Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

CHUYỆN LÀNG VOI NHƠN HÒA



           Đúng ra chính xác phải là “Từng có làng voi Nhơn Hòa”.

           Cứ nghe là Tây Nguyên xứ voi, nhưng thực ra, tìm hiểu kỹ, chỉ có ba làng (vùng) voi nổi tiếng thôi, là buôn Đôn (Đăk Lăk), một làng ở huyện Lăk và Nhơn Hòa (Gia Lai). Trước đấy từng nghe An Khê là nơi luyện voi của nghĩa quân Tây Sơn, nhưng cũng chỉ là... nghe nói vì bây giờ dấu tích hầu như không còn, từ bãi luyện voi cho đến xương cốt voi...

           Trong mấy làng voi kể trên thì chỉ có Buôn Đôn nổi tiếng là người dân có nghề săn bắt voi rừng về thuần dưỡng. Có những người được phong lên đến vua voi, mà không chỉ trong nước phong mà vua Thái cũng phong, chức Khun Xô Nốp cho một ông “vua” lừng danh. Và người ở đây từng săn được cả bạch tượng, tặng vua Bảo Đại và vua Thái Lan. Nghe nói con Bạch tượng của vua Bảo Đại sau đấy dứt xích trốn vào rừng, giờ thoắt ẩn thoắt hiện đâu đấy giữa đại ngàn Cao nguyên?

           Làng voi Nhơn Hòa thì ngược lại, người Jrai ở đây chỉ mua voi về nuôi chứ không tự săn. Mua từ Buôn Đôn hoặc bên Lào. Nhà giàu thì sở hữu một vài con, nhà nghèo thì chung nhau, vài người, đến ba bốn người một con, như kiểu có thời ta nuôi chung bò, thậm chí là heo.

           Nhưng nghề nuôi voi ở đây đã lên đến hàng thượng thặng, có những “nghệ nhân” nuôi và thuần dưỡng voi rất giỏi.

           Voi Nhơn Hòa, khác Đăk Lăk là chưa tham gia bao nhiêu vào dịch vụ du lịch, mà người dân ở đây nuôi để, một là để sử dụng sức kéo, chủ yếu là kéo gỗ (thuở còn rừng) và là của cải để dành. Voi là cả gia tài của người Jrai ở đây, nhà ai mà có thớt voi trong nhà thì thuộc loại “cự phú”, một chân voi (một phần tư con) cũng là rất oách. Làng voi này tồn tại cả trăm năm rồi. Nhưng mấy năm nay, làng này mất tên “voi” bởi voi đã bị xóa sổ ở đây. Thời hoàng kim nhất của du lịch Gia Lai, công ty du lịch ký hợp đồng với các chủ voi, mở tour du lịch cưỡi voi luồn rừng. Món này hấp dẫn các khách du lịch nước ngoài chứ người trong nước ít ham vì vừa đắt mà lại... mệt. Nhưng dù sao thì cũng có việc làm, dân trong làng có thu nhập từ voi. Khi không có khách thì voi được thả vào rừng, tết thì lại được “điều” lên Pleiku làm “mẫu” chụp ảnh ở mấy khu sinh thái hoặc... dạo phố. Vài năm chi đó thì... phá sản, bởi đi theo hầu một ông voi lên phố phải rất nhiều người và tốn kém. Quản tượng ư, chăn voi cắt cỏ ư, thuốc men ư..., Hết khách, cũng hết gỗ để kéo, voi đói và... người đói theo. Voi đói thì còn thả nó vào rừng tự kiếm ăn, chứ người đói thì... phải bán voi thôi. Thế là bầy voi của Nhơn Hòa lần lượt được bán, có con bán ngược sang... Buôn Đôn, có con công ty du lịch mua đứt rồi sau cũng chả biết số phận chúng thế nào?

           Có lần kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa, tỉnh Nghĩa Bình cũ đã lên Nhơn Hòa thuê voi để xuống diễu phố Quy Nhơn, phục dựng lại cảnh nghĩa quân Tây Sơn ra trận, nhưng việc không thành, voi đi được nửa đường, đâu như đến An Khê, thì phải quay về. Lại cũng có lần ra Huế dự Festival tôi thấy có mấy con voi, thấy bảo thuê từ Tây Nguyên ra, không biết là thuê ở Buôn Đôn hay Nhơn Hòa, nhưng người đi xem voi đông lắm.

Có rất nhiều lý do để việc làng voi Nhơn Hòa mà không còn voi xảy ra. Thì ngay buôn Đôn nổi tiếng thế mà giờ voi cũng đang là của hiếm nữa là. Một là cứ nuôi kiểu “nô lệ” như thế thì voi không sinh sản được, những con đang có sẽ bị già và chết. Thứ 2 là du lịch không phát triển, công việc không có, chả ai nuôi voi để... ngắm cả, trừ nhà nước bỏ tiền ra để bảo tồn. Thứ 3 là voi không được bổ sung vì giờ không ai cho săn bắn voi, các nghệ nhân cũng lụt nghề vân vân...

Vừa rồi xuống Chư Pưh, thấy anh Nguyễn Bá Thạch, phó bí thư huyện ủy và một số lãnh đạo huyện trăn trở chuyện khôi phục đàn voi, khôi phục làng voi Nhơn Hòa, thấy dự định có vẻ rất khả thi.

Ấy là sẽ có doanh nghiệp bỏ tiền mua voi từ Lào về giao cho dân, huyện sẽ giao mấy chục héc ta rừng làm môi trường cho voi sinh sống tự nhiên, có thể sinh sản được. Có chính sách khai thác voi hợp lý khi tỉnh phát triển du lịch, Nhơn Hòa trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái. Khách thăm voi trong rừng chứ không chỉ cưỡi voi trên một đoạn đường ngắn mấy trăm mét tới lui lui tới rồi lại đứng... vẫy tai chờ khách vân vân...

Là mới chỉ bàn bạc ngoài lề chứ chưa có một kế hoạch cụ thể, hay chính xác là kế hoạch ấy đang bắt đầu triển khai, nhưng chúng tôi, những người yêu mến văn hóa Tây nguyên, từng viết nhiều về voi Nhơn Hòa, thấy mừng.

Bởi như thế là sẽ sống lại một làng voi đã từng oai hùng, nghề thuần voi nuôi voi không bị thất truyền, Gia Lai có thêm (hay chính xác là khôi phục) một điểm du lịch từng nổi tiếng.

Và dự định này rất hiện thực, bởi khi du lịch trở thành mục tiêu phát triển chung của cả tỉnh, khi ý thức được mở rộng, du lịch và sinh thái và bảo tồn lâu dài chứ không chỉ nhăm nhăm khai thác ăn ngay, và cách nuôi voi gần với tự nhiên, nhà nước và nhân dân đồng lòng... thì hy vọng những trăn trở của các anh lãnh đạo huyện là có cơ sở để thực hiện...


Voi... 5 chân, bản quyền nhà cháu ạ


Dây bắt voi rừng bằng da bò tót, vẫn bản quyền nhà cháu ạ
 
                                                               

Không có nhận xét nào: