Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

NÊN TÔI BÈN... THƯƠNG HỌ

 

          Một việc khá động trời vừa xảy ra: Cơ quan điều tra khởi tố và bắt giam cựu bí thư tỉnh Lào Cai (cùng cựu Chủ tịch và 2 cựu Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cùng nhiều thuộc cấp).

Nói động trời là bởi ông Nguyễn Văn Vịnh từng là ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy tỉnh Lào Cai.

          Nhưng dùng từ “khá động trời” là bởi, trước ông Vịnh từng có những người có chức vụ tương đương cũng đã bị bắt, đang ngồi tù, nên nó không còn “kinh thiên động địa” như lần đầu.

          Nhưng nó vẫn động trời là bởi, lò cụ Tổng đã ngùn ngụt mấy năm rồi, mà những con thiêu thân vẫn lao vào, vẫn không sợ, vẫn coi lò như chốn... chăn êm nệm ấm.

          Chúng ta, những người dân bình thường, yêu nước và xót xa vì đất nước, từ chỗ căm phẫn, tới giờ là ngán ngẩm cho những vị chính khách kiểu này.

          Chúng ta căm phẫn là bởi, trong khi Lào Cai là tỉnh chưa giàu, nhân dân còn nhiều người rất khổ, thì quan đầu tỉnh như Nguyễn Văn Vịnh có rất nhiều tài sản, rất nhiều đất.

          Một tờ báo cho biết, qua công tác xác minh, cơ quan chức năng xác định, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai được cho tặng nhiều lô đất và bản thân ông Nguyễn Văn Vịnh cũng cho tặng đi nhiều lô đất. Theo thống kê sơ bộ, ông Vịnh có tới 7 lô đất ở Lào Cai liên quan tới mình.

          Không chỉ ông Vịnh. Số người như ông Vịnh bị khởi tố bị bắt và ra tòa trước đó khá nhiều. Dàn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa là ví dụ. Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai vừa nhận án 5 năm tù là ví dụ tươi nhất, trước đó một chút là Trần Văn Nam, bí thư tỉnh Bình Dương nhận 7 năm tù...

          Họ đã được Đảng tin, dân bầu, là những người lãnh đạo, ngày xưa phong kiến gọi là “quan phụ mẫu”- cha mẹ dân, và họ đã không nghĩ tới dân, không nghĩ tới Đảng, tổ chức lãnh đạo mà họ phụng sự và là thành viên lãnh đạo, không nghĩ tới Tổ quốc, cái từ thiêng liêng nhất, cái mà vì nó rất nhiều người sẵn sàng hy sinh tính mạng, rất nhiều tiền bối của họ đã làm vậy, rất nhiều dân thường đã làm vậy. Họ thì không.

          Họ chỉ nghĩ tới họ.

          Họ làm nhục Tổ quốc.

          Và tất nhiên là họ phải trả giá.

          Nhìn những ông quan từng “hét ra lửa” giờ xủng xoảng xích tay, thần mặt ra nghe lệnh khởi tố, lệnh bắt, dù cơ quan điều tra vẫn còn lịch sự, rất ít để lộ hình ảnh của họ lúc ấy. Rồi cảnh họ ra tòa, người đổ cho trình độ hiểu biết có hạn, người bảo tại tin cấp dưới (lúc nhận nhiệm vụ không ai nhận trình độ có hạn), người xin lỗi Tổng bí thư, xin lỗi đồng đội, ít người xin lỗi nhân dân, mà thấy thảm hại cho tư cách và nhân cách của họ. Đa phần họ tỏ ra ân hận, rằng nếu biết thế...

          Thực ra là họ đã “biết thế”, thậm chí là biết rất rõ, nhưng họ như những con thiêu thân, cứ thế lao vào... lò.

          Bởi khi họ có quyền, họ cũng từng tham gia xử lý rất nhiều cấp dưới, họ thừa hiểu, hết sức hiểu, gây ra tội lỗi sẽ nhận hình phạt như thế nào, bởi họ cũng từng ký rất nhiều quyết định kỷ luật cấp dưới, cũng chứng kiến rất nhiều cấp dưới của họ vướng vòng lao lý?

          Theo thống kê, chỉ trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 cán bộ.

          Năm 2023 chưa thống kê, nhưng theo dõi các thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương, của Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành Trung ương, thì cũng đã có kha khá cán bộ lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, mà ông Vịnh này là mới nhất. Ngay sau khi vừa bị khai trừ Đảng là khởi tố và bắt luôn. Có ông không nguyên không cựu mà đương chức chủ tịch tỉnh Đồng Nai bị cảnh cáo, và một vài ông nữa...

          Nhà viết kịch Tào Mạt, trong vở chèo “Bài ca giữ nước” đã dựng nên nhân vật hề hoạn, ông hề nói rằng: “Đã làm quan thì đừng làm hề, bằng không quan thì dở mà hề lại nhạt”. Một số công bộc của ta thì vừa muốn làm hề vừa muốn làm quan. Làm quan thì phải thanh liêm, phải biết lo cho dân, phải biết nhục vì nước, phải biết hy sinh quyền lợi riêng, thậm chí hy sinh bản thân mình. Mà thực ra, bây giờ, có ai bắt các vị ấy phải hy sinh như các tiền bối ngày xưa đâu. Mỗi cấp lãnh đạo đều có tiêu chuẩn đãi ngộ riêng, có chế độ phục vụ để họ toàn tâm toàn ý làm việc. Nhưng họ lại cũng vẫn... tham. Dân tham còn có thể chấp nhận được, tham trong khuôn khổ, trong phạm vi cho phép, đừng phạm pháp, họ có thể xấu hổ, có thể lương tâm cắn rứt (ví dụ như hàng đoàn ô tô xếp hàng để mua... nhà ở xã hội mà báo chí vừa phản ánh)... nhưng có thể thể tất vì họ chỉ là dân, và, điều này mới quý, cũng không nhiều người lạm dụng điều ấy, vẫn rất nhiều người dân trượng nghĩa, rất nhiều gương tốt hàng ngày, rất nhiều người trong veo, liêm khiết, chứ làm lãnh đạo, gọi là công bộc, mà đi tranh cái phần ấy của dân, nó xấu hổ vô cùng, nó thiếu tự trọng vô cùng, nó đớn hèn vô cùng...

          Tôi thì, cứ hình dung ngày họ ra tù, về với đời, hoặc những người không bị ra tòa nhưng bị kỷ luật, về địa phương, với bà con... họ sống trong những ngôi nhà sang trọng hơn rất nhiều so với thu nhập của họ, họ gặp bà con hàng xóm, họ đi lại ngoài đường, họ ứng xử thế nào?

          Chỉ nguyên việc ấy thôi, đủ khiến họ sống khổ sống sở đến như thế nào?

          Nên tôi bèn... thương họ.

Báo Người đưa tin

Ảnh không liên quan, chỉ cho vui he he


 

                                                                     

 

Không có nhận xét nào: