Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

TÂY NGUYÊN DÙNG DẰNG

Làng, nó là ký ức, là tâm hồn, là nỗi nhớ, là máu thịt của từng cá thể, từng cộng đồng cụ thể. Nó gắn với rất nhiều yếu tố liên quan, cả cụ thể và rất mơ hồ, nó là tâm linh lại là lý trí, là nơi cá nhân gắn với cộng đồng nhất định. Nó hết sức cá thể, bảo thủ và cũng sẵn sàng bung mở. Nhưng bung mở tới mức mà tất cả giống nhau từ kiểu nhà kiểu đường kiểu vườn kiểu ngõ kiểu hội trường vân vân thì nó là... phố. Mà người phố ở Việt Nam rất lạ, làm gì thì làm, có điều kiện thì họ lại về làng. Vậy giờ làng như phố thì người phố biết về đâu? Và mất đi những sợi dây dẫu vô hình nhưng rất bền chặt và nhân văn ấy, người phố, người đi xa còn lại gì? Vấn đề này không chỉ làng Tây Nguyên mà còn là của tất cả làng người Việt.

-----------------

 

Kon Rơ Bàng, ngôi làng Bahnar ở thành phố Kon Tum một thời là nơi khách rất thích tới thăm. Nó là một ngôi làng Bahnar tiêu biểu tồn tại giữa phố thị. Thành phố Kon Tum có một địa thế tuyệt đẹp khi có con sông Đăk Bla viền quanh (giờ mở rộng thành phố về phía Nam, nó thành con sông chảy giữa thành phố rồi nên càng đắc địa hơn nữa). Làng Kon Rơ Bàng này nằm ngay rìa sông, có cái nhà rông rất đẹp, thành biểu trưng của Kon Tum một thời. Làng này có rất nhiều ông rể người... Pháp, Pháp xịn, ghé chơi rồi thích cảnh thích người, thế là làm rể. Ở làng thì như người làng, cũng địu con đi lang thang trong làng, cũng ngồi bên bếp đen nhẻm, cũng ăn món ăn Bahnar... khi đưa vợ về quê, Paris chẳng hạn, xem ảnh thì thấy như là các ông rể và cả các cô gái Bahnar làng này lột xác: bàn ăn trắng muốt, vườn cỏ xanh, ăn bằng dao nĩa...

Nhưng tôi vừa lên lại, nó khác lắm rồi.

Giáo sư Đào Tuấn Ảnh đi cùng tôi kêu lên: Hình như mật độ dân số đông hơn cả phố cổ Hà Nội, nhà chật chội hơn chỗ chật nhất của phố cổ nữa.

Kon Tum có mấy điều để nó luôn là... Kon Tum. Một là bản thân sắc thái cư dân bản địa rất rõ. Hai là nó được người Pháp quy hoạch khá bài bản. Khi Gia Lai Kon Tum đang cùng một tỉnh, thì Pleiku có vẻ được phát triển hơn, đến khi tách ra, mới biết té ra Kon Tum nó vững bền hơn. Đô thị Pleiku do người Mỹ quy hoạch để thành một đô thị phục vụ chiến tranh. Nó tạm bợ và nhếch nhác. Kon Tum êm đềm và có chiều sâu hơn, mang dáng dấp đô thị cổ, kiểu kiến trúc Pháp với nhà vườn. Thời bao cấp khó khăn nhất, người Kon Tum vẫn trồng hoa hồng trong vườn và chơi dương cầm. Thêm nữa, Kon Tum xuất hiện Thiên chúa giáo khá sớm, có nhà thờ gỗ nổi tiếng, tòa giám mục vân vân... nó khiến cho đời sống tinh thần của dân có vẻ yên ổn thanh bình hơn.

Giờ, cái làng vẫn luôn được coi là Kon Tum nhất ấy, nó thành một góc phố hết sức chật chội đông đúc và lộn xộn. Nó chứng tỏ, trong nỗ lực rất lớn để bảo vệ giữ gìn, vẫn có những “vượt thoát” bất tuân ý chí, do hoàn cảnh khách quan...

Khoảng một năm trở lại đây, ở một góc cái quảng trường Đại đoàn kết của thành phố Pleiku, vào thứ bảy hàng tuần, có một hoạt động diễn ra, là “Cồng chiêng cuối tuần”.

Cồng chiêng Tây Nguyên ấy, vốn dĩ sinh ra từ làng Tây Nguyên, gắn với làng và chỉ với làng. Mà làng Tây Nguyên thì luôn gắn với rừng, trong một mối quan hệ khắng khít, tương hỗ và vì nhau, biết ơn nhau.

Nhưng giờ làng Tây Nguyên khác lắm rồi. Khác mọi nhẽ, tất nhiên có nhẽ theo quy luật và có nhẽ bị cưỡng bức. Vậy nên cái không gian dành cho văn hóa bản địa Tây Nguyên ấy, không gian cho chiêng ấy, nó bị thu hẹp hoặc... biến mất. Một thời bà con bán chiêng như bán đồ đồng nát. Gần đây ý thức giữ gìn trao truyền có được khơi lại. Nhưng ví dụ chiêng ấy, chơi ở đâu và chơi lúc nào ở làng cũng là vấn đề.

Thế là một nhóm cán bộ văn hóa Gia Lai, yêu và hiểu văn hóa Tây Nguyên nghĩ cách. Họ đẻ ra cái “Cồng chiêng cuối tuần” để cùng làm thỏa mãn mấy điều: Một là có nơi để chơi, để sinh hoạt văn hóa cho người phố cuối tuần. Hai là để giới thiệu cồng chiêng đúng nghĩa cho du khách. Ba là, điều này quan trọng: để bà con có ý thức về cái món “đặc sản” của mình. Để có thể được mời lên phố chơi họ phải ôn luyện, phải truyền nhau, phải gìn giữ...

Không dễ để làm, bởi như đã nói, chiêng chỉ gắn với làng, cái không gian làng là nơi để chiêng cất tiếng và lan tỏa. Lâu nay người ta mang chiêng lên phố theo kiểu cưỡng bức, những là sân khấu, những là ánh sáng, những là diễn viên khán giả, những là thi thố... thì giờ may thay, ở cái góc quảng trường ấy, có một nơi nhiều cây, như rừng. Thế là mời bà con lên đấy, không thi thố, không biểu diễn, không tăng âm, không sân khấu... bà con cứ chơi như đúng ở làng, và cũng không có khán giả, mà mọi người xung quanh đều tham gia vào. Nó chưa được, không phải như ở làng, nhưng cũng là một cách khả dĩ trong hoàn cảnh thực tại, để chiêng tồn tại và kế tục. Quan sát các hoạt động chiêng ở đây, rất mừng là các cháu học sinh người Bahnar, Jrai rất đông. Có cháu mới sáu bảy tuổi nhưng đã xoang (múa), hát dân ca và chiêng khá thành thục...

 

Ở huyện Chư Păh, Gia Lai có một cô gái tên là Uyên Nie. Cô này người Ê Đê Đăk Lăk nhưng lấy chồng người Jrai ở đây, và giờ là cán bộ phụ nữ xã. Đã tốt nghiệp đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, chồng là bác sĩ, cô mang kiến thức được học và góp nhặt ngoài xã hội để xây dựng làng mình thành làng du lịch văn hóa.

Khó, rất khó, bởi quy luật phát triển và triệt tiêu, quy luật “chân ga chân thắng”. Nhưng giờ, cần một làng Tây Nguyên còn Tây Nguyên nhất, người ta thường tìm tới xã Ia Mnông này.

Cô này đã vận động bà con khôi phục lại giọt nước của làng. Nguyên thủy những giọt nước của người Tây Nguyên rất đẹp. Nó không chỉ là nơi cuung cấp nước, nơi cả làng chiều chiều kéo ra đấy tắm rửa giặt giũ, mà nó còn là ký ức làng, còn là không gian văn hóa, là nơi thể hiện bản sắc làng nhất. Nhưng giờ, nước giếng có, nước máy có... cái giọt nước nếu còn là nơi trâu bò tắm. Khôi phục lại nó là khôi phục lại ký ức làng, tâm hồn làng, văn hóa làng. Mà làng, hết ký ức, hết tâm hồn, hết nỗi nhớ hết kỷ niệm... thì làng còn lại gì? Nó cũng chả khác gì cây đa bến nước con đò của người Kinh vậy.

Một nơi nữa cũng được cải tạo là khu... nhà mồ.

Nhà mồ của người Tây Nguyên nó là bãi tha ma như của người Kinh nhưng lại cũng khác bãi tha ma, nghĩa địa người Kinh là vì nó còn... người sống. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết chưa phải là hết, mà chết mới là chuyển sang một trạng thái tạm thời khác. Vì thế dù mang ra khu nhà mồ nhưng hàng ngày người nhà vẫn mang cơm nước ra “tiếp tế” cho người chết, cho ăn, uống bằng cái lỗ thông hơi ở quan tài. Cho tới khi đủ điều kiện, cả thời gian và kinh tế, thì họ làm lễ bỏ mả, người Jrai gọi là P’thi. Và ở cái lễ P’thi ấy một lễ hội văn hóa sẽ được diễn ra, hết sức hoành tráng. Sau lễ ấy thì coi như mới cắt đứt mọi quan hệ giữa người sống và người chết. Nhưng mà lại chưa, bởi những gì người sống để lại cho người chết ở cái lễ P’thi ấy nó tuyệt vời vô cùng: Hệ thống tượng mồ.

Mỗi pho tượng là một thế giới, một sắc thái, một biểu cảm... nó chính là tâm trạng, cảm xúc của những người tạc tượng. Nó tạo nên một vườn tượng hết sức sinh động và rừng rực sức sống.

Khách du lịch tới Tây Nguyên, nếu biết làng ấy có khu nhà mồ còn tượng mồ thế nào cũng tìm cách ra xem. Như ngắm các tác phẩm nghệ thuật, dù nó sau lễ là bị bỏ hoang, giữa nắng giữa mưa, giữa côn trùng giữa hoang lạnh. Thế là cô này nghĩ ra sao ta không biến nơi này thành chỗ tham quan.

Nó đơn giản là, khu nhà mồ cũ vẫn giữ nguyên, nhưng làm cho nó sạch sẽ vệ sinh hơn, cách một đoạn có một khu đất trống, ở đây là khu nhà mồ cách điệu. Ngồi đây ẩm thực và... ngắm nhà mồ thật bên kia. Đúng là rất thú vị.

Còn nhiều nơi như thế.

Có nhiều cách để Tây Nguyên vừa phát triển lại vừa giữ mình. Tất nhiên có cách đúng, có cách... gần đúng, có cách tương đương... phá.

Thì những ngôi làng Tây Nguyên chằn chặn, những ngôi nhà tôn, xi măng xen với nhà mái bằng nhà bê tông, đến nhà rông cũng bê tông với tôn đỏ rực, những khu nhà mồ toàn mộ xây dày xít... đang là thực trạng của không gian làng Tây Nguyên hôm nay. Thì cái làng Kon Rơ Bàng ở đầu bài lại chả thế?

Nhưng biết làm sao khi chúng ta đã không lường trước sự phát triển, khi mà dân số tăng mà đất không nở, khi mà ngay một số chính sách chúng ta đã áp dụng một cách đại trà và máy móc mà không dựa vào từng tình huống cụ thể. Ví dụ như chúng ta từng phát triển nhà rông văn hóa ồ ạt, và ngay áp dụng mô hình nông thôn mới theo mẫu chung cho từng làng cụ thể.

Làng, nó là ký ức, là tâm hồn, là nỗi nhớ, là máu thịt của từng cá thể, từng cộng đồng cụ thể. Nó gắn với rất nhiều yếu tố liên quan, cả cụ thể và rất mơ hồ, nó là tâm linh lại là lý trí, là nơi cá nhân gắn với cộng đồng nhất định. Nó hết sức cá thể, bảo thủ và cũng sẵn sàng bung mở. Nhưng bung mở tới mức mà tất cả giống nhau từ kiểu nhà kiểu đường kiểu vườn kiểu ngõ kiểu hội trường vân vân thì nó là... phố. Mà người phố ở Việt Nam rất lạ, làm gì thì làm, có điều kiện thì họ lại về làng. Vậy giờ làng như phố thì người phố biết về đâu? Và mất đi những sợi dây dẫu vô hình nhưng rất bền chặt và nhân văn ấy, người phố, người đi xa còn lại gì? Vấn đề này không chỉ làng Tây Nguyên mà còn là của tất cả làng người Việt.

Tây Nguyên đang rất giằng xé giữa bảo tồn và phát triển, giữa “là mình” và hòa nhập, giữa yên tĩnh và náo động, giữa hiện tại và tương lai...






6 nhận xét:

Phan An nói...

Bài viết rất hay nhưng thiết nghĩ Thiên Chúa giáo là tên riêng sao tác gỉa không viết hoa .

Văn Công Hùng nói...

@Phan An, ahihi lỗi chính tả thôi. Cũng có 1 bạn vừa phát hiện lỗi khác, một thành bột.

Mai Văn Anh nói...

Bây giờ trên khắp dải đất hình chữ SỜ này có nhiều rất nhiều Làng đã không còn là Làng nữa-Cụ ạ
. -!khônbnên vui hay

Nặc danh nói...

Trăn trở, suy nghĩ của anh thật gần gũi, sâu sắc với dân, làng Tây Nguyên và nông thôn nước ta

Văn Công Hùng nói...

@Mai Văn Anh: Huhu nó là sự thực rất buồn ạ.

Văn Công Hùng nói...

@Nặc Danh: Cám ơn bạn ạ.