Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

PHONG BÌ THÓI QUEN- bản full

 

Hôm kia, ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực họp. Lâu nay dân ta có thói quen là hồi hộp... theo dõi các cuộc họp của ban chỉ đạo này và của Ủy ban kiểm tra Trung ương, gọi nôm na là lò cụ tổng. Theo dõi kỹ tới mức mà biết quy luật thường là cuối tuần thì có thông cáo báo chí của ủy ban kiểm tra trung ương, tuần nào chưa thấy là xôn xao hỏi nhau là sao ban của anh Trần Cẩm Tú chưa họp. Theo dõi để biết xem kỳ này những ai bị “lò” gọi tên, điểm danh.

Sau cuộc họp của ban chỉ đạo Trung ương hôm kia, trong cuộc họp báo ngay chiều ấy, phó ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Văn Yên, đã thông báo thông tin khá quan trọng, là sẽ phân loại vụ Việt Á, những ai vô tình tiếp tay, không có động  cơ vụ lợi, phải làm vì công việc, vì sức ép và vì mệnh lệnh cấp trên, “Nhóm này là nhóm phải thực hiện theo mệnh lệnh. Họ không có động cơ vụ lợi và không được hưởng lợi. Họ ở tuyến đầu chống dịch và vi phạm chủ yếu trong hoạt động đấu thầu” thì sẽ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông còn nhắn thêm “Điều này cũng là để đội ngũ y bác sĩ không may đã và đang bị xử lý trong vụ án Việt Á mà không có yếu tố vụ lợi có thể an tâm”.

Tôi hết sức tán thành quan điểm này.

Thực ra ngay từ hồi vụ Việt Á còn đang “quyết liệt” nhất, một số người đã thấy rằng, có một số người, oan thì không hẳn oan, nhưng rõ ràng họ đã vô tình mà vi phạm, và cũng đã từng có ý kiến là cơ quan chức năng nên sàng lọc chứ không nên trút hết vào một rọ, khiến sự chênh lệch, khoảng cách vi phạm, nó cách nhau rất xa giữa người chủ mưu và nhân viên thụ động.

Ở nước ta, không biết tự bao giờ, chuyện phong bì nó đã trở thành... văn hóa. Có một thời đi họp là đương nhiên có phong bì, phong bì như là một nguồn thu nhập chủ yếu dù rõ ràng lương mới là chính. Có người ăn rồi chỉ xách cặp đi họp. Bước vào cuộc họp thì việc làm đầu tiên là... ký nhận phong bì. Và để chuẩn bị cuộc họp thì việc đầu tiên phải lo cũng là... phong bì.

Rồi làm gì giúp nhau cũng cám ơn bằng phong bì. Những mặc cả trước “phi vụ” đương nhiên là phong bì, à mà không phải, không thể phong bì, mà là... va li, là cặp, mà cuộc xử “giải cứu” vừa rồi chúng ta đã chứng kiến. Còn không mặc cả, làm đúng chức trách, thì một số cũng được cám ơn, bằng phong bì, là thứ rất... mỏng và nhỏ, nó là sự cám ơn có đi có lại thường tình.

Tôi có người nhà là trưởng khoa xét nghiệm của CDC một tỉnh. Thường thì đầu năm, trưởng các khoa, nhất là khoa xét nghiệm, làm phiếu đề xuất số vật tư, sinh phẩm phải mua trong năm (các khoa khác đề xuất khác, ví dụ văn phòng thì văn phòng phẩm). Làm xong chuyển lên giám đốc. Giám đốc duyệt thì văn phòng mua, kế toán chuyển tiền. Nhưng tết, thường là các công ty sinh phẩm ấy, họ có bộ phận chăm sóc khách hàng, tìm tới tận nhà, khi thì cái phong bì mỏng, khi thì thùng bia, họ cám ơn. Và chuyện ấy nó là việc thường lâu nay. Tới đi mua giấy bút văn phòng phẩm cho cơ quan, cuối năm cũng được cám ơn thùng bia nữa là. Thế nhưng đùng phát nổ ra Việt Á, số tiền cám ơn nó “vượt khung”, nó lớn hơn nhiều thông thường lâu nay, nó tương xứng với... tầm vóc Việt Á. Thế là... ăn đòn.

Người nhà tôi về hưu trước rồi, nên thi thoảng tôi vẫn đùa, may mà về hưu, chứ không thì trong “cơn Việt Á” này thể nào cũng bị gọi hỏi.

Và rõ ràng, họ không liên can, không vụ lợi. Họ làm đúng chức năng, xong rồi được “cám ơn” theo cái văn hóa người Việt lâu nay.

Tôi nhớ hồi ấy đã từng đề xuất trong một bài báo: bọn chủ mưu, bọn bàn bạc, bọn tính toán ăn chia gửi gắm... thì phải nghiêm trị. Số ở dưới, không chủ mưu, không bàn bạc trước, tự nhiên “tiền rơi vào đầu” thì yêu cầu nộp lại, thậm chí phạt thêm một phần nữa, rồi... xóa án, để họ làm việc bình thường, vì đa phần đấy là cán bộ chuyên môn giỏi. Vắng họ, người thiệt thòi đầu tiên là bệnh nhân, và xã hội.

Và giờ, đã có chủ trương ấy.

Đấy là một quyết định nhân văn trong tình hình hiện tại.

Và nó hợp tình hợp lý, nó bảo vệ người lao động, thậm chí là những người lao động năng nổ, nhiệt tình, nhiều người xé rào vì người bệnh, vì công cuộc chống dịch khi ấy.

Có nhiều việc phải xử lý khi ấy, nó “vượt rào” một tí nhưng cần căn cứ vào tình hình cụ thể. Ví dụ tôi biết có một tỉnh, tối 30 tết năm chống dịch, tổ chức một cuộc giao thừa mời anh chị em bác sĩ, nhân viên y tế của Trung ương và các địa phương khác về tỉnh mình chống dịch, họ là những người xa nhà, tới giúp mình, nên tỉnh tổ chức cuộc ấy vừa để gặp mặt cuối năm, vừa cám ơn anh em, động viên họ trong cái giờ phút giao thừa mà phải xa nhà. Hết đâu 25 triệu, tiền xã hội hóa, và sau đấy bị... xuất toán...

Hoặc chi trả 4 triệu tiền cơm cho lái xe của 1 nhà xe thực hiện chuyến xe miễn phí do hãng người ta chở giúp; tỉnh mua cơm hộp cho tài xế và phụ xe. Quyết định xuất toán, lý do: không phải là người của nhà nước... Vân vân.

Nhiều chuyện như thế, nếu cứ căng ra theo quy định, theo luật thì sẽ rất... căng.

Một tờ báo dẫn lời ông phó ban nội chính Trung ương: “trong bối cảnh cần kít xét nghiệm ngay, những người này phải thực thi theo chỉ đạo để có kít xét nghiệm phục vụ người dân, họ chỉ biết làm vì việc chung. Hậu quả thiệt hại là có, nhưng trong bối cảnh chống dịch không thể thực hiện trình tự, thủ tục theo luật định về đấu thầu. Nhóm này được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm dân sự”.

Thông tin này khiến nhiều người tin tưởng hơn ở công cuộc đốt lò.

Báo Người đưa tin

Một vài phong bì nhà cháu nhận được, khà khà




 


Không có nhận xét nào: