Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

MỘT TRƯA CẨM GIÀNG...



Tôi đã có một tuổi thơ tuyệt vời ở miền Bắc trước khi vào Nam sống, vậy nên mỗi chuyến ra Bắc là một chuyến trở về. Lần này, dẫu đầu tiên được đặt chân đến đây, nhưng tôi vẫn lặng người như trở về. Xe rẽ ra đầu làng, một bà cụ đang ngồi bán táo. Minh vòng xe lại mua hết chỗ táo của bà cụ. Táo vườn, cụ bảo thế và chúng tôi cũng tin thế, nó chưa được nhặt, còn lẫn cả quả sâu quả dập, cả lá, và quả là, hơi chua so với táo tuyển trên thành phố, thế mà chả cứ tôi, Minh cũng khúm núm nâng túi táo như báu vật bỏ lên xe.
--------------
 

          Từ lâu đã nghe cái tên Cẩm Giàng. Có thể nói ai có tí tình yêu văn chương đều từng nghe tới cái tên ấy. Bởi nó gắn với Tự lực văn đoàn, với cái ga xép lừng danh, với 2 đứa trẻ, với bóng hoàng lan… sau này nó còn gắn với những nữ du kích quán Trữ, đòn gánh đánh tây trong thời chống Pháp…

          Nên nhân chuyến ra Bắc lần này tôi nhờ nhà văn Phan Đình Minh cho “nháo” qua  Cẩm Giàng tí, để so sánh giữa những gì mình tưởng tượng và hiện thực.

          Phan Đình Minh giờ là thượng tá, phó tổng Biên tập tạp chí khoa học công nghệ môi trường bộ công an, ở quê hay gọi anh là công an Bộ. Cũng công an nhưng là công an bộ nó… oai hơn. Nhưng anh chả để ý chuyện ấy, bằng chứng là gia đình rất muốn mỗi khi anh về quê thì phải mặc cảnh phục để về, nhưng anh toàn úi xùi sơ vin hay áo đuôi tôm. Trong khi cái anh tự hào ngấm ngầm lại là mình là nhà văn, một nhà văn thứ thiệt, thì có vẻ như làng… ít biết…

          Và cũng đến lúc lên xe thì tôi mới biết, Phan Đình Minh là người Cẩm Giàng chính hiệu, không ở ngay thị trấn, nhưng quê anh sát đấy, tuổi thơ từng chạy bộ từ nhà lên thị trấn xem phim, thậm chí… oánh lộn. Những lần đánh dậm bắt cua cạnh Ấp Tự lực văn đoàn trên cánh đồng Dóc, Đống Lau, Quán Ngỗng… bỏng da chân trên ray tầu cận Ấp ga, mang cua, mang tép sang chợ Giằng để bán… giờ anh vẫn coi như những kỷ niệm không dễ có của đời mình.

          Té ra nó rất gần. Gần 11 giờ trưa xuất phát từ Hà Nội vì Minh còn phải đi viếng một đám ma, 12 giờ chúng tôi đã ăn trưa Cẩm Giàng, ấy là còn vừa chạy vừa ngó nghiêng. Minh bảo thịt chó Cẩm Giảng nổi tiếng đấy bác ạ. Lâu không xơi món này, nhưng đã đi là chấp nhận, nên tôi và Minh đã rất ngon lành làm 2 đĩa một bát như đang… đói lâu ngày được ăn.

          Cảm giác ban đầu khi Phan Đình Mình hô lên: Cẩm Giàng rồi đấy là… thấy nó quạnh vắng tiêu điều. Nhưng hình như thế thì nó mới còn phảng phất “tự lực văn đoàn”, chứ giờ mà lại hiên ngang bê tông cốt thép xanh đỏ tím vàng thì còn đâu cái ga xép, còn đâu bóng hoàng lan, còn đâu cái phố huyện buồn mà dẫn dụ kinh người trong văn các ông. Tôi nhớ khi học đại học Tổng hợp Huế, có một thầy ở đại học sư phạm được mời sang dạy chuyên đề “tự lực văn đoàn”, có cảm giác ông này mê Tự lực văn đoàn đến mất ăn mất ngủ, trong đó mê nhất là truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam, ông cứ 5 câu thì 3 nhắc về “dưới bóng hoàng lan”, ông say mê đọc chính xác từng đoạn rồi bình, rồi dẫn. Riêng cái cây Hoàng lan của Thạch Lam ông chơi nguyên một buổi, chưa kể các tiết khác tranh thủ… nhắc thêm. Hồi ấy là năm nhất, Huế mới giải phóng, các cô gái Huế dẫu khác chúng tôi từ Bắc vào, là được học, đọc Tự lực văn đoàn từ bé, thế mà vẫn ngơ ngẩn nghe thầy giảng. Còn tôi thì quả là, suốt bao nhiêu năm ngoài Bắc, nghiện đọc sách hơn nghiện cơm ăn nước uống mà đã bao giờ được thỏa thuê đọc các ông đâu? Trưa nắng và vắng, tôi thả bước dọc đường ray, chừng 500 mét từ chỗ ngã tư cắt đường tàu ngược về ga, và tưởng tượng. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu mối tình, bao nhiêu thổn thức, bao nhiêu mụ mị… đã loanh quanh ở cái bán kính nhỏ này.

          Cái còn lại của gia đình dòng họ Nguyễn Tường tại đây là một khuôn ao và nền ngôi nhà cây phủ um tùm hoang vắng. Cái ao thì phải có người nhắc, với tôi là nhà văn Phan Đình Minh, không thì sẽ lộn sang một cái ao khác lớn hơn bên cạnh. Cái ao, chắc chắn hồi trước nó rất lớn, giờ thành cái vũng bé tí, nước xanh đầy rêu, cây cỏ dại um tùm. Thế nhưng tôi biết, trước đấy nó trong veo, đầy sinh khí. Minh kể, trận lụt lịch sử 1971 vỡ đê Văn Thai, anh lên trú ở kho lương Năm nóc - Cái kho được xây trong đất của Ấp Tự lực văn đoàn, chứa thóc gạo dự trữ phân phát cho các đơn vị bộ đội quanh vùng. Anh đã mấy lần ngụp nặn ở cái ao ấy. Anh bảo, hồi đó ao sâu đến ba mét nước, rộng hàng sào, leo lẻo như mắt mèo…
 
          Chỉ nguyên những người nổi tiếng trong gia đình Nguyễn Tường quây quần ở đấy đã đủ để nó đầy sức sống rồi, thế mà hàng tuần hàng tháng, khách văn nhân Hà Nội, Hải Phòng, toàn những lừng lững, những tên tuổi, những đấng những bậc, khăn xếp áo the, thong thả bước xuống từ cái ga xép Cẩm Giàng, ghé lại, bù khú cơm rượu văn chương. Những nằm những ngồi những đứng những đi, những cuộc tranh luận, những buổi véo von nhả chữ. Và chắc những Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu Sơn tráng sĩ (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938) của Khái Hưng; Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937)… của Nhất Linh, Con đường sáng (1938) của Hoàng Đạo, v.v… căn cớ, ủ ấp, sinh nở tại cái “Trại  Ấp Cẩm Giàng” này.  Ngôi nhà giờ xiêu vẹo, cổng khóa, chỉ có tấm biển “nơi lưu niệm Tự lực văn đoàn” là mới, có lẽ được ai làm mới những năm tám chín mươi thế kỷ trước, dầu nó cũng rất rêu phong, điều nữa, tôi cũng tò mò muốn biết nơi đây có đã từng đủ “trang trải”, là nơi tá túc, ồn ã nghỉ trưa hay một giấc gác chân sau lưng xã hội đương thời của các đấng, các bậc tiểu thuyết gia cộn cạo có công tạo dòng văn học chuyển đổi, du nhập, để sau đó ảnh hưởng sâu đậm, kết tinh, khởi nguồn “Số đỏ”, “Chí Phèo” đóng đinh vào lịch sử văn chương 1930 - 1940 thời ấy.  Tôi và Phan Đình Minh lật bật ngồi bệt xuống bờ ao của ấp Tự lực văn đoàn. Đâu dấu dép nào của cụ văn nhân nổi tiếng từng ở đây hoặc ghé qua như một cái thú tao nhã sang trọng ngày xưa?

          Cũng phải nhắc tí cái chuyện ai cũng đã biết, ấy là dòng họ Nguyễn Tường xuất phát từ Quảng Nam, ông cụ thân sinh ra những là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Vinh (Thạch Lam)… là cụ Nhu, lấy cụ Sâm là con gái cả một ông quan võ của huyện Cẩm Giàng, sau những thăng trầm thì về đây hạ trại. Không biết các trại sáng tác sau này mà ta hay gọi có bắt chước theo tên “trại Cẩm Giàng” không? (thực ra thì tôi nghe người gọi trại, người lại gọi ấp?). Cái tài là cụ Nhu sinh 7 người con thì cả 7 đều thành đạt, trừ 3 ông nhà văn rất nổi tiếng kia thì những người còn lại cũng đều làm việc liên quan đến văn chương, báo chí, trừ ông con đầu là kỹ sư. Sau này các cháu của cụ cũng nhiều người nối nghiệp gia đình, là những nhà văn, ký giả nổi tiếng trong Nam.

Thạch Lam đã có cả thời niên thiếu ở đây. Cuộc sống kẻ chợ, bến tầu ở cái phố đẹp và  buồn bên bờ Sen, nơi ngã ba sông ngày xưa con gà gáy mấy tỉnh cùng nghe, nơi những đầm sen nối dài ngút ngát rặng tre và những cánh đồng bạt ngàn thảm cò đói no tháng ba rợ gặt, những lều chợ liêu xiêu, những ông cụ bán thuốc lào, những bà lão chít khăn mỏ quạ quậy bánh đúc, trầu thuốc bỏm bẻm trong các phiên chợ chính, hay bác lò rèn hun đỏ mặt sẻ trấu liềm trong chiều chợ nghèo ở cái phố quê Cẩm Giàng như đeo lắt lẻo vào ga và những chuyến tầu đêm buồn như khúc sẩm… có vẻ như đã ám vào ông. Tất cả các câu chuyện Thạch Lam kể còn vương vấn đâu đây khi tôi tần ngần hun hút hai mạch đường ray chạy tuốt Ngặt Kéo, Trữ La… 

Trước khi rời Hà nội về lại Pleiku, tôi được nhà văn Đỗ Chu gọi về nhà ăn cơm. Nhà có 2 vợ chồng mà vợ ông Chu (cũng tên là Nhu) bị bệnh từ khá lâu, ông Đỗ Chu một tay chăm sóc rất tận tình, nhờ thế mà giờ bà Nhu đã có thể đi lại nấu nướng được. Hôm ấy cả 2 ông bà vào bếp nấu cơm đãi tôi, vừa nấu ông vừa nhẩn nha kể chuyện Tự lực văn đoàn, như thể là nó đã nằm sẵn đâu đó trong đầu ông rồi. Ông Chu kể thân sinh các cụ Tự lực văn đoàn là cai bưu điện. Thời ấy bưu điện và ga luôn đi kèm nhau. Cả ga và bưu điện đều là của người Pháp lập ra và kinh doanh. Cụ Nhu tiếng là sếp ở đấy nhưng lại hay bị điều đi- hay là cụ thích đi cho thỏa chí- các nơi. Và khi cụ mất là mất bên Lào. Cụ Sâm khi ấy 37 tuổi đã một mình nuôi dạy các con nên người, và không chỉ nên người thường, mà là những người tài, nổi tiếng đến mức, giờ cái ấp Tự lực văn đoàn nó xập xệ thế nhưng nhiều người qua đây vẫn khép nép...

Rồi bây giờ thì tứ tán. Nghe nói còn một người cháu là tiến sĩ bên Pháp thi thoảng có về. Là Phan Đình Minh nói thế, và anh chở tôi về nhà anh, trước là thăm bố mẹ, sau thì nghĩ rằng, bố anh, một người cũng rất mê và biết khá nhiều về Tự lực văn đoàn có thể nói chuyện thêm với chúng tôi…

…Nhưng cuối cùng thì tôi đã không nỡ “hành hạ” ông cụ vì cụ đã 2 lần tai biến. Cụ bảo: Làng có 5 người bị, 4 ông kia đi rồi, còn mỗi tôi anh ạ. May các con nó mạnh thuốc. Thì đã bảo, tôi biết anh em nhà này, sẵn sàng hy sinh tất cả vì bố. Cụ rất muốn nói chuyện với chúng tôi nhưng phản xạ ngôn ngữ đã rất chậm, muốn nói thì tay cứ phải vẽ ra trước, kiểu như dò đường, rồi tiếng mới bật ra, rất khó nghe. Nhưng Phan Đình Minh thì hiểu cụ nói gì. Tôi bảo sao chú không viết gì đấy về Cẩm Giàng đi, về trại Tự lực Văn đoàn đi. Ngoài chuyện cụ kể thì tôi biết Minh biết rất nhiều chuyện ở đấy. Nhưng Minh chỉ cười. Mãi sau mới thủng thẳng: Biết nhiều quá có khi nó chai đi bác ạ, cứ nghĩ ai cũng biết rồi thì viết làm gì, viết nữa cũng thừa. Như bác, cả đời nháo xuống một lần, cảm xúc mãnh liệt thì may ra bật ra chữ, với lại như thế mới liều được, cứ tưởng người ta chưa biết nên mới yên tâm mà bấm phím.

Cũng may, cái thị trấn Cẩm Giàng vẫn còn giữ được rất nhiều nét xưa. Trưa, ắng tiếng. Tôi vô cùng thích được ngủ lại đấy một đêm, nhưng việc cuối năm xít xịt, Phan Đình Minh chiều tôi bằng cách lái xe chạy đi chạy lại mấy vòng quanh thị trấn trên con đường phố chính xuyên phố huyện nghèo, mang tên Thạch Lam cho tôi… ngó và chụp ảnh qua kính xe. Và thú thật, hình dung của tôi về một Cẩm Giàng bây giờ đã không khác bao nhiêu với những gì tôi thấy. Nó vẫn ấm áp quê kiểng và đầy thi vị. Làng quê vẫn mướt mát trong gió đông, chỉ khác chợ quê thì hiện đại hơn, nó không chỉ bán sản vật quê, và họp theo giờ để còn về đi làm. Chợ quê giờ cũng nhiều hàng như chợ phố, tức cũng đã có người chuyên nghiệp chợ, ăn ở tại chợ, sẵn sàng bán hàng 24/24. Những món hàng quê của bà con vẫn có, đấy là sản vật trong vườn, dưới ao, ngoài đồng bà con kiếm được, thì nháo ra chợ bán rồi về. Tôi rất thích ghé những chỗ ấy. Những rổ cá vụn đủ loại còn lẫn cả rong rêu bùn đất, cá lẫn tép lẫn niềng niễng gọng vó, những nải chuối chín cây nên chín không đều quả xanh quả vàng, những củ khoai còn dính đất… Cả một ký ức dậy lên trong tôi. Nghe Minh kể ngày mới nhớn, đánh dậm, bắt cua mang lên chợ Giằng bán đưa tiền cho U đong gạo. U Minh gánh gánh rạ to như toa tầu, ênh hềnh cả phiên được hơn đồng, mua chai dầu hỏa đồng hai còn lại nhõn vài cây kẹo mạ cho con. Giỏ cua đẫy, Minh bán được vài hào. Anh nói thời đó chợ vẫn còn nhiều chõng tre, mọi người bán gì cứ bầy lên chõng, dù là mấy gói thuốc lào… tựa như trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Tôi đã có một tuổi thơ tuyệt vời ở miền Bắc trước khi vào Nam sống, vậy nên mỗi chuyến ra Bắc là một chuyến trở về. Lần này, dẫu đầu tiên được đặt chân đến đây, nhưng tôi vẫn lặng người như trở về. Xe rẽ ra đầu làng, một bà cụ đang ngồi bán táo. Minh vòng xe lại mua hết chỗ táo của bà cụ. Táo vườn, cụ bảo thế và chúng tôi cũng tin thế, nó chưa được nhặt, còn lẫn cả quả sâu quả dập, cả lá, và quả là, hơi chua so với táo tuyển trên thành phố, thế mà chả cứ tôi, Minh cũng khúm núm nâng túi táo như báu vật bỏ lên xe.

Trên đường về, ghé chớp nhoáng vào thăm Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, chúng tôi xách túi táo ấy vào mời… khách…
                                                                


5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh Hùng! Ngày tôi đi học, tôi nhớ Thạch Lam tên là Nguyễn Tường Lân mà! Nay thấy anh ghi là Nguyễn Tường Vinh. Không biết ra sao, hơi phân vân tí nên hỏi anh. Chúc anh luôn vui, khỏe.

Văn Công Hùng nói...

@Nặc danh:
Cả 2 tên ấy đều đúng bạn ạ. Wikipedia "Thạch Lam là người con thứ 6 trong gia đình 7 người con (6 trai, 1 gái): Tường Thụy, Tường Cẩm, Tường Tam, Tường Long, Thị Thế, Tường Vinh và Tường Bách. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy làm công chức, những người còn lại đều đã ít nhiều tham gia vào sự nghiệp văn chương, nổi bật trong số đó là Tường Tam (Nhất Linh), Tường Long (Hoàng Đạo) và Tường Vinh (Thạch Lam).

Nguyên tên ban đầu của ông do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Sáu, vì ông là con thứ sáu trong nhà. Khi bắt đầu đi học ở trường huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), bố mẹ ông làm lại khai sinh cho con là Nguyễn Tường Vinh. Đến năm Thạch Lam 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học "nhảy" 4 năm, ông làm lại khai sinh lần nữa, thành Nguyễn Tường Lân.[3]"...

Tuấn trắng nói...

Hay " quá thể", vậy mà chỉ mấy trăm K, bèo quá, huhu...

mẹ mướp nói...

Em đọc bác muốn ra bắc một chuyến quá

Daniel nói...

Qua phố chợ Cẩm giàng khi nào tôi cũng thấy vẻ buồn buồn của 1 ga xép .
Đọc bài của anh Hùng tôi lại " thương nhớ mười hai " về vùng quê Cẩm giàng , Kẻ Sặt , và ngược lên một chút là xóm đạo Tử Lê , núi Thiên thai , sông Đuống của bác Hoàng Cầm ...