Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

XEM UẤT CẤP TRONG... TRẠI



           Tôi vừa trải qua đúng 15 ngày xem uất cấp (world cup) trong... trại.

           Chả biết ai đặt tên là trại sáng tác mà từ xưa giờ gọi riết thành quen, giờ nó vừa là danh từ lại cũng có thể là động từ. Nhiều bạn bè hỏi tôi sao văn nghệ sĩ các ông cắc cớ lại đặt tên là trại viết mà không là buồng là phòng là gì gì đấy, trại nghe như... trại tù, trại lính. Tôi bảo biết đâu đấy, khi trở thành nhà văn tôi đã thấy có... trại rồi, mà chả cứ tôi, bao nhiêu bậc đàn anh, bậc thầy của tôi vẫn cứ vào ra... trại như... con nghiện, có ai thành tù nhân đâu.

           Năm nay Tạp chí Văn Nghệ quân đội mở trại sáng tác ở Biên Hòa. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có hẳn một hệ thống Nhà sáng tác trong cả nước, thực ra là ở các tỉnh thành Vĩnh Phúc (2 cái, ở Tam Đảo và Đại Lải), Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt... dành cho các hội chuyên ngành trung ương và các hội địa phương, mỗi đợt 15 ngày cho mười lăm người. Ngoài ra thì còn tự tổ chức, do tài “ăn ở”, quan hệ. Tạp chí Văn Nghệ quân đội là một trong những tờ báo Văn chương hay tổ chức các trại sáng tác, và tất nhiên là ở các địa phương hoặc ngành. Nếu các nhà sáng tác dành cho các hội, và tiêu chuẩn để các hội chọn trại viên trước hết phải là hội viên, thì tạp chí Văn Nghệ Quân đội chọn trực tiếp trên năng lực sáng tác, trên những tác phẩm đăng trên chính tạp chí ấy, vì thế, nói như các tác giả được Tạp chí mời đi thì là, đây là sự vinh dự tự hào, vì nó căn cứ trên chất lượng tác phẩm chứ không phải trên danh sách hội viên. “Hội viên kia cũng có năm ba bảy đường”, có người hay ngân nga thế...

           Trại khai mạc một ngày thì... uất cấp khai mạc.

           Việc đầu tiên là tôi lân la tìm hiểu những ông bà nào nghiện bóng đá để “kết nạp” hội. Đa phần các nhà văn nhà thơ mê bóng đá, có ông bà còn mê như lên đồng, mê hơn mê... tác phẩm của mình, dù giới nhà văn thì văn mình vợ người là... châm ngôn. Nhưng cũng có vài bác thủng thẳng: chán chết, thích thì mua về mà dùng chứ làm gì mà phải mấy chục thằng tranh nhau quả bóng. Mà lại hết sức mờ ám, cứ nửa đêm mới đá. Sao cả ngày rỗi rãi không đá, cứ nửa đêm mới hè nhau đá. Phải mờ ám thì mới đá vào nửa đêm chứ. Tớ là tớ không chơi ngành mờ ám nhé...

           May, trại 30 người nhưng chỉ có 15 ông bà ở trong trại. Trong 15 thì có gần 10 là mê, mấy cô giáo kiêm nhà văn phía Bắc cương quyết nói không với bóng đá dù đích thân được trưởng trại... quyến rũ: Sẽ giảm chỉ tiêu sản phẩm. Không là không, không lằng nhằng nhé. Ăn chiều xong là chốt cửa phòng, viết và ngủ. Có 2 tác giả rất trẻ cũng thế, là Lê Quang Trạng và Nguyễn Chí Ngoan, viết rất hay nhưng... không bóng đá. Biết làm sao, té ra bóng đá cũng chưa phải là cái gì thần thánh để mê hoặc tất cả mọi người nhé.

           Cũng may nữa là 2 ông “cai ngục” rất mê. Thì đã trại là phải có cai ngục chứ sao. Ông nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng được tổng biên tập tạp chí, đại tá nhà văn Nguyễn Bình Phương giao trực tiếp làm cai ngục, ăn ở với trại đủ 15 ngày. Còn tổng cai ngục Nguyễn Bình Phương thì vào ra ngày đầu và ngày cuối (ông này cũng nghiện bóng đá, may thay). 2 ông cai ngục tuyên bố: là nhà văn thì phải tự trọng, đi trại là phải viết, chỉ tiêu giao rồi, còn bóng bánh là chuyện... đương nhiên. Ông Đoàn Văn Mật còn tuyên bố biến phòng mình thành đại bản doanh bóng đá của trại.

           Việc thứ 2 là... tivi. Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ trại đặt tại nhà khách tỉnh ủy. Nhà khách thì biết rồi, nó cũ và lạc hậu so với khách sạn, dù nhà khách tỉnh ủy Đồng Nai thuộc loại rất đông khách và nhiều nơi thuê hội nghị hội thảo tập huấn. Toàn bộ tivi trong các phòng là loại 14 inches màn hình cầu vồng của thời... thế kỷ trước. Đã thế lại còn khuyến mãi thêm rất nhiều... hạt. Hạt to như hạt chôm chôm, và thêm tất nhiên nữa là đa phần remote đã hỏng, điều khiển trực tiếp thôi. Tất nhiên là nhiều người đành tặc lưỡi chấp nhận. Có ông còn hiến kế là bê hết ti vi của các phòng tập trung về phòng ông Mật cho nó... to hơn. Nhưng đa phần là phải quyết tâm... tìm cách. Đêm đầu tiên ăn chiều xong cả trại rầm rập... tràn ra đường tìm cà phê bóng đá để xem trận khai mạc, xác định qua đêm ở đấy luôn. Đi miết kiếm được một quán, vào xem thì nó cứ... lâu lâu lại dừng. Phát điên lên được. Thì ra quán này phát từ máy tính, mà năm nay VTV quản khoản bản quyền rất ghê nên cái gì ngoài quyền nó cứ cà giật cà giật và cuối cùng thì... đứng im.  Vừa xong hiệp 1 tất cả lại rùng rùng đứng dậy chạy như ma đuổi về nhà. Thôi thì nhỏ cũng được, hạt cũng được, không rõ cũng được, nhưng nó còn có... tiếng, còn có những cái bóng lờ mờ chạy đúng tính chất live...

           Nhưng không thể cứ thế này được. Khó như... thơ mà còn mần được thì chuyện kiếm cái tivi tử tế để xem chỉ là muỗi. Sáng sau ăn sáng hội ý nhanh, một là đi mượn tivi (chuyện đi mượn tivi mùa uất cấp cũng khó như đang viết phê bình mà chuyển sang mần... thơ), và hai là góp tiền mua một cái mới. Phương án 2 có vẻ thanh thoát hơn thì ông nhà thơ Đàm Chu Văn xuất hiện. Nhà ông này cách trại... 300 mét. Con trai ông, bằng tất cả sự quyết tâm ăn thua đủ với uất cấp đã vừa sắm mới một cái tivi tinh thể lỏng màn hình phẳng treo trên tường, để cái 21 inches lâu nay cả nhà xem vào góc. Ông Văn hồ hởi, nếu nhất trí 21 inches thì tôi bê qua. Ơ tại sao lại không đồng ý nhỉ. Vỗ tay rầm rầm.

           Thế là ăn bóng đá. Sáng xuống phòng ăn sáng nói chuyện bóng đá tối qua, vừa xem với nhau cả đêm hò hét bình be nát ra rồi, sáng thì nói... xấu nhau. Ông nào đang xem lăn ra ngủ. Ông nào tranh thủ vào toilet chợp mắt 15 phút, bà nào xem mãi rồi hốt hoảng hỏi: Ơ địch bên nào ta bên nào? Có ông thì xem một hiệp bỏ một hiệp và cũng bàn tán như xem cả... 6 hiệp (thời gian đầu vòng loại một đêm 3 trận). Có ông nhầm Messi với... Công Phượng vân vân... Trưa tối cũng thế. Ngồi vào mâm là... bóng đá. Tất nhiên trước đấy 2 cai ngục luôn “nghiêm khắc” nhắc nhở kỷ luật lao động và thành quả lao động. Có mấy cuộc tham quan thâm nhập thực tế. Cuộc đầu tiên lên xe rất vui, chuyện như pháo rang, hát hò đọc thơ các loại. Các cuộc sau thì... im lìm, lên xe là... ngủ. Bóng đá nó vật đấy. Mấy mẹ không xem bóng đá dè bỉu.

           Nhưng quả là, chỉ khoảng một tuần đầu là có thể tập trung ở phòng nhà thơ Đoàn Văn Mật xem đủ 3 trận. Những người cuối cùng ngồi lại thường có tôi, tất nhiên, ông chủ phòng Đoàn Văn Mật, cũng tất nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng ở phòng đối diện thi thoảng tụt về... chợp mắt tí nhưng về cơ bản là cũng đủ mặt. Ông nhà văn Lê Hoài Lương và Mai Tiến Nghị cũng thi thoảng đủ mặt. Hôm nào 2 bóng hồng của trại Huỳnh Thúy Kiều và Nguyễn Thị Thu Trân ngồi xem thì hôm ấy... đông đủ rôm rả, nhưng lại bí bách vì không được... văng thoải mái. Nói thật, bóng đá mà không được thi thoảng văng phát nó như ngứa không được gãi, tức chết đi được.

           Thế là tương kế tựu kế thống nhất: thôi từ nay xem tập trung hết trận 1, hiệp 1 của trận 2 xong thì ai về phòng nấy. Chả 21 inches thì đừng, 14 cũng tốt, vì lúc này chỉ nằm trên giường... nghe. Cứ để tivi đấy, lúc nào thấy bình luận viên thét lạc giọng lên thì... bừng mắt dậy, xem chiếu chậm cũng được, rồi lại... ngả lưng. Thế mà sáng ra cũng cãi nhau như... đúng rồi. Thì thế mới là... bóng đá. Có người giải thích bóng đá nó giống... thơ là thế, ai cũng thưởng thức được. Mỗi người xem mỗi cách theo sở thích, trình độ, phông văn hóa, thói quen của mình. Các bà các cô có khi xem hết trận, hô hào như fan thứ thiệt, xong trận mới thỏ thẻ: thế ta thắng hay địch thắng? có người xem chỉ vì cầu thủ... đẹp trai. Nhân đây nói thêm tí, là tôi ấy, chả thấy mấy ông cầu thủ Ý đẹp trai chỗ nào cả, mà rất nhiều chị em nhà ta cứ ca lên tận mây xanh. Có cô năm nay cương quyết không nhắc gì đến bóng đá chỉ vì không có các cầu thủ Ý đẹp trai của cô ấy xuất hiện ở uất cấp. Có người xem bóng đá chỉ vì trót hứa với vợ là giữa hiệp của trận thứ 2 sẽ... nhắn tin cho vợ. Có người xem chỉ vì ủng hộ châu Á, cứ có châu Á đá là cổ vũ hết mình dù chả biết nó đá như thế nào? Lại có người chỉ vì ghét ông Messi kênh kiệu, ghét ông Ronaldo lầm lì (và tối qua họ đều... mãn nguyện khi cả hai tài năng này “nắm tay nhau thật chặt, tiễn chân nhau về quê”. Lại có người xem chỉ để nhặt những cái sai của ông bình luận viên TBC để hôm sau... cười. Mà ông này sai thì đã thành giai thoại, đã thành... thương hiệu. Đại loại thế, nó làm nên một thế giới bóng đá mịt mù và tung tẩy, mê đắm và khổ ải, mỏi mệt và hưng phấn, khó chịu và... chịu khó. Nó cuốn mọi người vào một mùa uất cấp tưng bừng và cũng đầy bi hài kịch...

           Hôm qua, đêm đầu tiên của uất cấp tôi xem bóng đá một mình, ở nhà, trong buồng của mình. Cái tivi 42 inches to vật, mịn như... da em bé, và chứng kiến một đêm khủng khiếp (trong nhiều đêm khủng khiếp) của bóng đá: 2 ông kễnh bị loại. Hàng triệu người đã thổn thức tiễn Achentina với ngôi sao Messi và Bồ Đào Nha với Ronaldo, nghẹn ngào, tiếc nuối và có cả... hả hê, bởi nó chứng minh một quy luật là, tre già thì có măng lên. Già thì nhường chỗ cho lớp trẻ. Và nhìn cầu thủ U20  Mpape của Pháp tung hoành trên sân với những bước chân gần như không phải của... người thường, cả thế giới bóng đá phải ngả mũ chào, và sự tiếc nuối chỉ còn... thoi thóp. Vấn đề là, xem được một lúc lại nhớ những ngày xem trong... trại. Thế là lập một group, xem tập thể với những người đã 15 ngày cùng mình ăn bóng đá ngủ bóng đá. 

           Tất nhiên nói cho công bằng, cơn sốt bóng đá quốc tế (gồm cả World cup, Euro, các cúp Châu Âu...) không còn... sốt như ngày xưa. Có thể có nhiều nguyên nhân, như giờ cái sự xem nó dễ hơn ngày xưa nhiều, thuận tiện hơn nhiều, có thể xem trên nhiều phương tiện, hoặc là còn nhiều thú vui hơn bóng đá nên nó san sẻ sự đam mê ra, hoặc nữa đất của báo chí dành cho bóng đá cũng ít hơn. Hết rồi cái thời làm tin nhanh bóng đá và bán như tôm tươi. Giờ mỗi người là một... tin nhanh rồi. Vân vân...

           Còn 15 ngày nữa mới kết thúc World cup năm nay kể từ khi tôi ngồi viết bài này, còn nhiều bất ngờ phía trước, nên cái sự cả Ronaldo và Messi cùng dắt tay nhau Go Home tối qua có thể chưa phải là bất ngờ nhất. Và những gì tôi viết nó không phải là... bóng đá, nó là loanh quanh bóng đá, loanh quanh... tôi mà thôi...



                                                                                               

3 nhận xét:

Unknown nói...

Đọc nhớ trại lắm anh..

Hoai Anh nói...

Mbappe (Kylian Mbappé) chứ không phải Mpape bác ợ!

Hoai Anh nói...

Bác ơi, không phải Mpape đâu mà là Mbappe (tức Kylian Mbappé hay tên đầy đủ là Kylian Sanmi Mbappé Lottin) bạ ợ!