cho tôi về ông Ngọc Anh, đặc biệt những ngày cuối cùng của Ngọc Anh. Và cả chuyện ly kỳ của việc  sau này đi tìm di cốt liệt sĩ Ngọc Anh.

Có thể nói rằng, có 2 loại cây mà văn học đã... chôn chân, chứ không phải chắp cánh, cho nó trở thành đặc sản Tây Nguyên, vĩnh viễn của Tây Nguyên, không ai cãi được, dù người ta có thể gặp nó ở... nhiều nơi trên đất nước ta. Ấy là cây xà nu và cây K’nia.

Trong bài thơ của Ngọc Anh có câu “rễ cây uống nước đâu/ uống nước nguồn miền Bắc” sau này có người đùa là rễ cây K’nia dài nhất trong các loại cây. Nhưng té ra, một lần xuống huyện Chư Prông, vào một khu nhà mồ, tôi đã thấy cái rễ cây K’nia, và nó dài thật.

Ấy là cái “giọt nước” phụ của làng, bị lở một đoạn, và nó hiện ra một cái rễ K’nia rất dài, tới mấy mét và vẫn chưa hết. Một chuyên gia nghiên cứu cây cho tôi biết, K’nia là loại cây rễ cọc, và rễ tỉ lệ thuận với chiều cao của cây. Nếu cây cao 1 mét thì rễ đã là 1,5m, cây 2m thì rễ 3m. Đã có những cái hầm bí mật ba tầng đều bám theo một cái rễ cọc của cây K’nia làm trụ. Nếu vô ý làm đứt rễ cọc, K’nia sẽ chết ngay và sẽ lộ hầm bí mật nên cán bộ ta cứ nương theo rễ cây mà đào hầm. K’nia là loại cây có sức sống rất mãnh liệt. Có khi cả khu rừng bị cháy hoặc chết vì bị rải chất độc điôxin thì K’nia vẫn xanh tốt như thường. Cây K’nia to nhất ở Tây Nguyên có đường kính khoảng một mét, và nếu cưa sát gốc thì nó lại tiếp tục nảy mầm. Gỗ K’nia rất dẻo và cứng, khi cưa thường xuyên phải nhúng nước lưỡi cưa thì mới kéo nổi, tuy thế khi hạ xuống để một thời gian sẽ bị rỗng ngay, cũng không hiểu tại sao?

Ngày xưa chúng tôi xuống làng (chữ dùng chung chỉ cách đi công tác cơ sở, đi thực tế bây giờ) bằng xe đò, xe đạp và cả... đi bộ. Bà con bày cho cách, nếu đi bộ, cứ nhìn chỗ nào có cây tán hình trứng, mọc trơ trọi một mình giữa đường giữa rẫy thì cố đến đấy hẵng nghỉ. Đấy chính là cây K’nia, nó không lẫn vào rừng, không mọc đại trà, mà cô độc, một mình, kiêu hãnh và tự tin. Và nếu giàng thương, tới đấy còn có hạt K’nia mà ăn đấy.

Cũng từ hồi ấy, ông họa sĩ Xu Man, một nhân vật cũng thuộc loại “dị nhân” của Tây Nguyên, đã giải thích cho tôi về cây K’nia khi hai chú cháu đạp xe từ thị xã Pleiku về làng ông, cách bốn mươi kilomet: Người Tây Nguyên để hạt Kơnia trong gùi và đi, bao giờ mệt ngồi nghỉ, lấy hạt Kơnia đập ăn, một vài hạt đập trượt văng ra, và mọc thành cây, vì thế, khi đi bộ, cứ khi nào mệt và đói, ta lại gặp một cây K’nia hiện ra, rợp bóng mát như một đặc ân của trời thả xuống ban cho con người. Và quả là, trong chiến tranh, nhiều cán bộ chiến sĩ của ta đã dùng hạt K’nia thay lương thực. Mà mặt trận B3 (Tây Nguyên) thời ấy đói lắm, hạt K’nia trở thành đặc ân của Yang là đúng rồi.

Nhớ có hồi tôi xui một lãnh đạo thành phố Pleiku là nên trồng K’nia trên một con đường ngắn mới mở là đường anh hùng Núp, ông này rất hăm hở, nhưng rồi sự đồng thuận trong “tập thể lãnh đạo” sao đó mà rồi không thành.

Giờ K’nia ngày càng hiếm ở các buôn làng Tây Nguyên, trừ bên Đăk Lăk vẫn còn khá nhiều cây K’nia cổ thụ. Có nhiều lý do, một là tính “thực dụng” của nó không cao, gỗ nó không được dùng nhiều trong đời sống. Hai là, một anh bạn là kỹ sư nông nghiệp bảo, dân đốt than rất thích loại này vì cho ra thành phẩm rất tốt. Thế thì nó phải bị hạ để đốt than thôi.

Lại cũng mới đây, vào một cái resort của một người quen có cái sân rất đẹp và rộng ở ngoại ô thành phố Pleiku, tôi xui, nên trồng một cây K’nia giữa sân, thêm vài cụm dã quỳ nữa, gắn biển thật to, lại chả đông khách đến check in.

Quả là, nhiều người lên Tây Nguyên đều muốn tận mắt thấy K’nia nhưng giờ hiếm quá, nếu không có thổ công thì chịu. Vài ba chục năm trước, một số người Kinh lên Tây Nguyên đều hỏi: K’nia như thế nào, Fulro ra làm sao? giờ Fulro hết rồi, K’nia cũng chả thấy nữa.

Của đáng tội, có muốn trồng K’nia ở phố cũng khó. Nếu trồng cây nhỏ thì rất lâu. Ở Gia Lai từng có một ông kỹ sư lâm nghiệp “đón đầu” K’nia bằng cách ươm loại cây này nhưng rồi rất ít người mua, bèn dẹp. Tôi từng mua của ông này một cây 2 năm tuổi gửi ra tặng một trường cấp 3 ở Thanh Hóa theo mơ ước thiết tha của ông hiệu trưởng, không biết giờ này cây lớn đến đâu?

Còn trồng cây lớn thì phải di thực, và như nói, cây có rễ cọc rất dài, di thực cây cả rễ như thế là điều rất khó. Nhưng mới đây lại một kỹ sư lâm nghiệp cho biết, với kỹ thuật bây giờ có thể tạo rễ chứ không cần “dinh” nguyên rễ cọc để trồng.

Lại nữa, có ý kiến là trồng ở phố thì hạt rụng nhiều, có khi gây thương tích, và phải quét. Nhưng lại cũng hôm nọ, thấy ở một cái hội chợ có bán món hạt K’nia. Ơ nếu thế thì hạt nó là một nguồn thu lớn mà. Được biết, trong y học thì hạt K’nia là một loại rất tốt để chiết xuất làm thuốc. Đây, thấy một trang y học nói về hạt K’nia như thế này: Nó có các thành phần Nước: 7,5% Dầu tự nhiên: 67% Carbohydrate: 9% Protein: 3,4% Sắt: 61,4mg Canxi: 103,3mg Các loại vitamin cần thiết: 37mg...

Thì quả là, cây K’nia, nổi tiếng thế nhưng với người thực dụng thì đúng là nó ít tác dụng. Có chăng chỉ còn là tác dụng... di sản, tác dụng văn hóa. Thì cây đa bến nước sân đình chẳng hạn, nó cũng chỉ là những âm vang một thuở của người Việt, nhưng đã làm nên hồn cốt dân tộc.

Mà bây giờ đương phong trào du lịch, phong trào check in, lấy du lịch làm mũi nhọn, làm tiên phong, mỗi thành phố Cao nguyên mà có một cụm, một dãy K’nia chẳng hạn, lại chả nườm nượp người đến và nở theo nó bao dịch vụ chính đáng để làm nguồn nuôi lại du lịch.

Và sực nhớ, như linh cảm K’nia sẽ mất, lâu rồi, mấy chục năm trước, tôi bỏ cả tháng trời lùng sục khắp tỉnh Gia Lai tìm K’nia để chụp. Ở huyện Krông Pa, vùng xa nhất của Gia Lai, ở một cái sân trường học có cây K’nia rất to, bóng mát trùm sân, nghe đâu giờ cũng không còn.

Bài và ảnh Văn Công Hùng

Rễ: Uống nước nguồn miền Bắc
 
Tán tròn che ngực em

 


 

Không có nhận xét nào: