Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

MỘT DÁNG NGỒI RẤT ĐỘNG

              Nói Nguyễn Thành Phong đa tài không ngoa. Này nhé, có thơ in báo từ năm 17 tuổi, hồi còn ở Sơn La thì phải. Học Đại học Bách khoa ngành hóa thực phẩm nhưng là nhà thơ trẻ đình đám từ thời sinh viên, là một trong mấy "yếu nhân" lập nên nhóm thơ Bách khoa "Vòm cửa xanh" lừng lẫy một thời. Rồi viết truyện ngắn, đến mấy tập, có cái truyện từng được chuyển thể thành bộ phim "canh bạc" nổi tiếng. Rồi là một trong mấy tác giả viết kịch bản cho bộ phim "Cảnh sát hình sự" hết sức hót một thuở. Tôi nhớ hồi ấy giới thiệu đủ danh xưng không bằng bảo: Đây là tác giả của Cảnh sát hình sự đây là mọi người ồ à lên ngay. Mà nghe đâu anh có tới hàng chục kịch bản chứ chả mỗi Cảnh sát hình sự. Rồi là nhà báo, ở cả hai tư cách, nhà báo và làm báo. Nhà báo thì không thể kể số lượng những bài báo anh đã viết. Làm báo thì anh đã từng cầm nhiều tờ báo, trong đó 2 tờ có dấu ấn đậm của anh là tờ Văn Nghệ trẻ, anh là trưởng ban phụ trách tờ này, và tờ Lao động Xã hội anh là tổng biên tập.


Quả thật là, đời tôi chưa bao giờ đọc tập thơ mà lâu và mệt thế, dù rất nhiều trang đã lướt qua, tức là đọc rất nhanh. Tác giả thì "Đêm ngồi ngã ba sông" nhưng tôi lại đọc ở đấy một dáng ngồi rất động.

Tập thơ như một hành trình chín khúc, dù thời gian thơ đâu như chỉ diễn ra khoảng ba, bốn năm chi đó, nhưng nó dồn nén, nó tiêu biểu, hiển lộ một không gian rất rộng. Là tôi nói tới một không gian vô hình, không gian tâm tưởng, không gian chiêm nghiệm, không gian sống, không gian của những đau đáu suy nghĩ, đau đáu tâm trạng, của những liên tưởng, hành trình liên tưởng, và mơ hồ, một thứ mơ hồ đủ để nhoi nhói, để dư ba, để dẫu mơ hồ nhưng không thể chuội đi.

Diện quan sát liên tưởng của tác giả rất rộng, từ ở tư thế nhà báo, tổng biên tập nữa, nhà thơ, tới cái bệ xi măng, ngắm con muỗi, thạch sùng, bạn với mèo... Tác giả biến được cái căn phòng bé tí ấy thành thế giới của... thi ca thì quả là ông đã "vô ngã" tới mức nào "Trong cõi tạm bợ này/ Cũng còn bao nhiêu chuyện/  Con mèo nằm lơ đễnh/ Lừa vồ đám thạch sùng/ Đám thạch sùng im lặng/ Vùng đớp muỗi bay qua/ Bầy muỗi lại vo ve/ Lòng vòng hơi máu người./ Lũ ta nằm bất lực/ Suốt ngày dài đêm dài/ Đến khi giải thoát được/ Liệu người còn thương người". Ơn giời, ở cõi tăm tối với muỗi với thạch sùng với mèo ấy, cuối cùng vẫn là con người, vẫn có con người. Không buông xuôi, không bỏ mặc, không thả lỏng để mình tự trôi vào cõi vô định, cái ánh sáng hắt hiu kia, ánh sáng dự cảm "giải thoát được" vẫn một mong manh con người, dù là một câu hỏi!

Vừa tinh vừa giỏi, như một bố cục số, Nguyễn Thành Phong chia tập thơ 63 bài của mình ra thành 9 khúc. Là để, ít nhất với tôi, sắp chìm vào một vùng mê nào đấy thì lại kịp thoát ra bởi nó mở ra một khúc khác. Quê tôi có những độn cát rất lớn. Muốn ra biển phải đi qua những độn cát ấy. Ngày xưa chưa có đường, hồi mới về quê, tôi rất thích ra biển, chính xác là đi trên những độn cát. Nó luôn mở ra những bất ngờ. Cứ cố vượt một độn cát, nắng và nóng. Hy vọng lên đỉnh là thấy biển. Không ngờ trèo lên đỉnh thì trước mặt lại một độn khác, đỉnh hơn. Cứ thế, có khi liên tục năm, sáu đỉnh độn như thế, tới lúc ta mệt nhoài, định quay về, thì trước mặt ta xanh rờn biển.

Đọc tập thơ này của Nguyễn Thành Phong tôi lại nhớ tới những độn cát quê tôi dạo nào. Nói dạo nào là bởi thứ nhất, giờ đã có đường bê tông, thứ hai, cát cũng được khai thác bằng lì rồi, chả còn những ngọn núi cát lừng lững như ngày ấy nữa, thay vào đấy là dương (phi lao) và keo lá tràm. Nhưng đọc "Đêm ngồi ngã ba sông" thì vẫn gặp những độn cát như thế, chính xác, lại liên tưởng tới những độn cát. Ơ mà đúng, cái ngã ba sông của anh nó có ngã ba đâu, nó miên man lắm: "Đêm dài thao thức/ Nghe sông Cái buồn dào dạt gọi ra chơi/ Ta đứng dậy bước miên man rồi bỗng thấy/ Mỏm Soi Đôi Cô Hồng Hà chia ba/ Tam Giang tối linh trắng mờ bọt sóng.../ Mấy ngàn năm bao triều đại nối nhau/ Để khuyết lửa máu gươm đao/ Quân vương ngờ tôi trung, tiện nhân vầy kẻ sĩ/ Trùng trùng tráng ca bi kịch/ Sông Hồng nóng đỏ phù sa.../ Ta ngửa mặt nhìn trời cao/ Ta sống vậy đã là như sống/ Hay phải sống làm sao?/ Trời im lặng, ta cúi nhìn mặt nước/ Những xác vờ trắng ấm chảy về Đông!" (Đêm ngồi ngã ba sông)... Ơ thế sông ấy nó trở thành một cái gì rồi, thiêng liêng và tâm linh, để ở đấy thi sĩ dẫu ngồi nhưng lại như... vẫy cánh.

Tuổi 63, là đoán thế vì thấy anh chọn 63 bài để in tập này, chứ thi sĩ mấy khi có tuổi. Và gặp anh ngoài đời  nếu anh không khai đã là ông nội thì thấy đoán tuổi anh là điều bất khả, anh luôn có những chiêm nghiệm khiến ta miên man đi từ thái cực này tới thái cực khác, đi từ trạng huống này tới trạng huống khác, để cuối cùng, về với yên bình tươi xanh: "Trong lòng ta yên tĩnh và đắm đuối/ Nơi bắt đầu những rộn rã đấy thôi" (Từ mình)...

Nói Nguyễn Thành Phong đa tài không ngoa. Này nhé, có thơ in báo từ năm 17 tuổi, hồi còn ở Sơn La thì phải. Học Đại học Bách khoa ngành hóa thực phẩm nhưng là nhà thơ trẻ đình đám từ thời sinh viên, là một trong mấy "yếu nhân" lập nên nhóm thơ Bách khoa "Vòm cửa xanh" lừng lẫy một thời. Rồi viết truyện ngắn, đến mấy tập, có cái truyện từng được chuyển thể thành bộ phim "canh bạc" nổi tiếng. Rồi là một trong mấy tác giả viết kịch bản cho bộ phim "Cảnh sát hình sự" hết sức hót một thuở. Tôi nhớ hồi ấy giới thiệu đủ danh xưng không bằng bảo: Đây là tác giả của Cảnh sát hình sự đây là mọi người ồ à lên ngay. Mà nghe đâu anh có tới hàng chục kịch bản chứ chả mỗi Cảnh sát hình sự. Rồi là nhà báo, ở cả hai tư cách, nhà báo và làm báo. Nhà báo thì không thể kể số lượng những bài báo anh đã viết. Làm báo thì anh đã từng cầm nhiều tờ báo, trong đó 2 tờ có dấu ấn đậm của anh là tờ Văn Nghệ trẻ, anh là trưởng ban phụ trách tờ này, và tờ Lao động Xã hội anh là tổng biên tập.

          Anh có nhiều tài lẻ nữa, trong đó, một trong những cái tài thượng thặng, được bạn bè văn nhân, những người ăn uống thuộc loại tinh, công nhận, là chế biến món ăn, nôm na là làm món nhậu.

          Nhắc món ăn là bởi đấy là cái nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, tài hoa, thăng hoa và tiết chế.



          Thì nó cũng như làm thơ làm báo.

          Và cái tập thơ anh mới ra, "Đêm ngồi ngã ba sông" nó cũng thể hiện một Nguyễn Thành Phong tài hoa và tiết chế.

Tôi đọc thơ Phong với tâm thế là chiêm nghiệm hành trình, một hành trình vừa phát hiện vừa khám phá, vừa tự thú vừa biện minh, vừa đồng hiện vừa bất chợt, vừa trải vừa cuốn, vừa bằng phẳng vừa lô nhô: "Mùa hạ nắng lửa qua nhanh/ Đã kịp vàng thu phấp phới/ Hết đông hoang tàn rét buốt/ Xuân đang nhú màu lá mới". Mấy câu này không dẫn để minh họa điều tôi vừa viết, mà nó chỉ giản đơn là, nó là bốn mùa. Còn cái điều tôi viết kia, phải đọc cả tập để thấm "Ông ấy sống không phút giây chán nản/ Để dựng nên hào sảng đời mình" và "Lúc đi bên trời như ánh chớp/ Khi lầm lụi mép rừng nhìn cánh hoa bay"- anh viết về văn nhân, những đàn anh lớn trong nghề, nhưng cũng như là cách để mình tựa vào.

Mấy câu thơ tôi trích ở đầu bài viết nó nằm ở khúc 6, tôi tạm gọi là khúc thơ tù, dù anh không đặt tên. Văn học tù có hẳn một dòng từ tây tới ta, từ học trong sách giáo khoa tới đọc gầm bàn. Nguyễn Thành Phong góp vào đấy 11 bài thơ. Nó là trải nghiệm của chính anh. Vâng. Chính anh. Điều quan trọng là, anh đã công khai về nó, với nó, bằng thơ. Thực ra theo tôi biết, vì lý do rất buồn cười, anh vào đấy không lâu, tới mức anh em chúng tôi ở ngoài còn nói đùa: Có khi vào đấy lại thơ hay. Thì coi như một chuyến đi thực tế. Lực lượng công an thi thoảng có tổ chức cho anh em nhà văn đi thực tế, và một trong những nơi anh em háo hức "được vào" là nhà tù. Nhưng vào với tư cách nhà văn nó chán lắm. Thăm chỗ này chỗ kia, chụp vài bức ảnh, hỏi chuyện mấy câu, rồi về gặp ban giám thị nghe báo cáo, rồi lên xe về... Phong thì vào tận phòng giam ngủ nghỉ như một... chủ nhân: "Ngọn gió cũ từng tràn trề rộng mở/ Sao lúc này thèm chạm nhẹ gió ơi/ Sau mấy lần cửa khép/ Sau mấy bức tường kia là bát ngát khung trời.../ Ta đã biết lộc bàng xanh thật khỏe/ Sắp bất thần trổ mạnh cuối mùa xuân/ Giờ ta biết lộc bàng không chỉ đẹp/ Nếu ta được ra gần ta sẽ hái ta ăn...". Không tù đố mà khát khao được thế. Và không tù rất khó nghiệm như thế này: "Đời ta đã vẫy vùng phiêu bạt/ Ai hay đâu giây phút lạc chốn này/ Trong thăm thẳm cõi đời, ta tỉ như hạt cát/ Những va đập nào đẩy ta xuống nơi đây". Đắng đót đấy, đau đớn đấy, nhưng cái thiên lương bẩm sinh thi sĩ thì lúc nào cũng lấp lánh: "Nếu không ai tin cậy/ Thì đưa chú nắm tay/ Nào ta cùng thay đổi/ Ngay từ giây phút này...". Và nằm trong ấy, nhưng tâm hồn thì nghe: "Tiếng chim chuyền trong vòm cây xẫm lá/ Góc vườn mình đang nảy mấy chồi xuân/ Dịu dàng em làm mềm đi bỏng rát/ Gió xuân kìa, và náo động thanh âm". Nguyễn Thành Phong đã góp thêm vào dòng "Văn học tù" một chùm thơ tù rất... niềm nở. "Công Tằng Tôn Nữ Phạm Thương/ Không còn là chuyện con mèo/ Một ngày thiên thu mấy nhẽ/ Ấm lòng những tiếng thương yêu"...

Thì là hành trình nên thơ anh tãi ra ở nhiều không gian thời gian. Nó có làng mình, có quê hương, những vần thơ quê hương trĩu nặng, đọc xong muốn nhao lên một chuyến, những bài thơ viết ở Trường Sa, có những người bạn, từ bạn văn tới bạn học, bạn thân tới bạn thoáng gặp. Có những vấn đề cá nhân tới quốc gia đại sự, những suy nghĩ cho mình, cho gia đình tới Tổ quốc, dân tộc... anh đưa ta phiêu du trong dằng dặc xúc cảm nhưng vẫn tỉnh táo tiết chế. Tôi ngờ chừng cái cách anh thường xuyên phá cách trong nhịp trong vận là để tiết chế nhưng lại mở ra những điều phía sau chữ. Đại loại rất nhiều câu, ai cũng nghĩ nó sẽ được kết thúc ở vần bằng, nhưng anh lại cương quyết vần trắc và ngược lại "Đi, đi suốt làm thành số phận/ Khắp địa cầu đâu cũng dấu chân ta/ Ngực lặng cúi trong cơ hàn xa khuất/ Mắt trĩu buồn đau đáu vạt sương sa.../ Sao người Việt mình cứ mãi ra đi/ Đi, đi suốt, bao giờ thì dừng lại?". Dấu nặng ở chữ "lại" như chặn cảm xúc để kết thúc bài thơ, nhưng nó lại thổn thức sau đó: "Thế giới mỗi ngày có cả ngàn cái chết/ Ca dương tính vẫn hàng triệu tăng thêm/ Liệu bao giờ mới trở lại bình yên/ Mất cảnh giác, bài học này quá đắt/ Nhưng ta tin rồi đại dịch sẽ qua/ Như ta tin loài người luôn tồn tại". Vừa rất trữ tình đâu đó, lại thấy Covid cận kề.

Cái không gian của anh rất nhiều nốt lặng, nhiều thế động trong tĩnh. Cái sân chùa này như một vết chém: "Lá đa bay trong rùng rùng gió nổi/ Ngập sân chùa còn chỗ quét hay không!". Không phải dấu hỏi mà lại là một dấu chấm than, dù nó là một câu hỏi. Và cuộc cờ cũng lắc cắc binh đao: "Người chơi cờ xưa quân đi như bấc/ Mà xoay vần mà thảng thốt nhân gian".

Thực ra thì, trong chín khúc tập thơ của Phong, tôi ví nó như chín độn cát, và vì thế không phải độn nào cũng như độn nào. Nhưng nó bổ trợ nhau. Tôi thích đọc thơ như một cách đuổi bắt cảm xúc. Và vì thế mà thích sự thập thững của cảm xúc, để nó tạo nên một ma trận, để ta không biết được phía trước là gì, để luôn gặp những bất ngờ, luôn hưng phấn háo hức kiểu như thời sinh viên hẹn người yêu rồi hồi hộp vì trong lúc đợi đến giờ thì vẩn vơ lo lắng rằng nàng có đến không, nàng mặc áo màu gì, nàng vui vẻ hay chịu đựng, thậm chí là nàng có chịu cho ta... thơm không?

Thế tức là tôi sẽ không phải làm cái việc mà thường người ta phải làm khi viết về một tập sách, một tác giả, là cái phần "tuy nhiên" ấy. Tôi cũng không nói/ viết hết những gì mình cảm nhận từ tập thơ, vì thứ nhất, mỗi người có một cách, một điểm, một tâm trạng tiếp cận. Và thứ hai, giành đất cho bạn đọc nữa. Chán nhất là bị dẫn dắt trước khi đọc. Nhưng có điều này thì tôi phải khẳng định ngay, rằng đây là một tập thơ rất sang, và đẹp. Một tập sách được thiết kế rất độc, có tư duy, rất hiện đại bởi hai người có tư duy rất hiện đại và cũng rất duy mỹ là nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long và họa sĩ Trần Thắng. Tôi chơi với Dương Minh Long và biết, anh đã "nhúng" vào tập sách nào là tập ấy "có vấn đề". Đã từng làm việc với anh tới hai tập thơ của mình, tôi rất nể anh về khả năng thẩm thơ tinh tế, kỹ càng, và từ thơ, anh tư duy ra bố cục sách, ra cách trình bày, để nó trọn vẹn thơ...

Cùng Nguyễn Thành Phong và anh em tòa soạn Reatimes.

Nguyễn Thành Phong... mổ lợn

(Đọc tập thơ “Đêm ngồi ngã ba sông” của Nguyễn Thành Phong,

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021, in báo Nhân Dân hằng tháng số tháng 8/2021, bản full)

                                                                        V.C.H

                                                                                 

 

Không có nhận xét nào: