Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SẺ CHIA

 


          Những ngày vừa qua, tình người của dân Việt Nam ta mới bộc lộ một cách rõ nhất.

          Nói lại xấu hổ, chứ hầu như ngày nào tôi cũng phải vài lần khóc, là khi vào đọc tin trên báo hoặc xem truyền hình.

          Mà những ngày này, hầu như ai cũng thế, suốt ngày dán mắt vào màn hình đọc báo xem tin.

          Bắt đầu là Rào Trăng với những người lính và cán bộ huyện Phong Điền, với những công nhân thủy điện tới giờ vẫn còn nằm đấy. 11 sĩ quan quân đội và 2 cán bộ Thừa Thiên Huế "may mắn", sự may mắn hết sức đau thương, đã đưa về được hết, nhưng vẫn còn những người công nhân thủy điện Rào Trăng.

          Rồi đến Quảng Trị, Quảng Bình ngập trong lũ. Và sau đấy là Quảng Nam.

          Lâu lắm rồi mới có một đợt thiên tai khủng khiếp đến thế trút xuống khúc ruột miền Trung này, cái dải đất năm nào cũng oằn lưng chịu đựng. Ki cóp làm ăn dành dụm rồi chỉ chớp mắt, trắng tay.

          Và, cũng thế, mà chúng ta thấy tinh thần đồng bào, tinh thần đùm bọc, sự lan tỏa yêu thương của những con dân Việt ở khắp mọi nơi trên đất nước nó trùng điệp đến như thế nào.

          Trong một cuộc họp thủ tướng phải thốt lên: Cứ 3 xe chạy trên đường lại có 2 xe cứu trợ cho đồng bào Miền Trung.

          Mà lần này bà con làm ngay từ khi chưa có lời kêu gọi của Mặt trận Tổ Quốc. Làm tự phát, xuất phát tự tình thương thường trực, từ sự mẫn cảm, từ ý thức sẻ chia cộng đồng... của những con dân đất Việt.

          Sinh thời, cụ Hồ nói: "Mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước lại vô cùng sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn...", tôi thấy, trong hoạn nạn, dân ta cũng phát huy tinh thần tương ái, tinh thần nhân văn, yêu nhau, đùm bọc nhau theo nghĩa lá lành đùm lá rách rất cao cả...

          Cũng năm nay, chả ai bảo ai, nhiều nơi, nhiều người tổ chức gói bánh chưng bánh tét. Gói rất bài bản, có trách nhiệm. Tức là kỹ lưỡng như nấu cho mình ăn, thậm chí kỹ lưỡng hơn, vì nhiều nơi hút chân không nữa, còn bảo nhau đựng vào giỏ nhựa chứ không gói kỹ vào thùng các tông, thùng xốp để bánh giữ được lâu. Họ biết, bà con bị lũ lụt không có điều kiện bảo quản.

          Ngoài mì tôm, áo quần... những đồ quen thuộc khi cứu trợ, cũng năm nay những thứ thiết thực hơn, giá trị hơn cũng đã xuất hiện, ấy là áo phao, là máy nổ, là xuồng/ thuyền... cũng được chở đến giúp bà con và chính quyền.

          Chưa ai thống kê được, và cũng chả thể thống kê, xem là có bao nhiêu tiền, quà đã đến với bà con vùng lũ những ngày vừa qua. Cũng như chưa ai và cũng không ai có thể thống kê được những giọt nước mắt đã rơi, từ hai phía, những người bị nạn và những người đi cứu, đi giúp, đi san sẻ...

          Càng về sau càng tang thương. Trong khi nhân tài vật lực căng ra chống cơn bão Molave ở phía biển thì tai ương lại đánh úp bà con trên rừng. Cả xã Trà Leng bị đất vùi, cả mấy huyện vùng núi Quảng Nam bị rung chuyển. Những câu chuyện đau lòng được kể lại. Và tình thương yêu, sự sẻ chia lại cũng rùng rùng chuyển hướng, đang từ lũ lụt tới lở đất, vùi làng...

          Rất nhiều hình ảnh cảm động của con người được sẻ chia trong những ngày này. Xem và vui và trào nước mắt. Buồn đau trào nước mắt đã đành, đây vui quá, cảm động quá cũng trào nước mắt.

          Ai có thể cầm được nước mắt khi đọc bức thư của thầy hiệu trường một trường phổ thông Trung học ở Quảng Bình. Giọng thư rất tỉnh, rất teen, nhưng trong ấy chứa chan yêu thương chia sẻ đồng cảm. Ai có thể ngăn nước mắt khi thấy hàng đoàn thuyền đi biển của những ngư dân Ngư Thủy được khiêng qua độn cát vào đồng trong đêm cứu dân Lệ Thủy trong mịt mờ sóng nước. Ai không khóc khi thấy cháu bé bơi lóp ngóp ra thuyền cứu trợ và một thanh niên trên thuyền để nguyên quần áo nhảy ùm xuống bế cháu lên, trao quà cho cháu và đưa cháu về nhà. Và, ai có thể cầm lòng trước bức ảnh cháu học sinh Quảng Nam từ trường chạy về nhà thì bố mẹ đã là 2 nấm đất, trước cái clip cả gia đình đã tử nạn được dân làng bế từng người xếp xuống huyệt.

          Làm sao để, không phải năm nào cũng nước mắt, năm nào cũng cứu trợ, năm nào cũng tang thương... là tâm nguyện của tất cả mọi người.

          Với tình yêu ấy, với sự tử tế thường trực của từng con người, trí thông minh và khả năng ứng phó, chả lẽ chúng ta cứ đành chờ bà con hoan nạn rồi mới đi cứu nạn cứu trợ...

          Tôi tin, với tất cả những gì đã có, những gì đã phát lộ và kể cả còn tiềm ẩn, chúng ta sẽ có nhiều cách để không phải chịu những cảnh thiên tai đau đớn, tàn khốc như những ngày vừa qua.

          Nước mắt chảy đúng lúc đúng nơi, nó là sức mạnh, là cốt lõi của sự tử tế, nó nhân lên tình yêu, sự cảm thông, đùm bọc... nhưng sẽ là quý hơn, khi đấy là những giọt nước mắt vỡ òa niềm vui, nước mắt của những điều không mất, của niềm tin và chan hòa sự bình yên  trước bão giông, trước sự khắc nghiệt của và cũng hết sức bao dung của thiên nhiên, của sự sống tươi đẹp xung quanh dẫu vẫn bất trắc khôn lường...


Bài trên Reatimes hôm nay, thứ 2 ạ



                                                             

4 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Khủng khiếp-14 giờ, bão số 9 quần thảo, quê nhà tan hoang, đến nay vẫn chưa có điện, Gõ những dòng này trên chiếc iPhone 4, và cơn bão 10, 11 đang chực chờ,

Văn Công Hùng nói...

Huhu xứ sở của bão đã đành, nhưng nó càng ngày càng tăng độ khủng khiếp.

Tô Hà nói...

Nước mắt đau thương. Nước mắt vui ấm tình đồng bào. Nước mắt tôi còn vì tấm lòng Văn Công Hùng.Thật hạnh phúc khi còn rơi được nước mắt.

Văn Công Hùng nói...

Hihi cám ơn chị Tô Hà ạ