---------------
Về một vài dư luận xung quanh việc xét kết nạp Hội viên mới (2014) của Hội Nhà văn Việt Nam
PV - 31-12-2014 05:35:29 PM
VanVN.Net
- Vừa qua trên báo Đại Đoàn Kết và một số trang báo mạng xuất hiện vài ý
kiến về việc xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Nhìn
chung, dư luận rộng rãi đều cho rằng những năm trước đây chất lượng kết
nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam đều rất tốt, cũng có những trường
hợp đáng tiếc xảy ra với một vài trường hợp do không đủ số phiếu bầu,
hay những trường hợp chỉ thiếu một phiếu mới đủ tỉ lệ quá bán cũng chưa
được xem xét lại. Quy trình xét kết nạp Hội viên từ khâu tiếp nhận hồ sơ
đến việc xem xét bỏ phiếu ở các Hội đồng chuyên môn đều được tuân thủ
nghiêm ngặt. Để làm rõ hơn những ý kiến này, phóng viên VanVN.Net có
cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Nguyễn Hoa, Ủy viên BCH, Trưởng Ban
công tác Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
PV: Trên
báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 24.12.2014, có đăng bài “Cửa rộng – cửa hẹp
và cái danh hội viên” của tác giả Vi Cầm (sau đó được một vài trang báo
mạng trích dẫn) có nêu một vài ý kiến về việc rộng – hẹp trong việc kết
nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, là Trưởng Ban công tác Hội viên,
ông bình luận gì về điều này?
Nhà thơ Nguyễn Hoa:
Tiêu chí và quy trình kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam là rõ
ràng, được ghi rõ trong điều lệ của Hội. Hội luôn đánh giá cao việc có
rất đông những người viết văn làm thơ, nghiên cứu phê bình và dịch thuật
văn học là người Việt Nam tán thành tôn chỉ mục đích của Hội, chấp nhận
điều lệ Hội, luôn phấn đấu để có nhiều sáng tác, nhiều công trình
nghiên cứu có chất lượng tốt để được trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam. Vì thế, danh sách những người có đầy đủ điều kiện tối thiểu (có
hai tác phẩm được xuất bản thành sách), làm đầy đủ hồ sơ gửi về xin được
kết nạp Hội luôn kéo dài. Năm 2014 có tới 616 hồ sơ. Việc hằng năm BCH
Hội Nhà văn Việt Nam thường chỉ xét kết nạp được vài chục trường hợp là
rất bình thường. Rộng hay hẹp là do yêu cầu về chất lượng của đội ngũ
những người xin tham gia vào Hội ở thời điểm đó. Hội Nhà văn là một Hội
chuyên ngành sâu về văn học, nên có những yêu cầu cao về chất lượng là
điều tất yếu.
PV: Cũng
trong bài báo trên, tác giả có chỉ đích danh một trường hợp, đó là nhà
thơ Tân Linh, từng tuyên bố với phóng viên rằng: ông chưa làm đơn xin
vào Hội Nhà văn Việt Nam, vậy nên khi nghe tin mình có tên trong số
những người đã đủ số phiếu cần thiết để được kết nạp năm nay, ông rất
ngạc nhiên. Điều này có mâu thuẫn với điều mà ông nói về quy trình rất
chặt chẽ trong việc kết nạp Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hay không?
Nhà thơ Nguyễn Hoa:
Trước hết, đến thời điểm này, danh sách chính thức những nhà văn nhà
thơ được kết nạp Hội năm 2014 vẫn chưa được chủ tịch Hội phê duyệt. Ông
Tân Linh đúng là người đã có đủ số phiếu cần thiết để được xét công nhận
là Hội viên. Việc xuất hiện thông tin về những phát ngôn của ông Tân
Linh lập tức đã được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét. Chúng
tôi đã trực tiếp liên lạc với ông Tân Linh để hỏi thực hư về những phát
ngôn của ông. Cũng rất nhanh chóng, ngày 26.12.2014 ông Tân Linh đã có
bản tưởng trình gửi về Hội, giải thích về sự hiểu lầm của phóng viên báo
Đại Đoàn Kết và xin lỗi BCH Hội về sự sơ xuất của ông. Là người trực
tiếp phụ trách việc thụ lý hồ sơ xin vào Hội của các ứng cử viên, tôi
xin bảo đảm rằng không có chuyện ông Tân Linh không có đủ hồ sơ theo yêu
cầu mà đã được xem xét kết nạp. Ông Tân Linh sẽ phải chịu trách nhiệm
trước những phát ngôn của mình với các cơ quan báo chí. Vụ việc này cũng
đang được Thường trực BCH Hội Nhà văn Việt Nam xem xét.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
Đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam của ông Tân Linh
Bản tường trình của ông Tân Linh, Hội Nhà văn Việt Nam nhận ngày 29/12/2014
Phần cuối bản tường trình của ông Tân Linh
Cùng thời điểm diễn ra việc
báo chí đăng phát những thông tin chưa được kiểm chứng về việc kết nạp
Hội viên năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam còn có việc ông Đông La (tên
thật là Nguyễn Văn Hùng) gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Nam và một số các đồng chí lãnh đạo có thẩm quyền về việc ông đã bị đối
xử không công bằng trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn hội viên mới kỳ này. Để
làm rõ điều này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang
Thụy, Ủy viên BCH, Trưởng Ban kiểm tra của Hội.
PV: Được
biết ông Đông La đã có đơn khiếu nại gửi cho chủ tịch Hội, (ông Đông La
cũng đã gửi thư và những lời phản ánh đến hộp thư của VanVN.Net), với tư
cách là Trưởng Ban kiểm tra của Hội, ông có ý kiến như thế nào về
trường hợp này?
Nhà văn Khuất Quang Thụy:
Tôi cũng đã được thông báo chuyện này, ông Đông La không gửi đơn trực
tiếp cho Ban Kiểm tra của Hội, nên chúng tôi chưa thực hiện quy trình
kiểm tra. Nhưng với trách nhiệm của mình, tôi cũng đã tự tìm hiểu vấn
đề, hỏi ý kiến các đồng chí có trách nhiệm, nên có thể nêu ý kiến sau:
Ông Đông La thuộc nhóm những tác giả hoàn thiện hồ thơ xin vào Hội muộn
so với thời điểm đã công bố trên các phương tiện truyền thông. Cụ thể,
ngày 3/12/2014, hồ sơ của ông Đông La mới được chuyển đầy đủ về Ban công
tác Hội viên. Vì chậm so với thời điểm quy định, nên Ban công tác Hội
viên đã phải xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực BCH. Trực tiếp Chủ tịch
Hội, sau khi cân nhắc, đã quyết định đưa toàn bộ nhóm hoàn thiện hồ sơ
chậm, trong đó có ông Đông La vào diện được các Hội đồng xem xét. Tại
Hội đồng Lý luận Phê bình, ông Đông La đã đủ số phiếu để chuyển lên BCH
xem xét. Trong phiên họp bầu chọn Hội viên mới, BCH đã thực hiện đúng
quy trình bỏ phiếu kín. Khi kiểm phiếu, ông Đông La là một trong số
những người chưa hội đủ số phiếu quá bán để lọt vào danh sách những
người được công nhận kết nạp kỳ này. Đây là chuyện bình thường, không
chỉ riêng ông Đông La, mà còn có rất nhiều trường hợp không hội đủ số
phiếu một cách đáng tiếc.
PV: Trong
đơn khiếu nại, cũng như trong thư gửi VanVN.Net ông Đông La có kêu ca
rằng: Tại hội nghị BCH, một vài ủy viên đã có những phát biểu bất lợi
cho ông, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông không đủ phiếu.
Ông bình luận như thế nào về điều này?
Nhà văn Khuất Quang Thụy:
Tôi đã đọc kỹ đơn khiếu nại của ông Đông La, trong đó, ông không chỉ
chỉ trích một vài người trong BCH, mà còn nêu tên nhiều người khác đã
phát ngôn không có lợi cho ông ở chỗ này chỗ khác. Điều đó tôi không
bình luận. Nhưng tôi có thể bảo đảm rằng tại cuộc họp xét kết nạp Hội
viên, ngoài những phát biểu đánh giá tình hình chung, xem xét lại đội
ngũ ở một vài địa phương đặc biệt, để các Ủy viên BCH cân nhắc trước khi
bỏ phiếu sao cho lực lượng các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không có
mặt quá tập trung ở những thành phố, đô thị lớn. Hội nghị cũng có bàn
đến những trường hợp vì những lý do khác nhau mà những năm trước đã bị
thiếu phiếu một cách đáng tiếc (như trường hợp các tác giả đã được giải
thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, và của các địa phương, đoàn thể
khác.) Không có chuyện trường hợp của ông Đông La được đưa ra bình luận
trong hội nghị.
PV: Vậy
theo ông, việc ông Đông La nêu trong đơn khiếu nại rằng: Do BCH Hội Nhà
văn Việt Nam bỏ phiếu chọn Hội viên mới chưa tuân thủ nguyên tắc tập
trung dân chủ là đúng hay sai?
Nhà văn Khuất Quang Thụy:
Nguyên tắc hàng đầu trong việc điều hành mọi hoạt động của BCH Hội Nhà
văn Việt Nam là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu BCH vi phạm nguyên tắc
này thì không phải đợi đến ông Đông La mà hàng trăm Hội viên sẽ lên
tiếng. Trong những nhiệm vụ lớn hằng năm của Hội, như xét tặng giải
thưởng và kết nạp Hội viên thì nguyên tắc này càng được đề cao. Trong
đơn ông Đông La cũng đề nghị các cơ quan cấp trên của Hội Nhà văn Việt
Nam dùng nguyên tắc “tập trung” để xem xét và thay đổi kết quả việc bỏ
phiếu của BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là ý kiến riêng của ông, tôi tin
rằng các cơ quan cấp trên, nếu có đưa trường hơp của ông ra xem xét thì
sẽ không chỉ sử dụng nguyên tắc tập trung mà còn đề cao một cách đầy đủ
biện chứng nguyên tắc tập trung dân chủ để tìm hiểu sự việc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn Ở ĐÂY
10 nhận xét:
Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm, tôi lại ngồi kiểm điểm lại công việc sáng tác năm qua và đặt dự định sáng tác, xuất bản năm tới. Hôm nay, ngày cuối năm 2014, tôi cũng đang làm công việc như vậy, thì nghỉ tay, xem trang mạng của VCH, thấy chuyện xin vào Hội Nhà văn lại nhớ về mình, gần chục năm về trước, nên cũng dễ cảm thông. Nhưng đọc một số đơn thư trên mạng liên quan đến việc vào Hội mà buồn, gọi điện cho mấy bác để chia sẻ, thì gặp sự phẫn nộ, thực là ái ngại thay...
Câu chuyện vào Hội, hình như có người lầm lẫn giữa cái danh "nhà văn" với công việc sáng tác của người cầm bút. Chợt nhớ một câu, trong tác phẩm Ruồi trâu của Vôi-nít-xơ: "Ôi, cánh tay phải của Chúa thật nặng nề".
Nhân dịp năm mới, mượn trang mạng vanconghung.com, chúc các bác cầm bút cất cánh bay cao trên bầu trời chữ nghĩa.
Vũ Xuân Tửu
"... để các Ủy viên BCH cân nhắc trước khi bỏ phiếu sao cho lực lượng các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không có mặt quá tập trung ở những thành phố, đô thị lớn." - Cái nguyên tắc này hay nhỉ? Cứ gọi là bổ đầu chia đều các Hội viên ra cho đủ khắp các vùng, bất chấp có tài hay không có tài, có phải vậy không, anh Văn Công Hùng?
Xin ra chẳng được còn xin vào làm chi. Hội nên đặc cách cho Đông la vào và bầu thằng điên này làm chủ tịch luôn. Sau đó đổi tên hội nhé....
Anh Hùng là UVBCH, thế nên nhân đây em mạnh dạn "đề nghị" BCH cân nhắc bổ sung thêm 1 nguyên tắc nữa là: Kể từ nay, nếu ai muốn xin vào Hội, thì trong hồ sơ, bên cạnh những thứ "đơn từ xin xỏ" khác, cần có thêm giấy chứng nhận về "tình trạng sức khỏe" của "Bệnh viện tâm thần trung ương" (khỏe mới được duyệt, hay không khỏe... mới được duyệt, cái đó là phụ thuộc vào... Hội ạ. Hehe...)
Tôi chỉ là một nông dân thứ thiệt,không dám bàn về chuyện văn chương.Nhưng tôi thấy sau khi đọc một số bài viết có ý huênh hoang tự sướng,chẳng coi ai ra gì của Nguyễn Văn Hùng trên các trang mạng nhất là khi Hùng có đơn khiếu nại tới Đoàn ĐBQH TP tôi xin có ý kiến:từ nay nếu các trang mạng nếu có đăng bài của Hùng thì nên đổi lại bút danh cho Hùng là Điên La,không biết điều này có được chấp nhận không?
Khi người ta bị bắt thì hả hê : quân pháp bất vị thân . Khi mình bị loại , thì đòi tập trung dân chủ . Dù kết quả là thế nào đi nữa thì quy tắc quá bán trong bầu cử vẫn được thế giới Văn minh công nhận cho nên mới có cái tỷ lệ 51/49 trong luật đầu tư và luật doanh nghiệp . Rõ là của đau , con xót . Hãy trải nghiệm tình cảnh trớ trêu đi rồi mới biết , nếu một ngày kia , nó xảy đến cho mình , cho người thân của mình . Lời nói , đọi máu , mỗi chữ viết ra nặng ngàn cân , giấy trăng , mực đen , lưu truyền mãi mãi . Cái đáng sợ nhất là sự đánh giá của những người gần gũi nhất : vợ , con ( dâu , rể )đòng họ , bạn bè , đồng nghiệp cũ . . . Tiếc thay . Thương thay và buồn thay . . .
Không vào hội nhà văn cũng vẫn sáng tác và viết tốt được mà ( nếu người đó thực sự có tâm và có tài ). Vậy mà sao các bác lại cay cú thế nhỉ ? Hay là vào Hội để có thêm được những đặc quyền , đặc lợi khác .
Tựu trung lại... Nói chung là... Con người sống ở đời..., thường phấn đấu- mưu cầu 2 thứ... Danh và Lợi. Còn việc đó là thứ... Danh gì và Lợi gì..., thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, bác Nặc danh nhỉ? Với lại cả, em có may mắc được học hành và sống ở nước ngoài nhiều năm, va chạm với đủ mọi loại hạng người, thấy giống người Việt mình có nhiều quá "óc hoang tưởng", ai ai cũng nghĩ cũng cho rằng mình là giỏi là tài là vĩ... vĩ nhân. Chao ôi...!!!
Nên kết nạp anh Đông La cho Hội nhà văn có cá tính v mạnh mẽ hơn
Đông La là một thiên tài. Không kết nạp vào Hội thật tiếc lắm thay. Người vừa viết văn, làm thơ, nghiên cứu triết học rồi khoa học tự nhiên...tài lắm lắm. Đặc biệt Hùng còn là thám tử nữa, hắn đã chi điểm bắt khối người đấy: NN, TMH, HC, BL,...hắn đắc chí khi Bọ Lập bị bắt chứng tỏ hắn rất nhân văn, liệt nửa người cũng bắt. Rất tiếc công an chưa thực thi công vụ đầy đủ nên chưa bắt hết. Xin BCH cố gắng kết nạp Hùng vào Hội để quần chúng bớt...
Đăng nhận xét