Nói thật, nghe nói nhiều về khí công, về Yoga, về các
thứ tạm gọi là “ngoài” khoa học thông thường nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi “mục
sở thị”. Cũng như thế, chơi với Lê Thuận Nghĩa từ thời cùng nhau ở trang
VNweblogs, đằng đẵng mười mấy năm, đọc nhau, chỉ qua online chứ chưa bao giờ
giáp mặt, biết anh là một lương y có nhiều thành tựu đang sống ở Đức, nhưng chả
quan tâm, chỉ đọc thơ anh thôi.
Vì thơ anh hay. Và anh bình thơ cũng
hay. Thấy anh tuyên bố trên blog cá nhân: có thể bỏ tất cả mọi thứ trừ... thơ
và trà. Ở Đức mà nghiện trà, chỉ trà Thái Nguyên, thì đủ thấy độ kinh rồi. Mà
lại toàn thấy độc ẩm. Thì cái thế giới mạng nó hay thế. Chả biết nhau thịt mềm
cứng thế nào, nhưng lại biết tuốt tuột về nhau, từ sở thích, câu chữ, đến các
hình thái ảnh... khi người ta độc ẩm thì nhìn cái cách uống trà cũng biết, nhìn
cái ấm cái ly cũng biết. Ấy là nói cách đây hơn chục năm, chủ yếu là chơi blog
hoặc web. Giờ có anh ku Mark với cái món phây búc xuất hiện thì phải công nhận
là anh ku này tài, bởi nó “thỏa mãn bần cố nông”- cách nói vui để nhớ một thời
chúng ta quy thành phần. Ví dụ như có chị, cũng lập một tài khoản phây búc,
nhưng chả biết viết gì, thế là biến mình thành... thợ chụp ảnh bằng... điện
thoại. Chụp từ con chó con mèo con gà con vịt trong nhà, đến hoa mướp hoa lang
hoa muống ngoài vườn. Rồi lên đến đồi sim, đến hoa dại... và cuối cùng thì...
chụp mình. Cứ đều như vắt chanh, mỗi ngày chăn phây bằng dăm cái ảnh của mình. Thôi thì đủ kiểu, đứng ngồi đi nằm,
nằm thì có nằm nghiêng nằm ngửa nằm xiên xiên... một phần thân cả thân đến bán
thân... rồi đủ kiểu váy áo giày dép túi khăn... vân vân các kiểu. Và phần lớn
các bác này biến mình thành các... triết nhân, bởi chỉ cần cảm thán vài từ,
kiểu như “Wao”, “Bùn wá”, “Seo zầy chời” rồi bung ảnh lên, vài từ ấy có khi còn
bí hiểm hơn... triết học... Mà cũng phải nói thêm luôn, dù mình là đàn ông chả
nên bình phẩm các chị, nhưng quả là nhiều chị không biết... úp hình, cứ béo
quay, cứ ngắn cũn, cứ các vòng lồ lộ vòng nào thảnh thơi vòng nấy, cứ chân ngắn
mà dầy... úp đầy lên phây, lại còn tag khắp hang cùng ngõ hẻm nữa...
Ấy nhưng nhờ thế mà con người lại thấy
vô cùng gần gũi, nam bắc bán cầu, đông tây lục địa, chỉ tích tắc là thấy nhau,
tích tắc là lai (like) còm (comment) tứ tung cứ như thân nhau từ thuở... cụ
bành tổ chưa sinh...
Nhưng không phải lúc nào cũng vô bổ,
mà theo tôi, cái thế giới phẳng này nó giúp con người những tiện ích ghê gớm,
ghê gớm đến mức cách đấy dăm năm chưa chắc đã nghĩ ra...
Nhớ có lần nào đó, lâu rồi, tôi đạp xe
thể dục, bị ngã, tay chống xuống đất. Lu loa trên mạng, Lê Thuận Nghĩa đọc
được, gửi cho một công thức thuốc, loại dễ tìm, dễ làm, lá lảu thôi. Bó hơn
tuần là khỏi.
Nhưng vẫn nghĩ lá lảu thế thì có khi
cũng... ngang mấy ông lang ở làng, việc gì mà phải sang tận Đức hành nghề, lại
nghe nói từng bó gối cho mấy tuyển thủ bóng đá Đức, loại như Philipp Lahm nhé,
chẳng đùa.
Thế nên cách đây mấy hôm tôi nhận được
tin nhắn qua inbox facebook: ngày ấy ngày ấy em về Việt Nam tổ chức cái hội
thảo về “phục hồi rối loạn niêm mạc ruột sau hóa trị bằng thực dưỡng và khí
công” tại bệnh viện y học cổ truyền thành phố HCM, nếu anh vào được em tranh
thủ “xem” người cho anh, nhất là cái gối hôm nọ thấy anh kêu đau trên... phây.
Cần thiết thì “sắp xếp” lại vài thứ trong cơ thể cho nó khỏe mạnh hoàn toàn...
Và đấy là lý do mà tôi có mặt ở cái
cuộc hội thảo, nhưng thực ra là thuyết trình, một người thuyết trình và vài đệ
tử phụ họa. Người thuyết trình là anh, lương y Lê Thuận Nghĩa.
Chừng vài trăm người trong cái hội
trường bệnh viện không lớn. Quả thực, ban đầu tôi cứ nghĩ hội thảo thì toàn các
bác mũ cao áo dài, trí thức, nhà khoa học... nên phải thay bộ đồ jean bằng sơ
mi. Chọn cái ghế cuối hội trường, tôi vừa nghe vừa quan sát. Và mới giật mình,
đến 80 phần trăm người trong hội trường là bệnh nhân ung thư, số còn lại thì
cũng liên quan gần gần thế. Có những cô gái rất trẻ, xinh, chân dài thẳng tắp,
đùi căng đen đét trong quần jean nhưng đầu trọc lốc. Tôi, đầu cũng trọc, và vì
thế được các cô nhìn như nhìn... đồng bệnh, có sự chia sẻ thương xót nữa. Họ
tập trung cao độ nghe Lê Thuận Nghĩa thuyết trình. Lần đầu tiên tôi mới biết
thế nào là khí công khi anh tập trung thở rồi giơ tay ra cho mọi người xem
các... lông tay nó dựng đứng lên. Đấy là dùng hệ thần kinh thực vật để điều
khiển. Anh đi quanh hội trường cho mọi người thấy da gà anh nổi tưng bừng lên.
Hay bài biểu diễn miêu bộ đã khiến cả hội trường đứng dậy vỗ tay rào rào. Té ra
những gì mình biết về thế giới này, về đời sống con người còn nông cạn lắm. Chỉ
bằng hơi thở chính mình, con người có thể sai khiến được nhiều việc mà người
thường và đơn giản như tôi nghĩ không ra. Ví dụ anh có thể dùng bàn tay cầm quả
trứng, dùng hơi thở để quả trứng chín trên tay. Cũng như thế, một chiếc lá đang
xanh, trên tay anh trở thành màu trắng khi anh vận thở...
Trợ lý số 1 của anh trong cuộc thuyết
trình là một cô bé tên Nghi, nhà ở Đà Lạt, mẹ là một giáo viên Yoga nhưng bản
thân bị ung thư máu. Nghĩa, thông qua facebook biết chuyện, động viên và chữa
cho cô bé này khi cô hàng tháng phải đi truyền máu: Thầy sẽ chữa cho em để 6
tháng sau là em đi cho máu chứ không phải nhận máu nữa. Và hôm nay, trước mắt
tôi là một cô bé hoàn toàn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hoàn toàn không có dấu ấn
bệnh tật. Và cô bé mới có người yêu nữa. Lê Thuận Nghĩa giải thích: Em không
chữa ung thư, mà vấn đề là 60% người bị chẩn đoán ung thư máu là chẩn đoán
nhầm. Nó là một dạng khác, dạng ấy em chữa được, bằng khí công và thực dưỡng,
và bé Nghi đây là một ví dụ.
Thế mà khi ngồi ăn trưa với nhau, tôi
cơm chiên, anh cơm trắng với rau cải xào dầu hào nước tương, té ta Nghĩa ăn
chay trường, anh bảo những gì em làm hôm nay mới là một phần rất nhỏ, bởi không
có thời gian và cũng không đúng chủ đề. Em đã đi khắp thế giới vừa thuyết trình
vừa chữa bệnh, cho cả các nguyên thủ. Nhưng nói lại, cái em khoái vẫn là thơ và
trà. Nghĩ cho cùng, đời sống được bao nhiêu, kể cả đời của cái người là em,
chưa bao giờ biết đau ốm là gì, chưa bao giờ chịu một cơn đau để mà tưởng
tượng. Lại nhớ lúc trong hội trường bệnh viện, Nghĩa có nói ý này, mấy trăm con
người ồ lên. Tôi hiểu tiếng ồ ấy. Họ, những con người mang bệnh trọng, đang
chiến đấu giành giật sự sống, nghe một con người sát 60 tuổi “mà như 40” lời
một bệnh nhân nói, nói chưa biết bệnh là gì, thì thèm quá là đúng rồi. Và ước
ao, giá ngay từ đầu, mình biết cách luyện tập và tự chữa như ông thầy Nghĩa
này.
Về khách sạn, một khách sạn nhỏ tít
quận 10, “để bớt khách đi, em phải bí mật chỗ ở đấy”, anh lôi trong va ly ra
cái giường chuyên dụng mang từ Đức về. Và cuộc “thăm khám”, “sắp xếp lại” cho
tôi diễn ra suốt 2 tiếng đồng hồ trên ấy. Qúa nửa thời gian ấy là tôi... ngủ
nên cũng chả biết là anh đã làm những gì, chỉ biết khi ngồi dậy thì anh tuyên
bố: trong người tôi nhiều khí độc (không có mới lạ, tôi nghĩ thầm, bởi không
khí, môi trường ở Việt Nam như thế, cách sống như thế, thực phẩm như thế, ăn
nhậu như thế...), rồi các khớp xương của tôi gần như đã... dính liền nhau. Lại
cũng tất nhiên thôi, dù tôi có biết chơi thể thao hồi trẻ và giờ hay đi bộ buổi
chiều. Lại nhớ lúc trên hội trường, anh cởi áo, và khởi động các... khớp xương trong
người. Nó kêu ầm ĩ lên, lục cục lạo cạo như reo như cười. Thời nhỏ, tôi còn có
thể cúi xuống tay chạm mũi chân mà đầu gối vẫn thẳng, chứ giờ thì chịu, nên
thấy cái cách Nghĩa dùng hơi thở rồi “điều hành” xương khớp da thịt lòng mề
trong người như trẻ con xếp lego mà thấy... nể, và mới thấy quả là còn vô cùng
nhiều điều con người chưa hiểu hết, không thể hiểu hết, về thế giới, và chính
cơ thể mình...
Điện thoại liên tục, có lúc anh
phải... nói dối, là tôi không ở Sài Gòn nữa (thực ra là hôm sau anh mới bay đi
Nepal). Tội nhất là có một cặp vợ chồng, bay từ Hà Nội vào, dự hội thảo rồi,
nhưng thiết tha muốn gặp riêng anh để trình bày cụ thể bệnh tình. Sau khi xem
đi xem lại cái đồng hồ, anh bảo rất tiếc không còn thời gian nữa, vì anh còn
mấy cuộc hẹn khám bệnh nữa, anh bảo nhắn tin vào inbox facebook cho anh, anh sẽ
sắp xếp ngay đợt tới khi anh về Hà Nội (Nghĩa hiện đang là giám đốc Trung Tâm Unesco nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe cộng đồng chi
nhánh Hà Nội, và anh thường xuyên phải bay về). Chính vì thế mà tôi
không dám lạm dụng thời gian của anh, tức là của các bệnh nhân khác, những
người đang đầy hy vọng được gặp anh, những người đã được anh xếp lịch trước,
nên tôi về sau khi được anh hướng dẫn một vài cách vận động đơn giản cộng với
thở, và một túi thuốc, thực phẩm các loại. Có thứ anh mang từ nước ngoài về, có
thứ đệ tử ở Việt Nam làm theo công thức của anh...
Tối về vào facebook của anh, thấy tràn
ngập lời cám ơn từ lúc sáng. Ví dụ “Cám
ơn bài biểu diễn Miêu Bộ, Âm Dương Thủ phi thường! Lần đầu tiên trong đời mình
được nghe thấy quyền năng của hơi thở qua tiếng nhảy nhót như vó ngựa của từng
đốt sống lưng. Cuộc sống tưng bừng và ý nghĩa cho các bệnh nhân ung thư giai
đoạn cuối và những người bình thường. Xin cảm ơn Ngài Lương Y”. Còn anh thì
nhắn mọi người: “Đến với hội thảo của lão
phu, xin chỉ đến với kỹ thuật và phương pháp bảo vệ sức khoẻ, đến với quyền
năng vô đối của Hơi Thở. Chứ không phải đến với một pháp tu hành của Tôn Giáo. Vì
vậy trong các hình ảnh, các video clip quay tại các hội thảo của lão phu, xin
làm sáng tỏ nội dung này trước khi phát hành rộng rãi. Tóm lại là: Lão phu là
một tên Giang Hồ có chút thành tựu trong Y Lộ, hoàn toàn không phải một Đạo Sư
có đầy đủ phẩm hạnh của một bậc tu hành”.
Nhưng facebook của anh rất ít thông
tin về những vấn đề trên, mà chủ yếu là thơ. Đây là mấy đoạn thơ anh làm tại
Sài Gòn giữa những ngày bận rộn này:
“mà
tưởng tượng làm chi/ khi em đã là mùa thu/ đã trong
trẻo rụng vào anh một khoảng trời khác biệt/ vòm yêu cũng đã óng ả chín hườm trên nụ líu lo/ tách trà đã nguội/ sao
môi nóng đến thế/ đâu phải con sóc nâu/
mà em cứ nhảy nhót giữa bốn chiều nhớ/ dù chưa kịp rời xatháng Tám
anh vỡ
trong màu thu chúm chím mắt em”
....
Sài Gòn
04.08.16
Và:
Anh lại in lên vòm chiều bí ẩn/
Những nồng nàn như thể chẳng hề chưa/Để sáng mai bên lề đường đứng dại/ Ngắm
tóc buông cho nẫu độ giao mùa...
Chợt nhớ, tờ báo mà tôi thường xuyên cộng tác, tổng
biên tập cũng là một bác sĩ kiêm nhà thơ. Chắc chắn có sự liên quan, thậm chí
là liên quan mật thiết ở đây, giữa chữa bệnh và thơ...
1 nhận xét:
Em đọc bài này thấy hay hay, ngồ ngộ và có độ tin cậy cao. Mấy năm nay em đọc khí công Nguyễn Khắc Viện rồi tự tập mà thấy cũng khá hiệu quả. Nếu có cao thủ trên lĩnh vực này hướng dẫn chắc sẽ có kết quả tốt hơn. Cảm ơn anh. Chúc sức khỏe!
Đăng nhận xét