Tôi
vẫn nhớ mãi cái thời lũ chúng tôi đang láu tháu lớn, đi sơn tán. Mình đã khổ,
nhưng trẻ con nông thôn còn khổ hơn nhiều. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
Nhưng lạ là, đứa nào đứa nấy cứ như củ khoai củ sắn mà lớn.
Đa
phần là nhai rồi mớm cơm cho con/ cháu/ em. Thường thì mẹ nhai cơm cho con. Chả
biết ai tuyên truyền nhưng hồi ấy có hẳn thuyết là, nhai cơm cho con tốt hơn vì
mẹ truyền được... tình yêu cho con. Nhà nào mẹ bận thì bà nhai cho cháu. Mà bà
thời ấy đa phần là nhai trầu. Nhổ toẹt cái bã trầu ra, với cái gáo nước múc một
gáo từ lu/ chum, súc miệng òng ọc phát rồi... nhai. Bà bận nữa thì chị nhai.
Con chị cõng con em như con mèo con tha con chuột lớn, tay cầm bát cơm, nó tha
em đi khắp xóm để nhai và bón. Thậm chí cả nhà bận thì thấy ai đấy đang rỗi,
đưa bát cơm nhờ nhai luôn.
Nhai
thì gồm có cơm và thức ăn. Thịt cá rất ít, thường là tí gì mặn mặn, kể cả... muối,
nhai cho nát thì, hoặc là nhra ra cái thìa đút cho đứa trẻ. Có khi nhè ra tay
đút, có người tiện hơn thì... từ mồm này đút sang mồm kia.
Thường
mấy đứa chị láu tháu nhai bón cho em ấy, miếng cơm từ miện nó sang miệng em nó
chỉ còn... một phần ba. Cơ khổ, nó cũng đói, chả muốn ăn của em nhưng miến cơm
cứ tự động tụt qua cổ họng nó mất hai phần ba thì biết làm sao.
Và
cái bọn được nhai cơm, mớm cơm thời ấy, giờ chúng cũng xấp xỉ bốn năm chục tuổi
cả rồi. Ấy là số mà tôi chứng kiến, chứ còn truyền thống nhai cơm của nước ta
nó có cả từ... nghìn năm. Chắc mới hết khoảng hơn mươi năm trở lại đây. Tất
nhiên thành phố hết trước, hơn chục năm là tính cho những vùng nông thôn sâu và
xa. Gặp nhau kể lại chuyện ấy, đứa nào cũng lè lưỡi eo ôi. Và nhìn lại mình, giờ
đa phần là thành đạt, sang trọng, ai nghĩ là từng cơm nhai cơm búng. Nhà thơ
Nguyễn Duy trong bài thơ rất hay "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" có câu về
việc này: "miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương".
Ấy
là ăn. Chỉ đến thế thôi, rồi ngủ. Ngủ thì bạ đâu ngủ đấy. Con chị cõng con em,
nặng quá, hoặc đứa nào rủ chơi chuyền chơi chắt, chơi ô chơi quan, chơi khăng
chơi đáo... thế là vất xừ nó đấy, cho nằm còng qoeo đấy, chị chơi đã. Đến lúc
nhìn lại, thấy em đã say sưa ngủ, vừa ngủ vừa khóc cũng có, vừa chảy nước mắt
cũng có, vừa cười cũng có... kệ mày, ngủ đi, chị chơi tiếp. Mà có về nhà ngủ
thì cũng chi chít trên một cái giường, thậm chí là cái ổ rơm. Mùa đông ở nông
thôn, mười nhà thì chín nhà quây ổ rơm ngủ, nhà còn lại thì lấy rơm trải lên
giường rồi trải chiếu lên.
Thế
buồn thì làm gì? Thì... mút tay áo. Cái ống tay áo cứng qoèo là sản phẩm của...
nước mũi được lau vào đấy. Lâu dần nó thành một thứ có thể... nhai được, và nó
mặn mặn, nó có cái gì đấy để hấp dẫn, để mà... nhai cho đỡ buồn.
Trẻ
con cứ thế mà lớn lên, như bầu như bí, như khoai như sắn, như mít như dừa, như
lạc như vừng... làm nên những thế hệ nối tiếp nhau, sinh con đẻ cái, tiếp tục
thành ông thành bà thành cha thành mẹ.
Và
bây giờ, lại một thế hệ đang nuôi con, nuôi cháu.
Tôi,
sau khi nuôi 2 đứa con gái, giờ cũng đã có cháu ngoại, cũng tham gia vào quá
trình nuôi và chăm chúng. Nên thi thoảng cũng xem thử bây giờ cha mẹ ông bà
nuôi con/ cháu như thế nào?
Nhà
ở ngay đối diện cái trường mẫu giáo nên chứng kiến nhiều hoạt cảnh cười ra...
máu chứ không phải chỉ nước mắt.
Có
đứa kia, mỗi sáng chuẩn bị đi học nó phán một phát, cho ai chở đi thì người ấy
mới được/ phải chở. Có khi nó phán ông hàng xóm chở, thế là phải năn nỉ ông ấy
chở giúp. Sáng thì nó chỉ xe máy, thế là xe máy. Sáng nó chỉ ô tô thì ô tô.
Nhưng con bé này ngang, hôm nắng nó chỉ ô tô, hôm mưa lút thút cương quyết chỉ
chịu xe máy. Mần chi nó. Sáng nào cả nhà ấy cũng đều... hồi hộp nín thở chờ nó
phán xong rồi ai đi đâu thì mới được đi.
Có
ông kia, khi cháu ăn là dứt khoát phải ngồi trên ô tô. Ông lái chạy dìu dặt
loanh quanh phố, ngồi phía sau là bà và mẹ, vừa hát, vừa vỗ tay, ông phụ họa bằng...
bóp còi. Có hôm chạy lên đúng Kon Tum rồi chạy về chẵn một trăm cây số mà vẫn
chưa xong bát cháo.
Có
vợ chồng nọ con lại chỉ thích ăn trong... thang máy. Thế là cái thang máy chung
cư thành bãi chiến trường riêng của cả nhà ấy. Mọi người tưởng tượng tiếp nhé,
khi mà thang máy cứ chạy lên chạy xuống mà không ai vào được, he he...
Lại
có đứa chỉ ăn ở sân trường. Mà phải cả bố và mẹ cho ăn. Bố lon ton chạy trước,
con lon ton chạy giữa, mẹ lạch bạch chạy sau, thi thoảng rướn lên "à ầm"
phát vào mồm con. Thích thì nó ngậm còn không thì nó phun ra, mần chi nó.
Đấy
là mới ăn. Còn uống nữa. Đa phần trẻ con bây giờ ăn là phụ, uống sữa là chính,
dù có người quả quyết cho rằng, sữa chỉ dành cho bê chứ người uống thì nó thành
cái nhẽ gì? Người là người mà bê là bê, không thể lẫn lộn. Ông ấy nói thế thôi,
chứ ở nhà mẹ bé quyết, bảo mua sữa gì là thun thút đi mua. Sáng uống trưa uống
tối uống, có đứa uống quen không chịu ăn cơm nữa, có đứa uống tới mức môi... trề
ra luôn trong tư thế mút.
Cái
gì cũng vận mình vào chứng minh thì nó chả phải, nhưng chưa cần thế hệ chúng
tôi, mẹ nhỡ mất sữa, có đường mà uống với nước cơm là hết sức... có điều kiện rồi,
mà thế hệ bố mẹ các cháu mẫu giáo nhà trẻ bây giờ, có sữa Ông Thọ mà uống cũng
là thiên đường rồi (Không biết người ta dùng sữa Ông Thọ và các loại sữa đặc
làm gì nhỉ?). Hiện hầu như không ai ở thành phố cho con uống sữa ông Thọ nữa,
ít nhất cũng phải sữa tươi TH True milk, Vina Milk, không thì sữa ngoại, dù chả
ai biết sữa ngoại thì tốt hơn sữa nội thế nào, vì cũng là sữa... bò. Cũng như
tôi nhắc ở trên, chưa ai giải thích tại sao bê uống sữa bò vẫn... ngu như bò,
còn trẻ con uống sữa bò thì vừa thông minh vừa cao kều béo tốt?
Đấy
là mới chuyện... ăn, còn dạy chúng mới là cả đoạn trường. Con vàng con bạc nó
khác củ khoai củ sắn hạt lạc hạt đỗ ngày xưa. Chỉ nguyên chuyện cả nhà trở
thành xe ôm cho các con đi học đã là hết sức vĩ đại rồi, chỉ nguyên hầu như
toàn bộ tài chính của nhà đổ vào cho con đi học cũng đã là vĩ đại rồi, và học
xong, tính cả đại học, là gần hai chục năm, tiền bỏ ra như núi, rồi chen nhau,
vật nhau, đè nhau... vào biên chế để hưởng lương ba bốn triệu một tháng là coi
như xoa tay hể hả thành công rồi. Lạ là, nghịch lý thế mà cứ tồn tại một cách hết
sức có lý, và nhờ có lý mà nó... phát triển.
Bài đã đăng Ở ĐÂY ạ, nhà cháu mang về lưu ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét