Hôm qua, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Tĩnh bị một cú lừa rất vớ vẩn nhưng số tiền bị mất thì không vớ vẩn chút nào: gần 1 tỉ đồng.
Đáng nói là, mấy cái trò lừa này đã được cảnh báo rất nhiều ở rất nhiều kênh thông tin. Và trò mạo danh công an để lừa là... đơn giản nhất, dễ phát hiện nhất, thế mà xót xa thay, thầy giáo hiệu trưởng này lại bị lừa.
Xót xa nữa là, khi tài khoản không có tiền, ông đã huy động vay mượn trong thời gian rất nhanh để chuyển cho kẻ gian. Khi tới con số 965 triệu vào tài khoản “lạ” thì ông bừng tỉnh.
Thời gian đầu, một số người bị lừa kiểu này, đa phần là ở thôn quê, những người ít tiếp xúc với thông tin, nhưng sau này, thậm chí rất nhiều người bị oan khi gọi cho ai đó bị mắng hoặc tắt máy ngay vì nghĩ cú điện thoại ấy là... lừa đảo. Tức nhiều người đã biết trò này.
Ngày xưa, một số bà, chị ở nông thôn cũng hay bị lừa kiểu này, bảo là như bị thôi miên, kẻ lừa mình nói gì là thun thút nghe. Bảo đi theo là cứ lặng lẽ theo, tới chỗ vắng thì bị lột từ vòng tới nhẫn tới chút tiền còm trong hầu bao. Tới lúc tỉnh ra thì mới biết trên người đã bị lột sạch.
Tôi nghe kể mà cứ bán tín bán nghi. Tới một hôm, một ông chồng bắt quả tang bà vợ... nói dối mình, chả có ai lột của vợ mình cả, tự bà ấy lột để làm việc riêng. Nhưng cũng chỉ mỗi việc ấy là minh bạch, còn các vụ khác vẫn tù mù.
Vụ này không tù mù. Ông hiệu trưởng bị lừa là có thật, mất tiền là có thật. Có điều giống các bà là, ông nói “Tôi như bị thôi miên nên bất cẩn, giờ nhờ công an điều tra”. Cũng có thể thuật thôi miên không chỉ là lời đồn.
Trong khi đó, báo chí và mạng xã hội ào ào thông tin trường nọ ở TP HCM tổ chức cho học sinh đi tham quan, và công ty du lịch “lại quả” cho giáo viên chủ nhiệm trên đầu mỗi cháu 10 ngàn đồng.
Nghe khủng khiếp quá, thế thì kinh quá, trắng trợn quá. Tôi ngồi nhẩm lại, trời ạ, nếu lớp 40 cháu thì cô có... 400 ngàn. Cái ông gì trong cái clip vừa tung ra ấy, có cả xấp dày tờ 500, rút xoạt xoạt cho các cô ca sĩ hát phục vụ mình nhậu. Đây, 400 ngàn, là tính lớp 40 học sinh, chứ có lớp chỉ 30, 35 cháu. Mà cô là người đi cùng để chăm sóc và phục vụ các cháu. Xót xa quá. Tôi hình dung nếu là người nhà mình thì sao nhỉ? Và ước, những cái tin nhắn như thế này trong nhóm, đừng bị lọt ra ngoài.
Và cũng hôm qua, thông tin 56 học sinh ở một trường Hà Nội bị ngộ độc khi đi tham quan cũng gây nên những lo âu xa xót. Cũng may là các cháu đã hồi phục rất nhanh. Nó là rủi ro thôi, nhưng khi rủi ro rơi vào bộ phận nhạy cảm nhất là học sinh và trường học thì sự rủi ro dễ bùng thành tai nạn, những tai nạn như dây cháy chậm dẫn tới bùng lửa.
Hiện cũng có nhiều thông tin trái chiều về các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Nhiều trường khoán cho các công ty du lịch nên biến thành những cuộc... đi chơi giá cao. Thành phố Hồ Chí Minh có hẳn chủ trương không đưa học sinh ra ngoài thành phố. Thì cái gì cũng có 2 mặt, chứ hoạt động ngoại khóa rõ ràng là rất cần, nhưng hoạt động như thế nào lại do cái tầm và cái tâm của các thầy cô của từng trường...
Cứ tin gì liên quan tới học trò, tới giáo dục lại khiến ta day dứt và xa xót.
Ảnh liên quan: trong veo tuổi thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét