Nhà thơ Vân
Long, ngay lần đầu tiên lên Pleiku, khi ấy đã... 70 tuổi, tôi và thi sĩ Vân
Đình Hùng mời ông đi uống cà phê rồi... tiện thể tạt vào một vườn cà phê. Chả cứ
ông, mà ngay cả tôi, cũng cứ ngẩn tò te ra. Cả một vườn cà phê trắng ngát, trắng
ngào ngạt, trắng tin khiết, trắng đến... đau đớn, đến vô ngôn.
Nói
luôn, như rất nhiều thi nhân xứ Bắc khác, ông không uống đều cà phê, mà uống
trà. Hôm ấy, ông cứ cầm cái lý xoay xoay, mãi không uống. Tôi nghĩ ông không
nghiện, không khoái món này, nên cũng không nài, cứ kệ ông với cái ly trên tay.
Có khi đấy cũng là một cách thưởng thức cà phê. Đến lúc ngẩn ngơ trong vườn cà
phê trắng muốt hoa kia, ông thốt lên: Cả đời uống cà phê đen/ mới hay hồn hoa
trắng. Tôi giật mình với liên tưởng thần tài của nhà thơ đàn anh, và câu này
sau đấy là câu mở đầu bài thơ của ông.
Ngoài
sự phát hiện, sự tương phản đen trắng của câu thơ, tôi còn cảm nhận nỗi đau của
câu thơ ở chữ “hồn”. Hồn ở đây có thể nhiều nghĩa, nhưng có một nghĩa là hương
hồn, là sự hy sinh. Bông hoa trắng ngần trinh bạch kia, đã phải hy sinh sự mỹ
miều của mình, sự đẹp sự sang đến ngẩn ngơ của mình, cái sắc trắng đến tận cùng
trắng của mình... để cho giọt cà phê đen...
Và
tôi, tận hôm ấy, cũng mới bàng hoàng trước cái sắc trắng diệu kỳ của hoa cà
phê. Cả một cành dài, cả khu vườn, tăm tắp trắng, đều đặn trắng, tận cùng trắng,
ngút ngát trắng. Dưới nó, đất đỏ, chen với nó, lá xanh. Nó cứ rờn rờn trắng...
Và
từ câu thơ của nhà thơ Vân Long, tôi nhận thêm một nỗi đau của sắc trắng ấy. Cả
cái miền hoa trắng miên man rợn ngợp, chỉ một thời gian ngắn sau, là hết, là
như chưa từng có, chưa từng xuất hiện trên cõi đời này. Nó đã hy sinh cho quả
cà phê, rồi từ quả, là những giọt cà phê. Màu đen, tất nhiên.
Thực
ra thì cà phê không đen, nhưng thôi, như một mặc định, ta cứ gọi là cà phê đen.
Và cái ly cà phê không sữa, ta cũng gọi là cà phê đen.
Cà phê ăn nhau là ở
không khí, chứ không chỉ là cà phê.
Tôi
nghiện cà phê từ năm 1975, ngay lần đầu tiên về quê nội, ở Huế ấy. Uống xong là
nghiện. Thời sinh viên, thèm cà phê như thèm... thuốc, nhưng chỉ hôm nào có “sự
kiện” gì, như mai thi, như hẹn bạn gái đi chơi mà được nhận lời, mới dám... hào
phóng làm một ly cà phê. Hồi ấy còn thứ cà phê mà dân Bắc hay gọi là cà phê bít
tất, tức là cà phê kho, cho cà phê bột vào một cái bao, túm lại, cho vào nồi
đun, nước đen kịt. Khách vào lại chế ra cái xoong nhỏ, hâm nóng rồi chế vào ly.
Nhưng nghe thế, nhìn thế, không phải ai cũng có thể làm cà phê kho đâu. Là sau
này tôi phát hiện ra điều ấy. Nó còn cả trăm thứ bà rằn để ly cà phê đúng là ly
cà phê, để uống một lần rồi là cứ phải... mãi mãi.
Từ cà phê kho chuyển sang cà phê phin
là cả một... quá trình, rồi sau đấy lại từ cà phê phin chuyển sang cà phê ép.
Và giờ, té ra, có rất nhiều cách, nhiều kiểu uống cà phê.
Thực
ra thì cũng là hạt cà phê, xay ra, nhưng cách uống Việt Nam lại ít ai uống nguyên
chất thế, mà mỗi quán có một cách pha chế khác nhau. Có thể là trộn nhiều loại
cà phê hạt với nhau rồi rang xay theo một tỉ lệ riêng của quán, có thể thêm tí
gia vị như mỡ gà, nước mắm, cả... hạt cau nữa.
Nó cũng
còn do quan niệm nữa. Như lâu nay ai cũng biết Tây
Nguyên là đất cà phê, và lâu nay Đăk Lăk được mặc định là thủ phủ cà phê, nhưng
những nghiên cứu gần đây cho thấy, cũng như trà, cà phê ưa độ cao. Và như thế
thì, Gia Lai cũng là một đất cà phê chính hiệu, bởi nếu tính độ cao so với mặt
nước biển, Gia Lai chỉ thua Lâm Đồng, chỉ là, nó phát triển sau Đăk Lăk. Có
người ở Gia Lai còn kỳ công sang Lâm Đồng, chọn cái rẫy cà phê ở cao đã đành,
nó lại còn có phương chiếu thẳng được xuống biển, để cà phê ở đấy hưởng được
gió, được không khí biển, sẽ ngon hơn, đậm hơn, chất cafein đặc trưng hơn. Mua
cả rẫy, thuê người trông coi và hái quả, hái rất cẩn thận, chín mới hái chứ
không như lâu nay đã hái là tuốt hết để vừa đỡ nhân công vừa khỏi lo bị hái
trộm thành thử chất lượng thấp. Mua về rồi tự rang xay làm nên thương hiệu cà
phê của riêng mình. Đây là cặp vợ chồng trẻ nhưng rất đam mê và am hiểu cà phê,
có đến 5 quán cà phê ở Gia Lai mang thương hiệu 24 và hiện đang bán rất chạy
trên thị trường, cả cà phê ly trong quán lẫn cà phê bột ship khắp nước và cả nước
ngoài.
Vậy
nên, uống nhiều thì mới hiểu rằng, hương vị mỗi quán cà phê là khác nhau, không
quán nào giống quán nào, đấy là bí quyết từng quán để giữ khách quen. Dân cà
phê mà bạ quán nào cũng ngồi thì hoặc là dễ tính, hoặc uống cho qua. Người ta
uống cà phê trước hết là vì... cà phê. Nó hợp khẩu vị, hoặc khẩu vị bị quán ấy
chinh phục. Như nhau cả, để trên đời này sinh ra những kẻ... chung thân với cà
phê. Đúng ngày đúng giờ, thậm chí là đúng phút, là lù lù một đống ở đấy, mặt
xoay hướng ấy, dáng ngồi như thế, ly cà phê như thế... mà rất đông những “cục
ngồi” như thế ở cà phê Thu Hà mỗi sáng là ví dụ.
Chưa
hết, còn không khí cà phê. Cái này thuộc tài năng từng chủ quán. Ví dụ như tôi,
ở Pleiku, hôm nào cũng cà phê, nhưng chỉ ngồi đúng vài quán. Một là quán cóc
ngay sát cơ quan, vỉa hè thôi, ngồi ở một cái ghế dựa vào tường, nhìn ra ngoài
đường. Ly cà phê 7 ngàn thời cách đây... 5 năm. Hôm nào cũng thế, đen nóng.
Phin cà phê cho vào cái lon sữa bò rót nước sôi vào, chảy hết phin thì lon vừa
nguội, uống rất vừa miệng.
Quán
thứ 2 thì gần nhà, giá 14 ngàn, cũng đen nóng, vẫn cà phê phin, và tôi chỉ đen
nóng. Cho đá hoặc sữa vào là nó hỏng cà phê đi.
Hơn
năm trở lại đây thì... chuyển gu, chỉ cà phê ép. Ấy là từ khi phát hiện ra cà
phê 24, uống của “nó” rồi quen, rồi nghiện kiểu ấy. Cũng là thời thực phẩm bẩn
bị lên án, cà phê... pin xuất hiện. Dù pin ấy không phải dùng để pha vào cà phê
như đồn thuở ấy, nhưng giờ nhu cầu cà phê sạch lên ngôi. Mà sạch nhất, ấy là cà
phê hạt ép tại trận, ép tươi đành đạch, ly cà phê bưng ra còn như đang tê tê
giãy. Cà phê phin giờ cũng rất ít trộn phụ liệu nữa, nhưng khi đã uống cà phê
ép thì cà phê phin có vẻ như nhạt hơn.
Còn
cái gọi là cà phê lẩu, thực ra nó là cà phê nóng, thay vì cái lon sữa bò bình
dân người ta ra lò gốm (có thể là Bát Tràng) đặt một bộ bếp tí xíu, có chỗ đặt
cồn hoặc nến, đặt cái ly cà phê có phin lên đấy, bảo đảm cà phê nóng bỏng môi,
và nó vui mắt nữa, trông như ngồi bên... Paris, có cái lò sưởi bên cạnh. Tất
nhiên loại cà phê này chỉ hợp với xứ lạnh, chứ chảy mỡ ra như Sài Gòn thì có mà
chết ngốt. Rất nhiều bạn bè xứ nóng thấy tôi ngồi co ro trước cà phê “lẩu” hỏi
địa chỉ và... nguyên do lẩu. Xứ nóng như Sài Gòn, ly cà phê, đá chiếm 2/3,
trước khi uống còn cố lắc cho đá tan nhanh, rồi ực phát, nhu cầu giải khát là
chính.
Chỉ
ai pha cà phê ở nhà, ngồi uống một mình, ngày nào cũng thế, thì đấy mới chính
là dân nghiện cà phê thứ thiệt. Còn ra quán ngồi, dẫu ngồi ngày mấy lần, thì
cũng mới chỉ là nghiện không khí cà phê thôi. Tôi uống cà phê đều đặn hàng
ngày, nhưng cũng chỉ mới là kẻ nghiện không khí mà thôi, bởi ngồi ở nhà thì
cũng phải uống, nhưng nó cứ thiêu thiếu cái gì.
Cái
ấy chính là không khí...
Nhiều
khách du lịch lên Gia Lai nói với tôi, thích nhất không khí cà phê ở đây. Nên
dẫu nhiều bác nhà văn bạn tôi, từ phía Bắc vào, cầm ly cà phê cho thật nhiều
đường vào, ực một phát, rồi chép miệng, ngọt quá, nhưng khi về vẫn thư điện tử
hoặc lên facebook khoe đêm cà phê Pleiku tuyệt vời...
Khi
cầm ly cà phê, hàng vạn ly cà phê được cầm mỗi sáng, mấy ai nhớ cái ngàn ngạt
trắng của hoa cà phê? Chữ “Hồn hoa trắng” bác Vân Long dùng rồi, tôi gọi là
“miền hoa trắng” vậy, dù nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có cái bút ký rất hay
“Miền gái đẹp”- mượn chữ “miền” của bác ấy vậy.
1 nhận xét:
Tem. Chính hiệu con nai vàng "Cà phê".
Đăng nhận xét