Có một thứ, mà té ra, ngẫm sâu một chút, thì thấy nó cũng là một dạng tham nhũng rất kinh, rất khủng khiếp, chả khác gì, thậm chí là hơn, các loại tham nhũng tiền bạc vật chất khác.
Ấy là biên chế.
Chả biết từ bao giờ, dân ta, từ cán bộ đến dân đen, thấy việc “chạy” vào biên chế là đương nhiên. Nó đương nhiên đến mức mà, có ai đấy nói vào đấy vào đấy không mất đồng nào thì… không ai tin, bảo chỉ trời sập mới có việc ấy. Không tốn tiền thì tốn quan hệ, tức là… con ai?
Nó có giá hẳn hoi, vào đâu thì bao nhiêu, giá cứng bao nhiêu giá mềm bao nhiêu, như mê hồn trận, không biết thật giả thế nào? Thậm chí ở cả một số ngành tưởng như không thể có chuyện ấy, thế mà nghe nói vẫn có.
Tại sao lại nghe nói, là bởi ai cũng nói, ai cũng biết, nhưng chả có ai tìm xem nó có đúng không, có thật thế không, cứ nửa mù mờ nửa công khai thế?
Và nó là đất cho các loại cò xuất hiện. Nhiều vụ mất tiền oan, nhưng nhiều vụ thì, đau đớn thay, lại cực kỳ chính xác.
Biên chế nó như là một sự bảo đảm cho ai đã có nó rồi thì cứ yên tâm… nhởn nhơ, làm như thế nào thì cũng vẫn như thế, anh dở anh giỏi như nhau, cào bằng.
Biên chế cũng chứng minh một điều rất lạ là, lương chỉ có từng ấy, chi li ra thì chả ai đủ sống, nhưng ai cũng sống tốt, sống mạnh khỏe, như một “tấm gương” sống để những người chưa có biên chế bằng mọi cách và tìm mọi cách để có biên chế.
Biên chế nó còn là một thứ cầu vồng tán sắc để ai cũng mơ về nó, lấy nó làm kim chỉ nam để mà… chạy, dù càng ngày cửa vào biên chế có vẻ càng hẹp và được bảo vệ rất kỹ, kỹ thuật qua cửa rất khó, nhưng vẫn có người lách được.
Biên chế là nơi để giải thích điều nghịch lý không thể nghịch lý hơn, là chạy để vào nơi mà khi vào được rồi, sẽ hưởng lương bằng nửa, thậm chí chưa bằng, “lương” mà bố mẹ cấp hàng tháng trước đó khi đang học. Nói giải thích được là nói cho vui, bởi cho đến giờ vẫn chưa có ai giải thích nổi. Nó luôn luôn là một bí ẩn để ai cũng hiểu mà rồi chả ai hiểu gì cả?
Biên chế khiến cho người ta vô trách nhiệm với việc tiết kiệm biên chế. Tỉnh ra trung ương xin biên chế. Huyện lên tỉnh xin biên chế. Xã lên huyện xin biên chế. Khi xin có đầy đủ lý do, luận cứ để xin. Xin được rồi thì… xử lý. Nhiều cơ quan xin được tiêu chuẩn biên chế bèn cố gắng tuyển dụng cho đủ chứ không cần biết có cần tuyển thêm và người tuyển thêm có phù hợp công việc không. Có cả loại biên chế gửi, biên chế chờ. Cứ hợp đồng lao động vào làm ất ơ ở đấy, chờ biên chế.
Sinh ra hẳn một cơ quan quan trọng là tổ chức để xử lý việc biên chế. Và cơ quan này cũng là nơi đẻ ra những hệ lụy của biên chế.
Cũng có một điều rất lạ này, là cả chục năm nay, cứ bao giờ nhà nước ra các quyết định, nghị định, nghị quyết về biên chế thì biên chế lại phình ra.
Nhưng lần này thì có vẻ khác.
Mấy hôm nay trên nghị trường quốc hội thấy các đại biểu nói rất gay gắt về vấn đề biên chế. Nó làm lãng phí, làm hao tổn ngân sách quốc gia đã đành, nó còn làm thoái hóa cả một số cán bộ, khi mà họ đã “chạy” được biên chế thì phải có cách để… thu hồi. Không ai bỏ tiền ra để rồi hàng tháng nhận lại khoản tiền lương rất khó khăn mới đủ sống tằn tiện. Họ phải nghĩ cách thu hồi. Và khoảng cách giữa dân với các cán bộ, bộ mặt của cơ quan nhà nước, lộ và ngày càng giãn ra, từ đấy.
Nên chuyện lót tay, phong bì, mãi lộ ngày càng khiến ít người quan tâm. Nó làm cho bộ máy xộc xệch, có vận hành nhưng không chạy, và chạy theo định hướng nhóm.
Tức là hệ lụy từ việc biên chế rất lớn, không chỉ tạo ra một bộ máy yếu và thừa, mà sinh ra những vấn đề đạo đức công vụ gây mất niềm tin trong xã hội.
Ban chấp hành Trung ương vừa phải có riêng một nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chỉ riêng việc kết thúc hoạt động của 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ cũng đã tiết kiệm được số tiền rất lớn mà công việc vẫn chạy, thậm chí là… chạy hơn vì các tỉnh được chủ động hơn. Sáp nhập các văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Văn phòng đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh cũng vậy. Ngoài xử lý được rất nhiều cán bộ dôi dư thì còn xử lý tài sản công mà các cơ quan này đang sử dụng.
Một thời rộ lên mốt một cơ quan có rất nhiều phó. Trưởng chỉ có một là tất nhiên rồi. Thế thì để… “giải quyết chính sách”, người ta bèn phong cho rất nhiều phó. Có sở đến 6 , 7 thậm chí 8 ông phó, nhiều cơ quan cấp phòng có rất nhiều phó, đông hơn nhân viên. Có gia đình cả nhà làm quan, như ngày xưa thì các cụ đã bảo nhà ấy “mả táng hàm rồng”!
Nhiều người dân ngơ ngác khi thi thoảng được nghe giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn A, hàm vụ trưởng, đồng chí B hàm vụ phó. Ban đầu tưởng là đùa, nhưng té ra là có cái chức ấy thật. Những cái chức hão ấy nó hết sức buồn cười và hình như vô ích trong hệ thống công vụ, thế mà lại có nhiều bác có hàm ấy. Chắc nó vừa giải quyết khâu oai vừa giải quyết vấn đề lương. Lương và phụ cấp lãnh đạo của anh “hàm” chắc cũng phải cao hơn anh “không hàm” thì người ta mới thích “hàm” đến thế.
Vấn đề là, đông biên chế, đông lãnh đạo, nhưng công việc vẫn không chạy. Giờ, cả Đảng, Quốc hội, chính phủ cùng đồng lòng xử lý vấn đề biên chế, hy vọng sắp tới, xã hội sẽ không nóng vấn đề biên chế nữa, không phải bằng mọi giá chạy biên chế nữa, và quan trọng là, nhà nước không tốn tiền, rất nhiều tiền, vào những chỗ, những việc không đáng mà công việc vẫn chạy, vẫn hanh thông.
Thì cứ hy vọng thôi.
1 nhận xét:
(Y)
Đặng Quang
Đăng nhận xét