Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

TÂY NGUYÊN VẤN ĐÁP



Ông Kế là bạn tôi, ông ấy viết chân dung tôi theo lối Umua, chứ tôi thấy bạn bè tôi rất nhiều người béo tốt và văn chương thơ phú của họ vẫn nhẹ nhõm và hay. Cái thời nhà thơ đồng nghĩa với gầy gò nhếch nhác thậm chí bẩn bẩn qua rồi. Rất nhiều nhà thơ hôm nay luôn mặc comple, vặn vô lăng vèo vèo. Tôi cũng không ngoài quy luật ấy. Thực ra thì tôi là người chỉn chu từ lâu rồi, chưa khi nào bị coi là nhếch nhác lôi thôi cả...
-------------
(hì hì giả nhời báo Nhân Dân)


1.

Chúc mừng ông vừa đạt giải nhì (không có giải nhất) phóng sự, bút ký của Báo Người Lao Động. Ông nghĩ sao khi có người nói, hiện nay ông là một trong số ít nhà báo, nhà thơ hiểu nhiều nhất về Tây Nguyên. Và viết về những gì hiểu tường tận, như trong bài “Đau đáu Tây Nguyên” của ông, thì rất dễ ăn giải. Ông nghĩ sao ạ?

          Hiểu về Tây Nguyên thì chả phải chỉ mình tôi đâu, nhiều người hiểu rất sâu nữa. Nhưng tôi có điều kiện thể hiện những gì tôi biết về Tây Nguyên hơn họ, thế thôi. So với các nhà nghiên cứu chuyên sâu thì tôi chỉ là học trò, nhưng tôi có điều kiện hóa giải những điều tôi biết thành những bài báo, bài thơ giản dị, chứ tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều người lắm.
          Tôi viết rất nhiều về Tây Nguyên nhưng đến cái “Đau đáu Tây Nguyên” vừa rồi thì mới… vô tình được giải, thế thì cũng không phải là “rất dễ ăn giải” đâu bạn ạ.

2.
Không chỉ thành công với báo chí, mà thơ ông viết về Tây Nguyên cũng khẳng định “chất” riêng. Có người nói, ông may mắn được sinh ra ở mảnh đất màu mỡ, và cứ thế, nhờ mảnh đất đó mà thơ văn phát tiết. Như thế có đúng không ạ?

          Đã có lần tôi phát biểu rằng, chính Tây Nguyên là mảnh đất giúp tôi trở thành nhà thơ dù tôi tập làm thơ từ hồi còn là học sinh phổ thông ở Thanh Hóa. Vì thế ngoài quê gốc ở Huế, tôi vẫn luôn nhận Gia Lai là quê hương thứ 2 của tôi. Chính từ nơi này mà tôi trưởng thành và trở thành “tôi” hôm nay, dù văn hóa các vùng Ninh Bình (quê ngoại), Huế (quê cha) và Thanh Hóa (nơi sinh) vẫn thấp thoáng trong các tragh viết của tôi.
          Tôi đã có rất nhiều cơ hội để chuyển đến các thành phố lớn, nhưng cuối cùng, bây giờ tôi vẫn ở đây, và có lẽ sẽ ở đây khá lâu nữa dù các con tôi hiện giờ đều ở thành phố Hồ Chí Minh…

3.
Và cũng phải khẳng định, chính mảnh đất Tây Nguyên đã làm nên tính cách ông, một “giang hồ Tây Nguyên”. Ông nghĩ sao ạ?

          Bạn bè cứ hay gọi đùa tôi là “giang hồ Tây nguyên” chứ thực ra tôi khá hiền lành. Họ gọi thế có lẽ là do cái sự xả thân vì bạn bè của tôi. Nhà tôi ở Pleiku, cái thời còn bao cấp, ở nhà tập thể vách liền vách ấy, từng là nơi chốn đi về trú ngụ của rất nhiều văn nhân kẻ sĩ cả nước. Ngủ nền nhà xi măng, có gì ăn nấy, rượu lúc nào cũng sẵn, chăn màn 3, 4 cái… đủ để bạn bè ăn dầm ở dề. Nhưng giờ thì khác rồi, bạn bè có đến thì họ cũng ở khách sạn rồi hú nhau, tuy vậy cái sự quý bạn thì tôi vẫn như xưa…
          Cũng có thể tại cái tính tôi hay xê dịch. Cứ có điều kiện là tôi nhao xuống làng, cũng thế, tôi sẵn sàng đi tỉnh này tỉnh khác mỗi khi có điều kiện. Cũng có thể nữa, là cái sự thật thà không tính toán của người Tây Nguyên nói riêng, người miền Nam nói chung đã nhập vào tôi, nó khác cái kiểu nói phải dè chừng, phải nhìn trước ngó sau của một số vùng miền Bắc. Ngay khi cần uống cũng thế, hết mình, chứ không “để dành” sức khỏe cho trận sau…

4.
Vậy, cho đến lúc này, ông thấy còn điều gì đau đáu mà chưa thể làm cho quê hương, mảnh đất mà mình yêu quý?

        Nhiều chứ. Tây Nguyên được cũng nhiều mà mất cũng lắm. Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào Tây nguyên. Có nhiều thứ đầu tư đúng và trúng, nhưng cũng có những sự đầu tư lãng phí, chưa kể nó đụng chạm đến văn hóa. Trong ứng xử chúng ta còn nước lớn, còn áp đặt. Rất nhiều chủ trương có ý tưởng tốt, có trách nhiệm, nhưng chỉ vì chúng ta chưa hiểu hết phong tục tập quán, những phong cách sống, những sâu xa văn hóa… nên dẫn đến những sai lầm. Chúng ta đã làm thay trong khi lẽ ra chúng ta chỉ là người khích lệ. Không thể làm thay văn hóa cũng như không thể dùng văn hóa này thay thế văn hóa khác, bởi văn hóa nó gắn với những con người và vùng đất cụ thể. Đành rằng phát triển luôn đối lập với bảo tồn, dễ phá vỡ bản sắc, nhưng tôi thấy bên cạnh quy luật tự nhiên, một cách chủ quan, chúng ta đã dùng ý muốn của mình tác động đến văn hoá truyền thống và vì thế, đã tác động đến sự tan vỡ của văn hóa truyền thống khá nhiều.
 
Xã hội chúng ta đang có rất nhiều biến động. Những biến động của quy luật khi văn hóa phải chống chọi với văn minh, với sự phát triển và bảo tồn khi chưa được chuẩn bị những kiến thức đầy đủ cũng như những ứng xử phải lẽ với những truyền thống . Nhưng cũng có những biến động rất khốc liệt do chính chúng ta gây ra từ những chủ trương cụ thể, mà phá rừng và làm thủy điện là ví dụ.
5.
Nguyễn Tham Thiện Kế, khi viết về ông, từng nhủ: “Trông phát tướng phát tài thế kia mà lại làm thơ được nhỉ? Mà lại là thơ hay mới sợ”! Vậy cứ viết văn, làm thơ hay thì không được phát tướng phát tài?

          Ông Kế là bạn tôi, ông ấy viết chân dung tôi theo lối Umua, chứ tôi thấy bạn bè tôi rất nhiều người béo tốt và văn chương thơ phú của họ vẫn nhẹ nhõm và hay. Cái thời nhà thơ đồng nghĩa với gầy gò nhếch nhác thậm chí bẩn bẩn qua rồi. Rất nhiều nhà thơ hôm nay luôn mặc comple, vặn vô lăng vèo vèo. Tôi cũng không ngoài quy luật ấy. Thực ra thì tôi là người chỉn chu từ lâu rồi, chưa khi nào bị coi là nhếch nhác lôi thôi cả.


6
Riêng về văn chương, theo ông, các tác giả nào đang tâm huyết với văn học thiểu số? Và ông ấn tượng thật sự với những tác giả nào?

          Rất nhiều, nhất là các nhà văn phía Bắc. Ở Tây Nguyên thì hầu hết bạn bè tôi đều là người tâm huyết, kể tên không hết đâu. Tất nhiên mỗi người có cách tiếp cận riêng, và sự thành công thất bại cũng khác nhau. Nhưng dù thành công hay thất bại họ cũng góp cho văn đàn những giọng điệu riêng để hợp thành một mảng văn học dân tộc thiểu số trong dàn đồng ca văn học Việt Nam nói chung.
          Tôi kể một ví dụ nhé. Tôi biết có 1 anh bác sĩ quê Quảng Nam giờ đang làm việc ở huyện Chư Sê, Gia Lai. Anh này rất giỏi tiếng Jrai, và cứ ngày nghỉ là lại lang thang vào làng. Sau lưng là ba lô dụng cụ khám bệnh, trước ngực là cây ghi ta, anh này vừa đi khám bệnh vừa hát cho dân làng nghe, và cũng học rất nhiều dân ca từ dân làng. Tôi chưa thấy ai yêu văn hóa Tây Nguyên (và cả yêu văn chương) như anh ấy. Những gì tôi viết khi post lên mạng anh âý đều đọc và nhắn tin góp ý cho tôi, nhất là về khoản phong tục Tây Nguyên, dù tôi mới gặp nhõn một lần cách đây cũng mười mấy năm rồi. Tôi biết anh ấy cũng đang âm thầm viết nhưng bí mật chưa công bố. Tôi nghĩ chỉ cần anh ấy ghi lại những gì mình thấy và nghe suốt mấy chục năm lăn lộn như thế cũng thành tác phẩm hay rồi…

7.
Trong tiến trình phát triển của văn học nước nhà, liệu văn học dân tộc thiểu số có phải đang bị đứng bên lề? Nếu đúng thì vì sao vậy ạ?

          Tôi cho là không đến nỗi bị bên lề đâu. Hiện tại rất nhiều tác giả sung sức là người dân tộc thiểu số hoặc viết về vùng đất ấy, nhiều tác giả nhắc tên họ là người đọc biết ngay như Cao Duy Sơn, Đoàn Hữu Nam, Đỗ Thị Tấc, Lò Cao Nhum, Tống Ngọc Hân… (phía Bắc), Tạ Văn Sĩ, Nie Thanh Mai, Inrasara, Phạm Đức Long, Thu Loan, Linh Nga Niekdam… (Miền Trung Tây Nguyên). Nhưng đúng là luôn luôn có những khó khăn riêng của những người viết dân tộc thiểu số. Ví dụ viết bằng tiếng mẹ đẻ, hoặc dịch sang tiếng dân tộc, nhưng ai đọc được những tác phẩm ấy vì một số dân tộc mới chỉ có tiếng nói chứ chưa có chữ viết. Và người dân tộc thiểu số cũng chưa có thói quen mua sách, mà phát không cho họ thì phải có ai đó bỏ tiền ra in.
 “Ai" chính là một dấu hỏi to tướng mà bản thân người viết không tự trả lời được.

8.

Có bao giờ, ông nghĩ sẽ làm một công trình nghiên cứu, hay đại loại là một cuốn sách đầy đặn, nhiều tâm sức quảng bá hình ảnh và những vẻ đẹp dung dị của Tây Nguyên?



          Hầu như ai làm nghề viết đều có mong muốn  như thế, còn lúc nào thực hiện được lại là việc khác. Bởi thực sự thì bây giờ người viết có được toàn tâm toàn ý làm điều mình thích đâu. Phần lớn họ là cán bộ nhà nước, viết chỉ là tay trái dù họ là nhà văn chuyên nghiệp. Một số không phải cán bộ thì phải kiếm sống.

Tôi thì hiện là công chức của Hội VHNT Gia Lai, cũng phải làm đủ thứ việc hành chính, tất nhiên như nói ở trên, tôi vẫn còn may mắn là có điều kiện hơn những người khác vì đang là Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, vừa gần với công việc vừa có điều kiện làm việc. Nhưng kể cả có công trình ấy rồi thì việc công bố nó hoàn toàn là vấn đề không đơn giản. Tôi, và nhiều đồng nghiệp, vẫn còn nhiều thảo mà đã có điều kiện để công bố đâu?

9.
Thưa nhà thơ, theo ông, còn mảng đề tài nào về Tây Nguyên mà văn học chưa khai thác, hoặc chưa chạm đến ạ?

          Còn rất nhiều. Tây Nguyên rộng lớn như thế, mênh mông như thế, những gì mà các nhà văn đã viết về Tây Nguyên mới chỉ là cái lá giữa rừng.

-Xin cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng!


Người phỏng vấn
Nguyễn Văn Học
Báo Nhân Dân


 




3 nhận xét:

Alo nói...

Complete, không có comple!

Bình Luyến nói...

VCH ơi! Tớ lên GLO đọc thấy Tòa án GL xử vụ cô Phượng gì đấy, chiếm dụng đến mười mấy tỷ của công trình đường sá vùng sâu, vùng xa tây nguyên, rồi đi mua xe tặng cho ông GĐ sơ KH-ĐT 1, 7 tỷ, chuyển khoản quá chừng luôn. Vả lại, có ông GĐ cái sở Văn Hóa mình nữa buồn quá VCH ơi (120 triệu). Sở Văn hóa nó cũng gần như cái sở Văn học Nghệ thuật ta rồi VCH.huhu... Có phải cái ông hôm nọ duyệt 'vụ Bok Núp sống lại" không nhỉ?

yamaha nói...

Bác lại tự sướng nhé ! Hehe...