Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

BÃO



Một câu hỏi là, tại sao ta không tổ chức sống cùng bão, chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, để dân thích nghi, có những biện pháp thích hợp với nó, mà lại cứ căng ra chống nó, đến mùa mới chống. Mà nói thật, tôi thấy càng chống thì càng thiệt hại. Chả ai chống được tự nhiên, huống gì đây là những cơn bão khủng khiếp, nó cuốn phăng tất cả những gì nó gặp trên đường đi của nó...

----------



          Thêm một cơn bão đang đến. Một tờ báo còn gọi nó là “Cuồng phong”. Vâng, cuồng phong ấy tên Rammansun.

          Bão với nước ta thì đã quá quen, quen đến mức năm nào bão vào muộn lại có người ngửa mặt nhổ râu thắc mắc: Giờ này mà bão chưa vào. Bởi dân sống cùng bão, đằng nào nó cũng vào thì vào đi để còn tính chuyện mà làm ăn. Lại nhớ một câu chuyện tiếu lâm: một bà cụ cho một anh họa sĩ thuê một phòng trong nhà. Anh này hay về khuya, và về là không thèm cúi xuống mà thẳng chân phi thẳng giày vào tường. Đêm nào cũng thế, sau 2 tiếng uỳnh uỳnh là anh lăn ra ngủ, và bà cụ cũng phải chờ xong 2 tiếng ấy mới yên tâm ngủ. Một hôm bà nói với anh khách trọ: Cháu ạ, già khó ngủ, nay cháu về thì chịu khó cúi xuống cởi giày để nhẹ giúp già nhé. Tối sau anh chàng về, say rồi nên theo thói quen phi chân cho giày lao vào giường. Xong một chiếc thì… nhớ đến bà cụ. Thế là anh cúi xuống nhẹ nhàng tháo giày đặt cẩn thận vào chỗ. Hai tiếng sau có tiếng gõ cửa, anh chàng choàng dậy thì thấy bà cụ chủ nhà, cụ thều thào: Cháu ơi, còn một chiếc nữa cháu phi nốt để già ngủ, già đợi nãy giờ mà chưa có tiếng uỳnh thứ 2…

 

          Và tất nhiên là ủy ban phòng chống bão lụt quốc gia lại họp, lại chỉ đạo, quyết liệt và triệt để, công điện đến tất cả các tỉnh thành. Tất nhiên. Không thể để một mạng người nào bị chết vì bão là mệnh lệnh tối thượng. Năm nào cũng có cảnh chạy bão, chống bão. Nhiều năm VTV còn tường thuật trực tiếp… bão.

 

          Có cái lạ, năm nào chúng ta cũng tổ chức chống bão, rất tốn kém vất vả, rất hồi hộp gay cấn, cả nước hướng về bão, nhưng thực ra nếu bão vào đúng tâm thì thiệt hại là vô cùng lớn. Đủ kiểu thiệt hại, thường thì sau bão người chết nhiều hơn ngay khi đang bão.

 

          Một câu hỏi là, tại sao ta không tổ chức sống cùng bão, chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, để dân thích nghi, có những biện pháp thích hợp với nó, mà lại cứ căng ra chống nó, đến mùa mới chống. Mà nói thật, tôi thấy càng chống thì càng thiệt hại. Chả ai chống được tự nhiên, huống gì đây là những cơn bão khủng khiếp, nó cuốn phăng tất cả những gì nó gặp trên đường đi của nó.

 

          Có hồi báo chí đưa tin dân Quảng Nam có cách đào hầm chống bão. Rồi lại có những ngôi nhà để dân sống với bão. Nhưng những mô hình này chủ yếu là tự phát, không thấy ai “nhân điển hình” hay có một công trình nào nghiên cứu để nhân rộng.

 

          Để giờ, cứ nghe tin bão là lại có thông báo… chống bão.

 

          Và thon thót.

 

          Dân ta quan hệ máu mủ dằng dịt, tình quê hương đậm đà dù có đi phương trời góc bể. Vậy nên mỗi lần nghe tin bão, ở đâu đó, thì người khắp nơi lại thon thót. Làm ăn gom góp cả năm chỉ một cơn bão là bay sạch. Lại tay trắng. Cứ như dã tràng thế. Và người cả nước lại quyên góp. Trong đánh giá công chức hàng năm hoặc bình xét gia đình văn hóa ở tổ dân phố bao giờ cũng có mục đóng góp ủng hộ bão lụt như một tiêu chí đánh giá… Ngàn xưa cha ông ta chỉ nhà tranh vách đất với những lũy tre bao quanh làng nhưng có vẻ như thiệt hại không nhiều như giờ. Hoặc giả thư tịch không ghi, hoặc là nghèo quá nên thiệt hại không đáng kể. Chứ bây giờ, mỗi năm bão đi qua, chỉ một hoặc hai cơn “trúng đích” là hàng nghìn tỉ ra sông ra biển, chưa kể thiệt hại về người. Lại thấy trắng khăn tang, lại thấy những thân phận phơ phất, những kiếp người lang thang, dẫu nhà nước và xã hội quan tâm giúp đỡ rất nhiều, nhưng bão mà, sao mà chịu nổi…

 

          Một kế hoạch, một chính sách sống chung với bão khoa học, hợp lý để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cả người và của là một mong mỏi chính đáng của mọi người dân Việt. Việt Nam ta rất nhiều nhà khoa học, thử ai đó, chưa cần nhà nước đặt hàng, ra tay giúp dân đi, chắc chắn dân sẽ lập đền thờ như dân Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã lập đền thờ ông Phan Thế Phương, nguyên cán bộ giảng dạy khoa Thủy sản, đại học Nông Nghiệp Hà Nội, nguyên giám đốc sở Thủy sản Bình Trị Thiên, người đã lăn lộn ở đây bày cho dân nuôi tôm nuôi cá và thoát nghèo…

 

          Bây giờ, cả nước ta lại đang hồi hộp theo dõi cơn bão Rammansun, cuồng phong của biển, hiện tại đang giật cấp 15, 16…

                                                                           

 

 


 

10 nhận xét:

Alo nói...

Bão thỉnh thoảng vào vài ngày rồi biến,còn Tàu nó vào thường xuyên và đã vào là nó ở lại luôn, vậy nên học cách sống chung với Tàu thì đúng hơn.

Nặc danh nói...

Cái này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, cụ thể hơn là tài năng của các vua quan

Nặc danh nói...

Ông Phan Thế Phương không phải là giám đốc sở Thủy lợi,mà là giám đốc sở Thủy sản Thừa Thiên Huế.

Tuấn trắng nói...

Theo tôi thì chống bão không có nghĩa là đánh lại "nó", khiến nó không dám vào, hoặc có vào thì cũng đánh nó để nó đang là " thằng" Cuồng Phong biến thành... cơn gió mát, để mà sống chung với nó, coi nó là...bạn.
Tóm lại, chống bão hoặc sống chung với bão, ngắn gọn là công tác chuẩn bị mọi mặt trên cơ sở tính toán đến tất cả các yếu tố, cộng với kinh nghiệm tích lũy được, để khi bão đổ bộ và bão tan, thì hậu quả do bão gây ra được giảm thiểu đến mức tối đa.
Con người chỉ làm được đến thế, còn lại là nhờ vào...ông giời. Giời không...thương, thì ngay cả nước Mỹ cũng bó tay chấm com.
Nói rộng hơn, một cách "chống bão" khác là con người phải thay đổi lại cách ứng xử với thiên nhiên, cụ thể là làm giảm, tiến tới ngăn chặn việc biến đổi khí hậu trái đất, khi ấy bão CÓ THỂ sẽ bớt dữ dội hơn và đỡ khó lường hơn. Phải dùng từ "có thể" vì thực ra, chúng ta chưa biết được tại sao lại có bão, nguyên nhân sâu xa để hình thành bão là gì...đại khái thế.

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn Nặc danh, gõ nhầm đấy, đầu biết thuỷ sản mà tay gõ thuỷ lợi. Để chiều sửa vì đang họp dùng ipad không sửa được.

nhatrang nói...

tôi nhớ có câu chuyện này. có chị bán quán trước cổng UB, vốn ít mà UB lại nợ nhiều do tiếp khách. Chịu k nổi nữa nên chị vô và la to: Vơ UB trả nợ cho tui với. Nhanh như cắt ông chánh văn phòng chạy ra nói nhỏ: Chị yên tâm,bão chuẩn bị vô rồi. Cơn bão này vô rôi là chúng tôi thanh toán chị triệt để, triệt để.. Nói vậy để Bác Hùng biết chúng ta chống bão như thế nào

Vũ Xuân Tửu nói...

Hoan hô bão Rammasun
Khiến cho Tàu rút dàn khoan về rồi
Mong sao bão đổ liên hồi
Tàu không quay lại,ta ngồi nhổ râu
Vũ Xuân Tửu

Khách qua đường nói...

VCH mới góp"phá" một khái niệm về chữ nghĩa mà trước, nay, những ai có chữ, có tầm, biết kính thiên, không thể dùng"chống bão lụt". Hãy "xây" giúp cho "những ông con trời" thường thiếu khiêm cung và ngạo mạn ấy bằng cách chỉ ra cách thay chữ:"chống" thành"tránh"-Ủy Ban phòng tránh bão lụt-Văn minh, văn hóa, thuận thiên, hợp lòng dân...Đúng không?
Chuyện Tàu nó rút giàn khoan Hải Du 8981? Mừng. Nhưng đừng vội sướng lên mà vung vít, mà ngoa ngôn.Biết nó là thằng đại mafia hải khấu thì phải dè chừng, phải cảnh giác từ cái nhỏ nhất, vẫn chưa muộn, ngay từ bây giờ...

Unknown nói...

Tôi nghĩ bác Khách qua đường nói đúng nên đổi ' chống" thành " tránh" thì hợp lý . và để tránh thì không phải nó lùu lù đến mới họp hành,công điện, rồi bày binh bố trận ồn ào ...mà phải làm có bài bản và thường xuyên Đúng là phải tìm cách mà sống chung với Bão, chứ chống cái khỉ gì ...


Tuấn trắng nói...

Vì Van Bao Nguyen góp ý, nên lại phải nói thêm, là "tránh bão" cũng không hoàn toàn chính xác đâu ! Tránh bão, duy nhất đúng với trường hợp những người đi biển, đang ở trên biển. Và có cả mấy tiết học ở đại học để tính toán phương cách tránh xa hướng di chuyển của bão. Tùy thuộc vị trí của bão đang ở bắc bán cầu hay nam bán cầu mà có phương pháp tính toán và tránh đường di chuyển của bão phù hợp.
Nếu ở đất liền, bão vào đúng địa phương nào đó, thì di chuyển cả địa phương đó đi đâu để tránh.