Quê tôi ở Huế, một ngôi làng trước sông sau biển. Nói cho đúng thì nó thuộc Thừa Thiên Huế, chứ không phải Huế thành nội, nhưng cứ nói Huế cho nhanh. Vả, có hồi Thừa Thiên Huế có đề án đưa cả tỉnh lên thành thành phố trực thuộc trung ương. Đề án ấy suýt thành công, nên gọi Huế luôn cho tiện.
Làng tôi cách Huế 35 cây số, có cái tên mà giờ dẫu đã bỏ, tôi vẫn rất thích ghi trong lý lịch hoặc mỗi khi có ai đó hỏi về quê mình, làng Thế Chí Tây. Giờ tên làng không còn, chỉ là các đội sản xuất (chia từ hồi Hợp tác xã) trực thuộc xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, TTH.
Làng rất đẹp, dù có thời tôi thấy nó… xấu. Ấy là cái thời đói quá, cả nước đói, nhưng Thừa Thiên Huế đói nhất. Và tôi có cảm giác làng tôi đói nhất Thừa Thiên Huế. Thực ra thì sau năm 75 tôi mới về làng, bởi trước đó, ba tôi tập kết và sinh chúng tôi ở miền Bắc.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, trong lần chạy xe từ Quảng Bình về viếng mẹ tôi, đã viết: “Từ huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên- Huế), chạy gần 20 cây số, vào sâu hun hút, đi qua nhiều mảnh làng rất nên thơ, hướng về phía biển thì tới làng của Văn Công Hùng. Ông này ở gần làng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, với nhà thơ Tố Hữu. Đường làng nông thôn thế này đẹp quá. Đôi khi con đường vụt qua trảng cát trắng, ngơ ngác chú dê đang gặm cỏ nhìn xe mình. Nhà Văn Công Hùng dưới cây dừa kia, ở đó, người mẹ 93 tuổi của anh đang yên nghỉ. Trước mặt nhà là con sông nhỏ, nước trong vắt chảy qua những trảng cát. Làng đẹp quá, sinh ra ở đây, vùng quê sông nước, gần biển, gần sông, gần cát, không nên người mới lạ”…
Cái thú nhất của tôi, niềm sung sướng của tôi, là được ăn tết ở làng, dù, tôi không sinh ra ở làng, cũng không sống ở làng nhiều. Về quê khi đã học xong cấp 3, 4 năm đại học nửa ký túc xá nửa ở nhà sau đó làm một lèo Tây Nguyên, lấy vợ, sinh con, khó khăn chung và cả khó khăn riêng khiến cả mười mấy năm tôi không ăn tết quê, chỉ tranh thủ hè mới đưa con về thăm ông bà nội. Sau này, ông bà già yếu và các con tôi cũng lớn, thì liên tiếp nhiều năm liền, năm nào tôi cũng đưa vợ con về quê ăn tết.
Cái ấn tượng đầu tiên của một làng Huế giáp tết là mùi hương pha trầm. Cái mùi không thể lẫn. Giờ người ta làm đủ loại hương để bán, trong đó có loại mùi như… nước hoa, có loại lại khét lẹt khói mù mịt. Tôi chỉ thích hai loại hương, một là hương bài xứ Bắc, và hai là hương trầm xứ Huế. Gì chứ sự thành kính với tổ tiên thì người Huế là số một.
Việc đầu tiên của tết là… mai nở. Làng tôi nổi tiếng về trồng và chơi mai. Nhà nào cũng có mai, nhà ít dăm chậu, nhà nhiều vài chục chậu. Cứ quăng ở sân thế, tưới hàng ngày. Gần tết thì có những chuyên gia đi… ngắm mai. Họ xem lẫn cho nhau, để uốn, tạo dáng, cắt cành này xoay cành kia. Rồi vặt lá, rồi thúc hoặc hãm các loại, để mai nở đúng tết. Làng toàn nông dân nhưng cách chơi nghệ sĩ. Ai cũng có thể bình và đánh giá về mai một cách say sưa và chính xác. Mai ở đây chỉ trồng trong chậu. Bằng cát, tất nhiên có sự tham gia của bèo tây khô và phân bò. Điều khiến họ nghệ sĩ nữa, ấy là gần tết khá nhiều ô tô các nơi về ngắm và mua mai. Dù nông dân tiền nong eo hẹp nhưng đừng tưởng họ sẽ bán mai bằng mọi giá, dù có chậu tới hàng chục, vài chục triệu. Đã thích là để chơi, không bán, hoặc tết xong mới… bán.
Việc tiếp theo là… dọn bàn thờ. Việc này chỉ đàn ông đảm nhiệm. Bàn thờ của một gia đình người Huế thường có rất nhiều lớp, mỗi lớp là một thế hệ, và mỗi lớp lại có nhiều bát hương. Không phải ai cũng có thể nhớ hoặc biết hết các cụ ngự trên ấy, nên mỗi cái bàn thờ có một cuốn gia phả cuộn trong một cái ống tròn, mà muốn mở là phải thắp hương xin phép. Việc đánh trắng hệ thống lư đồng trên bàn thờ cũng là việc của các thanh niên, chứ nữ cũng không được chạm. Tôi và đứa cháu trai hay đảm nhiệm việc này.
Cúng ngụ là một việc quan trọng. Mỗi nhà góp một người, thường là đàn ông khỏe mạnh, chọn một ngày giáp tết, cùng vệ sinh ngụ (ngõ, đường). Có một việc rất quan trọng phải làm, là lên độn cát phía sau, đào thật sâu xuống, đến lớp cát trắng tinh ấy, gánh về, rắc lên đường. Đêm 30 tối om nhưng nhìn con đường lấp lóa trắng. Nghe nói để các cụ biết đường về. Xong xuôi thì cúng, thường vào chiều muộn. Rất cẩn thận, áo dài khăn đóng, đọc vơn (văn) sớ và hơng bái… không khí rất thiêng liêng, xong rồi thì… liên hoan. Mỗi nhà góp một vài thứ, thành ra cuộc tất niên ngụ, rất vui.
Tất nhiên thì tất niên làng tôi cũng giống hệt mọi làng, mọi gia đình Việt Nam khác, con cháu xum vầy, chung tay làm cỗ, cúng các cụ xong thì ăn. Nhưng khác là, đã cúng thì phải ít nhất là 3 mâm chứ không thể một mâm… Ít nhất là bàn thờ một mâm, trước bàn thờ một mâm và ngoài sân một mâm. Ít nhất là như thế, bởi có nhà trên mỗi bậc bàn thờ một mâm, mà bàn thờ thì ít nhất cũng hai bậc. Ngoài ra còn đặt dưới bếp, trong phòng khách, và đặc biệt là các am. Gia đình người Huế thường có nhiều am trong nhà, ngày rằm mùng một đều đặt hoa thắp hương, huống gì tết?
Và 3 ngày tết là 3 ngày đều phải cúng. Trừ mùng một cúng bánh, các ngày còn lại là cúng cỗ. Có lẽ vì thế tết nhà ai cũng mong con cháu về đông, chứ chỉ vài ba người mà ngày nào cũng mấy mâm cỗ, cúng xong bưng xuống, rồi mai lại làm cỗ mới cúng thì cũng… mệt.
Sáng sớm dậy, việc đầu tiên của dâu hoặc con gái trong nhà là làm cơm cúng. Phải đặt đủ các mâm, đặt xong thì đàn ông cúng. Và nguyên tắc cúng là phải khăn đóng áo dài. Và người Huế vừa cầu kỳ vừa đơn giản ở cỗ cúng, bởi ăn gì cúng nấy. Tất cả các món nấu để ăn đều đặt lên bàn cúng, khác với một số nơi, cúng thường là những món quan trọng, còn rau dưa không đặt lên mâm, mà khi ăn mới bày ra.
Cỗ cúng Huế cầu kỳ là vì rất… nhiều món, mà mỗi món lại đơm vào cái đĩa bé xíu, vì thế khi xếp trong mâm, các đĩa phải chồng lên nhau theo hình tháp, ăn hết phía trên, bỏ đĩa ra thấy các món ăn bên dưới. Giờ, cũng… đổi mới, quê tôi đã ngồi mâm mười (trước chỉ mâm 6, bàn chữ nhật) bàn tròn, và các món đã đơm vào đĩa to.
May nhà tôi là bác cả, con cháu đông. Mùng một là ngày các em các cháu tập trung về thắp hương và chúc tết. Và tôi ủng hộ phong tục cúng đủ ba ngày tết dù có người cho là bày vẽ. Thôi thì cả năm đi xa, hoặc có ở nhà cũng lo làm ăn đầu tắt mặt tối, còn lại ba ngày tết ấm cúng ông bà. Mà quả là, ngày tết, bàn thờ luôn có mâm cỗ, khói hương thơm lừng, thấy khoảng cách người xưa với hiện tại nó gần lại, thấy con người xích lại gần nhau hơn, thấy tình cảm anh em bà con nó ấm cúng hơn… Tết quê tôi, mà chả cứ quê tôi, là một cách để con người gần gũi, để quan tâm, hướng về nhau, và là một cách để giữ mình tử tế hơn, hướng nội hơn sau một năm lăn lộn kiếm sống, ở xứ người hay ngay trên quê mình…
(Bài in báo Thời Nay số tết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét