Chả
cứ tôi mà rất nhiều người đã dàn dụa nước mắt khi đọc và xem cái tin cậu bé bị
ung thư ở Đà Nẵng được bác sĩ và các chiến sĩ cảnh sát giao thông Đà Nẵng giúp
cháu thực hiện ước mơ trở thành cảnh sát giao thông của mình.
11
tuổi, cháu Đỗ Tuấn Dũng bị ung thư, khi nằm điều trị trong bệnh viện cháu thổ lộ
với bác sĩ là ước mơ của cháu sẽ được làm cảnh sát giao thông. Và một hiện thực
bất ngờ đã xảy ra, khi nữ bác sĩ, bằng tấm lòng nhân hậu của mình, viết thư cho
giám đốc công an thành phố Đà Nẵng trình bày nguyện vọng của cháu, cũng rất là
cầu may vu vơ thế, dẫu được hay không thì ít nhất lương tâm mình cũng đỡ cắn rứt.
Và rồi, bất ngờ xảy ra, cả phòng cảnh sát giao thông Đà Nẵng vào cuộc, từ đại
tá trưởng phòng đến các chiến sĩ trẻ măng...
Ta
nhận thấy ở hành động này một sự nhân hậu, sẻ chia rất lớn từ những con người cụ thể với một số phận cụ thể. Lâu nay
quả thực, giữa những hô hào, lời nói với hiện thực hành xử nó cách rời nhau khá
xa. Chúng ta nói tất cả vì con người, lấy con người làm mục đích nhưng những số
phận cụ thể, cá nhân cụ thể lại bị thờ ơ, hướng tới đám đông nhưng đám đông ấy
lại rất nhạt nhòa, lẫn lộn, mờ mờ nhân ảnh, như là nó không được hình thành nên
từ những cá thể.
Việc
cả một tập thể, mà lại là tập thể công an, giúp một cháu bé ung thư, thực hiện
ước mơ làm cảnh sát giao thông của mình nó không những giúp cháu bé, mà giúp chính lực lượng cảnh
sát giao thông, lấy lại sự xúc động, niềm tin của dân đối với họ, và cả niềm
tin vào con người.
Và
mới nhận ra rằng, để giúp một con người cũng không có gì là khó khăn lắm, nếu
anh thật sự xuất phát từ tình yêu con người. Quan tâm đến nhau có vẻ như đang
trở thành của hiếm trong xã hội bây giờ, nên cái việc cậu “cảnh sát ngoại hạng”
Đỗ Tuấn Dũng được giúp để thực hiện ước mơ của mình nó đánh thức tình yêu vốn
thường trực trong mỗi con người, trở thành những đợt sóng, dạt dào tin yêu gửi
đến cháu bé và gửi đến nhau.
Thế
nên ngay ngày hôm qua, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,
khi hoạt động “Ngày hội hoa hướng dương” chung tay vì bệnh nhi ung thư được đồng
loạt tổ chức thì có vẻ như sự lan tỏa của nó lớn hơn, gây được sự chú ý nhiều
hơn trong cộng đồng. Phong trào này có từ việc em Thúy, một bệnh nhân ung thư
nhưng đã chiến đấu và có nhiều hoạt động yêu thương đến ngày cuối cùng vì những
bệnh nhân ung thư khác.
Tất
nhiên không phải ai cũng có thể may mắn như cháu Dũng, và cũng không phải lúc
nào mà cả một bộ máy như một phòng cảnh sát giao thông cũng có thể ra tay giúp
ước mơ của một cháu bé. Nhưng bằng những sự quan tâm khác nhau, những trái tim
sẽ đến với những trái tim, những bàn tay sẽ tìm bàn tay, và khi ấy, chả cứ các
cháu bé ung thư, mà ngay từng con người bình thường khác, cũng sẽ thấy ấm lòng,
thấy mình không cô độc giữa cuộc đời, thấy mình luôn luôn được chan hòa giữa mọi
người.
Một
lần nữa, cảnh sát giao thông Đà Nẵng lại ghi điểm. Đây là thành phố mà cảnh sát
giao thông lấy mục đích giúp dân, chỉ dẫn giao thông là chính thay cho mục đích
phạt như một số nơi khác. Chính tôi cũng từng được cảnh sát giao thông Đà Nẵng
giúp khi đi lạc vào đường cấm, sau khi biết tôi từ nơi khác đến không biết đường,
thay vì phạt, cảnh sát đã chỉ đường rất tận tình và còn gửi lời chúc tôi kịp giờ
họp.
Có
lẽ trong lịch sử cảnh sát Việt Nam, mà có khi cả trên thế giới, cậu bé Đỗ Tuấn
Dũng là viên cảnh sát đặc biệt nhất, và tôi gọi cháu là cảnh sát ngoại hạng bởi
cháu xứng đáng là... ngoại hạng...
Và
thấy yêu cuộc sống này hơn rất nhiều...
2 nhận xét:
cong an giup chau thuc hien uoc mo .Chinh ho dang thuc hien uoc mo cho minh
ôi cháu bé sắp hết đường sống rồi. cháu chết, cho anh em nhà cháu, bố mẹ cháu, vào công an để trả nghĩ thì tốt hơn, ...anh hùng hơn
Đăng nhận xét